Từ lưỡng cực đến đa cực: Một lần nữa, thế giới tự nhận diện chính mình
80 năm đã trôi qua, sau khi Thế chiến 2 - cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại - khép lại, với chiến thắng vẻ vang của Hồng quân Liên Xô (trước đây) cũng như phe Đồng minh trước chủ nghĩa phát xít. Song, những biến động và thăng trầm trong suốt 8 thập kỷ đó cũng luôn thể hiện diện mạo đầy mâu thuẫn và chia rẽ của lịch sử thế giới.
Cho đến hiện tại, khi những trật tự thế giới cũ nối nhau sụp đổ hay rạn vỡ, nhân loại cũng vẫn đang quay cuồng và đắm chìm trong nỗi tự vấn về các khía cạnh của chiến tranh.
1. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: "Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn".
Nhìn chung, mặc dù cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, về cơ bản các nước lớn vẫn vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, song khía cạnh "đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng". Đại hội XIII của Đảng cũng đánh giá rất cụ thể: "Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới".

5 năm qua, diễn biến tình hình địa chính trị toàn cầu càng lúc càng thể hiện rõ tầm nhìn và sự đánh giá chuẩn xác của Đảng. Những mâu thuẫn tiềm tàng và âm ỉ từ hàng chục năm, kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh khép lại, đã liên tiếp bùng phát thành các cuộc xung đột quân sự khốc liệt, ảnh hưởng sâu sắc đến cấu trúc kinh tế - xã hội quốc tế, cuốn cả những quốc gia đang phát triển như Việt Nam vào vòng xoáy tác động nghiệt ngã.
Đáng chú ý nhất là cuộc chiến ở miền Đông Ukraine, bùng phát từ năm 2022, mang tên "Chiến dịch quân sự đặc biệt" mà nước Nga tiến hành, nhằm "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" không gian hậu Xô viết bao quanh mình. Bên cạnh đó, cuộc đối đầu ở Trung Đông giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) với các địch thủ như phong trào Hamas hay các lực lượng Houthi và Hezbollah cũng tạo nên những hệ lụy đáng kể, làm gia tăng số lượng những thảm họa nhân đạo bắt nguồn từ chiến tranh hay xung đột - vốn đã hiện hữu nhiều trên thế giới.
Rạng sáng 7/5 (giờ Việt Nam), thế giới thêm một lần chấn động với nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện giữa Ấn Độ và Pakistan quanh khu vực tranh chấp Kashmir. Nhưng, không chỉ vậy, những "cuộc chiến không tiếng súng", tiêu biểu là "cuộc chiến thuế quan" không quan nhượng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - cũng góp phần thể hiện sâu sắc thêm những mâu thuẫn, cũng như nhu cầu tái định hình trật tự thế giới, trong một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên mà sự xác lập của nó là không thể phủ định và đã được Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thừa nhận trong một bài phỏng vấn ngày 30/1/2025: "Không bình thường khi thế giới chỉ đơn giản có một cường quốc đơn cực. Điều đó không ổn - đó là một sự bất thường. Đó là sản phẩm của hậu Chiến tranh Lạnh, bởi rồi cuối cùng chúng ta cũng sẽ quay trở lại điểm thế giới đa cực, với nhiều cường quốc ở các khu vực khác nhau trên hành tinh".
2. Theo quan điểm chính thống được giới nghiên cứu lịch sử quốc tế thừa nhận rộng rãi, Thế chiến 2 (1939-1945) bùng nổ bởi một nguyên nhân cốt lõi là chuyện không ít những mâu thuẫn tồn tại từ trước Thế chiến 1 (1914-1918) vẫn chưa được giải quyết triệt để. Xung đột về lợi ích ngay trong nội bộ các đế quốc thực dân phương Tây (cũng như đế quốc Nhật Bản ở châu Á), song hành với tâm trạng "báo thù" ở nước Đức (bắt nguồn từ niềm tin rằng quân đội Đức đã "bị phản bội", và từ những điều khoản khắt khe dành cho người chiến bại, nhưng lại chưa đủ khắc nghiệt để đánh quỵ hoàn toàn tiềm lực quốc gia), cộng hưởng với những tác động xã hội từ cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 1930 đã mở đường cho chủ nghĩa phát xít Ý, chủ nghĩa Quốc xã Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật lên nắm quyền, đẩy nhân dân các quốc gia đó cũng như toàn thế giới đi thẳng vào lò lửa chiến tranh.
Đó là chưa kể, toàn thể thế giới tư bản chủ nghĩa (mà mức phát triển cao nhất là chủ nghĩa đế quốc, như kinh điển Mác - Lênin nhận định) đều cùng nhìn về Liên Xô - nhà nước công nông XHCN đầu tiên trên thế giới - với ánh mắt thù địch. Sự khác biệt về tư tưởng và ý thức hệ (nhất là khi Liên Xô đứng vững trong vòng vây, vươn lên thành một trung tâm quyền lực quốc tế thực thụ trải dài trên hai lục địa Á - Âu) dẫn đến một chuỗi vận động phức tạp trước khi Thế chiến 2 bùng nổ, bao gồm cả chuyện lời đề nghị ngăn chặn chủ nghĩa phát xít của Moscow bị phương Tây từ chối, đến việc hai đại cường Anh - Pháp làm ngơ cho nước Đức tái vũ trang, đưa quân vào vùng Rhineland, sáp nhập Áo, thôn tính Tiệp Khắc... Nghĩa là lật tung mọi điều khoản của Hiệp ước Versailles - trước khi vượt qua giới hạn cuối cùng là tấn công Ba Lan.
Phải mất 70-80 triệu sinh mạng - trong đó Liên bang Xô viết đóng vai trò "đứng mũi chịu sào", với hơn 20 triệu quân, dân hy sinh, thế giới mới đẩy lùi được thảm họa phát xít. Một trật tự thế giới mới hình thành - trật tự thế giới lưỡng cực, với Mỹ và Liên Xô nắm vai trò lãnh đạo ở hai phía. Đó cũng chính là điểm khởi đầu của sự chia rẽ toàn cầu mang tên Chiến tranh Lạnh, quãng thời gian mà thế giới chỉ chứng kiến những cuộc đụng độ cục bộ, những xung đột khu biệt, đơn lẻ, xuyên qua Bức màn sắt (Iron Curtain, từ của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill) vô hình chắn giữa hai bên. Song, với việc Liên Xô tan rã cùng sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN Đông Âu năm 1991, sau hơn 30 năm tồn tại, thế giới lại chuyển từ định dạng song cực về trật tự thế giới đơn cực - trật tự mà phương Tây, dẫn đầu là nước Mỹ, nắm quyền lãnh đạo.

3. Những mâu thuẫn đa tầng, thực tế, vẫn luôn tồn tại trong suốt chặng đường lịch sử ấy, xuyên qua những kết cấu trật tự ấy. Chúng còn được bổ sung bởi những phương thức áp chế cường quyền, điển hình là chuỗi bạo loạn - lật đổ mang tên Mùa xuân Arab quét qua Bắc Phi - Trung Đông trong thập niên trước, do phương Tây kích động, để kích hoạt sự điên cuồng của một con quái vật: Chủ nghĩa khủng bố quốc tế, dưới hình hài cụ thể là lá cờ đen chết chóc của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đến hiện tại, khi thế giới đã thật sự trở thành một "thế giới phẳng", với sự bùng nổ của khoa học và công nghệ, với khuynh hướng toàn cầu hóa trong sản xuất và thương mại, với sự vươn dậy của các trung tâm quyền lực kinh tế mới cũng như với nhu cầu đòi hỏi vị thế xứng đáng dành cho mình của các cường quốc từng phải chấp nhận "đứng trong bóng tối" - như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil - trong đà quật khởi chung của nhóm các quốc gia đang phát triển phương Nam, những va chạm ngày càng trở nên dữ dội.
Do đó, xung đột hay chiến tranh đang ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, với mức độ tàn khốc hơn. Trong bối cảnh hiện tại, khi công nghệ chiến tranh đã phát triển gấp nhiều lần ngày Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin, lời cảnh báo của nhà khoa học thiên tài Albert Einstein gần trăm năm trước dường như còn trở nên đáng sợ hơn gấp nhiều lần: "Tôi không biết Đại chiến Thế giới lần thứ ba sẽ bắt đầu như thế nào. Nhưng, tôi tin rằng: Đại chiến Thế giới lần thứ tư sẽ được khởi động bằng gậy và gạch đá". Nói cách khác, loài người đang đứng rất gần lằn ranh tự hủy diệt, nếu không tự tìm được cho mình những hệ thống "van an toàn" cần thiết, nhằm giải quyết các mâu thuẫn và ngăn chặn nguy cơ đối đầu hạt nhân trên diện rộng.
Trật tự thế giới đa cực đã được giới phân tích quốc tế nhắc đến từ đầu thập niên 2010, như sự thay thế tất yếu cho trật tự đơn cực, và hiện đã định hình tương đối rõ nét. Song, vấn đề là, những mâu thuẫn chủ chốt về lợi ích (cả hữu hình lẫn vô hình) thì vẫn luôn hiện hữu trong thế giới loài người, như 80 năm trước đây. Bởi vậy, học lại những bài học từ lịch sử và nhất là chuyện không cho phép bất cứ ai "viết lại lịch sử", đang trở thành những vấn đề gắn liền với hòa bình, ổn định, phẩm giá hay lương tri...