Văn hóa và vai trò tiên phong
LTS: Sức mạnh mềm, chúng ta nghe nhiều về cụm từ này. Nhưng chúng ta đã sử dụng văn hóa như thế nào trong vai trò dẫn đường cho các hoạt động kinh tế? Câu hỏi này có lẽ nên được đặt ra từ lâu rồi mới phải.
Khi người Việt chào buổi sáng lúc 2 giờ chiều
Hãy thử đến một cửa hàng Starbucks địa phương và bạn sẽ thấy mình đang tham gia vào một cuộc thử nghiệm văn hóa trên quy mô chưa từng thấy trên hành tinh này.
Có một dạo mạng xã hội Việt Nam tranh cãi dữ dội chuyện thứ cà phê nhạt toẹt của Starbucks có xứng đáng là cà phê hay không, hay phải pha phin kiểu Việt Nam mới thỏa mãn đầy đủ vị giác.
Tranh luận trên mạng thì không có hồi kết, nhưng thực tế cho thấy rằng Starbucks đã thành công: những người trẻ Việt phải xếp hàng chờ uống một ly cà phê Americano kiểu văn hóa Mỹ, hầu như không băn khoăn gì nhiều về chất lượng cà phê. Họ đắm chìm trong một không gian văn hóa mà Starbucks đã sắp đặt.
Chỉ trong chưa đến nửa thế kỷ, chuỗi cà phê này đã mở rộng từ một cửa hàng duy nhất ở Seattle thành gần 20.000 cửa hàng ở khoảng 60 quốc gia. Mỗi năm, những cửa hàng gần như giống nhau phục vụ những cốc cà phê gần như giống nhau trong những chiếc cốc cũng gần như “nhân bản” cho hàng trăm ngàn người. Lần đầu tiên trong lịch sử, tách cà phê buổi sáng của bạn giống nhau, không phụ thuộc vào việc bạn uống nó ở Hà Nội, Tokyo, New York, Bangkok hay Buenos Aires.
Tất nhiên, không chỉ có Starbucks. Chọn bất kỳ thương hiệu toàn cầu nào từ Coca Cola đến Facebook hay X (Twitter cũ) và khả năng cao bạn sẽ thấy hoặc cảm nhận sự hiện diện của họ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Dễ dàng nhận thấy quá trình đồng nhất này dưới góc độ mất mát đa dạng, danh tính hoặc sự Tây phương hóa của xã hội.
Nước Mỹ có hàng trăm công ty toàn cầu kiểu vậy, và thứ mà các tập đoàn này bán ra không hẳn là sản phẩm, mà là văn hóa. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ đã vươn lên thành một siêu cường chính trị nhờ một thông điệp lớn về văn hóa: hứa hẹn xây dựng một thế giới mới, với trật tự quốc tế tự do và tương tác.
Một đặc điểm quan trọng của trật tự quốc tế đương thời là phần còn lại của thế giới lúc nào cũng quan tâm đến Hoa Kỳ. Người nước ngoài theo dõi tin tức Mỹ, nghe nhạc pop của Mỹ và xem rất nhiều phim Mỹ (đỉnh điểm là năm 2016, 6 hãng phim lớn của Hollywood chiếm hơn một nửa doanh thu phòng vé toàn cầu).
Đôi khi sự quan tâm đổ vào văn hóa Mỹ đến mức người nước ngoài không biết nhiều về quốc gia của chính mình. Một nghiên cứu vào năm 2008 đã phát hiện ra rằng người Canada thường biết nhiều về lịch sử Mỹ hơn là lịch sử quốc gia của họ.
Khi tôi sinh hoạt trên cộng đồng X của tỷ phú Elon Musk, có một điều tôi chợt nhận ra: rất nhiều người Việt viết “GM” (Good morning, nghĩa là Chào buổi sáng) vào lúc… 2 giờ chiều. Lý do vì đó là giờ online của phương Tây. Bạn bè nói tiếng Anh của họ rất nhiều. “GM” là một văn hóa thịnh hành trên X, và hầu như ai cũng chọn từ này để đăng post đầu tiên trong ngày.
Cuối năm ngoái, tờ The NewYork Times đăng một bài viết đại ý nói rằng tầm ảnh hưởng của Elon Musk, ông chủ nền tảng X, đã vượt qua yếu tố địa – chính trị. Musk chính là người đã cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink cho Ukraine trong những ngày đầu giao tranh với Nga, nhưng cũng chính ông là người rút phích cắm dịch vụ này sau đó, tuyên bố mình không thể “vĩnh viễn” đáp ứng chuyện này.
Elon Musk thậm chí đã đề xuất một kế hoạch hòa bình cho vấn đề Nga và Ukraine, khiến các quan chức Ukraine phẫn nộ. Ông đã đăng một tweet về việc truy cập Internet của Iran, đã tiết lộ nguy cơ lừa đảo đối với các người biểu tình chống chính phủ. Ông cũng đã đưa ra ý kiến trong một cuộc phỏng vấn báo chí về Đài Bắc Trung Hoa, khiến một quan chức tại Đài Bắc Trung Hoa phải yêu cầu ông rút lại ý kiến của mình.
Bất kỳ ai trên thế giới sinh hoạt trên X đều đọc những điều này mỗi ngày. Văn hóa trên X, theo Musk, là tự do ngôn luận: ông sẽ không tham gia vào việc kiểm duyệt trên nền tảng. Và trong mọi trường hợp, văn hóa là chất dẫn đến các vấn đề địa – chính trị. Một cách tự nhiên.
Phạm An
Ảo tưởng vốn văn hóa
Năm 2017, Comicola, một công ty xuất bản của những họa sĩ trẻ tổ chức một chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Họ muốn có tiền làm một dự án mà đáng ra Việt Nam phải có từ lâu: biến các họa tiết cổ thời Lý, Lê trung hưng và thời Nguyễn thành đồ họa. Sau khi được chuyển thể, nó sẽ được đăng tải miễn phí cho cộng đồng sử dụng.
Comicola sau đó chuyển thể được 200 hoa văn Đại Việt cổ, và giữ đúng lời hứa đăng nó lên mạng. Hiện nay, nếu một họa sĩ đi tìm kiếm “họa tiết cổ” trên Google, có khả năng rất cao họ sẽ tìm thấy kết quả của dự án này.
Đó là tiên nữ, là nghê, là la hầu, là rất nhiều bản đồ án mà chỉ cần nhìn vào, một người Việt Nam sẽ nhận ra sự quen thuộc. Chúng không giống Trung Quốc, khác hẳn Hàn Quốc và cũng không phải là Nhật. Có những thứ đã ăn sâu vào tiềm thức tới mức chỉ cần nhìn qua, ta cũng có thể nhận ra rằng đó là một họa tiết Đại Việt.
Một số nhà thiết kế đã hưởng lợi từ nỗ lực đó. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy trên mạng vài thương hiệu phụ kiện điện thoại có vẽ hoa văn thủy ba (thời Nguyễn), hay là một nhãn đồ uống sử dụng hoa văn La Hầu (thời Lê trung hưng). Những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng này được thị trường đón nhận tích cực.
Nhưng 200 hoa văn được chuyển đổi sang file vector đó, đến nay vẫn là một trong những dự án số hóa quy mô nhất từng được thực hiện. Tài nguyên mà tiền nhân để lại và làm nên không gian mỹ thuật Việt đòi hỏi hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn bản vẽ như vậy. Một vài chục bản vẽ, không có ý nghĩa gì khi bàn đến mỹ thuật thời Lý hay thời Lê trung hưng. Khi các họa sĩ cảm ơn Comicola vì đứng ra làm một việc như thế, một câu hỏi đồng thời xuất hiện: tại sao chúng ta chỉ có thế?
Nếu bạn đi tìm kiếm các bài báo với từ khóa “tài nguyên văn hóa dồi dào”, bạn sẽ gặp vô thiên lủng các tuyên bố như vậy. Nhưng tài nguyên văn hóa dồi dào rốt cục là gì, có ích lợi gì, khai thác thế nào? Khi nghĩ đến văn hóa như một hoạt động kinh tế, chúng ta nhận ra rằng “tài nguyên” là một khái niệm khá mông lung. Ta cần các dạng vốn.
Vốn cho hoạt động sản xuất được phân loại thành 4 dạng phổ biến: vốn con người, vốn hạ tầng (vật lý), vốn trí tuệ và vốn tài chính. Trong đầu tư cho văn hóa, vốn tài chính chúng ta xác định thua luôn. Gần đây, xuất hiện đề xuất dành 350.000 tỷ để “chấn hưng văn hóa” trong giai đoạn đến 2035. Con số này chỉ bằng ngân sách hoạt động của tập đoàn Disney trong 3 tháng.
Nhưng vốn hạ tầng chúng ta không quá bất lợi: trong bối cảnh thế giới phẳng, hạ tầng số của nước ta đủ để “chiến đấu” và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam.
Cần xem xét vốn con người và vốn trí tuệ của văn hóa Việt Nam. Đầu tiên là vốn con người: Nếu bạn đi tìm kiếm các nhân vật có tầm ảnh hưởng đến văn hóa thế giới của Hàn Quốc, ví dụ như Bong Joon-ho (đạo diễn phim Parasite), hay SangYup Lee (Phó chủ tịch phụ trách thiết kế của Hyundai-Kia), bạn sẽ thấy rằng họ học đại học trong nước. Đó là nỗ lực đầu tư của chính phủ nước này cho các ngành đào tạo về khoa học nhân văn, nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng, thiết kế… từ bốn thập kỷ trước, khi họ quyết định sẽ chinh phục thế giới bằng cái đẹp.
Chúng ta có một chiến lược đào tạo như thế chưa, khi bàn đến phát huy sức mạnh văn hóa?
Sau đó là sự thiếu hụt vốn trí tuệ. Rất dễ nuôi ảo tưởng rằng vốn trí tuệ của chúng ta dồi dào. Bốn nghìn năm lịch sử để lại cho chúng ta một chuỗi quặng tài nguyên văn hóa khổng lồ, nhưng chúng chưa thể trở thành tài sản trí tuệ. Hãy quay trở lại với ví dụ ở đầu bài viết này.
Một tấm bia đá nằm trong một ngôi đình cổ ở Vĩnh Phúc không phải là một dạng vốn có thể đem đi “thi đấu” trên mặt trận toàn cầu. Nó chỉ phục vụ cho mục tiêu bảo tồn, lưu giữ, chứ không phải là quảng bá, hay khó lòng tham gia vào việc xây dựng “quyền lực mềm” của quốc gia thông qua văn hóa. Nhưng một file vector vẽ lại họa tiết con la hầu trên tấm bia đó, lại trở thành tài sản, là thứ mà các họa sĩ có thể dùng để phát triển thành những sản phẩm gây thương nhớ với cả triệu người trên thế giới.
Chúng ta có một chiến lược biến những tài nguyên văn hóa của mình thành tài sản trí tuệ có thể khai thác hay chưa?
Ta không thể “phát huy” văn hóa mà vốn tài chính chắc chắn thua, vốn con người không biết bao giờ mới đuổi kịp, còn vốn trí tuệ thì mãi mãi ở dạng cái bia đá, tiết mục diễn xướng trực tiếp của nghệ nhân, hay tệ hơn, mãi mãi là một văn bản nằm trong thư viện. Bạn sẽ không thể tìm thấy hầu hết các trường ca lớn của các cộng đồng dân tộc Việt Nam dưới dạng đã được số hóa trên mạng.
Đừng trách một nhà biên kịch trẻ nếu anh ta “tham khảo” một cốt truyện phương Tây cho bộ phim đang viết – nó sẵn có hơn nhiều so với việc đi tìm sử thi Tây Nguyên. Đến cả bản in giấy có khi còn khó tìm chứ đừng nói tới bản sách số. Và cũng không thể trách một nhà thiết kế thời trang nếu chị ta không ứng dụng hệ thống hoa văn của đồng bào người Dao, Thái hay Mường vào các tác phẩm của mình: chị không có đủ nguồn lực để tự thực hiện nghiên cứu trên thực địa; trong khi hệ thống mỹ thuật này không-tồn-tại ở bất kỳ đâu dưới dạng số.
Trước khi bàn đến vốn tài chính, số vốn mà chúng ta biết là như muối bỏ bể, liệu ta có nên dừng lại và nghĩ về các loại vốn khác?
Đức Hoàng
Sự im lặng thụ động
Trong kỳ họp Quốc hội vừa mới đây, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đã nêu quan điểm của ông về tình hình văn hóa, đặc biệt là những hiện trạng của ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Trong phát biểu của mình, ông Đỗ Chí Nghĩa đưa ra một ví dụ khá sinh động, sát với thời cuộc. Đại ý, ông đặt ra câu hỏi “Chỉ hai đêm diễn của Black Pink đã bằng một nửa kế hoạch tổng doanh thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030 mà chúng ta phấn đấu. Đó là điều rất đáng suy nghĩ".
Thực tế, ví dụ của ông Nghĩa đưa ra chỉ đơn thuần dựa trên giá trị mà tự sản phẩm văn hóa tạo ra khi lưu hành trên thị trường. Chỉ với một khía cạnh nhỏ ấy thôi, chúng ta đã có quá nhiều điều phải suy nghĩ. Nhưng nếu mở rộng hơn ra vai trò của văn hóa trong việc tiên phong đi trước các kế hoạch, hành động kinh tế - xã hội, cái tên Black Pink còn mang lại những giá trị lớn hơn nhiều so với khoản doanh thu 13 triệu USD cho hai đêm diễn ở sân vận động Mỹ Đình. Ở vai trò thần tượng, Black Pink dẫn dắt được một số lượng không nhỏ thanh thiếu niên có thiện cảm hơn với Hàn Quốc, muốn tìm hiểu thêm về nước bạn và cũng có xu hướng ưu đãi tiêu dùng các sản phẩm của nước bạn. Đóng góp đó đối với nền kinh tế Hàn Quốc của một nhóm nhạc lừng danh là khó có thể đo đếm như kiểu tổng doanh thu bán vé của một tour diễn cụ thể nào.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao mở rộng với bạn bè quốc tế và nói thẳng ra, trong quan hệ ngoại giao, các lợi ích kinh tế luôn được đặt ra như một trong những nhu cầu chủ đạo nhất. Hãy thử hình dung thế này, nếu hai cá nhân muốn thiết lập một quan hệ mua - bán thông thường, việc thực thi hành vi thương mại không thể dễ dàng hơn nếu như giữa họ đã tồn tại một thiện cảm lớn. Thiện cảm đó tạo nên sức ảnh hưởng. Thiện cảm đó tạo nên niềm tin… Và từ những yếu tố rất con người này, chuyện mua - bán có thể được thực hiện chóng vánh hơn so với việc hai người xa lạ muốn bắt đầu một thương vụ.
Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể hình dung được vai trò tiên phong của văn hóa lớn như thế nào. Sử dụng văn hóa để tiếp cận nhằm thu hút quan tâm và thiện cảm chính là biện pháp rất hữu hiệu để các hoạt động kinh tế, chính trị được thúc đẩy sau đó. Nhưng muốn tạo ra được một mũi nhọn văn hóa tiên phong, chúng ta cần phải hiểu văn hóa của chính chúng ta có những đặc trưng gì và lựa chọn những đặc trưng có khả năng hấp dẫn đối tác nhất để khai thác. Và bây giờ, nếu đặt câu hỏi “đặc trưng văn hóa Việt Nam nào có khả năng thu hút bè bạn quốc tế?”, e rằng không nhiều doanh nhân có thể trả lời được một cách cặn kẽ. Trong khi ấy, chúng ta vẫn loay hoay tìm con đường xuất khẩu hiệu quả nhất thay vì chỉ đơn thuần là một quốc gia gia công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Giới thiệu đặc trưng văn hóa Việt Nam đã là việc khó, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các quốc gia đối tác càng khó hơn. Hãy hình dung nếu một nhãn hàng nào đó tiếp cận thị trường Việt Nam với am hiểu sâu sắc văn hóa Việt, họ sẽ có lợi thế chừng nào khi lôi kéo người tiêu dùng Việt. Sử dụng văn hóa ở vai trò tiên phong cho hoạt động kinh tế - chính trị phải nắm bắt được cả hai chiều như thế: ta giới thiệu mình và ta chứng minh ta hiểu bạn.
Có một ví dụ nhỏ mà tôi rất muốn chia sẻ. Đó là cuộc đón tiếp đoàn nghệ sĩ Việt - Nhật tham gia trình diễn vở opera “Công nữ Anio” ở Tokyo hồi đầu tháng 11 tại thành phố Chiba, một thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng. Trong buổi tiệc chiêu đãi được đài thọ bởi nhà tài trợ là tập đoàn Mikazuki, khi được mời lên phát biểu lời chào mừng, ông Odaka Yoshimune, chủ tịch tập đoàn, đã không nói một câu nào cả. Thay vào đó, ông ta đứng nghiêm trên sân khấu, trang trọng hát Quốc ca Việt Nam bằng tiếng Việt một cách rất rõ ràng. Cả khán phòng như bừng tỉnh. Người Việt cảm thấy xúc động khi được trân trọng đến mức độ như vậy. Và đã không ít người rủ rỉ với nhau rằng “À, Mikazuki mới mở một resort ở Đà Nẵng. Vậy thì nếu có dịp về Đà Nẵng, thay vì chọn các resort khác, mình chọn Mikazuki”. Một chi tiết rất nhỏ như vậy thôi nhưng cũng đủ nêu bật ý niệm trân trọng văn hóa như một con đường có thể mở ra, khai thông những hoạt động mang lại lợi ích lâu dài của một doanh nhân. Và ông Odaka vẫn còn trẻ, ở tầm khoảng 40 tuổi. Nhưng suy nghĩ của ông ta có lẽ vượt xa suy nghĩ của một cá nhân “tứ thập” rất nhiều.
Năm 2023 này là năm chẵn (50 năm) Việt Nam và nhiều quốc gia bằng hữu cùng kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao. Rất nhiều hoạt động văn hóa giữa Việt Nam và các đối tác đã được thực hiện. Mạnh mẽ nhất có lẽ là nước Nhật, với hàng loạt chương trình giao lưu khác nhau, ở nhiều địa phương ở cả hai nước. Gần đây nhất là hoạt động ở Quảng Ninh gắn với Hokkaido. Và một trong những cá nhân thúc đẩy các chương trình giao lưu này chính là ông Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Kiến tạo, kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia tài trợ, ông đã góp phần rất lớn để chính các doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu mình, giới thiệu sản phẩm của mình tới người tiêu dùng Việt.
Trong khi đó, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam là rất hiếm. Ở đây không phải là vấn đề của ngân sách tài trợ, mà là vấn đề của ý thức sử dụng văn hóa như một phương tiện thâm nhập thị trường. Dường như đang tồn tại một sự im lặng thụ động của các doanh nghiệp Việt Nam. Và điều đáng buồn lại là ngành ngoại giao chưa tạo ra được một xung lực mạnh mẽ đủ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội này.
Nếu nhìn ra đời sống thường nhật, chúng ta dễ thấy nhiều năm trở lại đây, các lễ hội bia Đức (Oktoberfest) vẫn thường được tổ chức vào dịp tháng 10 ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam. Chính cái lễ hội mang đậm văn hóa Đức ấy đã làm thay đổi dần dần thói quen thưởng thức bia của người Việt, tuy chậm rãi nhưng hiệu quả. Người Việt từ việc chỉ quen uống larger beer đã bắt đầu sử dụng nhiều dòng bia khác nhau hơn. Và bắt đầu cũng xuất hiện đa dạng hơn các thương hiệu beer. Các nước bạn đã sử dụng văn hóa để khai thác thị trường 100 triệu dân của chúng ta rất hữu hiệu. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chúng ta đã có gì, đã làm được gì?
Những du khách đến với nước Nhật rất hay tìm kiếm những vật kỷ niệm (souvernir) mang đậm văn hóa Nhật, từ truyền thống như kiếm gỗ katana, kimono, yakuta cho tới các biểu tượng đương đại như nhân vật Mario (trong game Nitendo); Korumi; Hello Kitty… Còn chúng ta, chúng ta vẫn còn loay hoay giữa việc cái gì là quốc phục và người Việt thành thị gần như đã bỏ quên cái nón lá cổ truyền, một thứ hoàn toàn có thể trở thành biểu trưng văn hóa Việt.
Sử dụng văn hóa trong vai trò tiên phong là một nhiệm vụ bắt buộc phải làm. Trong nhiệm vụ ấy, một mình ngành văn hóa là chưa đủ. Chính mỗi doanh nhân phải trở thành một đại sứ văn hóa Việt Nam nếu họ muốn sản phẩm của mình có thể mở rộng thị trường. Và chính từng nhân viên ngoại giao ở các tòa đại sứ, tòa lãnh sự cũng phải có con mắt của những doanh nhân để kiếm tìm cơ hội cho nền kinh tế trong nước. Phải đặt nó là nhiệm vụ chung không ai giao phó nhưng mỗi người tự có ý thức bắt buộc thực hiện. Chỉ có cách ấy, kinh tế Việt Nam mới có thể kiếm tìm được những cơ hội lớn, nhất là ở trong giai đoạn chúng ta đang có một tỷ lệ dân số vàng đáng giá.
Hà Quang Minh