UNCLOS - Điểm tựa của hòa bình

Thứ Ba, 13/12/2022, 13:14

Thời điểm này, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chào đón những dấu mốc kỷ niệm rất đáng nhớ trong lĩnh vực luật pháp quốc tế: Tròn 40 năm mở ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), tròn 20 năm Tuyên bố Ứng xử các bên tại Biển Đông (DOC) và tròn 10 năm ra đời Luật Biển Việt Nam.

Trên những hành trình dài ấy, đặc biệt là khi đối diện với bối cảnh đầy những vấn đề thách thức mới đang nổi lên trong hiện tại, trật tự pháp lý quốc tế được xây dựng trên nền tảng là UNCLOS mỗi lúc một trở nên quan trọng, mang những giá trị phổ quát, nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác giữa các quốc gia, cũng như sự phát triển bền vững của các đại dương.

UNCLOS - Điểm tựa của hòa bình -0
Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, từ 27/6 đến 1/7/2022, tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha.

1. Ngày 10/12/1982, tại Montego Bay, Jamaica, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được mở ký. Lời nói đầu của Công ước ghi nhận mong muốn của các quốc gia trong việc "thiết lập được một trật tự pháp lý cho các biển và đại dương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng công bằng và hiệu quả những tài nguyên, bảo tồn những nguồn lợi sinh vật biển, nghiên cứu, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển".

4 thập kỷ sau, chiều 30/11 và ngày 1/12/2022, Hội thảo lần thứ tư của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - về vận dụng UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển - đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Australia cùng New Zealand đồng tổ chức tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu đến từ 27 quốc gia thành viên ARF, các tổ chức quốc tế và khu vực, cơ quan đại diện ngoại giao, viện nghiên cứu, các bộ, ngành. Hội thảo được xem là một bước tiến mạnh mẽ, thể hiện cam kết của khu vực trong hợp tác quốc tế, để giải quyết các thách thức liên quan đến biển và đại dương.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động đáng chú ý, trong nỗ lực gắn liền mốc kỷ niệm 40 năm UNCLOS với những mục tiêu tương lai, đã diễn ra sôi nổi suốt từ đầu năm. Thí dụ: Đối thoại biển lần thứ 8 với chủ đề: “Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: Thúc đẩy hợp tác biển tại Đông Nam Á" được Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao Việt Nam) phối hợp Quỹ Konrad Adenauer Stiftung và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức ngày 19/6/2022, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 100 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến; trong đó có 15 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện từ Liên hợp quốc, đại diện của trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

2. Nói như chuyên gia về biển và đại dương, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: “Nhờ thiết lập được cơ chế hữu hiệu về giải quyết các tranh chấp biển, UNCLOS đã giúp giải quyết được khoảng gần 1/2 trong tổng số 500 các vùng biển chồng lấn. Với hơn 170 thành viên, chưa kể nhiều quốc đảo và vùng lãnh thổ không là thành viên chính thức cam kết tuân thủ (ngay cả Mỹ tuy không tham gia nhưng trong các tuyên bố của mình vẫn lấy UNCLOS làm trục cơ sở), UNCLOS không giải quyết chi tiết mọi vấn đề biển, nhưng là căn cứ để thống nhất xử lý các vấn đề biển đã, đang và sẽ nảy sinh”.

Cùng quan điểm (cũng như mọi nhà nghiên cứu pháp luật quốc tế khác trên thế giới), PGS. TS, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, làm rõ: “Công ước thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển trên cơ sở công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia nhỏ, các quốc gia đang phát triển. Trật tự pháp lý mới này thay thế cho trật tự pháp lý cũ do các nước phương Tây thiết lập trong các Công ước Luật Biển năm 1958, có lợi cho các nước có trình độ khoa học công nghệ biển cao và kinh tế biển phát triển”.

UNCLOS - Điểm tựa của hòa bình -0
Tuân thủ và vận dụng UNCLOS theo hướng pháp điển hóa là cách hữu hiệu để mọi quốc gia bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung.

Bên cạnh việc phân bổ hài hòa, hợp lý và công bằng quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia trên biển, UNCLOS 1982 còn thành công trong việc cung cấp cơ chế để các quốc gia giải quyết các bất đồng trong việc giải thích và thực hiện Công ước một cách hòa bình. Công ước thành lập 3 cơ quan giải quyết tranh chấp mới là Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS), Trọng tài theo Phụ lục VII và Trọng tài theo Phụ lục VIII, đồng thời, sắp đặt các biện pháp giải quyết tranh chấp từ trao đổi quan điểm, hòa giải đến giải quyết bằng tòa án và trọng tài theo một cơ chế linh hoạt, nhằm cung cấp cho các bên có nhiều lựa chọn về cách thức và biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp nhất.

UNCLOS 1982 cũng hướng tới việc quản trị biển và đại dương một cách bền vững, thông qua việc dành riêng 3 phần với 86 điều khoản quy định về bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và chuyển giao kỹ thuật. Đây là điều cực kỳ quan trọng, nếu đặt vào bối cảnh tiến trình biến đổi khí hậu và môi trường toàn cầu đang hủy hoại hành tinh xanh - “mái nhà chung của nhân loại” - từng ngày.

Với tất cả những ý nghĩa và tầm quan trọng ấy, với cộng đồng quốc tế nói chung cũng như với Việt Nam nói riêng, việc ủng hộ và vận dụng các điều khoản trong UNCLOS - “Bản Hiến pháp của đại dương”, như giới chuyên môn thường gọi - là vấn đề nguyên tắc mang tính sống còn, cũng là xu thế tất yếu nhằm vừa bảo vệ quyền lợi riêng, vừa kiến tạo những cơ chế hợp tác, phát triển chung.

Bởi, “với UNCLOS, Việt Nam không chỉ theo đuổi quyền lịch sử, mà còn theo đuổi cả quyền pháp lý; phù hợp với đặc trưng, thế và lực của Việt Nam. Là thành viên chính thức của UNCLOS, chúng ta được hưởng đầy đủ các quyền trong vùng biển từ 200 hải lý trở vào, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó thì ta cũng được hưởng quy định, quy chế về quyền khai thác tài nguyên” - theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi. Những quyền lợi chính đáng này của dân tộc sẽ không thể bị đe dọa bởi bất cứ điều gì, khi đã được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế.

3. Do đó, ngay từ đầu, Việt Nam đã nồng nhiệt tham gia Công ước và là một trong những nước đầu tiên ký thông qua UNCLOS. Cũng do đó, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, cam kết tôn trọng và thực thi đầy đủ các quy định của Công ước, Việt Nam không chỉ là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy hình thành Tuyên bố Ứng xử các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, đồng thời xúc tiến xây dựng bộ Luật Biển cho riêng mình (năm 2012), nhằm pháp điển hóa các quy định của UNCLOS.

Đó không chỉ là những phương thức hữu hiệu và hợp pháp nhằm giúp chúng ta tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình (cũng như bảo vệ quyền lợi chung của mọi quốc gia trong cộng đồng quốc tế), mà còn nhằm hướng tới mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển” - Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Diễn biến thực tế tình hình thế giới hiện tại đang chứng minh những mối đe dọa to lớn - không chỉ về an ninh quốc phòng hay các vấn đề chủ quyền quốc gia, mà vể cả những nguy cơ hủy diệt chung đối với toàn nhân loại. Rất khó để một quốc gia đơn lẻ, cho dù là bất cứ cường quốc đại dương nào, đơn phương đối diện với những nguy cơ đó. Thế giới mỗi lúc một cần nhiều hơn những cơ chế hợp tác và những cơ chế ấy lại cần có nền móng là các định chế pháp luật được chấp nhận rộng rãi, để làm cơ sở cho việc dàn xếp các bất đồng, mâu thuẫn, tranh chấp...

Có lẽ, cũng cần nhắc lại, DOC - văn kiện xây dựng dựa trên các nguyên tắc của UNCLOS, luôn được xem là bước đột phá, đánh dấu thành quả bước đầu sau nhiều nỗ lực của các bên trong đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông - cũng đã hình thành sau 20 năm tình hình tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng liên tục xuất hiện. Nhờ DOC, một cục diện hòa bình, hợp tác và ổn định mới bắt đầu xuất hiện, để ASEAN vươn mình trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế sôi động nhất thế giới hiện tại.

Song, có lẽ không phải ngẫu nhiên, tại hội thảo lần thứ tư của ARF đề cập ở trên, song song với việc nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực, ông Thomas Wiersing, Phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng ủng hộ việc nhanh chóng hoàn thành thương lượng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có giá trị thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý.

Trong một thế giới văn minh, chắc chắn không có chỗ cho kiểu “ngoại giao pháo hạm” của thế kỷ 18-19. Mọi quốc gia đều cần pháp luật để hành xử, hợp tác và cùng phát triển trong hòa bình và ổn định theo những khuôn khổ của pháp luật, như định hướng từ “Hiến pháp của đại dương”...

Đông Phong
.
.