Trung Á - khía cạnh mới của những câu chuyện cũ
Liên tiếp bùng phát, những đợt bùng nổ căng thẳng giữa Armenia với Azerbaijan rồi tới xung đột biên giới giữa Kyrgyzstan với Tajikistan đột nhiên in lên bản đồ địa chính trị toàn cầu thêm một điểm nóng, với đầy những hiểm họa: Trung Á. Cho dù tiếng súng giao tranh đã lắng xuống, các hệ lụy chực chờ vẫn đang được giới quan sát quốc tế chỉ ra, với không ít quan ngại, khi chúng có thể tác động nhiều mặt, mạnh mẽ và sâu sắc đến bức tranh tổng thể chung của thế giới - vốn đã đầy bất ổn.
Những mạng người trong vô định
Đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa hai nước láng giềng Trung Á thuộc Liên Xô cũ là Tajikistan và Kyrgyzstan đã khiến gần 100 người thiệt mạng (theo số liệu công bố ngày 18-9). Phía Kyrgyzstan thông báo: 59 công dân nước này đã thiệt mạng tại khu vực biên giới Batken ở miền Nam, cùng 144 người bị thương và 4 binh sĩ mất tích. Trong số nạn nhân có cả dân thường, phụ nữ và trẻ em. Trước đó, cũng trong ngày 18-9, Tajikistan cho biết đã có 35 công dân nước này thiệt mạng.
Với xe tăng, súng cối, pháo phản lực và máy bay không người lái được sử dụng - theo cáo buộc từ cả hai phía dành cho nhau - nhằm tiến công các đồn biên giới và cả các khu định cư dọc biên giới, dường như, những mất mát về sinh mạng vẫn còn có thể cao hơn gấp bội, nếu như thỏa thuận ngừng bắn tạm thời không nhanh chóng được thiết lập (ngày 16-9).
Diễn ra song song, trong ngày 18-9, cả Armenia lẫn Azerbaijan đều xác định hàng trăm người thương vong sau những đợt pháo kích vào lãnh thổ của nhau. Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, 50 binh sĩ nước này thiệt mạng “do hậu quả từ sự khiêu khích của Armenia trên quy mô lớn”. Trong khi đó, Armenia thông báo mất ít nhất 49 binh sĩ, theo AFP.
Azerbaijan cáo buộc Armenia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn sau khi xung đột dẫn đến lo ngại về bạo lực leo thang giữa hai nước. Ngược lại, Armenia kêu gọi các nước giúp đỡ, đồng thời cáo buộc Azerbaijan tìm cách tiến vào lãnh thổ của mình.
Và, điều đáng lo ngại nhất là việc, cho dù những đợt giao tranh đã ngừng lại, nhờ sự “vào cuộc” quyết liệt của cộng đồng quốc tế (mà tiêu biểu là Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể/CSTO do Nga lãnh đạo) thì ngọn lửa xung đột vẫn đang sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào, như suốt bao nhiêu năm qua, khi những vấn đề gốc rễ chưa có cách nào giải quyết triệt để.
Có lẽ, không còn ai quan tâm đến tình hình thời sự quốc tế còn xa lạ với mối hiềm khích Armenia - Azerbaijan, với tâm điểm là địa danh tranh chấp Nagorno - Karabakh (nơi được quốc tế công nhận là phần lãnh thổ thuộc Azerbaijan nhưng lại có phần đông dân số là người gốc Armenia đòi ly khai - yếu tố mâu thuẫn đã khiến những cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia âm ỉ không tắt suốt từ đầu thập niên 1990).
Song, dù ít được quan tâm hơn thì giao tranh vẫn thường xuyên xảy ra trên suốt dọc biên giới Tajikistan - Kyrgyzstan - tuyến biên giới dài 970 km vẫn còn tới khoảng một nửa chưa được phân định rõ ràng thông qua đàm phán. Và, bởi vậy, cũng mới đây thôi, tháng 4-2021, một đợt chạm súng tại đây khiến 50 người thiệt mạng.
Ở cả hai “lò than” này tại Trung Á, nguy cơ xung đột bùng phát thành các cuộc chiến tranh quy ước toàn diện vẫn đã, đang và sẽ luôn hiện hữu, khi bên cạnh các tranh chấp lãnh thổ, tình thế còn đan cài cả những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và nhất là lợi ích.
Bởi vậy, ngày 19-9, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân điện đàm với cả Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Nurgozhoevich Japarov lẫn Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon, để kêu gọi hai bên ngăn chặn chiến sự leo thang và giải quyết vấn đề "chỉ bằng các biện pháp hòa bình, chính trị và ngoại giao càng sớm càng tốt".
Chủ nhân Điện Kremlin cũng đề xuất việc Liên bang Nga sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cả hai quốc gia láng giềng này, như một phương thức nhằm nhanh chóng thúc đẩy vãn hồi hòa bình.
Từ không gian hậu Xôviết đến các phương trình năng lượng của EU
Thực tế, với vị trí địa lý của mình, cả biên giới Armenia - Azerbaijan (sát biển Caspi) lẫn Kyrgyzstan - Tajikistan (giáp Kazakhstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan) đều là những khu vực mang tính “cửa ngõ” trong không gian hậu Xôviết đối với nước Nga và sự “yên ổn” ở những vùng này cũng chính là nền tảng thực sự quan trọng đối với an ninh của Liên bang Nga.
Một cách dễ hiểu, sau khi Liên Xô cũ tan rã, nước Nga luôn cần phải bảo đảm được sự vững chắc tại các vùng “phên giậu” quanh lãnh thổ mênh mông của mình, nhằm tránh khỏi tình thế bị bao vây từ nhiều phía, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường gây sức ép ở phía Tây.
Không phải ngẫu nhiên, nước Nga duy trì một hiệp ước phòng thủ chung với Armenia. Mặt khác, nếu chú ý đến những vấn đề phi quân sự, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng cả Kyrgyzstan lẫn Tajikistan đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - một tổ chức liên chính phủ về chính trị, kinh tế, an ninh Á - Âu được thành lập năm 2001, bên cạnh cả Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan và Kazakhstan... cùng nhiều quốc gia khác. SCO, về phạm vi địa lý và dân số, là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, với khoảng 40% dân số thế giới cùng 60% diện tích Âu - Á (Eurasia). Nó, hiển nhiên, được kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng của các thiết chế tương tự do phương Tây nắm quyền lãnh đạo, nhằm thay đổi trật tự thế giới.
Ngay trong khi những tiếng súng vang rền trên các đường biên giới, hội nghị thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan cũng diễn ra và bế mạc ngày 16-9, mà trong chương trình nghị sự, mục tiêu chung được tái khẳng định (theo nhiều cách, từ cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) vẫn là thách thức trật tự đơn cực mà nước Mỹ đã và đang áp đặt lên bản đồ địa chính trị thế giới.
Bởi vậy, những rạn nứt và tranh chấp giữa hai thành viên trong nội bộ SCO, dù với bất cứ lý do nào, cũng có thể trở thành “gót chân Achilles” đối với mọi tham vọng. Mà hơn thế, nếu tiếp diễn, các tranh chấp Kyrgyzstan - Tajikistan cũng có thể trở thành một kiểu “tử huyệt” để truyền thông phương Tây khoét sâu vào như cách khắc họa “sự suy thoái khả năng kiểm soát tình hình của nước Nga, ở một khu vực ảnh hưởng truyền thống”. Để từ đó, những dấu hỏi đầy nghi vấn sẽ tiếp tục xuất hiện theo cấp số nhân và tạo nên các hệ lụy khôn lường trong thực tiễn.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, những mâu thuẫn và nguy cơ bùng phát xung đột này cũng chẳng mang đến cho Liên minh châu Âu (EU) cảm giác thoải mái. Ta có thể cảm nhận rõ điều này thông qua một vài mốc sự kiện.
Vào tháng 5, Brussels công bố chiến lược REPowerEU, theo đó cam kết lộ trình để các nước thành viên dần độc lập hoàn toàn khỏi nguồn khí đốt của Nga trong vòng 8 năm tới và mở ra cuộc đua nhằm bảo đảm các lựa chọn thay thế. Azerbaijan là một trong những lựa chọn như vậy.
Ngày 18-7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tới Baku để ký một thỏa thuận, theo đó Azerbaijan sẽ cung cấp cho EU 20 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hằng năm vào năm 2027.
Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt, Baku đã ký kết một số dự án năng lượng mặt trời và năng lượng hydro, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của EU về năng lượng sạch.
Tới tháng 8-2022, Azerbaijan lại ký một hợp đồng trị giá hàng triệu USD với công ty Masdar của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất để xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời 230 megawatt gần Baku. EU có kế hoạch nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn hydro vào năm 2030 và nói như ông Orkhan Zeynalov - người đứng đầu bộ phận hợp tác quốc tế tại Bộ Năng lượng Azerbaijan, chuỗi các thỏa thuận phát triển mới chỉ là bước khởi đầu.
Vậy thì, nếu xung đột triền miên không dứt trên biên giới Armenia - Azerbaijan, những kế hoạch năng lượng đầy tham vọng này của EU cũng sẽ đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng hoặc tệ hơn là “phá sản”. Đây chắc chắn là kịch bản mà EU nói riêng cũng như toàn phương Tây nói chung đều không muốn phải chứng kiến nhưng theo một cách vô tình nào đó, nó vẫn cứ đang diễn ra. Rõ ràng, trên lý thuyết, nó chẳng có lợi cho ai.
Song, cũng như mâu thuẫn Kyrgystan - Tajikistan, dường như vẫn chỉ có duy nhất một cường quốc đủ sức kiềm chế trạng thái căng thẳng quanh những câu chuyện cũ ấy, để ngăn cản chúng bùng phát thành những lò lửa mới...