Vòng loại thứ 3 World Cup 2022: Chờ những phút "lóe sáng"!
Ngày 2-9, Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) sẽ bắt đầu hành trình vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á với chuyến làm khách tại Saudi Arabia. Rất nhiều người kỳ vọng "vận son" của HLV trưởng Park Hang Seo tiếp tục được phát huy và chúng ta sẽ làm được "một điều gì đó" ở sân chơi lịch sử này.
Tuy nhiên, nếu không có những cái nhìn chính xác về mình, về người, rất có thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái cực đoan này sang trạng thái cực đoan khác, vừa không có lợi cho sự phát triển nền bóng đá, vừa không có lợi cho cảm xúc của chính mình.
Từ trận đấu lộ rõ khoảng trống đẳng cấp
Rất nhiều người nhìn vào trận thua sát nút 2-3 của ĐTVN trước Đội tuyển chủ nhà UAE ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á để nói rằng chúng ta cũng không thua kém đối thủ bao xa. Lại có người nhìn vào 2 bàn thắng trên sân khách rồi so sánh với trận lượt đi mà chúng ta thắng 1-0 trên sân Mỹ Đình để "phán" rằng sau 2 lượt trận, chúng ta vẫn là người chiến thắng sau cùng.
Trong bóng đá cũng như trong cuộc đời, những con số nhiều lúc "có tiếng nói", nhưng nhiều lúc cũng thường "đánh lừa" người quan sát. Ví dụ như trận thua 2-3 vừa dẫn ở trên, đấy là trận thua mà chúng ta ghi được 2 bàn danh dự trong những phút cuối, sau khi đối thủ đã dẫn no nê 3 bàn, và chủ quan ra mặt. Và nếu chịu khó xem lại 2/3 thời gian bóng lăn, khi chúng ta thua 3 bàn và có thể còn thua đậm hơn nếu không có một thủ thành xuất sắc thì phải thừa nhận: đối thủ vượt trội chúng ta về đẳng cấp. Họ kĩ thuật hơn ta, thể lực tốt hơn ta, di chuyển không bóng nhuần nhuyễn hơn ta. Và tất cả những cái đó cộng lại dẫn đến một thực tế: họ không cho ta có đất và có thời gian chơi bóng.
Phân tích thẳng thắn lại điều này không phải để hạ bệ chiến tích vượt qua vòng loại thứ 2 của ĐTVN - một chiến tích thực sự rất đáng tự hào, mà là để thấy rằng sau cái khoảnh khắc bay bổng với chiến tích này thì phải hết sức thực tế: ở vòng loại thứ 3, tất cả đối thủ chúng ta gặp đều có trình độ cỡ UAE trở lên. Nếu không tin có thể tham khảo thứ hạng hiện tại trên bảng tổng sắp FIFA, nơi mà Nhật Bản đứng ở vị trí 24, Australia đứng ở vị trí 35, Saudi Arabia đứng ở vị trí 61, Trung Quốc đứng ở vị trí 71, Oman đứng ở vị trí 79, trong khi chúng ta đứng ở vị trí… 92.
Tất nhiên, trong rất nhiều trường hợp, cái bảng xếp hạng của FIFA chỉ có ý nghĩa tham khảo không hơn không kém; và trong rất nhiều trường hợp khác, người ta đã chứng kiến chiến thắng oanh liệt của một đội bóng trước một đội bóng khác đứng cao hơn mình hàng chục bậc trong bảng xếp hạng này, nhưng ở thời điểm hiện tại thì độ vênh thực lực nền bóng đá Việt Nam với 5 nền bóng đá nêu trên là điều ai cũng thấy. Do vậy, xét ở phương diện đẳng cấp, chứ không phải những trận đánh cụ thể với những mối tương quan cụ thể thì bảng xếp hạng FIFA trong trường hợp này diễn tả rất đúng và rất trúng vấn đề.
Vòng loại World Cup thứ 3, mỗi đội sẽ đá cả thảy 10 trận, và để đạt được 2 vị trí cao nhất sau 10 trận thì rõ ràng tiếng nói đẳng cấp sẽ có ý nghĩa vô cùng quyết định. Anh cả một thời của bóng đá Đông Nam Á - Đội tuyển Thái Lan là người hiểu hơn ai hết ý nghĩa quyết định này. Vòng loại thứ nhất rồi thứ hai World Cup 2018 khu vực châu Á, Thái Lan dưới thời ông thầy Kiatisak chơi một thứ bóng đá tấn công ấn tượng, và giành hàng loạt chiến thắng để vào vòng loại thứ 3.
Nhưng đến vòng loại thứ 3, trước những đối thủ vượt trội tầm châu lục, Thái Lan gồng lên cũng chỉ giành được 2 trận hòa. Thời điểm ấy, những nhà làm bóng đá Thái đổ lỗi cho năng lực cầm quân của Kiatisak, và cho rằng Đội tuyển Thái cần một ông thầy tầm thế giới để không lặp lại những thất bại tương tự. Nhưng hết Rajevac đến Nishino - những ông thầy từng dự World Cup được mời về, mà bóng đá Thái cũng chẳng khá hơn, thậm chí còn có nhiều phần đi xuống. Thành thử vấn đề không phải là thầy nội hay thầy ngoại, điều quan trọng nhất trong những chiến dịch dài hơi với tổng cộng 10 trận đánh như ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, chính là đẳng cấp.
Đến những khó khăn về nhân sự
Bên cạnh câu chuyện đẳng cấp, cái khó lớn nhất của thầy trò HLV Park Hang Seo lúc này là V.League phải tạm hoãn, khiến các cầu thủ không có cảm giác thi đấu thường xuyên. Tình hình dịch bệnh kéo dài cũng khiến Đội tuyển chủ yếu phải "tập chay" và đá đối kháng với Đội tuyển U.23, thay vì được cọ xát với những "quân xanh" đủ tầm. Đã thế "át chủ bài" Hùng Dũng vẫn chưa thể trở lại sau chấn thương, và đây có thể sẽ là chỗ khiến ông Park đau đầu nhất.
Các trận đấu ở vòng loại thứ 2 với Indonesia, Malaysia, UAE, ông Park sử dụng các cặp tiền vệ tổ chức khác nhau, nhưng thực sự vẫn chưa ai có thể lấp được cái khoảng trống mà một cầu thủ thông minh và có tầm hoạt động rộng như Hùng Dũng để lại. Một trong những vấn đề lớn nhất mà ĐTVN thể hiện ở vòng loại thứ 2 chính là việc thiếu một người cầm trịch đủ tầm.
Một chùm các tiền vệ mà ông Park có thể "ghép đôi" làm cặp tiền vệ trung tâm như Xuân Trường, Hoàng Đức, Quang Hải, Minh Vương đều thiên về tấn công. Đức Huy thủ tốt nhưng chấn thương khiến Huy bị "mất nhịp" khi được tung vào sân trở lại. Tuấn Anh công thủ toàn diện, chuyển trạng thái tốt nhưng với Tuấn Anh, nỗi lo chấn thương cũng luôn là nỗi lo thường trực. Mới đây ông Park đã thử "giải quyết bài toán" bằng cách kéo trung vệ Duy Mạnh lên cao, nhưng đáp số của bài toán này thế nào còn phải chờ thực chiến trả lời.
Trong thế trận phòng ngự phản công mà ông Park xây dựng thì việc thoát Pressing, chuyển từ thủ sang công có ý nghĩa sống còn. Trước những đối thủ cỡ Malaysia nó đã rất sống còn, trước những đối thủ như Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, nó còn có ý nghĩa sống còn hơn. Và để thực hiện công việc mang tính cầu nối sống còn ấy, vai trò của cặp tiền vệ trung tâm là cực lớn. Tất nhiên, không có "cột cờ" thì vẫn cứ phải so bó đũa chọn "cột cờ", và đấy là nhiệm vụ tất yếu của các nhà cầm quân. Những chọn lựa của thầy Park về mặt nhân sự và cách chơi trong trường hợp này vì thế là rất đáng chờ đợi.
Những toan tính để chơi tốt nhất
Trận ra quân với Saudi Arabia kỳ này làm nhiều người nhớ lại trận gặp chính Saudi Arabia tại vòng loại giải bóng đá châu Á năm 2001. Hồi ấy HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam là ông thầy Dido người Brazil. Trước trận đấu, khi được hỏi, "Đội tuyển Việt Nam sẽ đá kiểu gì?", ông Dido mở bài: Sẽ đá đôi công. Ông lý luận rằng chẳng có lý do gì mà mình không dám đá đôi công với họ.
Thực tế sau đó chúng ta thua 4 bàn, và ai cũng thấy đôi công là tự sát. Dưới trào một ông thầy nổi tiếng là cẩn thận và chuyên bày trận ở thế "cửa dưới" như Park Hang Seo, càng không có chuyện ĐTVN đá đôi công. Có nhắm mắt lại người ta cũng sẽ nghĩ đến viễn cảnh một đội bóng chơi thứ bóng đá chịu đựng với hy vọng "chộp giật" cơ hội ăn bàn. Thực tế đó là một tính toán đúng trong bối cảnh trình độ đôi bên khá vênh nhau.
Bên cạnh những tính toán về chiến thuật sẽ là những tính toán về tinh thần, để làm sao các cầu thủ không áp lực. Thực tế các Đội tuyển Việt Nam dưới trào thầy Park rất ít khi bị áp lực, bởi thứ nhất đây là một thế hệ Nam chinh Bắc chiến, và không ngại những đối thủ trội hơn mình, thứ hai, bản thân thầy Park cũng làm công tác tư tưởng tinh thần rất tốt. Nhưng vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á lại là một trải nghiệm lịch sử.
Những kỳ vọng lớn lao của một bộ phận không nhỏ người hâm mộ lên "cánh cửa lịch sử" có thể lại làm các cầu thủ áp lực. Tất nhiên, áp lực vừa phải để có thể vượt lên chính mình thì rất tốt, nhưng áp lực quá đà lại có thể khiến những đôi chân không còn là những đôi chân của mình. Thành thử, điều tốt nhất mà Đội tuyển cần hướng đến lúc này không hẳn là nhất định phải giành được 3 điểm trước đội này đội kia - điều mà thực ra ai cũng mong muốn, mà là phải làm sao có thể vào trận một cách thoải mái để có thể chơi đúng thứ bóng đá của mình.
Giữ được một cái đầu như thế, biết đâu chúng ta sẽ có được những phút loé sáng. Mà chỉ cần giữ vững được tinh thần thi đấu và thể hiện được những phút loé sáng cũng là hạnh phúc lắm rồi! Loé sáng để giới mộ điệu châu Á hiểu rằng, đã có một Đội tuyển Việt Nam khác trước rất nhiều.