Trong vũ điệu của giá dầu

Thứ Bảy, 14/05/2022, 20:11

Phiên giao dịch ngày 4-5, ngay khi Liên minh châu Âu (EU) công bố lộ trình loại bỏ dầu nhập khẩu từ Nga, giá dầu Brent Biển Bắc đã lập tức tăng 5,17 USD (4,9%) lên mức 110,14 USD/thùng. Những viễn cảnh u ám vẫn bao trùm nền kinh tế toàn cầu, khi giá năng lượng vẫn liên tục tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất cũng như vận tải.

Mọi nỗ lực kiềm chế giá dầu đều chưa phát huy được hiệu quả mong đợi, khi tình trạng này không chỉ xuất phát từ một nguyên nhân.

1. Yếu tố quyết định trên bề mặt tác động tới giá năng lượng thế giới, dĩ nhiên, vẫn là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của nước Nga tại Ukraine, cũng như hệ lụy trực tiếp của nó: Sự cắt đứt (trên phương diện công khai) các mối liên hệ cung - cầu về dầu khí giữa Nga với các khách hàng phương Tây truyền thống, thông qua các hình thức cấm vận - trả đũa áp đặt lên nhau từ cả hai phía.

Kể từ cuối tháng 2-2022, khi cuộc khủng hoảng - xung đột quân sự này bùng nổ, trạng thái bấp bênh về nguồn cung nhiên liệu đã liên tục khiến giá dầu thô “phấp phới” trên mốc 100 USD/thùng.

Trong vũ điệu của giá dầu -0
Giá dầu thế giới ít có khả năng giảm sâu trong ngắn hạn.

Thực tế đã và đang chứng minh: Nếu Venezuela hay Iran - những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tỷ trọng doanh thu xuất khẩu dầu mỏ - cũng đủ sức đứng vững trước các đợt cấm vận - trừng phạt dai dẳng, thì việc không cần đến những nguồn cung từ nước Nga - đất nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt đứng thứ hai thế giới (theo số liệu của Worldometer.com và Worldpopulationreview.com) - nhằm bắt Moscow “cúi đầu” về mặt chiến lược địa chính trị gần như là điều không thể.

Ngược lại, trong những cuộc thương chiến “lưỡng bại câu thương” ấy, như hiện thực từng diễn ra từ năm 2014, những nền kinh tế phát triển sôi động hơn thậm chí còn tỏ ra dễ bị tổn thương hơn.

Như lúc này, sau phiên giao dịch ngày 4-5, bên cạnh giá dầu Brent Biển Bắc, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 5,4 USD (5,3%) lên 107,81 USD/thùng. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6-2022 trên sàn New York tăng 46,1 US cent (tương đương 5,8%) lên 8,415 USD/mmBTU - cao nhất kể từ tháng 8-2008. Cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo nâng lãi suất thêm 0,5%, nhằm đối phó tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua nhưng cũng tạo nên những mối lo ngại về những tác động khó lường đến mọi lĩnh vực thị trường: chứng khoán, dầu mỏ, vàng, tiền mã hóa...

Và, ở cả Mỹ lẫn EU, đa số người dân đều đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao. Điều này cũng có nghĩa là sẽ không còn nhiều người dư dả để đầu tư vào mở rộng sản xuất - kinh doanh. Không phải ngẫu nhiên, từ giữa tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải hạ mức tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023 xuống mức 3,6%, thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1 vừa qua. IMF cũng nêu rõ: Tăng trưởng toàn cầu trung hạn sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013.

2. Cũng không phải ngẫu nhiên, cho đến hiện tại, bất kể chuyện Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Pháp Barbara Pompili tin tưởng rằng các nước thành viên EU sẽ đạt được đồng thuận về cách thức chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Nga theo lộ trình 6-8 tháng đã được đề ra (ngày 5-5), thì ngay trong nội bộ EU, sự chia rẽ xoay quanh vấn đề này vẫn là vô cùng gay gắt. Ba Lan hay Bulgaria đã bị Nga “đóng van” khí đốt (do không chịu thanh toán các hóa đơn bằng đồng ruble).

Trong khi đó, Hungary hay Slovakia - những nước gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga - lại đòi hỏi các quyền miễn trừ, để được “đứng ngoài” lệnh cấm vận cũng như lộ trình loại bỏ nhập khẩu sắp tới. Lý do mà họ đưa ra không thể nói là không thuyết phục: Họ cần bảo đảm an ninh năng lượng của chính quốc gia mình, đặt quyền lợi công dân mình lên trên những lợi ích xa vời hơn. Dĩ nhiên, nếu được EU chấp thuận, quyền miễn trừ dành cho vài trường hợp cá biệt ấy cũng sẽ dễ dàng tạo nên các “hiệu ứng domino”.

Bên kia Đại Tây Dương, hơn một tháng sau khi quyết định mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) quốc gia, nhằm “bơm” thêm vào thị trường khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày (trong vòng 180 ngày), ngày 5-5, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo sẽ mời thầu mua 60 triệu thùng để bổ sung cho nguồn dầu đã được xuất. Nhìn từ góc độ nào đó, hành động này mang dáng dấp của một thứ “vòng luẩn quẩn”. Giá dầu chẳng những không hạ, mà quyết định mở cửa SPR của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden còn bị cựu Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông chỉ trích kịch liệt.

Để tô đậm thêm những sự bất lực của các nhà lãnh đạo phương Tây, trong việc vừa tránh khỏi sự phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga, vừa “cô lập” Moscow, vừa kiềm chế đà tăng của giá dầu nhằm mục đích bảo toàn các triển vọng tăng trưởng kinh tế..., một báo cáo của Cơ quan thống kê Saudi Arabia thông báo: Nền kinh tế Saudi Arabia đã và đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 10 năm trở lại đây, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 9,6% trong quý 1-2022, nhờ giá dầu cao. 3 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng trong lĩnh vực dầu mỏ đạt 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lĩnh vực phi dầu mỏ tăng trưởng 3,7%. Cơ quan này lưu ý rằng dữ liệu của quý 1 "vẫn chưa hoàn thiện" và có thể được sửa đổi.

Do đó, chẳng có gì bất ngờ khi Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - cùng những “bằng hữu” trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên quan (được gọi là OPEC+) cực kỳ “hờ hững” với những lời kêu gọi tăng sản lượng để bình ổn giá, được đưa ra kể từ khi chiến sự mới bùng nổ tại Ukraine.

Ngày 5-5, trong cuộc họp diễn ra chưa đầy 15 phút tại Vienna (thủ đô Áo), bất chấp lời kêu gọi từ các nước phương Tây, các nước thành viên OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu ở mức “muối bỏ biển” là 432.000 thùng/ngày trong tháng 6 tới, phù hợp với mục tiêu hiện tại của họ: Nới lỏng các chính sách hạn chế sản lượng được thực hiện vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới nhu cầu năng lượng.

OPEC+ cũng phản đối việc chịu trách nhiệm về sự gián đoạn nguồn cung. Họ xem “giá dầu” hay “cấm vận Nga” hoàn toàn là “những câu chuyện của phương Tây”. Điều OPEC+ quan tâm nhất, thực tế, lại hoàn toàn khác: Các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 hiện đang áp dụng tại Trung Quốc, với hàng loạt thành phố bị phong tỏa và các guồng máy sản xuất đình trệ, sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới triển vọng tiêu thụ dầu mỏ.

Trong vũ điệu của giá dầu -0
Saudi Arabia và OPEC+ đang hưởng lợi rất nhiều từ giá dầu cao.

3. Cuối cùng, với toàn bộ chuỗi vận động đã và đang diễn ra kể từ cuối tháng 2-2022, nhất là với lộ trình từ bỏ nguồn cung năng lượng của Nga, hiện tại, phương Tây đang thấy mình đứng ở ngã ba đường. Họ sẽ phải cạnh tranh, thậm chí là cạnh tranh với nhau, để giành giật nguồn cung năng lượng (đã hao hụt khá nhiều) còn lại.

Đó là trong trường hợp Nga buộc phải cắt giảm sản lượng và nắn “dòng chảy dầu khí” sang các khu vực khác, đơn cử như hai “người khổng lồ châu Á” Trung Quốc và Ấn Độ. Trong trường hợp này, Mỹ và EU sẽ buộc phải chấp nhận giá dầu vẫn neo ở mức cao, dẫn đến chi phí sản xuất cũng tăng vọt, trong bối cảnh tâm trạng xã hội bị ám ảnh bởi nguy cơ lạm phát. Điều đó cũng đồng nghĩa là hai khu vực kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục đánh mất tốc độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả bức tranh tổng thể của nền kinh tế toàn cầu.

Song, thực tế thì như Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary - ông Gergely Gulyas hé lộ với hãng tin RT: Trong bóng tối, ít nhất có tới hàng chục quốc gia thành viên EU âm thầm thiết lập các hành lang quy đổi tiền tệ, để tiếp tục thanh toán các hóa đơn năng lượng bằng đồng ruble - như yêu cầu của Moscow, nhằm “tự lo cho mình”, để tiếp tục có được khí đốt từ Nga. Do đó, Nga vẫn “nắm đằng chuôi”, từ vị thế nhà cung cấp không thể thay thế.

Thí dụ này cho thấy rằng: Những câu chuyện tương tự cũng hoàn toàn có thể đã, đang và sẽ xảy ra trên phạm vi toàn cầu, khi những xung đột chồng chéo về lợi ích kinh tế hay những mâu thuẫn đối kháng địa chính trị giữa Nga với Ukraine, giữa phương Tây với Nga, giữa OPEC+ với phương Tây... sẽ còn đẩy giá dầu thế giới “thăng hoa” trong những vũ điệu điên rồ.

Đông Phong
.
.