Trường chuyên và câu chuyện thi đua trong giáo dục
LTS: Kỳ nghỉ hè có thực sự là lúc học sinh được nghỉ hay không? Câu hỏi này mở ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề về giáo dục hiện nay, mà trong số đó, trường chuyên và thi đua đang là những điểm nóng đáng bàn nhất…
Lò xay của kỳ vọng
Năm 2012, một khảo sát trên Linkedln, mạng xã hội chuyên về công việc lớn nhất thế giới, cho thấy rằng cứ 3 người trưởng thành thì có khoảng 1 người đang làm "công việc họ mơ ước". Nghĩa là hai phần ba thì không.
Một cuộc thăm dò khác về công việc của Viện Gallup (công ty nghiên cứu và tư vấn về thị trường nổi tiếng ở Mỹ) cũng đưa ra kết quả gần tương tự, rằng chỉ có 30% nhân viên cảm thấy "gắn kết" với công việc của họ, trong khi 52% nói rằng "không gắn kết" và 18% vẫn phân vân, bảo họ "không gắn kết tích cực".
Các chuyên gia về giáo dục đã thử đi tìm manh mối. Tại Đại học bang Florida, nhà xã hội John Reynolds đã khám phá ra một thực tế phũ phàng hơn trong hệ thống giáo dục của nước Mỹ: trong nghiên cứu được công bố vào năm 2006, ông cho biết chỉ có 26% học sinh trung học Mỹ vào năm 1976 muốn học lên cao học và 41% muốn trở thành chuyên gia; trong khi đến năm 2000, các con số này lần lượt là 50% và 63%. Kỳ vọng về sự thành đạt ngày một tăng lên.
Logic xuất hiện ở đây: những đứa trẻ càng phải gánh chịu nhiều kỳ vọng, thì khi lớn lên đa số chúng không thật sự hài lòng với công việc của mình. Hệ thống giáo dục Mỹ dựa trên một mệnh đề lớn chi phối tâm trí người Mỹ từ rất lâu, rằng "bạn có thể trở thành bất kỳ ai mình mong muốn".
"Khi bạn nói với ai đó: Bạn có thể trở thành bất cứ điều gì", Jean Twenge, giáo sư tâm lý học tại Đại học San Diego State và tác giả của cuốn sách "Thế hệ tôi" (2014), nói, "thì "bất cứ điều gì" mà họ nghĩ đến hiếm khi là một thợ sửa ống nước hoặc một nhân viên kế toán".
Nước Mỹ có một hệ thống "trường chuyên" (gifted school) và các chương trình đào tạo tài năng để biến những đứa trẻ thành "bất kỳ ai chúng mong muốn". Theo định nghĩa trong Đạo luật Giáo dục Tiểu học và Trung học Liên bang, trẻ tài năng là những người "cho thấy khả năng đạt thành tích cao trong các lĩnh vực như năng lực trí tuệ, sáng tạo, nghệ thuật hoặc khả năng lãnh đạo, hoặc trong các lĩnh vực học thuật cụ thể và cần các dịch vụ và hoạt động không thường được cung cấp bởi trường để phát triển đầy đủ những khả năng đó".
Nhưng Lauri Kirsch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Trẻ tài năng quốc gia, lưu ý rằng học sinh từ các nền văn hóa hay tầng lớp kinh tế thấp hơn có thể bị bỏ qua trong các nỗ lực để xác định trẻ tài năng.
Việc này thể hiện trong thống kê dân số của các trường học và chương trình tài năng - trong năm học 2017-2018, theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, gần 60% học sinh trong các chương trình tài năng là người da trắng, mặc dù chỉ có 47% trong số tất cả học sinh công lập là người da trắng.
Tương tự, học sinh gốc Phi cũng bị thiếu hụt trong các chương trình tài năng trong cùng năm học, chiếm chỉ 8% trong số học sinh trong các chương trình tài năng và 15% trong tổng số học sinh trên toàn quốc.
Trong những tranh cãi về trường chuyên gây sốt trên mạng xã hội Việt Nam thời gian qua, mọi người bỏ qua một chủ thể quan trọng: các học sinh. Trường chuyên mang theo một kỳ vọng rất lớn lao vào khả năng của các em, tương tự thông điệp "có thể trở thành bất kỳ ai mình mong muốn".
Từng là học sinh một lớp chuyên, tôi hiểu cảm giác về kỳ vọng kiểu này. Cuộc đời thì lại không đơn giản như vậy: trong số những bạn học của tôi, rất nhiều người không thể cảm thấy hạnh phúc với công việc cũng như sự nghiệp của họ. Chuyện này xảy ra với cả những người có thành tích học tập tốt bậc nhất thời còn đi học.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009, số sinh viên tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng rồi thất nghiệp hóa ra chiếm tỉ lệ cao hơn cả các trường dạy nghề. Những người xác định ngay từ đầu rằng họ cần một nghề kiếm sống có thể thành công và hạnh phúc hơn những ai đã trót kỳ vọng quá nhiều.
Mô hình trường chuyên cũng không còn là lối thoát cho những học sinh nghèo học giỏi nữa, vì quy luật cung cầu. Giờ đây, một bảng điểm toàn 10 cũng không đảm bảo cho con em bạn đỗ vào một trường chuyên có tiếng kiểu Hà Nội Amsterdam, nếu các phụ huynh không có thêm nguồn lực để tạo ra sự khác biệt.
Tất nhiên, quan niệm về trường chuyên sẽ không dễ gì biến mất: ai cũng mong con em mình được thừa nhận như những tài năng đặc biệt, và nghĩ về một tương lai xán lạn, giàu hy vọng của chúng.
Nhưng về mặt xác suất, bạn có thể thấy mô hình này ít đem lại hiệu quả về giáo dục trong tương lai hơn ta tưởng. Kiên trì với một mục tiêu quá tầm với có thể là con đường ngắn nhất để thất bại, trong đau buồn. Không, bạn không thể trở thành bất cứ ai mình muốn. Đấy là thực tế phũ phàng mà các mô hình tài năng sẽ luôn muốn phủ nhận, nhưng không bao giờ thành công.
Phạm An
Những đứa trẻ được chọn
"Người được chọn" là một thuật ngữ thường hay xuất hiện ở phim siêu anh hùng Hollywood. Họ sẽ bất ngờ nếu biết rằng ở nước ta việc này được áp lên những đứa trẻ. Chúng được gọi là "học sinh lớp chọn".
“Chương trình học và cách tổ chức trường lớp ở một số nước thường giữ y nguyên từ thời thuộc địa, khi trường học buộc phải là nơi huấn luyện những người dân địa phương ưu tú trở thành tay sai đắc lực cho chính quyền thực dân, và mục tiêu là khiến cho những người này xa cách với quần chúng nhân dân. Người học hôm nay đã khác xưa nhưng giáo viên vẫn tâm niệm nhiệm vụ của mình là chuẩn bị học sinh giỏi nhất cho những kỳ thi khó. Và ở hầu hết các nước đang phát triển, người ta coi những kỳ thi kiểu này hoặc là cánh cửa bước chân vào đại học hoặc là dấu chấm hết những năm tháng trên ghế nhà trường" (trích sách "Hiểu nghèo thoát nghèo" - Esther Duflo và Abhijit V. Banerjee/NXB Trẻ).
Trong cuốn sách nổi tiếng của mình, hai nhà kinh tế học Esther Duflo và Abhijit V. Banerjee - chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2019 - có riêng một chương dành cho trường chuyên, lớp chọn.
Các ví dụ được hai nhà kinh tế nêu ra trong sách là từ Ấn Độ. Nhưng chắc chắn các luận điểm của họ đáng tham khảo với bất kỳ nhà lập pháp, nhà giáo dục nào trên thế giới. Đặc biệt, là câu kết của chương đó: "Có lẽ bước đầu tiên để xây dựng một hệ thống trường học tạo điều kiện phát triển cho từng học sinh là phải nhận thức được rằng trường học nên phục vụ cho học sinh hiện tại, chứ không phải cho những đối tượng học sinh họ mong muốn tiếp nhận".
Có nhiều lập luận cho việc tồn tại một hệ thống trường chuyên. Thậm chí nếu chính phủ không công khai khuyến khích việc phân hạng các trường học, trong đầu các bậc phụ huynh - tức là trong cộng đồng - cũng sẽ có một bộ tiêu chí riêng và tự phân loại các "trường điểm" cho riêng mình. Đó sẽ là nơi các bậc phụ huynh mong muốn con mình được vào nhất. Đó là nơi có thầy cô giáo tốt nhất, họ nghĩ. Đó là nơi có những con số thống kê về tỷ lệ đỗ đạt, hay nhận học bổng du học cao nhất, thực tế đã chỉ ra.
Nhưng việc tồn tại một hệ thống trường chuyên, trường điểm, lớp chọn như vậy, dù là trên giấy tờ của nhà nước hay là trong hệ đo đạc của cộng đồng, cũng đến từ một thực tế: hiệu quả của các ngôi trường có thể đo được trong ngắn hạn. Tức là thành tựu của một hệ thống giáo dục phổ thông, đang được đo bằng tỷ lệ đỗ đạt (ở đây cụ thể là đỗ đại học).
Thước đo "tỷ lệ đỗ đại học" - trong nước hoặc xịn hơn là lấy được học bổng nước ngoài - thống trị nền giáo dục. Từ phụ huynh, thầy cô cho đến nhà quản lý không có cách nào khác hơn là vin vào đó để đo lường chất lượng giáo dục của từng ngôi trường. Những bi kịch của việc cô giáo nài nỉ phụ huynh "đừng cho con thi vào cấp 3", nhằm đảm bảo tỷ lệ đầu ra đẹp đẽ của trường, cũng đến từ cái hệ đo thống trị này.
Trong khi thành tựu của một đời người, hạnh phúc của mỗi cá nhân, hay là sự đóng góp của cá nhân đó vào sự thịnh vượng của cộng đồng, là một kết quả dài hạn.
Người viết bài đã từng học "lớp chọn" - một thứ khái niệm được quy ước ngầm bởi nhà trường, phụ huynh và thầy cô. Nó không tồn tại trên một văn bản nào, nhưng ai cũng biết là lớp đó có chất lượng tốt hơn, được đầu tư hơn so với các "lớp thường". Ngay cả trong một ngôi trường được coi là "trường điểm", cũng có hệ thống phân cấp ngầm như thế.
Tất nhiên, thang bậc đó được đo bằng tỷ lệ đỗ đại học. Và phụ huynh cũng như bản thân những đứa trẻ cũng ao ước được vào những lớp đó, là vì một suy nghĩ đơn giản: nó mở ra một tương lai tốt hơn (thông qua điểm số). Tôi đã vào một lớp chọn, vì điểm đầu vào cấp 3 đứng trong top 50 toàn trường.
Sau 20 năm, tôi vẫn tin rằng ngôi trường đó, lớp học đó có ý nghĩa với đời mình. Xung quanh nhiều bạn chăm chỉ, thầy cô cũng quan tâm - có lúc quan tâm vì thành tích như nhiệm vụ, nhưng nhiều lúc thực sự quan tâm đến việc phát triển tư chất riêng của con người. Dẫu sao, lớp chọn cũng sẽ có những thầy cô giàu kinh nghiệm làm thầy và làm người nhất.
Nhưng sau 20 năm, tôi cũng đồng thời nhận ra rằng có quá nhiều thứ ngoài những môn học cơ bản trong trường phổ thông - hay là những kỳ thi đầu vào - mà một con người cần học, để trở thành người có ích.
Một đứa trẻ được vào "lớp chọn" như tôi trong quá khứ, nhưng lại chẳng may học kém một môn cơ bản, không có triển vọng ở "khối A" hay "khối D", sẽ chịu những phán xét nặng nề. Khi hệ đo đạc hoàn toàn trông vào một vài kỳ thi cụ thể, vài bài kiểm tra hữu hạn, thứ đầu tiên bị đánh giá và chịu áp lực sẽ là một đứa trẻ. Gánh nặng đầu tiên mà chúng phải chịu đựng, là cảm giác bị phán xét và thấy rằng mình không có tương lai.
Nếu có điều gì tôi đã không được hưởng từ trường điểm và lớp chọn, đó là việc khuyến khích bản thân tìm hiểu những tiềm năng khác ngoài các môn "chọn" - những môn được nhà trường đầu tư để nâng cao thành tích (của người lớn). Việc tôi tìm được tiềm năng đó, và phát triển chúng sau này để có chút đóng góp cho xã hội và gia đình, hoàn toàn là một may mắn. Nó chưa bao giờ nằm trong kịch bản của hệ thống giáo dục phổ thông.
Bởi tiềm năng của con người, số nghề nghiệp trong xã hội, số phương thức mà người ta có thể đóng góp cho xã hội là vô hạn. Còn các môn chấm điểm, thi thố, và qua đó tạo nên trường chuyên lớp chọn chỉ là hữu hạn.
Tôi mong chờ con tôi sẽ được hưởng điều đó. Việc bất kỳ ai cũng có thể được khuyến khích trở thành người tốt, người có ích - theo cách của riêng họ.
Đức Hoàng
Thi đua thì phải biết chấp nhận “thua đi”
Kể từ khi tôi mở mục nói chuyện mỗi ngày trên Facebook, tôi nhận được vô số nhắn gửi từ những thầy cô giáo trên khắp cả nước. Mỗi ngày, có cả chục tin nhắn gửi vào hộp thư Facebook. Mỗi tin nhắn là một câu chuyện riêng nhưng nhiều câu chuyện riêng ấy lại tương đồng nhau để tạo ra một câu chuyện chung về bức tranh giáo dục hiện nay. Nói chung, sự bức xúc là có và tất cả đều chờ đợi vào một cuộc cải cách mạnh mẽ từ thượng tầng.
Một trong những câu chuyện chung mà nhiều giáo viên chia sẻ với tôi nỗi chán nản của họ chính là phong trào thi đua trong giáo dục. Hiện tượng học sinh giỏi chiếm tỷ lệ quá lớn trong các tổng kết cuối năm hoá ra không phải là tín hiệu đáng mừng mà ngược lại, nó là áp lực từ bệnh thành tích và áp lực ấy khiến các thầy cô giáo phải thỏa hiệp với một chất lượng không tương xứng với điểm số. Đơn giản, nếu lớp có học sinh yếu và trung bình, lớp sẽ mất điểm thi đua cuối kỳ. Lớp mất điểm thi đua cuối kỳ thì trường mất điểm thi đua cuối năm. Từ đó, áp lực đè lên giáo viên thể hiện qua thành tích thi đua cá nhân của giáo viên ấy và cả sự phản ứng của chính cộng đồng đồng nghiệp trong trường.
Thi đua thật ra không phải là cái lỗi cốt lõi của vấn đề nan giải kể trên. Thi đua là tốt. Con người, tập thể phải biết thi đua để hoàn thiện mình. Song, mục đích cao đẹp của phong trào thi đua bị biến tướng bởi con người mang tham vọng thành tích. Họ chạy theo thành tích trên giấy tờ và làm biến tướng phong trào thi đua cao đẹp trở thành phong trào ganh đua không lành mạnh. Cơ bản, họ không dám đối diện với sự thua kém, không dám chấp nhận sự thật rằng mình chưa thể hơn được đồng nghiệp cùng ngành. Nói thẳng, khi chưa học được tinh thần chấp nhận "thua đi" thì không thể nào có được một tâm thế thi đua sạch sẽ.
Một trong những điển hình của phong trào ganh đua thiếu lành mạnh này là cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật (KHKT) trong các trường PTTH, THCS. Rất nhiều giáo viên đã kể với tôi rằng để đáp ứng đòi hỏi mỗi lớp phải có một sáng kiến KHKT, giáo viên đã phải làm thay học sinh. Rồi khi giáo viên cạn nguồn sáng tạo, tới lượt phụ huynh học sinh "ra trận". Khi phụ huynh học sinh cạn nguồn thì trường, lớp đi thuê chuyên gia bên ngoài về làm thay các em dưới cái mác hướng dẫn. Biến tướng của nó dẫn tới nhiều công trình gian dối đã được mang đi thi và bị phê phán mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ở đây, rõ ràng một phong trào mang tính ngoại khóa, bên lề giảng đường đã được tạo thành một nhiệm vụ do trường muốn ghi điểm với sở. Và tất nhiên, sở thì muốn ghi điểm với tỉnh, với bộ nên chỉ tiêu giao về các trường là có, dù chỉ là bất thành văn. Trong cái chuỗi ấy, mọi nghĩa vụ bị đổ dồn lên học sinh và giáo viên. Từ đó, ta nhận ra một thực tế rằng học sinh và giáo viên đã bị đặt vào điểm cuối cùng gánh vác những trọng trách của giáo dục. Đó là một nghịch lý ngược đời. Lẽ ra, trong sự nghiệp trồng người, học sinh (tức người được trồng) và giáo viên (tức người gieo trồng) phải được đặt làm trọng tâm chăm sóc nhất mới phải. Nhưng rất tiếc, đã từ lâu ngành giáo dục bỏ qua trọng tâm này.
Nhưng nếu chỉ có mỗi phong trào thi đua bị các cá nhân bóp méo thành ganh đua là lỗi cơ bản tạo nên áp lực thì cũng không đủ. Chính sự ganh đua của phụ huynh cũng tạo ra một áp lực đáng sợ. Hiện tượng nếu giáo viên nghiêm khắc quá, chấm điểm chặt tay quá là lập tức bị phụ huynh kiến nghị tập thể lên hiệu trưởng đòi đổi giáo viên đang rất phổ biến hiện nay. Chính từ cái áp lực này, giáo viên bắt đầu sự thỏa hiệp mà họ cảm thấy cắn rứt với lương tâm nghề nghiệp. Có những giáo viên đã thổ lộ rằng cuối cùng họ chọn phương pháp "giảng mà không dạy". Với họ, chỉ có cách ấy mới thỏa mãn được các đòi hỏi vô cùng trái khoáy của cả phụ huynh lẫn ban giám hiệu nhà trường.
Chúng ta, mỗi cuối học kỳ, cuối năm học đều muốn hãnh diện về thành tích học tập của con cái. Chính chúng ta, mỗi khi thấy con mình thua kém con nhà người khác về thành tích học tập là rất dễ tuôn ra câu nói "bất hủ" kiểu "thấy con nhà người ta chưa?". Cái tinh thần ganh đua từ vô thức ấy; cái sĩ diện hão từ vô thức ấy… đã được đổ dồn lên học sinh và nhà trường. Đó là còn chưa kể một bộ phận nhỏ lấy chuyện "tôi ủng hộ trường món này, món kia mà tại sao thành tích của cháu lại như vậy?" ra làm thứ để "mặc cả điểm". Ở trong vòng xoáy ấy, rất tiếc, giáo viên không có nổi một cái phao cứu hộ nào.
Có một phép tính mà tôi nghĩ chúng ta nên suy ngẫm. Hiện tại, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 18 triệu học sinh từ mầm non tới cấp THCS. Với số lượng học sinh như thế, nếu một lớp có sĩ số 40 em, chúng ta cần ít nhất 455.000 giáo viên chủ nhiệm. Đó là còn chưa kể tới con số lớn hơn nhu cầu giáo viên các bộ môn khác. Và cả nước hiện nay có tổng cộng 868.254 giáo viên từ cấp THCS trở xuống. Nếu tính bình quân mỗi lớp cần 2 giáo viên thôi (mà thực tế con số lớn hơn rất nhiều) theo lối tính toán của lớp giáo dục mầm non, chúng ta cần 910.000 giáo viên. Như vậy, con số giáo viên hiện hữu thực chất là đang thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Trong tình trạng ấy, trớ trêu thay, biên chế cho giáo viên lại đang bị "khóa" ở rất nhiều địa phương và ngân sách cho ngành giáo dục thì mới chỉ chiếm có 15,45% tổng ngân sách trong khi Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 đã đề ra là ngân sách cho giáo dục phải chiếm tỷ lệ tối thiểu là 20% tổng ngân sách.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không thi đua theo cách khác trong giáo dục, mà cụ thể là các địa phương thi đua xây dựng thêm cơ sở giáo dục mới, thi đua thu hút giáo viên giỏi về các trường? Thêm vào đó, nếu đặt ra chỉ tiêu thi đua là phấn đấu sĩ số mỗi lớp chỉ tối đa 30 em, chúng ta sẽ có một diện mạo giáo dục rất khác khi học sinh được thầy cô giáo dành nhiều thời gian bồi dưỡng kiến thức hơn, khơi gợi đam mê nghiên cứu hơn. Không thể đưa ra lý do thiếu đất cho giáo dục khi mà đất phân lô xây dựng cao ốc, chung cư vẫn luôn có. Thậm chí, nếu giao đất làm khu đô thị, bắt buộc phải xây dựng trường học cũng là một phương cách để ngành khác gánh bớt nhiệm vụ nặng nề của ngành giáo dục. Thực tế cho thấy, rất nhiều khu dân cư được xây dựng hiện đại nhưng kèm theo nó chỉ có các khu mua sắm, vui chơi, giải trí mà cực hiếm thấy có một địa điểm dành cho giáo dục thực sự. Trong khi đó, cả chục ngàn cư dân đổ về đó sống lại luôn có chung một nhu cầu: "Con cái chúng tôi sẽ học ở đâu?".
Có lẽ, đã đến lúc phải mạnh tay cải cách lại các chính sách về giáo dục mà trong đó, việc thi đua cần đặt con người giáo dục (tức giáo viên và học sinh) vào trọng tâm quan tâm lớn nhất. Còn hiện nay, rõ ràng, trọng tâm của thi đua vẫn chỉ là cái giấy khen, với những hãnh diện mà thực chất người được hưởng nhiều nhất lại là lãnh đạo giáo dục chứ không phải những "con người của tương lai" và những nhà "trồng người".
Hà Quang Minh