Từ trong sóng gió, Facebook sẽ chuyển mình ?

Chủ Nhật, 07/11/2021, 09:09

“Facebook và các hãng công nghệ lớn đang đối mặt với thời điểm quan trọng về pháp lý”, thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, Chủ tịch tiểu ban Bảo vệ Người tiêu dùng của Thượng viện Mỹ tuyên bố như thế. Tờ báo New York Times thì đưa ra đánh giá chấn động: Facebook đang ở trong giai đoạn suy giảm chậm và đều đặn. Đó là dấu hiệu của một công ty đang chết dần!

Điều quái quỉ gì đang xảy ra thế này? Bạn vẫn dùng Facebook hằng ngày, vẫn viết status, vẫn đăng tải những bức ảnh mình yêu thích, và vẫn từng giờ, từng phút chờ đợi những lượt like, share, và cả comment nữa. Tóm lại, cái đế chế Faecbook đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc đời bạn. Sự tồn tại của nó trong mắt bạn là tất, lẽ, dĩ, ngẫu, giống như mặt trời mọc lên vào mỗi buổi sáng và trái đất vẫn quay quanh mặt trời. Thế mà lại nói Facebook đang chết dần là sao?

nu-cuu-nhan-vien-facebook-chia-se-nhung-bi-mat-dong-troi.jpg -0
Frances Haugen xuất hiện trong chương trình “60 phút” nổi tiếng của kênh CBS. Ảnh: L.G

Đầu tháng 10, một tờ báo Mỹ đăng tải những góc khuất Facebook qua lời kể của chính một người đã từng làm việc ở Facebook. Đến ngày 3 tháng 10 nhân vật đó, Frances Haugen đã đồng ý xuất hiện công khai trong chương trình “60 phút” nổi tiếng của kênh CBS, và đến ngày 5-10 đã điều trần trước Quốc hội Mỹ. Frances Haugen từng quản lý những sản phẩm dùng thuật toán của Facebook. Và  trước khi rời khỏi công ty vào tháng 5 năm nay, cô đã làm việc ở bộ phận chống tin giả.

Khi quyết định đứng lên phơi bày những góc khuất của Facebook, Frances Haugen chắc chắn đã lường trước hai nguy cơ có thể ập đến với mình: một, khả năng xin được một công việc khác trong ngành công nghệ là rất khó, và hai, có thể sẽ bị Facebook truy vấn, thậm chí là truy đuổi vì đã tiếp cận, tổng hợp và chia sẻ những tài liệu mà theo công ty này có thể nằm trong dạng “thông tin bảo mật”.

Biết điều đó, nhưng Frances Haugen vẫn hành động với lý do: “Chúng ta có thể có mạng xã hội chúng ta yêu thích mà không phá vỡ nền dân chủ của chúng ta, không khiến con cái chúng ta gặp nguy hiểm, và không gieo rắc bạo lực sắc tộc trên toàn cầu”.

Tóm lại, Frances Haugen đã phơi bày những góc khuất nào? Tuyên bố trước Thượng viện Mỹ cô cho biết một vấn đề nghiêm trọng của Facebook là đã tạo ra một hệ thống khuếch đại sự chia rẽ, chủ nghĩa cực đoan và phân cực”.

Hãy thử ngẫm ngợi những điều Haugen “tố cáo” bằng cách nhìn lại những gì đã và đang diễn ra trên tường nhà Facebook của chính mình. Ở đó bạn sẽ không bất ngờ nếu thấy cảnh dư luận chia đôi chiến tuyến sau một sự vụ cộm cán nào đó trong xã hội. Làm từ thiện thế nào cho đúng? Có nên sát hại hàng chục con chó để chống COVID-19? Đội tuyển bóng đá quốc gia nên thi đấu theo phong cách nào? Cảm giác như bất cứ chuyện gì người ta cũng có thể chia phe trên facebook đấu nhau.

Đôi khi nó chỉ là những cuộc đấu với những mục đích hồn nhiên cá nhân, xuất phát từ việc ai cũng có quyền được nói, được viết, được thể hiện quan điểm trên trang cá nhân của mình. Nhưng rất nhiều khi nó lại là những cuộc chơi được dàn dựng của một nhóm người nào đó, nhắm vào một mục đích khó nắm bắt nào đó. Facebook làm gì trước những sự chia rẽ, phân cực này?

Quan điểm của Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung: Chúng tôi chỉ tạo ra cái chợ, còn làm gì trong cái chợ ấy là quyền của mỗi người. Mà đây là chỗ không riêng gì Facebook, có lẽ chính nhân loại cũng đang bối rối. Người ta không biết cần/và nên hành xử như thế nào trên nền tảng mạng xã hội để vừa đảm bảo quyền được phát biểu ý kiến lại vừa “quản trị” được những ý kiến cực đoan, chia rẽ. Mà xin nhắc lại, vấn đề Haugen tố cáo nằm ở chỗ: Facebook đã có những dấu hiệu khuếch đại sự chia rẽ.

Từ trong sóng gió, Facebook sẽ chuyển mình ? -0

“Facebook đã trở thành công ty trị giá 1 nghìn tỷ USD bằng cách đánh đổi sự an toàn của chúng ta, bao gồm cả sự an toàn của con cái chúng ta. Điều đó không thể nào chấp nhận được” - Frances Haugen nói thêm. Thật ra Facebook hoạt động vì cái gì? Hoạt động như thế nào? Ưu tiên và không ưu tiên những giá trị nào? Đó không phải là một câu hỏi mới, càng không phải là điều phải đợi tới khi Frances Haugen đặt ra người ta mới bắt đầu suy ngẫm.

Trái lại nó đã được đặt ra, cảnh báo từ lâu. Vấn đề ở chỗ, lần này nó được nói qua miệng của một người thực sự đã từng ở “trong ruột” của Facebook, hiểu bản chất vận hành của Facebook, và có được rất nhiều nguồn tài liệu để chứng minh điều mình nói, ít nhất là theo cách của mình. Cuối năm 2018, khi các nhà tuyển dụng Facebook liên lạc với mình, Frances Haugen đã kể lại câu chuyện của một người bạn sau khi tham gia mạng xã hội đã bị chủ nghĩa dân tộc với rất nhiều thông tin sai lệch lôi kéo cực đoan.

Và mong muốn của Frances Haugen lúc ấy là có thể góp sức giúp Facebook giải quyết được vấn đề thông tin sai lệch, tạo nên một hệ thống tương tác thực sự dân chủ và tốt đẹp. “Nhưng tôi đã thất vọng khi thấy Facebook không giải quyết vấn đề này, mặc dù ý thức rằng nó là một nguyên nhân gây kích động bạo lực”, Frances Haugen nói. Và cô nhấn mạnh: “Chúng ẩn sau những bức tường mà các nhà quản lý và cơ quan nghiên cứu không thể nào hiểu hết. Chúng tôi phải tin những gì Facebook nói là đúng, nhưng hành động của họ không xứng đáng với niềm tin mù quáng của chúng tôi”.

Hẳn nhiên, ông chủ Facebook – Mark Zuckerberg phản đối những điều này. Trong một phúc đáp không lâu sau đó, Mark viết: “Nói chúng tôi vì lợi nhuận mà cố tình đẩy các nội dung khiến mọi người tức giận là phi logic. Chúng tôi kiếm tiền từ quảng cáo, và các nhà quảng cáo luôn nói với công ty rằng họ không muốn quảng cáo của mình xuất hiện bên cạnh những thông tin gây phẫn nộ”.

Hẳn nhiên, ở vị trí của mình, Mark phải nói thế, hoặc nói những điều lấp lánh hơn thế. Nhưng bất chấp những lời nói đó, điều không mong muốn cũng đã xảy ra với Mark: tổng chưởng lý của 14 tiểu bang đã liên minh lại để điều tra về một chương trình của Facebook, gọi là Xcheck. "Giờ đây, chúng tôi biết rằng Facebook có hai bộ quy tắc, một bộ quy tắc dành cho những người giàu có và quyền lực, cùng một bộ quy tắc dành cho những người bình thường khác. Facebook cần phải làm rõ về chương trình XCheck của mình và liệu họ có cấp quyền bảo vệ cho những người có tầm ảnh hưởng lớn đưa ra những thông tin thiếu thận trọng và sai sự thật về COVID hay không?" – ông William Tong, một trong 14 vị tổng chưởng lý cho biết.

Có một vài ví dụ được dẫn lại để minh hoạ cho ý kiến của William Tong: năm 2019, cầu thủ Neymar của Brazil, đăng tải hình ảnh khỏa thân của một cô gái lên Facebook, nhưng các hình ảnh này không bị xóa đi ngay, mà phải mất một thời gian mới bị xoá. Năm 2020, ông Donald Trump – tổng thống Mỹ lúc đó cũng đăng tải một số thông tin chưa được kiểm chứng về đại dịch COVID-19 lên Facebook, nhưng phải mất khá nhiều thời gian, những nội dung này mới được xử lý. Ước tính, có khoảng 5,8 triệu người dùng được hưởng những “ưu ái” này từ chương trình Xcheck. Và nếu những “ưu ái” này được chứng thực, rõ ràng những rắc rối pháp lý với công ty này sẽ diễn ra.

Tóm lại, từ sự xuất hiện ban đầu của Frances Haugen, tính đến lúc này đã có quá nhiều sóng gió đổ dồn lên Facebook. Nó có thể chưa dẫn tới những “dấu hiệu của một công ty đang chết dần” như cách đánh giá của một tờ báo Mỹ, nhưng chắc chắn cũng là những áp lực đủ mạnh khiến Facebook phải thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Nhìn lại những cuộc lật đổ của Apple với Nokia, của chính Facebook với Blog 360, ai cũng thấy rõ một điều: trong một thế giới công nghệ vô cùng khắc nghiệt, ngay cả khi đang ở trên chót vót đỉnh cao, nhu cầu thay đổi, làm mới, và không ngừng hoàn thiện bản thân vẫn luôn là một nhu cầu hiện hữu. Cho nên bạn đừng bất ngờ nếu chỉ trong một thời gian rất ngắn tới đây Facebook sẽ đưa ra những thay đổi, hoặc trong kết cấu kinh doanh, hoặc trong cách thức vận hành, thậm chí họ có thể đổi luôn cái tên “Facebook” thành một cái tên mới toanh, để mở ra một giai đoạn mới, một vùng chân mới.

Hy vọng trong vùng trời mới ấy, cái ước muốn của Frances Haugen sẽ thành sự thực: Chúng ta sẽ có một mạng xã hội bảo vệ sự dân chủ, và không khuếch đại những hận thù, chia rẽ.

Vương Trọng Tín
.
.