Vì sao chức vụ có thể làm hư hỏng con người?

Thứ Năm, 10/04/2025, 08:55

Trong các ngày 31/3 và 3/4/2025, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã họp kỳ thứ 55. Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp này, UBKTTƯ đã xem xét, kết luận một số nội dung mà trong đó chủ yếu là đề nghị xử lý một số cán bộ lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý mà trong đó hầu hết là đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

1. Giữa tháng 3 vừa rồi, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các tỉnh liên quan, dư luận xôn xao và cực kỳ bức xúc trước "ngón tay trị giá 1 triệu USD" của bà Hoàng Thị Thúy Lan, người từng làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, và ngạc nhiên hơn là tỉnh này từng được khen thưởng vì thành tích "chống tham nhũng". 

Vì sao chức vụ có thể làm hư hỏng con người? -0
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Lê Duy Thành đã nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng cùng hàng triệu USD của Nguyễn Văn Hậu.

Trong 3 lần nhận tiền từ Tập đoàn Phúc Sơn, có một lần vào đầu giờ sáng ngày 19/3/2021, bà Lan gọi Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn (Hậu "pháo") đến nhà riêng và nói "chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu USD" và giơ 1 ngón trỏ bàn tay phải.

Còn ông Lê Duy Thành - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhận 4 lần, tổng số tiền 20 tỉ đồng và 1,3 triệu USD.

Hậu "pháo" cũng đưa 5 lần cho ông Phạm Hoàng Anh từ khi ông này là Giám đốc Sở Xây dựng đến khi là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc số tiền 5,4 tỉ đồng và 700.000 USD.

Chỉ một dự án chợ đầu mối, số tiền 3 vị lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc nhận từ doanh nghiệp hơn 50 tỉ đồng và 3 triệu USD. Có thể thấy rằng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, từ Bí thư đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh đến giám đốc sở, tất cả đều dính đến nhận tiền của doanh nghiệp để phục vụ cho lợi ích nhóm. 

Nhưng, đây không phải là vụ án duy nhất cơ quan điều tra chứng minh được việc quan chức nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp. Theo dõi những vụ án tham nhũng gần đây liên quan tới các doanh nghiệp tư nhân như AIC, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, Xuyên Việt Oil... có thể thấy chỉ cần có tiền và rất nhiều tiền, các chủ doanh nghiệp tư nhân đã hạ gục hàng loạt cán bộ lãnh đạo đủ cấp từ giám đốc sở, vụ trưởng, thứ trưởng, tới chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh ủy... Có những cán bộ khi chưa bị bắt, mỗi khi lên diễn đàn, họ rao giảng về đạo đức, về "cần, kiệm, liêm, chính" hay như hát, chỉ đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận mới "sốc" khi nhìn vào những "món quà" mà họ nhận từ doanh nghiệp không chỉ đồng hồ đắt tiền, xe sang mà còn là những khoản tiền mặt lên tới hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng. 

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII cho tới nay, hàng chục cán bộ cao cấp của Đảng bị xử lý kỷ luật, với đủ các hình thức, trong đó cao nhất là bị truy tố trước pháp luật, với các tội danh chủ yếu như là nhận hối lộ, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cố ý làm trái... Tuy nhiên, hầu hết những người mắc các tội danh này cũng đều có chữ "tiền" đằng sau.

Sự hư hỏng của một bộ phận cán bộ thời gian qua làm cho niềm tin của dân vào cán bộ, đảng viên đang bị xuống thấp. Một khi cấp dưới không tin cấp trên, dân không tin đảng viên thì đó là nguy cơ thực sự.

2. Vậy, tại sao rất nhiều cán bộ của chúng ta, khi ở chức vụ "tầm tầm" thì rất liêm khiết, trong sáng, rất gần dân, lo cho dân..., còn khi có chức vụ cao hơn thì lại sinh hư hỏng?

Hóa ra, điều lo lắng, bức xúc này đã được nói từ hàng chục năm trước. Trong bài viết "Chức vụ và uy tín", đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 2/1984, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Phó Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng Sản) đã viết: "Uy tín, theo đúng nghĩa chân chính của nó, là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín. Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thực tế đã chẳng có những người ở cương vị khá cao, thậm chí rất cao nhưng lại không có uy tín hoặc uy tín quá thấp đó sao. Ở nơi này nơi nọ, thậm chí còn bị quần chúng chê trách, muốn "tẩy chay" đó sao".

Đúng thế thật, tôi đã gặp không ít cán bộ, bình thường rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người, nhưng khi có tý chức tý quyền là mặt "vác lên tận giời" và nếu có được ít thành công trong công việc là bắt đầu coi thiên hạ bằng nửa con mắt, thậm chí "mục hạ vô nhân". Tôi cũng đã được chứng kiến cảnh có những vị lãnh đạo chính quyền phải tránh mặt, không dám tiếp xúc với dân... Nhưng, gần đây, chuyện cán bộ cao cấp ăn hối lộ hoặc nhận quà biếu xén của doanh nghiệp và không phải là chai rượu, hộp bánh, mà là tiền, là rất nhiều tỷ.

Đúng là có không ít cán bộ trước khi được đề bạt lên cấp cao hơn thì rất tốt, nhưng khi có chức quyền thì bắt đầu hư hỏng.

Đại hội Đảng lần nào chúng ta cũng khẳng định là "chọn được cán bộ tốt". Mà, đúng thật, với quy trình chọn cán bộ theo 5 bước như hiện nay thì khó có thể có "con sâu" nào lọt được vào "nồi canh".

Tuy nhiên, một cán bộ sẽ rất dễ "giữ mình" khi ở vị trí mà tiếng nói, chữ ký chưa thực sự có quyền lực. Ở vị trí ấy, sẽ ít bổng lộc, ít người cầu cạnh.

Những cán bộ nào giữ vị trí mà mỗi chữ ký của họ đều có thể mang đến nhiều tiền, hoặc rất rất nhiều tiền, hoặc tạo điều kiện làm ăn cho doanh nghiệp thì sẽ luôn được "chăm sóc" kỹ lưỡng... Ngay ở các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng vậy, đây là nơi mà các cán bộ có trách nhiệm và có quyền ra quyết định điều tra, khởi tố... thì cũng là đối tượng được "chăm sóc".

Vì sao chức vụ có thể làm hư hỏng con người? -0
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng để nhiều lần tác động giúp Xuyên Việt Oil được vay cả ngàn tỷ.

Cán bộ mà "miệng kẻ sang có gang có thép" đó sẽ được vây quanh là những kẻ cơ hội dưới quyền, là những "đại gia", là những lời mời chào, là những món quà đến bất cứ vào dịp gì. Từ những bữa tổ chức sinh nhật, đến những lần tổ chức thôi nôi cho cháu nội, cháu ngoại, rồi kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật vợ, rồi ngày giỗ cha, giỗ mẹ... Cuộc nào cũng linh đình, cũng đông đúc, quà cáp ngập nhà. Và, thế là "ăn" mãi rồi cũng thành quen, khi không có "ăn" thì phải nghĩ mưu, nghĩ kế để buộc kẻ dưới phải cống nạp. Hư hỏng sinh ra từ đó. 

Từ chối được sự quyến rũ của đồng tiền là vô cùng khó, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay. Đặc biệt là từ những món quà người ta biếu mà không đòi hỏi gì.

Người ta biếu quà có khi chỉ là mong muốn "dệt" thêm mối quan hệ, là để làm quen... Và, chính những món quà này đã làm cán bộ mất cảnh giác. Rồi, chỉ đến khi người đó tạo được sự tin cậy, sự chia sẻ của cán bộ thì lúc đó mới nảy sinh lợi dụng cái bóng của "ông to" để làm ăn.

Chỉ một cú điện thoại giới thiệu, chỉ một lời phê với nội dung mơ hồ: "Gửi... Đề nghị các đồng chí xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật" là quá đủ. Cấp dưới sẽ "nghe nhạc hiệu, đoán chương trình" và tự khắc phải biết anh A, anh B này có quan hệ thế nào với sếp, để từ đó tạo những điều kiện tốt nhất cho đối tượng tham gia đấu thầu, hay chỉ định thầu, hoặc mua bán vật tư... Vụ án tại Tập đoàn AIC, hoặc như vụ Vạn Thịnh Phát, vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn, vụ án tại Tập đoàn Thuận An... là những ví dụ điển hình. 

Khi chúng ta chuyển đổi cơ chế từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường thì rõ ràng, chúng ta phải chấp nhận sức mạnh của đồng tiền. Đồng tiền đang làm thay đổi các quan niệm đạo đức đã có từ ngàn đời; đồng tiền làm thay đổi tư tưởng, nhận thức của con người. Vì thế, để hạn chế cán bộ hư hỏng vì tiền thì không thể giáo dục suông. Bây giờ là lúc phải quản lý cán bộ, đảng viên bằng các quy định của pháp luật và phải có những chế tài nghiêm khắc, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, để cán bộ "không muốn", "không thể", "không dám" tham nhũng.

Cụ Nguyễn Trãi có câu thơ nổi tiếng: 

"Phúc chu thủy tín dân do thủy
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật...".

Tạm dịch nghĩa là:

"Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước. Cậy đất hiểm không bằng có mệnh trời. Cái họa, cái phúc không phải một ngày tự dưng đến mà có căn nguyên, gốc rễ từ trước đó...".

Để dân không còn tin vào người lãnh đạo thì căn nguyên là từ chính người lãnh đạo đó. 

Nguyễn Như Phong
.
.