Vận hội thanh niên thời công nghệ số

Thứ Ba, 26/03/2024, 08:28

Bây giờ, thanh niên không nắn nót ghi những câu về triết lý, lý tưởng sống lên trang đầu của cuốn sổ tay, sổ công tác. Nhưng, trên các trang Facebook, Zalo cá nhân, chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy những câu danh ngôn, câu thơ nói về suy nghĩ, lẽ sống, kiểu như "Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh" hay "Cứ đi rồi sẽ thấy đường”...

Gần 20 năm trước, khi vào hiệu sách, tôi thấy ngay bên quầy thu ngân là hai chồng nhật ký thời chiến của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc được sắp đặt dày dặn, bắt mắt. Rất nhiều thanh niên, học sinh, cả những bậc phụ huynh sau khi mua sách giáo khoa, sách tham khảo cho con cũng lật xem cuốn nhật ký và đưa ngay vào giỏ hàng. Những cuốn nhật ký thời chiến gây sốt thị trường xuất bản, tái bản nhiều lần, trở thành đề tài được tìm kiếm, bàn luận sôi nổi không chỉ trong giới trẻ, được xem là dấu ấn về văn hóa đọc những năm đầu thế kỷ XXI. Mỗi lần đọc lại, ngẫm lại, tất thảy vẫn sống động từng trang viết, từng nhịp thở thời đại. Nhiều bài viết so sánh lý tưởng, lối sống của thanh niên thời chiến, những đại diện như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc với lối sống, hoài bão của thanh niên ngày nay.

Đương nhiên, thế thời sau hơn nửa thế kỷ đã nhiều đổi khác, suy nghĩ, lối sống của thanh niên cũng bắt nhịp theo môi trường mới, nhưng ở đâu, thời kỳ nào cũng có mẫu số chung bởi tuổi trẻ là tuổi của khởi nghiệp, của hoài bão và khát vọng vươn tới. Thời bom đạn, thanh niên với lý tưởng, hành trang cháy bỏng, đó là cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một thời với nhật ký, sổ tay, bút máy luôn là vật bất ly thân, đồng hành cùng người lính ra trận. Họ nắn nót ghi lên đó những câu danh ngôn, những câu nói bất hủ của các danh hào, trở thành lý tưởng sống, phương châm hành động cho tuổi trẻ.

Chẳng hạn, ngay trang đầu cuốn nhật ký của mình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi câu danh ngôn của văn hào N.A.Ostrotsky về lý tưởng sống: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí; cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”.

Vận hội thanh niên thời công nghệ số -0
Bộ trưởng Tô Lâm và Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao biểu trưng, chứng nhận tuyên dương 20 "Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu" năm 2023. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Những trang sổ tay, nhật ký, trang thư chỉ thực sự chấm dứt sứ mệnh của mình khi xuất hiện điện thoại có chức năng internet, kết nối 3G, 4G và sự "đổ bộ" của Blog, Facebook, Zalo, TikTok... Ngày nay, thanh niên không còn viết nhật ký sổ tay, không còn những lá thư nhắn nhủ về lý tưởng sống, lý tưởng cách mạng gửi về gia đình, người thân, gửi về "người em xóm nhỏ". Thanh niên trở nên bận rộn hơn với vòng quay công việc, lao động, học tập, nhanh nhạy hơn với sức mạnh của công nghệ thông tin toàn cầu và cũng năng động hơn với xu thế hội nhập.

Thật khó để cưỡng lại những lối sống của một bộ phận bạn trẻ đang có xu hướng thị trường, thực dụng hóa, lãng phí tuổi thanh xuân bằng sự hưởng thụ bốc đồng. Nhưng, không thể phủ nhận những thanh niên lường trước vận hội, đường xa phải tu trí lực, tìm tòi và bắt đầu những bước khởi nghiệp trên chính đôi chân của mình. Câu nói "lao động là vinh quang" không bao giờ lỗi thời, tương lai chỉ có ý nghĩa nếu con đường hôm nay bạn biết bước đi theo lý trí của mình, biết lao động để tìm tòi, tạo lực, khai mở cho chính con đường đó.

Trong môi trường mạng bùng nổ hiện nay, thanh niên nếu thiếu bản lĩnh rất dễ bị tiêm nhiễm bởi những luồng quan điểm, thông tin sai trái, họ dễ là người bị kích động khi cái tôi và sự bốc đồng vốn tồn tại rất lớn trong giới trẻ. Những trang Facebook hôm nay, thanh niên viết lên đó những gì? Nếu tự tô vẽ mình, tự tâng bốc, huyễn hoặc mình là anh minh, hơn thiên hạ, sĩ diện, ảo tưởng vì cái tôi cá nhân của mình thì chính họ dễ trượt dốc quá đà vào làn sóng chỉ trích, phê phán đất nước, phỉ báng chính quyền trên Facebook. Những suy nghĩ đó, những hành động dù nhỏ (như comment, like) hay mức cao hơn là viết bài, tung ảnh, kêu gọi xuống đường... đều có thể là sự cổ xúy, tương hỗ cho kẻ địch thực hiện mưu đồ chống phá đất nước, là hành động "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trở thành quân cờ để các thế lực thù địch âm mưu lật đổ chế độ, phá bỏ nền độc lập, cuộc sống bình yên mà cha ông đã đổ bao máu xương, bước trên bom đạn mới giành được.

Nhưng, nhìn nhận trên phương diện chung, chính thời đại công nghệ số đã định hình lớp thanh niên nhạy bén với thời cuộc, ham mê và khám phá khoa học. Một dẫn chứng mới đây cho thấy, khám phá và chinh phục khoa học, công nghệ là một xu hướng của lớp trẻ hiện nay. Tháng 10/2023, Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học, Công nghệ trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng. Đây là năm thứ 20 triển khai giải thưởng này, thu hút hàng ngàn tài năng trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như các bạn trẻ đang học tập, nghiên cứu, công tác ở nước ngoài tham gia. Tính đến nay, đã có 204 cá nhân xuất sắc nhận giải thưởng. Các thế hệ tài năng trẻ đạt giải thưởng Quả cầu vàng thể hiện trên nhiều phương diện, song có một điểm chung là giữ được niềm đam mê với khoa học, công nghệ, đồng thời truyền cảm hứng, tạo động lực cho thanh niên Việt Nam về tình yêu, khát vọng chinh phục khoa học, công nghệ.

Trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự, mới đây, 20 cán bộ, đoàn viên thanh niên đã được Bộ Công an tuyên dương, tặng thưởng "Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu" năm 2023; 12 tập thể, 24 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong triển khai chủ trương giới thiệu công an chính quy tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và bầu giữ chức danh Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã, phường, thị trấn từ tháng 1/2022 đến nay.

Giải thưởng "Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu" là phần thưởng cao quý của Bộ Công an tặng các cá nhân đoàn viên thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, chiến đấu, học tập, lao động, rèn luyện, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật, xuất bản, báo chí và thể dục thể thao. Giải thưởng "Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu" mà tên gọi trước đây là giải thưởng "Thanh niên Công an tiêu biểu", qua 15 năm triển khai đã khẳng định được uy tín của mình trong hệ thống các danh hiệu, giải thưởng dành cho đối tượng thanh niên; đã vinh danh 307 cá nhân tiêu biểu của công an đơn vị, địa phương trên nhiều lĩnh vực công tác, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong và ngoài lực lượng CAND.

Ngày trước, nói đến lý tưởng là nói đến sự cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, vì nền độc lập, tự do nước nhà. Ngày nay, lý tưởng cũng không phải điều gì đó cao vợi mà xuất phát ngay từ ý nghĩ vươn lên để đóng góp sức mình cho đất nước, xã hội. Trong dịp lễ hội tòng quân đầu năm nay, tôi ấn tượng bởi không khí rạo rực, cả những bịn rịn, luyến lưu khi chia tay người thân của các chàng trai trẻ vai đeo ba lô, khoác trên mình màu xanh áo lính. Trong số 107 thanh niên được gọi lên đường nhập ngũ của quận Đống Đa, Hà Nội có 2 nữ tân binh đặc biệt, cả 2 cô gái đều vinh dự được kết nạp Đảng ngày 22/2/2024, chỉ trước lễ tòng quân ít hôm.

Vừa tốt nghiệp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Ngọc Anh (sinh năm 2000, trú tại phường Nam Đồng) đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Là con thứ hai trong gia đình có bố mẹ đều là bộ đội, Ngọc Anh chia sẻ, dù có rất nhiều lựa chọn cho tương lai nhưng vẫn quyết định vào quân ngũ để rèn luyện, cống hiến, trưởng thành, tiếp nối truyền thống gia đình. Bản thân em thấy mình có đủ sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm để tham gia bảo vệ Tổ quốc và tin tưởng sẽ trưởng thành hơn, làm việc tốt hơn. 

Cô gái thứ hai là Lê Linh Chi, sinh năm 1998, trú tại phường Láng Thượng. Từng học Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, rồi học quản lý văn hóa, luật kinh tế và ra trường làm ngân hàng 2 năm, Lê Linh Chi không thiếu sự lựa chọn để ổn định cuộc sống tại Thủ đô. Nhưng, em không nghĩ vậy, việc tiếp bước các thế hệ cha ông lên đường nhập ngũ là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả và là một niềm tự hào. Em chia sẻ: "Bảo vệ đất nước, cũng là bảo vệ chính bản thân mình, gia đình mình và những người mình yêu thương. Tôi hiểu rõ vào quân đội là gian khổ, thử thách và kỷ luật nhưng tôi quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".

Tự hào và phấn khởi cùng con gái, ông Lê Khánh Hải, bố của Lê Linh Chi cho hay, gia đình có truyền thống đều là bộ đội. Ông bà nội của Linh Chi đã gặp nhau trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và nên vợ chồng, được làm đám cưới tập thể trong quân đội. Nhà anh Hải có 3 anh em trai đều là bộ đội. Đến thế hệ các cháu, con gái anh trai anh Hải đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Nay, Linh Chi có nguyện vọng xin được đi bộ đội, đi theo ước mơ của mình và gia đình hết sức tạo điều kiện.

Chứng kiến những hình ảnh đó, tâm sự đó, chúng ta thêm hiểu và tin tưởng về thế hệ trẻ hôm nay, dẫu họ chẳng ghi những câu danh ngôn, triết lý sống trong sổ tay như xưa nhưng sự cống hiến, đam mê của tuổi thanh xuân vẫn là mạch nguồn chủ đạo...

Đăng Trường - Ảnh: Thắng Nguyễn
.
.