“Võ đài” Shangri La

Thứ Hai, 27/06/2022, 09:05

Trong một thế giới đang biến động hằng ngày, thậm chí hằng giờ, một cơ cấu đối thoại như Diễn đàn Đối thoại Shangri La là cơ hội hiếm hoi để các bên có thể trình bày một cách thẳng thắn quan điểm đối với tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như quốc tế...

Nơi va đập các quan điểm

Trong cả chuỗi khách sạn hạng sang cùng tên phân bổ trên khắp thế giới, có lẽ khách sạn nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhất là Shangri La ở Singapore. Lý do vì tên khách sạn được đặt cho sự kiện đối thoại chính trị an ninh mang tầm cỡ thế giới có tên là Đối thoại Shangri La.

Được xây dựng từ năm 1965 và hoàn thiện năm 1985, kể từ năm 2002, khách sạn Shangri La Singapore là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, tập hợp đông đảo các chính khách hàng đầu - kể cả các nguyên thủ - của các siêu cường khu vực cũng như thế giới. Đây cũng là diễn đàn mà các nhà hoạch định chính sách, tướng lĩnh quân sự, các chiến lược gia, học giả, cựu quan chức chính phủ, nhà báo... từ khắp nơi trên thế giới tụ về để trao đổi các vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị quốc tế.

Trong một thế giới đang biến động hằng ngày, thậm chí hằng giờ, một cơ cấu đối thoại như Diễn đàn Đối thoại Shangri La là cơ hội hiếm hoi để các bên có thể trình bày một cách thẳng thắn quan điểm đối với tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như quốc tế.

“Võ đài” Shangri La -0
An ninh được thắt chặt nơi diễn ra sự kiện.
Đương nhiên, là một diễn đàn mở nên Đối thoại Shangri La cũng là nơi va đập của các quan điểm khác nhau, thậm chí là đối nghịch. Trong nhiều năm trời, mối quan hệ cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khi biến Đối thoại Shangri La trở thành “võ đài” đấu khẩu giữa đại diện của hai bên.

Mỹ, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, luôn nắm giữ vai trò dẫn dắt một khối địa chính trị phương Tây, hết sức cảnh giác với sự lớn mạnh ảnh hưởng không ngừng của Trung Quốc. Trong khi đó thì Trung Quốc, với nền kinh tế có những bước phát triển mạnh mẽ, đã vượt qua Nhật Bản và trở thành đối thủ bám đuổi Mỹ sát sao, cũng không còn hài lòng với chiếc áo quá chật là “nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới”.

Tham vọng của Bắc Kinh ngày càng lớn dần, mở rộng sang các địa hạt chính trị, quân sự và điều không may (cho các nước láng giềng) là cả về lãnh thổ. Cách hành xử hung hăng của Bắc Kinh ở những vùng biển trong khu vực châu Á, trong đó có Biển Đông, đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc hết sức lo ngại. 

2 năm đại dịch COVID kéo dài đã khiến cho Đối thoại Shangri La bị gián đoạn, không thể tổ chức được. Năm nay, Đối thoại Shangri La quay trở lại và những vấn đề an ninh nổi cộm tiếp tục biến diễn đàn này thành nơi đấu trí và đấu khẩu giữa các cường quốc.

“Chỉ mạ mắng hòe”

Theo thông lệ, ở các kỳ Đối thoại Sangri La đều mời một diễn giả, thường là nhân vật quan trọng của một quốc gia nào đó, đọc bài phát biểu chính (keynote). Năm nay, người được mời là ông Fumio Kishida, Thủ tướng Nhật Bản.

Trong bài phát biểu của mình, ông Fumio Kishida trình bày những điểm cơ bản trong chính sách đối ngoại của Tokyo, trên 5 trụ cột chính là duy trì trật tự quốc tế mở và tự do dựa trên luật lệ; tăng cường an ninh của Nhật Bản, bao gồm củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ; thúc đẩy thế giới phi hạt nhân; tăng cường chức năng của Liên Hợp quốc, bao gồm cải cách Hội đồng Bảo an; thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh kinh tế. 

Trong nội dung tầm nhìn của Nhật Bản về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Thủ tướng Nhật Bản đã không ngần ngại chỉ ra những vấn đề an ninh nổi cộm trong khu vực liên quan đến tình trạng tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, hay tình trạng leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, ở khu vực Biển Hoa Đông vẫn tồn tại “các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và vi phạm luật pháp quốc tế”, đồng thời bày tỏ lo ngại tình trạng luật lệ quốc tế không được tôn trọng ở Biển Đông, vùng biển giữ vai trò then chốt trong an ninh năng lượng và lợi ích hàng hải của Nhật Bản.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo, tăng cường hiện diện tàu chấp pháp, tàu quân sự để áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý của mình ở khu vực Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông theo đơn kiện của Philippines.

“Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà mọi bên liên quan đã thống nhất sau nhiều năm đối thoại và cùng nỗ lực, cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, đều không được tuân thủ”, ông Kishida nói. Dù không nhắc một lời đến Trung Quốc nhưng tất cả đều hiểu “kẻ mà ai cũng biết là ai đó”!

“Võ đài” Shangri La -0
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Shangri La.

Thủ tướng Nhật Bản chốt lại: “Chúng ta cần tôn trọng luật lệ. Một nước không được quyền hành xử như thể luật lệ không tồn tại và cũng không được phép đơn phương thay đổi luật lệ. Một quốc gia muốn thay đổi luật lệ cần có sự đồng thuận của những nước khác”.

Bài phát biểu “chỉ mạ mắng hòe” của ông Kishida có lẽ đã làm kinh động nhân tâm các đại biểu trong đoàn đại biểu Trung Quốc nên trong phần hỏi đáp sau phát biểu, một câu hỏi từ phái đoàn Trung Quốc về quan hệ song phương Nhật-Trung đã đặt ra với Thủ tướng Nhật Bản. Ông Kishida không né tránh, trả lời trực diện: Tokyo vẫn “đấu tranh trên những phương diện cần đấu tranh”, đề nghị Bắc Kinh “hành động có trách nhiệm”, cả hai nước cần nỗ lực tạo mối quan hệ ổn định và có tính xây dựng.

Khẩu chiến Mỹ-Trung

Nhưng, nói gì thì nói, Đối thoại Shangri La vẫn luôn là “võ đài” thể hiện quan điểm đối đầu Trung-Mỹ. Đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua vô hình trung đã làm dịu đi sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước do cuộc thương chiến mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các tập đoàn của Trung Quốc như Huawei.

Sau 2 năm, khi Đối thoại Shangri La quay lại, sự va chạm trong quan điểm về an ninh giữa hai phía lại tiếp tục bộc lộ.

Trước khi có các bài phát biểu chính thức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp trực diện lần đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng và ông Lloyd Austin nhậm chức. Cuộc gặp gỡ kéo dài một tiếng đồng hồ thay vì 30 phút như dự kiến này được ông Ngụy sau đấy mô tả là “chân thật, chân thành” và “suôn sẻ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin là người phát biểu trước. Sự xuất hiện lần đầu tiên tại Đối thoại Shangri La của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không gây chú ý bằng việc ông sẽ nói gì về quan hệ Mỹ-Trung. Trong bài phát biểu, ông Lloyd Austin cho biết với việc Trung Quốc ngày càng “quyết đoán” hơn, đã có sự gia tăng “đáng báo động” về số vụ chạm trán không an toàn và thiếu chuyên nghiệp giữa máy bay, tàu thuyền Trung Quốc với máy bay và tàu thuyền của các nước khác. 

Những vụ việc gần nhất là máy bay tiêm kích Trung Quốc ngăn chặn các máy bay tuần thám của Australia và Canada trên Biển Đông, Biển Hoa Đông - các vùng biển Bắc Kinh có yêu sách lãnh thổ vô lý. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chính các hành động của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong phần hỏi đáp, khi được hỏi về việc Mỹ đã nhiều lần cảnh báo sẽ có “hậu quả” nếu Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa bất hợp pháp các thực thể trên Biển Đông nhưng vô ích, ông Austin cho rằng một điều mà ai cũng thấy chính là các nước ngày càng xích lại gần nhau hơn và làm việc cùng nhau “để bảo đảm bản thân có đủ năng lực bảo vệ lợi ích và lãnh hải của mình”.

Theo ông Austin, các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không nên bị đối mặt với bất kỳ sự đe dọa chính trị, cưỡng ép kinh tế hoặc quấy rối bởi dân quân biển của Trung Quốc.

Là người phát biểu sau, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã gay gắt đáp trả người đồng nghiệp Mỹ, bác bỏ “những lời cáo buộc, bôi nhọ, thậm chí đe dọa” trong bài phát biểu của ông Austin. “Chúng tôi đề nghị phía Mỹ dừng bôi nhọ và kiềm chế Trung Quốc, dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Quan hệ song phương không thể cải thiện nếu phía Mỹ không làm điều đó”, ông Ngụy nói.

Liên quan đến những yêu sách phi lý chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng, liên tục đưa máy bay và các tàu vào sát bờ biển của các nước liên quan, trong khi ngăn cản máy bay tuần tra của các nước trong không phận quốc tế theo cách nguy hiểm, ông Ngụy Phượng Hòa nói Trung Quốc “tôn trọng tự do hàng hải”, đồng thời chỉ trích bằng cách ám chỉ “một số cường quốc lâu nay vẫn thực hiện bá quyền trên biển với cái cớ tự do hàng hải. Họ phô trương cơ bắp bằng cách đưa tàu chiến và máy bay quân sự hoành hành ở Biển Đông”.

* * *

Thường xuyên bị chỉ trích ở Đối thoại Shangri La, từ năm 2006, Trung Quốc đã tạo ra Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh như một đối trọng với Shangri La nhằm truyền bá quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề an ninh. Ngay cả trong bối cảnh COVID-19 hoành hành, năm 2021, Trung Quốc vẫn tổ chức Diễn đàn Hương Sơn dưới hình thức trực tuyến. Năm 2022 này, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt chính sách “zero COVID” nên chưa biết có tổ chức Diễn đàn Hương Sơn hay không. Nếu được tổ chức, đó sẽ là một diễn đàn mà tiếng nói của Trung Quốc lại chiếm vai trò chủ đạo...

Yên Ba
.
.