Truyền thống nhân nghĩa, khoan dung

Thứ Năm, 25/04/2024, 10:38

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bắc - Nam thống nhất, non sông một dải, người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước vẫn luôn đoàn kết “bầu bí một giàn”, chung lòng dựng xây quê hương, đất nước. Dẫu vậy, một số người trước đây từng “bên kia chiến tuyến”, sau giải phóng thì ra nước ngoài, đến nay vẫn giữ cách nhìn chưa đúng về quê hương.

Khi được vận động trở về, họ vẫn định kiến, cho rằng “bị phân biệt đối xử” nên không có khái niệm hòa hợp. Quan niệm đó là sai lầm, đi ngược với xu thế hội nhập cũng như truyền thống bao dung, ân nghĩa của người Việt Nam.  

Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973 từng kể, khi ông sang dự một hội thảo liên quan đến chiến tranh Việt Nam tại Đại học Brown (Mỹ), ban tổ chức có bố trí chương trình giao lưu với các giáo sư và khoảng 1.000 sinh viên. Một sinh viên đã hỏi: “Thưa ngài đại sứ, Việt Nam đã chiến thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc nhưng tại sao lại có chuyện hàng triệu người bỏ nước ra đi?”.

Truyền thống nhân nghĩa, khoan dung -0
Biểu diễn văn nghệ “Một thoáng quê hương” tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính với bà con kiều bào ở Mỹ, tháng 9/2023. Ảnh: TTXVN.

Trước câu hỏi trên, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh trả lời, việc có hàng triệu người rời Việt Nam sang Mỹ sau năm 1975 là sự thật lịch sử. Điều này có nhiều nguyên do. Thứ nhất là trong suốt thời gian chiến tranh, quân đội, các nhà chức trách Mỹ cũng như chính quyền Sài Gòn qua mấy đời tổng thống đều tuyên truyền “nếu Việt Cộng giải phóng sẽ có “tắm máu”. Việc tuyên truyền như vậy khiến nhiều người lo lắng nên sau 30/4/1975 họ tìm cách ra đi càng nhanh càng tốt. Những người ra đi gồm người thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, những người thấy ở lại làm ăn không thuận lợi, một số người giàu có và số khác không thuộc các thành phần trên cũng đi vì sợ “tắm máu”. Một số người nữa thấy kinh tế Việt Nam nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên cũng kiếm đường ra đi...

“Nhưng, dù nguyên nhân gì và những người ra đi khỏi Việt Nam như thế nào, chúng tôi đều coi họ thuộc dân tộc Việt Nam và luôn luôn sẵn sàng mở cửa để ai về thăm, ai về nước, ai liên lạc lại, cả ba mức đó chúng tôi đều chấp nhận, mở cửa rộng rãi” - Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh giải thích.

Hòa hợp dân tộc ở Việt Nam là một khái niệm để chỉ sự hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ người Việt phát sinh từ năm 1945 đến nay, trong đó vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc được nhắc đến nhiều sau Hiệp định Paris và sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc nhiều người Việt Nam di cư sang Mỹ sau 30/4/1975 nằm trong bối cảnh lịch sử chịu nhiều tác động chi phối lúc bấy giờ nên không thể lấy việc di cư như vậy để phán xét, quy chụp qua lăng kính tiêu cực. Trong lịch sử của nhiều quốc gia trên thế giới, việc một bộ phận người dân di tản sang nước khác sau khi kết thúc chiến tranh cũng là chuyện bình thường, bởi bối cảnh hậu chiến đặt ra những vấn đề có tính quy luật khiến sự di tản khó tránh khỏi.

Sau gần nửa thế kỷ, sự di cư của người Việt sang Mỹ đã là một vấn đề lịch sử và giờ đây không phải là lúc ngồi soát xét lại tại sao có chuyện như vậy để đổ lỗi nguyên nhân, trách nhiệm của bên nào. Lịch sử không xoay vòng để những người di cư tìm lại câu hỏi nên đi hay ở của bối cảnh quá khứ. Điều quan trọng và mang tính thời sự hiện nay là làm thế nào để việc hòa hợp dân tộc được thực hiện thiết thực, người Việt dù ở bất cứ đâu trên thế giới, bất cứ thành phần, địa vị nào cũng đều hướng về Tổ quốc, đoàn kết vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Dù đã có những chuyển biến trong nhận thức, hành động thì một sự thật là cho đến nay, sau gần 5 thập kỷ chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn còn đó những điều chưa được khỏa lấp trong một bộ phận kiều bào. Trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, vẫn còn đó những người chống đối sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước Việt Nam, thậm chí chống đối quyết liệt suốt gần nửa thế kỷ qua.

Tổ quốc dang rộng vòng tay với cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới không chỉ là những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc mà đã trở thành hành động chính trị của đất nước. Một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ là: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài).

Một trong những hoạt động gây ấn tượng là việc tổ chức các đoàn kiều bào thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Kể từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Tư lệnh hải quân tổ chức 10 đoàn công tác với tổng số hơn 530 lượt kiều bào về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Sau 2 năm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, từ năm 2022, chương trình ý nghĩa này được khởi động lại nhằm đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của bà con kiều bào hướng về biển đảo Tổ quốc. Việc tổ chức các đoàn kiều bào thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 hằng năm tiếp tục góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đây cũng là dịp để kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với quân, dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc.

Tháng 9/2023, trong dịp Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đối với sự phát triển của quan hệ hai nước. Tổng thống Biden khẳng định cộng đồng người Hoa Kỳ gốc Việt là một trong những cộng đồng thành công, năng động, sáng tạo nhất tại Hoa Kỳ”. Tuyên bố chung cũng khẳng định, kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1995, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất và hiệu quả. Chương mới này trong quan hệ giữa hai nước sẽ đưa quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới.

Cũng trong tháng 9/2023, trong chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại đây. Tại buổi gặp mặt, đại diện kiều bào đều bày tỏ vui mừng, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và đối ngoại của đất nước. Thủ tướng mong muốn thời gian tới, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ngày càng đoàn kết, thống nhất, năm sau thành công hơn năm trước, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Con cái có thể lúc này hay lúc khác vì các lý do khác nhau mà ra đi, mà có những khác biệt nhưng Đất Mẹ luôn bao dung, rộng vòng tay đón những đứa con trở về. Bắc nhịp cầu qua ngăn cách, xóa bỏ khác biệt trong ý thức người vốn mang định kiến là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi những nỗ lực cả từ phía Nhà nước cũng như từ phía cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Điều quan trọng là chúng ta cần tôn trọng lịch sử, nhìn về tương lai. Không có cuộc chiến tranh nào mà không có đau thương, mất mát, không có chia ly kẻ đi, người ở, không có những hận thù nhưng tất cả khi đã là quá khứ, người Việt phải biết để nó lại đằng sau, biết lấy đó làm bài học để tránh lặp lại. Những khác biệt trong quan điểm giữa bộ phận người Việt ở nước ngoài, nhất là tại Hoa Kỳ với đất nước cần được giải quyết bằng sự chân tình.

Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, chúng ta đến với họ bằng sự thực tâm, chủ động mở rộng tiếp xúc cả với những người còn định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ; tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội... có tinh thần dân tộc được trở về quê hương. Tất cả các hoạt động này có tác động tích cực đến cộng đồng cũng như dư luận trong và ngoài nước, để bà con dần hiểu hơn, tin tưởng hơn vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Cần nhận thức rằng, dù còn những khác biệt, những vách ngăn chưa được tháo gỡ, song xu thế đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành nguyện vọng chung của hầu hết người Việt Nam. Dù ở đâu, bất cứ ai cũng có quyền về quê hương để thăm lại cố hương, nhớ lại tuổi thơ yên bình, gặp lại người thân, thắp nén nhang cho người thân đã khuất, không có gì cản trở những ý nguyện tốt đẹp của bất cứ ai đối với đất nước mình. Sự chống phá chỉ là thiểu số và ngày càng lạc lõng, đơn điệu trong xu thế phát triển đất nước, hội nhập sâu rộng.

Đăng Minh
.
.