Trung Đông hậu Yahya Sinwar

Thứ Sáu, 25/10/2024, 11:54

Ngày 17/10, Yahya Sinwar - thủ lĩnh cao cấp của Hamas tại Dải Gaza - đã bị tiêu diệt trong một cuộc đọ súng ở phía Nam Gaza khi Israel tiến hành cuộc truy quét trong khu vực. Quân đội Israel cho biết Yahya Sinwar là một trong 3 thành viên Hamas bị tiêu diệt trong cuộc tấn công trên bộ tại thành phố Rafah nhưng không nói rõ thời gian xảy ra. Thông tin được xác nhận sau quá trình xét nghiệm ADN.

Sự kiện này có thể kéo theo những thay đổi sâu sắc đối với cục diện cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua và cả lò lửa Trung Đông đang tăng nhiệt. 

Mắt xích quan trọng

Yahya Sinwar từ lâu đã được coi là một trong những người hoạch định chiến lược quan trọng và bắt đầu lãnh đạo Hamas ở Gaza từ năm 2017. Ông Sinwar đảm nhận vị trí thủ lĩnh Hamas ngày 6/8/2024 sau khi cựu thủ lĩnh Haniyeh bị Israel ám sát tại Tehran (Iran) hồi cuối tháng 7.
Trong giới lãnh đạo Hamas, ít ai gây được tiếng vang và nỗi khiếp sợ như Yahya Sinwar. Biệt danh

"Đồ tể Khan Younis" gắn liền với tên tuổi nhân vật này từ những năm 1980 không phải là một sự phóng đại. Yahya Sinwar nổi tiếng với sự tàn bạo, đặc biệt khi trừng phạt những người Palestine bị cáo buộc hợp tác với Israel. Bị Israel bắt giữ năm 1988, 2 thập kỷ trong tù càng thôi thúc quyết tâm chống Israel của Sinwar. Quãng thời gian này thậm chí đã giúp Sinwar tích lũy những hiểu biết sâu sắc về kẻ thù. Thông thạo tiếng Hebrew, am hiểu văn hóa và đặc biệt là nghiên cứu kỹ lưỡng hệ thống chính trị - quân sự của Israel đã giúp Yahya trở thành nhà hoạch định chiến lược và giật dây nhiều chiến dịch về sau.

Trung Đông hậu Yahya Sinwar -0
Yahya Sinwar là mục tiêu số 1 của Israel từ đầu cuộc chiến tại Gaza. Ảnh: Forbes

Được trả tự do trong một thỏa thuận trao đổi tù nhân năm 2011, Sinwar nhanh chóng khẳng định vị thế trong hàng ngũ lãnh đạo Hamas. Tiếng tăm tàn bạo của ông ta càng được củng cố qua nhiều quyết định gây tranh cãi, điển hình như việc ra lệnh xử tử một chỉ huy cấp cao của Hamas vì đồng tính, bất chấp lời kêu gọi khoan hồng từ các lãnh đạo khác trong tổ chức.

Đỉnh điểm trong sự nghiệp của Sinwar là vai trò lập kế hoạch cuộc tấn công 7/10/2023 vào Israel - một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và hàng trăm con tin bị bắt cóc. Sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài gần 1 năm qua tại Gaza, cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người Palestine và biến Trung Đông thành chảo lửa nóng rực.

Cái chết của Sinwar không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là kết quả của một chiến dịch quyết liệt mà Israel tiến hành nhằm vô hiệu hóa các lãnh đạo cao cấp của "trục kháng chiến". Hassan Nasrallah - thủ lĩnh Hezbollah tại Lebanon đã bị tiêu diệt vào tháng 9/2024 và trước đó Ismail Haniyeh - thủ lĩnh chính trị của Hamas cũng đã bị ám sát tại Iran vào tháng 7/2024. Đây thắng lợi quân sự của Israel song phản ánh sự suy yếu nghiêm trọng trong mạng lưới đồng minh và các nhóm ủy nhiệm của Iran trong khu vực.

3 nhân tố quan trọng rời khỏi bàn cờ chỉ trong thời gian ngắn có thể đẩy các nhóm vũ trang tới tình hình khó khăn hơn khi những chiến lược quân sự trước đây có thể không còn hiệu quả. Điều này cũng gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực, khi các bên có thể lợi dụng tình hình bất ổn để đạt được lợi ích riêng.

Trung Đông hậu Yahya Sinwar -0
Cơ hội nào cho hòa bình ở Gaza? (Ảnh chụp các tòa nhà hư hỏng sau chiến dịch không kích của Israel tại trại tị nạn Jabalia, tháng 11/2023)

Khoảng trống để lại

Cái chết của Sinwar để lại một khoảng trống quyền lực lớn trong Hamas. Một số chuyên gia dự đoán tổ chức này có thể rơi vào tình trạng phân mảnh. Các nhóm địa phương có thể hoạt động độc lập, dẫn đến việc thiếu đi sự phối hợp trong các hoạt động quân sự và chiến lược. Sự thiếu vắng một lãnh đạo mạnh mẽ như Sinwar có thể làm giảm khả năng quyết định nhanh chóng và hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp. Nguy cơ nảy sinh đấu đá nội bộ giữa các phe phái trong Hamas là hoàn toàn có thể khi các chỉ huy cấp thấp hơn có thể muốn khẳng định quyền lực, dẫn đến các cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo, làm suy yếu tổ chức và khiến các hoạt động quân sự trở nên kém hiệu quả và mất phương hướng.

Cái chết của Sinwar đặt ra nhiều câu hỏi: Ai sẽ kế nhiệm? Hamas liệu sẽ tái cấu trúc và khả năng các phe phái nội bộ tìm tiếng nói chung sau những xáo trộn là như thế nào? Những câu hỏi này sẽ định hình tương lai của Hamas nói riêng và tình hình ở Gaza nói chung trong thời gian tới.
Những mắt xích lãnh đạo quan trọng liên tục bị triệt tiêu rõ ràng là thứ xói mòn nhanh chóng tin thần chiến đấu của các thành viên Hamas. Khi một lãnh đạo như Sinwar - người thậm chí có thể được coi là biểu tượng của cuộc chiến chống lại Israel - không còn, việc chưa ai dám chắc về tương lai của tổ chức dễ dẫn đến sự chán nản và mất lòng tin trong hàng ngũ các chiến binh.

Cơ hội nào cho hòa bình?

Cái chết của Sinwar diễn ra cùng với sự xói mòn nghiêm trọng về lực lượng của Hamas, 23 trong số 24 tiểu đoàn cùng với một phần đáng kể hạ tầng quân sự (kho vũ khí, phòng thí nghiệm, cơ sở sản xuất vũ khí và các đường hầm) đã bị phá hủy hoàn toàn. Những kết quả này đến với Israel không trong một sớm một chiều và chắc chắn nước này sẽ không ngay lập tức dừng chiến dịch quân sự bởi Hamas thực tế vẫn giữ nhiều con tin. Tất nhiên, Israel có lợi ích trong việc đảm bảo rằng những thành tựu quân sự và tình báo chuyển thành kết quả chính trị cụ thể. Công bằng mà nói Israel đang ở vị trí đủ để có thể tuyên bố rằng với những "thành quả" đạt được, họ sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến tại Gaza, với điều kiện các con tin được trả tự do.

Hamas có thể không - hoặc chưa - phản ứng ngay lập tức những tuyên bố này, song Israel vẫn ở thế "trên" khi nhấn mạnh với thế giới về tình trạng của các con tin và rằng chính Hamas mới là yếu tố cản đường cho một Gaza hòa bình. Với những chiến dịch quyết liệt trong 2 tháng qua, Israel đã làm suy yếu đáng kể "trục kháng chiến" mà họ đối đầu. 

Một số phân tích cho rằng đây có thể là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy đàm phán hòa bình, bởi Yahya Sinwar lâu nay vẫn được coi là rào cản lớn nhất cho một thỏa thuận ngừng bắn. Sự ra đi của nhân vật này rất có thể tạo điều kiện cho các phần tử ôn hòa hơn trong Hamas lên tiếng. Cơ hội cho các lộ trình chính trị, ngoại giao và kinh tế khả thi nhằm đạt được hòa bình và thịnh vượng lâu dài trong khu vực đang ở gần hơn bao giờ hết và điều quan trọng là các nhân tố then chốt, đặc biệt là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, phải có quyết tâm chính trị để nắm bắt những cơ hội này. 

Câu hỏi về tương lai của Gaza càng trở nên cấp bách hơn sau cái chết của Sinwar. Việc nhân vật này rời cuộc chơi có ý nghĩa quan trọng đối với Israel, những người muốn đảm bảo rằng Hamas không thể hồi sinh ở Gaza. Nhiều người Palestine coi Sinwar là một nhân vật đầy thu hút và có uy tín, do đó cái chết của ông có thể làm suy yếu quyền kiểm soát và ảnh hưởng của Hamas đối với người dân Gaza. Thực tế Israel chưa có lộ trình rõ ràng cho một Gaza không có Hamas, trong khi liên tục phản đối nhiều đề xuất liên quan đến vai trò của chính quyền Palestine như một tổ chức thế tục để dẫn dắt và quản lý vùng đất này.

Ngoại trừ một số tiếng nói cực hữu, rõ ràng không ai muốn bị mắc kẹt ở Gaza mãi mãi, mắc kẹt với vòng xoáy bạo loạn, trả đũa, lên án và những luẩn quẩn không đem lại bất cứ điều gì ngoài nỗi thống khổ của người dân. Các quốc gia Arab có thể đóng vai trò quan trọng nhằm xây dựng một chính quyền chuyển tiếp tại Gaza, với sự hậu thuẫn của các bên có ảnh hưởng và quốc tế, giúp ổn định tình hình và tái thiết cuộc sống khi lựa chọn khả thi để lãnh đạo người Palestine chưa thực sự nổi bật. Chính quyền Palestine hiện tại quá yếu và cũng đối mặt với nhiều cáo buộc, thậm chí là thiếu niềm tin trong công chúng để có thể quản lý một cách đáng tin cậy. Một chính sách quốc tế đồng nhất có thể thúc đẩy các bên liên quan hướng tới một thỏa thuận lâu dài.

Tuy nhiên, tình hình cũng có thể diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Không thể bỏ qua nguy cơ các phần tử cực đoan trong Hamas tìm cách trả đũa, thậm chí là đối với số con tin còn lại. Việc thiếu vắng một thủ lĩnh có uy tín cũng có thể khiến việc đàm phán trở nên phức tạp hơn khi khó xác định ai có đủ thẩm quyền và khả năng thực thi các thỏa thuận, nếu có. Bị chia rẽ về địa lý trong suốt một năm chiến sự, Hamas có thể đã phân chia thành các lực lượng quân sự do các chỉ huy địa phương điều hành, mỗi lực lượng giữ một số con tin và đưa ra những yêu cầu riêng. Một mặt, điều này mở ra cơ hội cho việc trả tự do cho một số con tin trong các thỏa thuận nhỏ hơn, song mặt khác cũng tồn tại cả những nguy cơ khiến một thỏa thuận toàn diện gần như là bất khả thi.

Một năm sau khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza giữa Israel và Hamas, chảo lửa Trung Đông chưa từng hạ nhiệt, mà thậm chí liên tục có những bước leo thang mới, mở rộng cả về quy mô chiến sự và lôi kéo các bên liên quan. Đây có thể là thời điểm để viết lại câu chuyện của Trung Đông theo một hướng khác, có thể là một "Trung Đông mới" mà người ta từng mơ vào thời điểm trước sự kiện 7/10/2023. Dù vậy, mọi con đường muốn đi rõ ràng đều cần can đảm và rất nhiều nỗ lực, thậm chí là đánh đổi khi các bên đều có tính toán riêng. Thách thức là có, nhưng khi cơ hội mở ra, vấn đề nằm ở chỗ liệu các bên có đủ quyết tâm và khôn ngoan để nắm bắt hay không! 

Đỗ Bình
.
.