Văn mẫu, con voi trong phòng

Thứ Bảy, 28/08/2021, 12:47

Khi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tuyên bố cần chấm dứt việc học theo văn mẫu, ông như đã trút một gánh nặng khỏi những người dạy văn và học văn hàng chục năm qua.

Chuyện chơi của giáo dục Mỹ

Trong cuốn sách “Trẻ con và chuyện chơi: Một biên niên sử nước Mỹ” xuất bản năm 2007, tác giả Howard Chudacoff đã đề cập đến nửa đầu thế kỷ 20 như một "thời kỳ vàng son" của việc trẻ con được tự do vui chơi. Bắt đầu từ những năm 1960 trở đi, người lớn "tước bỏ" đi sự tự do đó bằng cách tăng thời gian mà trẻ phải làm bài tập về nhà. Nỗi sợ hãi bị tụt hậu của cha mẹ đã khiến cơ hội được chơi và khám phá của trẻ em suy giảm liên tục qua nhiều thập niên.

Sau đó, người ta phát hiện ra rằng các chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em ngày càng tăng, tỉ lệ nghịch với không gian vui chơi bị giảm xuống. Ngày nay, các khảo sát cho thấy rằng mức độ lo lắng, trầm cảm của trẻ em hiện đại gấp từ 5 đến 8 lần so với những năm 1950. Tỷ lệ tự sát của thanh, thiếu niên Mỹ từ 15 đến 24 tuổi đã tăng gấp đôi, còn ở trẻ em dưới 15 tuổi tăng gấp 4 lần.

Văn mẫu, con voi trong phòng  -0

 Ảnh: L.G.

Quan trọng hơn, một góc nhìn mới về chuyện học mở ra. Trong cuốn sách có tên “Động vật chơi” (The Play of Animals, 1898), nhà khoa học người Đức Karl Groos đã đưa ra lập luận rằng những trò chơi xuất phát từ chọn lọc tự nhiên giống như phương tiện để đảm bảo rằng các loài sẽ thực hành được những kỹ năng cần thiết để tồn tại. Ví dụ, sư tử con và các động vật săn mồi thường coi việc rình rập và đuổi bắt nhau như một trò chơi, trước khi vận dụng nó vào các cuộc đi săn sau này.

Con người, với tư cách một sinh vật xã hội, coi học hỏi và tư duy như là những kỹ năng cần thiết cho tiến hóa. Nhưng, một chương trình học tập nặng nề và cứng nhắc, khuôn mẫu thường phủ nhận tính "tự nhiên", vốn tồn tại nhiều hơn trong các trò chơi. Tại bang Massachusetts (Mỹ), có một ngôi trường tên là Sudbury Valley cho đến nay đã đi xa hơn những gì ta thường thấy với lý thuyết này: các học sinh trong độ tuổi từ 4 đến 19 được tự do cả ngày để làm bất kỳ điều gì mình muốn, miễn là không vi phạm kỷ luật của trường.

Đối với đa số, điều này nghe có vẻ điên rồ: làm thế nào người ta có thể học trong một môi trường như vậy? Tuy nhiên, ngôi trường đã tồn tại 45 năm nay, có hàng trăm người đã tốt nghiệp, và đang làm việc rất tốt trong đời thực, không phải vì nhà trường của họ đã nhồi nhét được mọi thứ, mà là nhớ cho phép họ học bất cứ điều gì mình muốn. Điều này phù hợp với lý thuyết của Groos: các em không nhất thiết nghĩ là mình đang học.

Văn mẫu, con voi trong phòng  -0

 Sau nhiều năm, văn mẫu sẽ không còn là thước đo cho kiến thức nữa?

Bạn đọc có lẽ sẽ nghĩ đấy là mô hình cực đoan nhưng ngày nay, giáo dục khai phóng thường gắn với những yếu tố mang tính "chơi" kết hợp vào học và tự do trong suy nghĩ, như là các cuộc thảo luận tự do, các buổi dã ngoại, thực tế... xen kẽ vào các chương trình lý thuyết.

Học văn bằng tư duy mở

Trong bài viết cho trang Financial Times, Imogen West-Knights, một diễn viên đã kể lại cảm giác của cô khi tham gia lớp học tiếng Trung nhiều năm trước: "Buổi học bắt đầu bằng việc các học sinh đứng đọc thuộc lòng một đoạn văn mà họ đang học, sau đó ghi chép lại từng lời bài giảng của giáo viên trong suốt giờ học. Điều này, rõ ràng là điển hình ở đây".

Nền giáo dục Trung Quốc vẫn đang là một trong những "lò" khắc nghiệt bậc nhất, với ít nhất 4 lần sát hạch một năm ở mọi môn học, để sẵn sàng cho kỳ thi đại học. Nhưng, trong hơn một thập niên qua, các bậc cha mẹ giàu có của Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi. Họ gửi con cái ở tuổi vị thành niên đến Mỹ với số lượng ngày càng tăng: 46 ngàn du học sinh Trung Quốc đã học tập tại Mỹ vào năm 2015, trong khi con số này chỉ là 637 người vào năm 2005.

Hơn một thập niên trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng bắt đầu thay đổi, với các chính sách khuyến khích "sáng tạo" và "đổi mới" trong trường học. Vài năm trở lại đây, những đề thi văn của Trung Quốc là mẫu mực: chúng đặt ra các vấn đề mở và đòi hỏi học sinh được tự do tư duy. Việc mở rộng biên độ tư duy này giàu tính "chơi" hơn là "học": các em được thả suy nghĩ của mình đến bất cứ đâu, chỉ cần không vi phạm các quy tắc mô phạm tối thiểu. Chơi không có nghĩa là để mặc học sinh làm theo ý mình nhưng cho phép các em có thể đắm chìm vào một trò chơi suy nghĩ, hơn là coi chúng chỉ như một đối tượng để qua đó giành lấy điểm số.

Năm 2012, trong một bài viết trên Báo Tuổi trẻ, một thầy giáo từng tham gia biên soạn văn mẫu cũng phải đau đớn thốt lên: "Những học sinh tiểu học bị áp đặt theo khuôn mẫu quá sớm, các em còn quá nhỏ, trẻ thơ suy nghĩ cực kỳ trong sáng. Mỗi bài văn phải là nơi trẻ nhỏ bày tỏ tình cảm, nhận thức lòng yêu thương, đừng làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ bằng những bài văn người lớn viết. Cô giáo viết có thể đủ ý nhưng liệu người lớn có thể hòa mình vào thế giới lung linh của trẻ thơ để viết những điều như chính suy nghĩ của các em?".

Văn mẫu, con voi trong phòng  -0

 Học sinh Trung Quốc trong kỳ thi cuối cấp. Nguồn ảnh: Financial Times.

Có lẽ, không ít thầy cô đã nhận ra sự vô lý này nhưng quán tính của nền giáo dục chạy theo những mô-đun cứng nhắc và vô cảm là quá lớn: cho đến tận hôm nay, học sinh vẫn phải tả một con gà, con vịt theo văn mẫu, chứ không phải dựa trên những gì chúng chứng kiến. Và thế là, trong khi cuộc sống vẫn đa dạng ngoài kia, thì để có thể đạt đủ ý và có điểm, học sinh sẽ phải viết những điều mà thậm chí chúng chưa có cơ hội được chứng kiến, và cảm nhận.

Đấy là một sự thật đau lòng của giáo dục, khi đóng khung các thế giới quan trong một nhà máy, kìm nén sự vui thích của việc được suy nghĩ và học hỏi. Bạn không thể dạy được sự sáng tạo, mà tất cả những gì ta có thể làm là phải tạo đất lành cho nó nở hoa. Trẻ con, trước khi bắt đầu đi học, bẩm sinh đã sáng tạo. Những nhà cách mạng vĩ đại nhất, những người mà chúng ta thường gọi là thiên tài, bằng một cách nào đó, vẫn giữ được năng lực thời ấu thơ đó và bồi đắp nó, cho đến khi trưởng thành. Họ đã tìm thấy niềm vui trong việc suy nghĩ, học hỏi và làm điều đó không phải vì bị áp đặt, mà vì điều gì đó sâu thẳm trong bản thân, tạo ra sự say mê một cách tự nhiên.

Tôi vẫn còn nhớ vào một giờ văn cấp 2 của mình, khi bình về "Chuyện người con gái Nam Xương", một bạn học của tôi đã viết hoàn toàn ngược ý văn mẫu định sẵn: bạn cho rằng việc Vũ Nương tự tử là một giải pháp không vẹn toàn, cùng những lập luận rõ ràng. Nhưng, bài văn này chỉ được cho điểm trung bình, với lời phê "lạc đề". Bạn đã khóc, không phải vì điểm kém, mà là vì có một ý tưởng đã chết yểu, dù nó có cơ sở.

Hơn 20 năm sau, tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt của bạn, người sau này đã đi làm kinh doanh và thành công. Nhưng, ắt hẳn những giáo viên dạy văn đã phải phê "lạc đề" vào những bài viết như thế cũng có nỗi khổ của riêng mình: văn mẫu thực tế là một quả, chứ không phải nhân. Giáo dục nặng nề về điểm số và nhiều khuôn mẫu đã tạo ra những cách làm tắt, không cho phép học trò nhìn nhận việc học và tư duy như một "trò chơi" để có thể đắm chìm vào nó.

Lần đầu sau nhiều năm, đã có một Bộ trưởng Giáo dục nói thẳng quan điểm về văn mẫu. Tôi nghĩ, đã có nhiều thế hệ học trò đọc mẩu tin đó và nhớ lại một chút về những gì mình đã trải qua, như trút đi một gánh nặng. Mấy chục năm liền, chúng ta đã chấp nhận nó như một chuyện đương nhiên và việc chặn lại quán tính này cũng là một sự dũng cảm. Niềm vui của việc suy nghĩ và cảm thụ cái đẹp không xứng đáng bị kìm nén lâu đến thế.

Ban Cầm
.
.