Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Ném găng!
Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, đây sẽ là hiệp định thương mại tự do vượt qua RCEP để trở thành hiệp định thương mại có giá trị lớn nhất thế giới với tổng GDP của các nền kinh tế chiếm 30% GDP toàn cầu so với mức ước tính khoảng 13% hiện nay...
Đệ đơn
Cuối cùng thì điều mọi người phỏng đoán lâu nay đã thành hiện thực: Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đệ đơn xin gia nhập CPTPP trong một bức thư gửi tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien OConnor.
Ông Vương Văn Đào cũng đã có cuộc điện đàm với ông Damien OConnor để thảo luận về các bước tiếp theo sau khi Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Hiện tại New Zealand, với vai trò là trung tâm hành chính của CPTPP, là quốc gia thành viên CPTPP chịu trách nhiệm tiếp nhận các đơn xin gia nhập hiệp định này.
CPTPP hiện gồm 11 thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, đứng thứ ba về quy mô trong số các hiệp định thương mại tự do trên thế giới, sau Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trị giá 26.000 tỷ USD và Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) trị giá 21.000 tỷ USD.
Tháng 11-2020, Trung Quốc cũng đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN ký hiệp định thương mại tự do là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Trung Quốc. Hiệp định RCEP chỉ có hiệu lực trong 2 năm tiếp theo sau khi được các quốc gia thành viên phê chuẩn và trong khi chờ đợi, Trung Quốc tiếp tục đi thêm một bước dài bằng việc xin gia nhập CPTPP.
Trong khi RCEP hướng trọng tâm vào châu Á thì CPTPP lại có tầm ảnh hưởng về địa lý sâu rộng hơn khi có các nước như Canada (Bắc Mỹ), Chile, Peru (Nam Mỹ) cùng là thành viên. Việc nộp đơn xin gia nhập CPTPP cho thấy Bắc Kinh muốn mở rộng vòng kết nối với các quốc gia trên những vùng không gian địa lý khác cũng như lập trường không đổi về thương mại toàn cầu rộng mở, bất chấp chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, đây sẽ là hiệp định thương mại tự do vượt qua RCEP để trở thành hiệp định thương mại có giá trị lớn nhất thế giới với tổng GDP của các nền kinh tế chiếm 30% GDP toàn cầu so với mức ước tính khoảng 13% hiện nay.
Hành trình gian nan
Thế nhưng, trước khi có một CPTPP với hình hài diện mạo như ngày nay, đã từng có cả một quá trình hình thành đầy gian nan.
Thoạt đầu, 4 nước là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore đàm phán để hình thành một hiệp định thương mại tự do gọi là P4. Đến 22-9-2008, Mỹ tuyên bố tham gia P4 nhưng không phải trong khuôn khổ của Hiệp định P4 mà các bên sẽ đàm phán để đạt được một hiệp định hoàn toàn mới, gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngay sau đó, các nước Australia và Peru cũng tuyên bố tham gia đàm phán TPP. Đến năm 2009, Việt Nam bắt đầu tham gia TPP với tư cách quan sát viên. Sau 3 phiên đàm phán, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán hiệp định này nhân Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tháng 11-2010 tại Yokohama, Nhật Bản.
Quá trình đàm phán tiếp tục với việc tiếp nhận thêm những thành viên mới vào “đoàn tàu” TPP là Malaysia, Mexico, Canada, Nhật Bản, đưa tổng số nước tham gia đàm phán TPP lên con số 12.
Trải qua hơn 30 phiên đàm phán cấp kỹ thuật và 10 phiên đàm phán cấp bộ trưởng, các nước tham gia TPP đã thống nhất kết thúc cơ bản toàn bộ các nội dung đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng tổ chức tại Atlanta, Hoa Kỳ, tháng 10-2015. Đến ngày 4-2-2016, tại Aukland, New Zealand, bộ trưởng 12 nước tham gia TPP đã tham dự lễ ký xác thực lời văn hiệp định.
Dưới thời của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP được coi như một trong những công cụ chính đáp ứng chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Washington nhằm ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc. Không những thế, nếu được hoàn thiện và thực thi với sự tham gia của Mỹ, TPP cũng hứa hẹn sẽ mang lại cho nền kinh tế Mỹ những khoản tiền khổng lồ, đem đến công ăn việc làm cho người dân, duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy rất “không hòa bình”.
Thế nhưng, đến khi ông Trump vào Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2016 thì với phương châm “nước Mỹ trên hết”, có lần gọi TPP là “kẻ giết người”, một trong những quyết định đầu tiên mà ông Trump ký trên cương vị tổng thống là rút Mỹ khỏi TPP.
Sự rút lui của Mỹ đã giáng đòn cực nặng vào TPP. Tuy vậy, 11 nước còn lại không nản chí mà tiếp tục đàm phán để tìm kiếm một TPP-không-có-Mỹ. Đến tháng 11-2017, nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, với đầu tàu là Nhật Bản và nỗ lực hết sức của nước chủ nhà Việt Nam, 11 nước còn lại trong TPP đã đạt được sự đồng thuận, đổi tên TPP thành CPTPP với những nội dung sửa đổi cốt lõi.
Đến ngày 8-3-2018, tại Santiago, Chile, bộ trưởng 11 nước CPTPP chính thức ký Hiệp định CPTPP. Hiệp định này có hiệu lực từ tháng 12-2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên có tổng dân số khoảng trên 500 triệu người, trị giá khoảng 13.500 tỷ USD.
“Món quà” cho Trung Quốc từ ông Trump
Khó có thể phủ nhận một thực tế là những chính sách đối ngoại thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump thực thi vẫn để lại hậu quả, tác động đến vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế mà trường hợp liên quan đến CPTPP là một ví dụ điển hình, đặc biệt là trong hoàn cảnh cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ đang ngày càng trở nên quyết liệt.
Với quan điểm cho rằng các cơ chế thương mại đa phương chỉ là công cụ để các nước khác “lợi dụng”, “bòn rút” kinh tế Mỹ, ông Trump có thái độ đặc biệt ác cảm với các hiệp định thương mại tự do đa phương.
Khi vào Nhà Trắng, ông yêu cầu phải xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà Mỹ ký với Canada và Mexico; kết quả là Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản cập nhật thay thế NAFTA đã ra đời. Ông Trump cũng không ít lần phê phán và đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Nhưng, việc nhanh chóng rút Mỹ khỏi TPP sau khi chính Mỹ đã tham gia đàm phán cam go suốt hơn 8 năm trời mới là đòn nặng giáng không chỉ vào quá trình đàm phán hiệp định này mà còn hủy hoại chính vị thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Bằng việc rút khỏi TPP vào năm 2017, ông Trump đã tặng một “món quà” quý cho Trung Quốc. Ngay khi Mỹ rút khỏi TPP, tại Trung Quốc đã xuất hiện những ý kiến thúc giục nước này nhanh chóng gia nhập hiệp định kinh tế rồi đây hứa hẹn sẽ là một trong những cơ chế thương mại tự do lớn nhất thế giới, mà Mỹ vừa rút đi.
Tuy vậy, ý tưởng tham gia một hiệp định vốn từng do Mỹ dẫn dắt đã vấp phải không ít phản đối, làm bùng lên những tranh cãi ở Trung Quốc. Chỉ đến năm 2020, khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để tham gia CPTPP, mọi tranh cãi lập tức chấm dứt và các thủ tục chuẩn bị cho việc xin gia nhập nhanh chóng được xúc tiến...
Tháng 2-2021, tại một cuộc họp báo trực tuyến, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu gia nhập CPTPP, sẵn sàng trao đổi kỹ thuật với các thành viên CPTPP để bàn thảo về các vấn đề liên quan đến việc gia nhập CPTPP.
Và đến ngày 16-9 vừa qua, đơn được gửi đi.
Thận trọng
Động thái đệ đơn chính thức xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc ngay lập tức gây ra những phản ứng từ nhiều phía. Người ta đặc biệt quan tâm đến phản ứng từ phía Mỹ, quốc gia mà sau sự ra đi của ông Trump đã xuất hiện nhiều ký kiến đòi hỏi phải tiến hành các bước cần thiết để đàm phán quay trở lại CPTPP.
Động thái xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc chẳng khác nào ném găng lên võ đài trong một cuộc “thách đấu” mới với Mỹ: tìm kiếm các liên minh mới về kinh tế.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng, những hành động thương mại phi thị trường của Trung Quốc và việc Bắc Kinh sử dụng chính sách kinh tế cưỡng ép đối với các quốc gia khác sẽ là yếu tố quyết định liệu đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc có được phê chuẩn hay không".
Tuyên bố này phản ánh rõ rệt sự quan ngại của Washington khi một lần nữa, Trung Quốc lại có nước đi quyết định để gây áp lực lên Mỹ. Nhưng, không phải thành viên CPTPP, liệu Mỹ có thể đi xa đến đâu trong việc cản trở nước đi này của Trung Quốc?
Trên một một võ đài mà bản thân Mỹ không có mặt, khả năng Mỹ gây khó dễ cho Trung Quốc không nhiều, ngoại trừ chính những đòi hỏi khắt khe của CPTPP đối với bất cứ thành viên nào xin gia nhập hiệp định.
Đề cập tới vấn đề này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói: "Chúng tôi phải đánh giá kỹ lưỡng liệu Trung Quốc có sẵn sàng tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn cao của TPP-11 hay không. Chúng tôi sẽ tham vấn các thành viên khác trong khi tiếp tục thủ tục phê chuẩn thành viên mới".
Có thể thấy các thành viên khác của CPTPP cũng có cách nhìn nhận thận trọng tương tự Nhật Bản. Để có thể gia nhập CPTPP, Trung Quốc cần nhận được sự phê chuẩn của cả 11 quốc gia thành viên, trong khi Bắc Kinh đang có tranh chấp thương mại với một số thành viên, chẳng hạn như với Australia. Quá trình xem xét đơn của Trung Quốc xin gia nhập CPTPP có thể kéo dài trong một vài năm.