Truyền thông chính sách

Thứ Sáu, 16/12/2022, 10:36

LTS: Cuối tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, với chủ đề "Nhận thức-Hành động-Nguồn lực" . Và thực trạng của truyền thông chính sách hiện nay là như thế nào? Cần nhận biết thực trạng ấy để mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra có thể đạt được một cách kịp thời.

Cú hích lớn và lối đi vô trùng

Trong danh sách bạn bè Facebook của tôi có khá nhiều KOL (Key Opinion Leader, người dẫn dắt quan điểm), và một hôm, khi một tập đoàn lớn đang cần quảng bá cho một chiến dịch đầy tham vọng của họ, tôi phải đọc 3-4 bài nối tiếp nhau trên newsfeed của mình, về câu chuyện của tập đoàn kia.

philadelphiainquirerjuly151916.gif -0
Vào mùa Hè năm 1916, những người đi biển ở New Jersey đã phải trải qua hàng loạt vụ cá mập tấn công. Trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm đó, các thị trấn có bãi biển ở bang này đã mang lại cho Tổng thống Woodrow Wilson số phiếu bầu ít hơn hẳn so với các thị trấn không có bãi biển. Ảnh: S.t.

Một người dùng mạng xã hội bình thường có lẽ không nhận ra rằng đây là một chiến dịch truyền thông: các KOL lồng thông điệp vào rất khéo léo, tùy theo sở trường và "ngách" nội dung họ theo đuổi. Nếu không làm trong ngành nội dung đủ lâu, bạn khó có thể nhận ra đây là hoạt động có chủ ý.

Vài ngày sau, thật tình cờ, tôi đọc được ngay một tin về chuyện chính sách mới về ngành công nghiệp xe hơi ủng hộ cho tầm nhìn lên đến hàng chục năm chiến dịch của chính tập đoàn kia, cũng như các phân tích đi kèm về triển vọng, và lợi ích của nó với tương lai của đất nước. Các bài viết được đưa ra trang chủ, và ở dưới chúng, bạn cũng sẽ đọc được toàn những bình luận ủng hộ. Gần như 100%.

Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, tất nhiên, diễn ra cũng với không khí rất tích cực. Nếu bạn chê bai, sẽ có một loạt tài khoản Facebook phản biện đổ xô vào phần bình luận, và nhanh chóng khiến bạn bỏ ngay ý định ấy.

Nhưng tôi bỗng nhận ra rằng mình, và có thể là nhiều người khác nữa, chưa hề có cơ hội góp ý cho chính sách đi vào đời sống "nhanh như chớp" này, và thực sự sửng sốt trước độ phủ sóng của nó khi mọi chuyện đã xong xuôi. Nhìn bề ngoài, nó dường như là một trường hợp truyền thông chính sách hoàn hảo: mọi thứ đều diễn ra với tiến độ nhanh chóng, không quan liêu, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của truyền thông cho đến người dân.

Nhưng bên trong, chúng ta biết có điều gì đó không ổn. Điều thúc đẩy nó đi một cách trơn tru từ bàn giấy ra hiện thực có lẽ đơn thuần là một nguồn lực khổng lồ. Trong quá trình ấy, các thắc mắc đơn lẻ của đám đông nhanh chóng rơi vào hư không.

Nguồn lực ấy mạnh mẽ đến nỗi đôi khi, tôi đọc được cả sự e ngại công khai: nếu một tài khoản Facebook nào đó bình luận thiếu thiện chí với tập đoàn ấy, thì sẽ có người vào mỉa mai rằng "không sợ bị mất Facebook à?".

Vào mùa Hè năm 1916, những người đi biển ở New Jersey đã phải trải qua hàng loạt vụ cá mập tấn công. Trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm đó, các thị trấn có bãi biển ở bang này đã mang lại cho Tổng thống Woodrow Wilson số phiếu bầu ít hơn hẳn so với các thị trấn không có bãi biển.

Đấy là một ví dụ trong cuốn sách “Dân chủ cho người duy thực” (Democracy for Realists) của hai tác giả Christopher H Achen và Larry Bartels, những người đang cố gắng minh họa cho lập luận rằng các câu chuyện chính trị nói chung và chính sách nói riêng nên nằm trong quyền kiểm soát của giới tinh hoa, hơn là trở thành một vấn đề đại chúng mà ai cũng có thể góp tay vào. Theo họ, khả năng của cử tri "để đưa ra những đánh giá hợp lý về lòng tin hay đổ lỗi cho ai đó là rất hạn chế".

Và thế là chúng ta có một cơ chế tinh vi để kiểm soát đại chúng. Vào đầu năm 2017, tạp chí nghiên cứu Scientific American đã xuất bản một tiểu luận "tố cáo" một thực tế ở nước Mỹ: các chính phủ và những tập đoàn lớn đã thao túng đám đông để hướng đến các quyết định có lợi cho bản thân, thông qua thu thập dữ liệu lớn về phân tích hành vi. Họ gọi nó bằng thuật ngữ "big nudge" (cú huých lớn), chỉ việc định hướng hành vi của các cá nhân mà không cần phải ép buộc.

Lý thuyết cú huých là một khái niệm quan trọng trong kinh tế học hành vi, được đặt ra trong cuốn sách của nhà kinh tế học Richard Thaler (Nobel kinh tế 2017) và học giả Cass Sunstein, đề xuất các phương pháp tác động một cách tự nhiên đến hành vi và quá trình ra quyết định của các nhóm hoặc cá nhân. Cực đoan hơn, tạp chí Scientific American cho rằng "cú huých lớn" là một "quyền trượng kỹ thuật số cho phép quản lý đám đông một cách hiệu quả mà không cần lôi kéo công dân tham gia vào các quy trình".

Bạn có thể nhận ra rằng các cú huých có thể tồn tại ở bất cứ đâu, và có lẽ không ít chính sách đã lướt rất nhanh qua dư luận với một lối đi được bọc trong màng ngăn vô trùng như thế. Bạn sẽ không thấy rõ chúng đi vào thế nào, nhưng có thể sẽ nhìn thấy chúng ở khắp nơi ở đoạn cuối, khi lợi thế nguồn lực phát huy quyền năng của nó. Bạn chỉ không hiểu rằng mình đứng ở đâu, trong chiến dịch quy mô này, dù trên thực tế, chúng ta mới là những người có liên quan nhiều nhất đến những chính sách khi nó đã trở thành hiện thực.

Phạm An

"Không góp ý là lỗi của anh"

Dự thảo chính sách thường xuyên được "công bố" ở những nơi mà đến cánh nhà báo thông thạo Internet còn toát mồ hôi mới có thể tìm thấy.

cac-phuong-tien-truyen-thong-hien-nay.jpg -0
Cải thiện chất lượng chính sách được ban hành, chưa chắc đã cần đầu tư thêm cho đội ngũ soạn thảo. Ảnh: S.t

Có một năm tôi đồng tổ chức một hội thảo về Bảo hiểm xã hội. Thành phần tham dự rất đông nhà báo, đại diện cơ quan ban hành chính sách và cả nhà kinh tế độc lập. Nhưng buổi sáng ngày diễn ra hội thảo, tôi  quyết định phóng xe lên xóm trọ ở gần chợ đầu mối và đón một người bạn. Đó là anh Trường, một người bốc vác ở chợ đêm Long Biên.

Anh Trường là dân lao động, không phải người biết ăn nói. Nên tôi bố trí cho anh một chỗ ngồi dưới khán phòng, và dặn anh rằng lát nữa, anh nghĩ gì cứ nói.

Sau phần phân tích của chuyên gia, thảo luận của các vị học giả, micro được chuyển đến cho anh Trường. Anh đứng dậy, và nói rất ngắn, rất hồn nhiên. "Hôm nay cháu mới biết là người lao động tự do như mình có thể được mua bảo hiểm xã hội, được đóng lương hưu. Cháu làm bốc vác ở chợ, làm từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng về đi ngủ, chiều lại dậy ăn cơm rồi đi ra chợ, cháu không làm thế nào để biết được những thông tin này, cũng không biết làm thế nào thì tham gia đóng bảo hiểm được".

Buổi hội thảo ngày hôm ấy, anh Trường là trung tâm. Ống kính máy quay và máy ghi âm trong giờ nghỉ tập trung hoàn toàn quanh anh. Vì cái tuyên bố rất ngắn của anh chính là mấu chốt trong chính sách bảo hiểm xã hội, và mấu chốt trong phần lớn các chính sách được ban hành: làm thế nào để có sự tham gia của người dân?

Trong truyện "Bí kíp quá giang vào ngân hà", một tiểu thuyết giả tưởng kinh điển của Douglas Adam (Anh), trường đoạn mở đầu là khi “Trái đất bị tiêu diệt”.

Trên quỹ đạo, bỗng xuất hiện một đoàn phi thuyền khổng lồ đọc loa thông báo cho cư dân trái đất: Hội đồng Quy hoạch Siêu không gian ngân hà có kế hoạch xây dựng một cao tốc siêu không gian, và Trái đất là một địa điểm cần "giải phóng mặt bằng". Cuộc phá hủy toàn bộ hành tinh sẽ diễn ra trong vòng hai phút tiếp theo.

Cư dân Trái đất bắt đầu hoảng loạn. Trưởng ban giải phóng mặt bằng ngân hà đọc loa tiếp: "Làm ra vẻ ngạc nhiên không ích gì… Tất cả bản đồ quy hoạch và lệnh phá hủy đã được trưng bày tại phòng quy hoạch nội vùng của các người ở hệ sao Alpha Centauri suốt hai mươi năm Trái đất, các người đã có vô khối thời gian để đệ đơn khiếu nại chính thức, còn bây giờ hoắng lên cũng đã muộn rồi".

Người Trái đất tìm cách phát sóng được đến các phi thuyền, nói rằng họ chưa bao giờ nghe thấy thông tin này.

"Các người nói các người chưa từng tới hệ sao Alpha Centauri là ý làm sao? Hỡi ôi loài người, nó chỉ cách có bốn năm ánh sáng. Ta xin lỗi, nếu các người không buồn quan tâm đến những vấn đề ấy thì đó là việc riêng của các người".

Nói đoạn, ban giải phóng mặt bằng ngân hà nạp năng lượng cho tia hủy diệt, phóng thẳng xuống Trái đất và toàn bộ hành tinh hóa vào hư không.

Douglas Adam đã dùng ẩn dụ giả tưởng để mô tả rất tinh tế mối quan hệ giữa hệ thống quan liêu và nhiều người dân yếu thế. Người Trái đất không thể biết, và cũng không có cách nào đến xem bản đồ quy hoạch Ngân hà ở cách đây "có bốn năm ánh sáng" - do những cộng đồng có mức độ phát triển cao hơn rất nhiều vẽ ra. Sự mỉa mai của tác giả khiến ta nhận ra rằng trên hành tinh này, chúng ta đôi lúc đối xử với những cộng đồng yếu thế như thế nào.

Một văn bản, một quy hoạch, một chính sách mới hoàn toàn có thể được ban hành mà đối tượng chịu tác động không hề nắm được. Nó tất nhiên đã được "trưng bày công khai ở hội trường tỉnh", đã được "lấy ý kiến nhân dân" và tất nhiên là nếu người dân không chủ động cho ý kiến thì đó là trách nhiệm của họ; đến giờ đến phút thì phải thi hành.

Nhưng người dân sống trên núi, người dân sống trong làng, người dân nhiều lúc còn làm công ở chợ đầu mối, tức là bắt đầu ngày làm việc vào lúc 7 giờ tối và ra về lúc 7 giờ sáng. Họ sẽ chỉ biết đến bộ mặt của chính sách đó đến khi nó được thi thành.

Vấn đề của hệ thống lập pháp và hành pháp nước ta, là có rất nhiều văn bản không hề có sự tham gia của người dân - hay nói cách khác - là không thể đưa được đến tay người dân trong giai đoạn nó còn là dự thảo. Đưa đến với họ, giải thích cho họ rằng dự thảo này có thể sẽ tạo ra thay đổi gì trong đời sống của anh/chị, đó là nhiệm vụ của các cơ quan tuyên truyền.

Nhưng dường như nó quá khó. Dự thảo của các văn bản chính sách thường xuyên được đăng ở những nơi kín như bưng, mà đến cánh nhà báo thông thạo Internet còn phải toát mồ hôi hột mới tìm thấy.

Cải thiện chất lượng chính sách được ban hành, chưa chắc đã cần đầu tư thêm cho đội ngũ soạn thảo. Những khoảng trống trong truyền thông chính sách rất dễ nhận ra và lấp đầy: khi chúng ta nói về niềm tin của người dân với chính quyền, thực ra, có một phần rất lớn của "niềm tin" đến từ việc đừng đặt nhau vào thế đã rồi. Người dân chỉ biết đến chính sách khi nó đã được thi hành, tạo ra cảm giác rằng họ đang bị áp đặt bởi một quyền lực lớn hơn.

 Đức Hoàng 

Cái loa phường

Nếu phải lựa chọn một điểm nhấn sự kiện của kinh tế Việt Nam năm nay, chắc chắn sẽ không ít người lựa chọn cuộc khủng hoảng trái phiếu. Gọi nó là khủng hoảng có vẻ hơi quá nhưng thực tế lại không sai. Khi mà các trái chủ vẫn còn đang quá mơ hồ về tương lai những đồng tiền đầu tư của mình thì chắc chắn đó cũng là lúc niềm tin khủng hoảng. Xóa sạch được những lo sợ mơ hồ ấy, khủng hoảng mới bị triệt tiêu hoàn toàn. Nhược bằng không, nó có thể tích tụ lại để gây hệ lụy lớn hơn rất nhiều.

Truyền thông chính sách -0
Đã hơn 1 tháng kể từ khi nghị quyết về hỗ trợ học phí được ban hành nhưng vẫn không thiếu các phụ huynh gần như không biết gì về sự tồn tại của nó. Ảnh: S.t.

Sẽ là rất dễ để tìm ai đó đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng trái phiếu nói trên nhưng nếu được nhìn nhận một cách khách quan, trung thực, thẳng thắn, chúng ta phải thừa nhận rằng khủng hoảng trái phiếu chính là hậu quả lớn của thất bại trong truyền thông chính sách. Nếu người dân được hiểu về chính sách phát hành trái phiếu một cách cơ bản và cặn kẽ nhất, họ sẽ biết trái phiếu nào lành mạnh, trái phiếu nào không. Nhưng ngặt nỗi, chỉ khi xảy ra cơ sự rồi, người dân mới được biết đơn vị phát hành trái phiếu mà họ đặt niềm tin đã làm sai pháp luật.

Trong lúc ấy, có một bộ phận không nhỏ đổ lỗi cho trái chủ, với suy diễn cũ rích là "tại sao không tìm hiểu kỹ trước khi mua" và "ai bảo tham lãi suất cao làm gì?".

Đó chỉ là ví dụ cơ bản nhất, sát sườn nhất về truyền thông chính sách hôm nay. Và Chính phủ đã nhận thức rất rõ vai trò của truyền thông lớn đến như thế nào trong việc truyền đạt chính sách mới cũng như thu thập góp ý của quần chúng đối với các chính sách ấy. Chính vì vậy, hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trì hồi cuối tháng 11 vừa rồi. Sự cấp bách của công tác này là rất rõ ràng, đặc biệt khi Việt Nam đang trong bối cảnh cần hồi phục kinh tế sau đại dịch và các cuộc đại phẫu lớn.

Mỗi một năm có rất nhiều chính sách mới được đưa ra bởi hoàn cảnh môi trường chính trị xã hội và kinh tế toàn cầu luôn có những biến động buộc Việt Nam phải có điều chỉnh phù hợp. Nhưng trong số các chính sách mới ấy, không biết có bao nhiêu chính sách đến tai người dân, ở lại trong trí nhớ của họ? Nhiệm vụ truyền thông chính sách này thuộc về ai? Tại sao việc truyền thông chính sách lại yếu ớt đến thế khi mà chúng ta từng được đánh giá rất cao về công tác tuyên truyền?

Các câu hỏi này không phải để đi tìm câu trả lời đơn thuần. Chúng như những đề bài rất cần người giải, và tạo thành công thức để áp dụng rộng sau này.

Ở vào thời đại chuyển đổi số, mạng xã hội bùng nổ, vậy mà tính phổ cập của không ít chính sách lại kém xa so với thời kỳ cách đây nửa thế kỷ. Khi chỉ có truyền hình (không phát sóng 24/24) cùng với báo giấy và các bảng tin phường, xóm, tổ dân phố, người dân vẫn thuộc đến tận hôm nay chính sách kế hoạch hóa gia đình ngày nào. Tại sao ngày xưa làm được mà hôm nay không làm được? Trớ trêu hơn nữa là đời sống, thu nhập cán bộ ngày xưa kém hơn thời nay rất xa. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu: năng lực hay ý thức cán bộ?

Có một câu chuyện mấy năm nay vẫn hay được bàn tán xôn xao là chuyện nên hay không nên giữ cái loa phường. Rất nhiều ý kiến cho rằng cái loa phường thể hiện hình ảnh của lạc hậu, của sự phiền toái, sự mất trật tự và xâm phạm riêng tư công dân (làm ồn cưỡng bức). Nhưng ít ai để ý rằng những phản ứng mạnh mẽ chống lại loa phường chỉ đến từ lớp dân thành thị. Người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa không có ý kiến đến việc bỏ loa xã bao giờ. Cơ bản, họ vẫn coi đó là kênh thông tin chính thức và hữu ích. Nó thiết thực khi nhờ cái loa ấy, họ có thể biết những chính sách mới gắn sát sườn với lợi ích nhà nông. Và cũng chính nhờ cái loa oang oang kia, việc tiêm phòng dịch bệnh ở nông thôn được thực hiện tốt hơn. Vậy thì những đấu tranh chống lại loa phường là đấu tranh đại diện cho dân chúng nào? Chẳng lẽ, 100% dân Việt Nam đều là dân thành thị cả?

Cái loa xã/ loa phường vốn là phương tiện cũ kỹ nhưng nếu thực thi truyền thông bằng loa ấy không được thực hiện theo phương thức cũ kỹ, tính hiệu quả của nó vẫn rất lớn. Chính sách không bỏ quên nhân dân cũng phần nào nhờ vào các phương tiện bị xem là lạc hậu kia. Tất nhiên, cái loa phường không phải là phương tiện duy nhất. Chính quyền địa phương có thể đa dạng hóa mặt trận truyền thông chính sách này bằng cả các phương tiện mới như mạng xã hội, với các cách biểu đạt mới phù hợp hơn với đối tượng truyền đạt.

Nói đến đối tượng truyền đạt, chúng ta sẽ càng hiểu hơn việc thực hiện truyền thông chính sách cần chú trọng tới điều gì nữa. Đó chính là xác lập "đối tượng mục tiêu". Nếu xác lập rõ các nhóm đối tượng mục tiêu theo lứa tuổi, sở thích, thói quen, địa lý v.v và v.v, những nhà hoạch định chính sách sẽ có phương án truyền thông phù hợp và hữu hiệu. Nói theo cách đơn giản, với việc lựa chọn kênh truyền thông phù hợp nhóm đối tượng truyền thông, một chính sách mới có thể đến với từng gia đình theo nhiều cửa khác nhau. Ông bà già thì có thể dùng loa phường hay các buổi trao đổi trong xóm, thôn; lớp thanh niên thì xem qua mạng xã hội; trung niên có thể là báo chí, TV, website… Mà một khi chính sách đã lọt cửa nhà dân qua một người, nó có thể được phổ biến lại cho những thành viên còn lại một cách dễ dàng hơn qua các sinh hoạt gia đình.

Một ví dụ mà tôi muốn nêu ra chính là nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND của TP. Hồ Chí Minh mới ban hành cuối tháng 10 vừa rồi. Đã hơn 1 tháng kể từ khi nghị quyết về hỗ trợ học phí này được ban hành nhưng vẫn không thiếu các phụ huynh gần như không biết gì về sự tồn tại của nó. Lỗi không thể quy về cho người được hưởng lợi ích từ chính sách, tức người dân, hoặc những đơn vị nằm trong quy chiếu của chính sách (các trường học). Lỗi cần được đặt vào chính những người đang làm trong ngành thông tin của UBND Thành phố. Họ đã làm cách nào để kết nối liên lạc giữa chính quyền và người dân? Hay họ chỉ đơn giản sao lưu, photocopy và gửi các bên liên quan? Nếu chỉ cần làm như thế là đủ, e rằng bộ máy không cần đến ngần ấy con người.

Chính sách muốn đến được với dân, phải có người phụng sự chính sách và nhân dân bằng một thái độ tiến bộ. Mà đó mới chỉ là một chiều thôi, chiều từ chính quyền tới dân. Còn đòi hỏi chiều ngược lại mà Thủ tướng đề ra là dân phải tham gia vào xây dựng chính sách mới là thứ quan trọng hơn, khó khăn hơn và yêu cầu cán bộ mẫn cán hơn, nhanh nhạy hơn nhiều lần.

Hà Quang Minh

.
.