Trò chơi cân bằng

Chủ Nhật, 11/06/2023, 19:04

Cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa quyết định không chỉ ai là người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO với 85 triệu dân, mà còn cả cách thức điều hành đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, cũng như định hình chính sách đối ngoại của nước này trong những năm tới...

Một chiến thắng không tuyệt đối

Không khác với dự đoán của nhiều người, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan đã tái đắc cử nhiệm kỳ 3 với 52,14% số phiếu ủng hộ trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, vượt qua đối thủ là ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập và cũng là ứng cử viên của Liên minh quốc gia đối lập gồm 6 đảng. Ông Kilicdaroglu đã thừa nhận thất bại và chấp nhận kết quả bỏ phiếu.

Trong suốt 20 năm cầm quyền, làm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2003-2014 và tổng thống từ năm 2014, ông Erdogan đã không ít lần vượt qua những thách thức ghê gớm từ phía các lực lượng đối lập, thậm chí kể cả những âm mưu đảo chính. Cuộc bầu cử lần này đánh dấu một trong những thách thức lớn nhất mà ông Erdogan phải đối mặt khi lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử của Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập gồm các chính trị gia theo đường lối thế tục, dân tộc, Hồi giáo và người Kurd có các quan điểm thống nhất với nhau!

Trò chơi cân bằng -0
Ông Erdogan phát biểu với những người ủng hộ bên ngoài Phủ Tổng thống ở thủ đô Ankara sau chiến thắng.

Sự thống nhất của các lực lượng đối lập, những khó khăn trong đời sống người dân cùng các thách thức mà nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt đã làm phân rã các đối tượng cử tri, khiến cho số phiếu bị phân tán. Lần đầu tiên trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tổ chức bầu cử tổng thống vòng 2 khi hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Erdogan và đối thủ là ông Kilicdaroglu không đạt được quá bán số phiếu bầu. Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Erdogan tuy giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất nhưng chưa vượt quá 50% để chiến thắng. Ở vòng 2, kết quả cho thấy ông hơn đối thủ khoảng 2 triệu phiếu nhưng cũng không phải là một chiến thắng tuyệt đối như những lần trước.

Cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa quyết định không chỉ ai là người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO với 85 triệu dân, mà còn cả cách thức điều hành đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, cũng như định hình chính sách đối ngoại của nước này trong những năm tới.

“Không phải chúng tôi là người chiến thắng. Người chiến thắng là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, là mọi tầng lớp trong xã hội chúng ta, là nền dân chủ của chúng ta” - ông Erdogan tuyên bố. Theo ông Erdogan, một trong những mục tiêu ưu tiên của chính phủ là giải quyết lạm phát, hàn gắn những vết thương mà thảm họa động đất ngày 6/2/2023 gây ra cái chết của hơn 50.000 người sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và trên đất Syria láng giềng, hàng triệu người bị mất nhà cửa. 

Như vậy là cử tri đã tin tưởng, trao quyền lực cho ông Erdogan thêm 5 năm nữa, đến 2028, để giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt.

“Quyền tự quyết” và tính “độc lập”

Trong chính sách đối ngoại, ông Erdogan sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng nào trong mối quan hệ rắc rối giữa một bên là Nga, bên kia là Mỹ và phương Tây, bao gồm cả NATO và EU?

Những phản ứng đầu tiên của các nước trước tin ông Erdogan tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa nói lên nhiều điều. Tổng thống Nga là một trong những người đầu tiên chúc mừng ông Erdogan, cùng với lãnh đạo một số nước khác như Qatar, Libya, Algeria, Hungary, Iran và vùng lãnh thổ Palestine.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin nói rằng cuộc bầu cử “là bằng chứng rõ ràng cho thấy người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ” những nỗ lực của ông Erdogan nhằm “củng cố quyền tự quyết quốc gia và thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập”. Chẳng phải vô cớ mà Tổng thống Nga nhắc đến “quyền tự quyết” cũng như tính “độc lập” khi chúc mừng ông Erdogan tiếp tục nắm quyền lực tối cao ở Thổ Nhĩ Kỳ thêm 5 năm nữa.

Trò chơi cân bằng -0
Người ủng hộ ông Erdogan đổ ra đường mừng chiến thắng.

Là một thành viên NATO ngay trong những năm đầu tiên, trước khi hàng loạt các nước Đông Âu gia nhập NATO sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, trong một thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ là một tiền đồn của NATO, đảm bảo an ninh ở sườn Đông Nam của khối này.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 5 nước châu Âu cho phép Mỹ đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, 4 nước còn lại là Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan. (Mỹ có cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân tại Hy Lạp dưới dạng đạn pháo, bom và một số tên lửa Lance. Năm 2001, sau khi Hy Lạp rút khỏi thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO, Mỹ đã di chuyển đầu đạn hạt nhân cuối cùng ra khỏi lãnh thổ nước này). Từng tồn tại câu chuyện về việc lãnh đạo Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh Nikita Khroushchev trong một lần đến thăm Bulgaria, đứng bên bờ Biển Đen nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ được báo cáo các tên lửa hạt nhân của Mỹ triển khai ở đó, đã đi đến quyết định triển khai các tên lửa đạn đạo ở Cuba, dẫn tới cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962...  

Thế nên cũng dễ hiểu là trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, liên minh chiến lược với Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Ankara, đồng thời không có quan hệ thân tình với Moscow. Tuy nhiên, kể từ khi ông Erdogan lên nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách đối với Nga của Ankara đã có những thay đổi rõ rệt. Cho dù vấp phải không ít những trục trặc (chẳng hạn như vụ máy bay chiến đấu Su-24 Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào tháng 11/2015 ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Tổng thống Erdogan sau đó phải gửi thư xin lỗi), quan hệ giữa hai nước đã ấm lên đầy bất ngờ.

Kịch tính hơn cả là bất chấp mọi sự phản đối dữ dội từ Washington, Ankara vẫn mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga, một quyết định gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao trong nội bộ NATO.

Trước cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ từng cung cấp vũ khí cho Ukraine (máy bay không người lái Bayraktar TB2) và khi xung đột nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus với các tàu chiến của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan cũng duy trì quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Putin, đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ trở thành địa điểm tổ chức hàng loạt cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức Nga với các quan chức phương Tây và Ukraine. Chính vị thế này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm thành công vai trò trung gian, giúp đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen cho Ukraine tháng 7/2022.

Việc giữ được Ankara, nếu không trực tiếp ủng hộ Ukraine thì cũng đứng ở vai trò trung gian, là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga đối với phương Tây và dường như Moscow đã làm được rất tốt điều này.

Tiếng thở dài từ Stockholm

Sự kiện ông Erdogan tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa làm dấy lên những phản ứng khác nhau từ các nước phương Tây.

Không phải ngẫu nhiên khi trong số những người đầu tiên chúc mừng ông Erdogan có Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban. Trên Twitter, ông Orban ca ngợi "chiến thắng không thể nghi ngờ" của đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Orban có lý do để vui mừng khi người đồng cấp ở Ankara tái cử thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa. Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra cứng đầu khi không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga, Hungary là thành viên NATO thứ hai làm điều tương tự, từ chối cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ cho Ukraine. Một khi ông Erdogan tiếp tục nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, Budapest sẽ có thêm đồng minh để phối hợp trên nhiều hướng chính sách ngay trong khuôn khổ của NATO.

Có thể nghe thấy tiếng thở dài kín đáo vọng tới từ Stockholm khi tin ông Erdogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được công bố rộng rãi. Trong số các thành viên NATO, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ dưới chính quyền ông Erdogan là phản đối quyết liệt việc Thụy Điển gia nhập NATO trong khi một láng giềng là Phần Lan đã dễ dàng trở thành thành viên chỉ sau 1 năm nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự này.

Những khác biệt giữa Ankara và Stockholm nằm ở việc xử lý đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức chính trị có vũ trang bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố cũng như một số người theo giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Tổng thống Erdogan quy kết đứng sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Ông Erdogan từng công khai tuyên bố rằng “chừng nào Thụy Điển còn tiếp tục cho phép các nhánh của các nhóm khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ tự do đi lang thang trên đường phố Stockholm thì chúng tôi không thể có cái nhìn thiện cảm với tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO”. Chắc rằng, với việc ông Erdogan tiếp tục tại vị, con đường vào NATO của Thụy Điển sẽ còn lắm chông gai.

Và tất nhiên, sự quan tâm chú ý nhiều nhất hướng về thái độ của Washington trước việc ông Erdogan tái cử. Trên trang Twitter, Tổng thống Biden viết: "Tôi mong đợi tiếp tục phối hợp (với ông Erdogan) với tư cách là những đồng minh trong NATO về các vấn đề song phương và những thách thức toàn cầu chung".

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ không đề cập tới những căng thẳng chính trị gần đây giữa hai nước nhưng khó có thể phủ nhận một thực tế là chính quyền của ông Erdogan từng nhiều lần là cái gai trong mắt các chính trị gia ở Washington. Vừa là một đồng minh then chốt của Mỹ ở châu Âu nhưng ông Erdogan lại giữ quan hệ cá nhân rất tốt với ông Putin, đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Moscow, không chỉ mua dầu mà còn mua cả hệ thống tên lửa S-400 của Nga, cản trở Thụy Điển gia nhập NATO...

Níu giữ để Thổ Nhĩ Kỳ không xích lại gần Nga trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông Erdogan là nhiệm vụ hàng đầu của Washington. Trong trò chơi cân bằng quan hệ giữa Nga với phương Tây, ông Erdogan là một bậc thầy.

Yên Ba
.
.