“Vỏ dưa, vỏ dừa” và cuộc chiến không hồi kết

Thứ Năm, 27/04/2023, 07:17

Những tưởng cuộc chiến tại Afghanistan của người Mỹ đã khép lại sau khi quân đội Mỹ rút khỏi đây tháng 8/2021, nhưng thực tế cho thấy, "vũng lầy Afghanistan" sẽ còn tiếp tục ám ảnh nước Mỹ trong nhiều năm tới.

Một chính quyền không đáng tin cậy

Taliban nắm quyền trở lại ở Afghanistan vào tháng 8/2021 sau những thỏa thuận của lực lượng này đối với chính quyền Mỹ, rằng họ sẽ đảm bảo không cho đất nước này trở thành "hang ổ của chủ nghĩa khủng bố". Đây là thông tin đã được xác nhận trong báo cáo giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 6/4/2023 vừa qua.

Theo đó, thỏa thuận giữa chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump với "cựu thù của nước Mỹ" là Taliban hồi tháng 2/2020 cho phép Mỹ tiến hành rút quân khỏi đất nước Nam Á này sau gần 2 thập kỷ sa lầy. Khi đó, người Mỹ hy vọng việc nhường quyền quản lý đất nước cho lực lượng Taliban sẽ đảm bảo được an ninh trong nước mà không cần đến sự can dự của quân đội Mỹ nữa. Bản thân Taliban "phiên bản 2.0" khi đó cũng đưa ra những lời hứa thay đổi.

“Vỏ dưa, vỏ dừa” và cuộc chiến không hồi kết -0
ISIS-K ngày càng lớn mạnh, thách thức vị trí của Taliban.

Thế nhưng, sau 1 năm rưỡi nắm quyền, tất cả những gì Taliban làm được chỉ là việc vứt bỏ những cam kết trước đó của mình.

Lời cam kết đảm bảo an ninh có thể coi là thất bại đầu tiên. Số vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan không có chiều hướng giảm, dù Taliban tuyên bố không để Afghanistan trở thành nơi nuôi dưỡng khủng bố, gây hại cho các nước láng giềng. Tình hình tồi tệ đến mức Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 28/3 vừa qua đã phải lên án mạnh mẽ "các vụ tấn công khủng bố liên tiếp" nhằm vào dân thường, trong đó có vụ tấn công tại chính Bộ Ngoại giao nước này hôm 27/3 làm ít nhất 6 người thiệt mạng.

Taliban cũng đã hứa xây dựng một nền pháp quyền cho Afghanistan. Nhưng, cuối cùng, điều mà thế giới thấy lại là một quốc gia bị chia rẽ bởi những nhóm chính trị khác nhau. Người ta vẫn thấy tổ chức khủng bố Haqqani, một nhánh cực đoan của Taliban hoạt động công khai. Bên cạnh đó là ISIS-K, một chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng gia tăng sự hiện diện.

Giới phân tích cho rằng, Taliban thất bại cả trong điều hành đất nước lẫn đảm bảo an ninh, bởi họ đã thất bại trong quá trình chuyển đổi từ lực lượng quân sự trở thành một chính phủ với đầy đủ chức năng. Họ cũng thất bại trong quá trình tách khỏi mạng lưới khủng bố toàn cầu với những nhà ủng hộ giấu mặt, điều đã đưa họ tới vị thế hiện nay. Sự điều hành yếu kém của chính quyền Taliban đang đẩy Afghanistan vào hoàn cảnh bi đát về kinh tế và xã hội.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá: 97% dân số Afghanistan đang sống trong tình trạng nghèo đói và có xu hướng trở nên cùng cực, 23 triệu người cần hỗ trợ lương thực thường xuyên và khoảng 95% dân số không đủ ăn mỗi ngày. Đây chính là tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ bậc nhất thế giới hiện tại.

“Vỏ dưa, vỏ dừa” và cuộc chiến không hồi kết -0
Vụ đánh bom ở trụ sở Bộ Ngoại giao Afganistan khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải lên tiếng.

Một cam kết khác của Taliban khi trở lại Kabul là chế độ hiện nay sẽ không khắc nghiệt với phụ nữ, trẻ em gái, cũng như các nhóm thiểu số. Thế nhưng, điều ngược lại đang hiển hiện khi phụ nữ bị hạn chế đi làm, hạn chế xuất hiện nơi công cộng, còn các trường nữ sinh thì bị đóng cửa. Tháng 12/2022, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, ngoại trừ Liên hợp quốc. Động thái này khiến hàng loạt tổ chức nhân đạo quốc tế phải rút khỏi Afghanistan.

Mới đây nhất, hôm 4/4/2023, người phát ngôn Liên hợp quốc - ông Stephane Dujarric cho biết: “Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) đã nhận được yêu cầu của Taliban cấm các nữ nhân viên người Afghanistan của Liên hợp quốc làm việc”.

Dường như, Taliban đang mắc kẹt trong sự mâu thuẫn về hệ giá trị của chính mình. Có những quan điểm trong chính lực lượng này muốn cởi mở hơn nhưng bản chất đích thực của Taliban phải chăng vẫn là chế độ Hồi giáo hà khắc và cực đoan?

Kẻ thủ ác trỗi dậy

Việc bất hợp tác với thế giới và vi phạm những lời hứa với chính dân chúng của mình đã khiến cho chính quyền Taliban mất đi khả năng kiểm soát đất nước. Đói nghèo cùng cực, mâu thuẫn gia tăng chính là cơ hội để lực lượng khủng bố trỗi dậy. Một làn sóng ám sát mới nhằm vào các quan chức hàng đầu của Taliban đã làm rung chuyển nhiều khu vực trên khắp đất nước trong thời gian qua.

Hôm 9/3/2023, ISIS-K đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết giết chết Mohammad Dawood Muzammil, Thống đốc Taliban của tỉnh Balkh ở miền Bắc Afghanistan, cùng 2 người khác. Một ngày trước đó, các chiến binh của nhóm đã thực hiện vụ giết người có chủ đích nhằm vào người đứng đầu cơ quan hành chính ở tỉnh Herat, phía Tây Afghanistan. Sau đó vài ngày, hôm 15/3, cuộc tấn công khác nhằm vào quận trưởng ở Nangarhar (dù thất bại) cũng khiến cho chính quyền ở Kabul phải lo lắng, bởi đây vốn là thành trì của Taliban.

Mới đây, những vụ đánh bom ở Kabul cũng được cho là thực hiện bởi những kẻ có liên hệ với ISIS-K. Được thành lập năm 2015 bởi một nhóm bất mãn với chính quyền cũ ở Kabul hướng tới việc thành lập Nhà nước Hồi giáo thống nhất của đạo Hồi, ISIS-K coi cả Mỹ và Taliban là kẻ thù của mình. Khác với cuộc đối đầu với Mỹ, ISIS-K chủ yếu là đối kháng với Taliban để giành lãnh thổ và ảnh hưởng, đặc biệt là ở miền Đông Afghanistan.

Các nhà lãnh đạo ISIS-K nói rằng phiên bản cai trị Hồi giáo của Taliban là không đủ cứng rắn và đặc biệt tố cáo lực lượng này "hợp tác" với Mỹ. Việc Taliban chấp nhận đầu tư hoặc nhận viện trợ từ các chính phủ "ngoại đạo" hoặc kẻ thù là điều không thể chấp nhận được. Chính điều đó đã biến Taliban thành kẻ thù của ISIS-K. Tuy chưa đủ khả năng đối đầu quân sự lớn với Taliban, nhưng thông qua những hành động ám sát (một vũ khí cơ bản trong học thuyết nổi dậy của IS), ISIS-K đạt được nhiều mục đích của mình. Một mặt phá hoại chính quyền Taliban, trả đũa những tổn thất khi Taliban tấn công vào những hang ổ của IS.

Thống đốc Muzammil, người bị ám sát hôm 9/3 được coi là đối thủ cứng rắn với ISIS-K. Mặt khác, ISIS-K thông qua những hành động đó khuếch trương sức mạnh, tuyển mộ thêm tình nguyện viên cũng như thu hút sự chú ý và nguồn tài trợ từ những nhà lãnh đạo IS.

Nỗi lo lắng trở lại

Vào tháng 2/2020, sau khi tiêu diệt được Abu Bakr al-Baghdadi, người sáng lập và lãnh đạo IS, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố: "Chúng tôi đã xóa sổ vương quốc của ông ta, 100%". Đúng là trong giai đoạn từ 2018-2021, những cuộc tấn công vào IS từ khắp nơi trên thế giới đã làm suy yếu lực lượng này đáng kể. Ngay cả lực lượng của ISIS-K cũng không còn lớn mạnh như trước. So với khoảng 3.000 đến 4.000 chiến binh ở thời kỳ đỉnh cao thì quân số ISIS-K đã giảm một nửa, sau khi nhóm này trở thành mục tiêu của các cuộc không kích của Mỹ và các cuộc đột kích của biệt kích Afghanistan.

Nhưng, kể từ khi Taliban lên nắm quyền, tình thế đã khó đoán định hơn rất nhiều. Sự trỗi dậy của ISIS-K ở Afghanistan là điều đã được cảnh báo. Một báo cáo từ Viện Hòa bình Mỹ (USIP) có tiêu đề: "ISIS là vấn đề của hôm qua, hôm nay và ngày mai" công bố tháng 7/2022 đưa ra nhận định: Sức mạnh của ISIS ở khu vực Trung Đông có dấu hiệu suy giảm do sự phối hợp của các nước, nhưng tình hình tại Afghanistan thì bắt đầu có chuyển biến xấu do "sự yếu kém của Taliban".

Nên nhớ, mục tiêu cuối cùng của IS vẫn là tấn công vào Mỹ và đồng minh, cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Afghanistan chỉ là một phần trong chiến lược toàn cầu của IS, với ISIS-K là đại diện. Vụ tấn công tiêu diệt Bilal al_Sudani, một trùm khủng bố bị truy nã ở Somalia hôm 25/1/2023 đã làm lộ ra những mối liên hệ của kẻ lãnh đạo phân nhánh IS này với ISIS-K. Báo cáo tình báo Mỹ vào tháng 2/2023 đã cảnh báo về mong muốn tấn công phương Tây của ISIS-K, dấu hiệu cho thấy tổ chức này đã mạnh mẽ và tham vọng hơn nhiều.

Vào ngày 16/3 vừa qua, chỉ huy Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), tướng Michael Kurilla đã phải thừa nhận trước quốc hội: "ISIS-K sẽ có thể tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây bên ngoài Afghanistan trong vòng chưa đầy 6 tháng". Cho dù đánh giá này có chính xác hay không thì những vụ ám sát gần đây của ISIS-K là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng của lực lượng này ở Afghanistan.

Vấn đề là khi mà Taliban không còn cho thấy khả năng ngăn chặn thì Mỹ lại không còn một "vũ khí" hữu hiệu nào để làm việc này. Trong tình huống xấu nhất, ISIS-K đủ sức lớn mạnh để đánh bại Taliban và xây dựng một Nhà nước Hồi giáo như kế hoạch của mình, rất có thể nước Mỹ sẽ lại một lần nữa phải can thiệp vào một vùng đất mà họ chỉ vừa mới rút chân ra.

Tử Uyên
.
.