"Triển vọng ngừng bắn", dưới lớp vỏ ngôn từ

Thứ Hai, 26/05/2025, 19:30

"Vừa hoàn tất cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin,  tôi tin rằng cuộc trò chuyện ấy diễn ra rất khả quan. Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn và quan trọng hơn cả là chấm dứt chiến tranh", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, ngày 19/5 (giờ Mỹ), ngay sau khi cúp máy. Cũng có thể, cảm giác lạc quan của ông hoàn toàn có cơ sở. Nhưng, trên thực tế, ngay khi những dòng trạng thái ấy xuất hiện và lan truyền trên internet, một vài vết gợn cũng đã dội lên.

1. "...Các điều kiện cho việc đó sẽ được đàm phán giữa hai bên, vì điều đó chỉ có thể xảy ra khi họ biết chi tiết về cuộc đàm phán mà không ai khác biết. Giọng điệu và tinh thần của cuộc trò chuyện rất tuyệt vời. Nếu không, tôi sẽ nói ra ngay lúc này thay vì sau này. Nga muốn thực hiện thương mại ở quy mô lớn với Mỹ sau khi "cuộc tắm máu" thảm khốc này kết thúc và tôi đồng ý. Có một cơ hội lớn để Nga tạo ra một lượng lớn việc làm và của cải. Tiềm năng của họ là không giới hạn. Tương tự như vậy, Ukraine có thể là một bên hưởng lợi nhiều về thương mại, trong quá trình tái thiết đất nước...", ông chủ Nhà Trắng tiếp tục.

Cuộc điện đàm được cả thế giới chờ đợi.

Gần như đồng thời, trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Nga Putin cũng tươi cười hé lộ: "Các đồng nghiệp của tôi đã yêu cầu tôi phát biểu ngắn gọn về kết quả cuộc điện đàm giữa tôi và Tổng thống Mỹ. Cuộc điện đàm này thực sự đã diễn ra và kéo dài hơn 2 giờ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là một cuộc trao đổi vừa mang tính thực chất, vừa khá thẳng thắn. Nhìn chung, tôi cho rằng đây là một cuộc trao đổi rất hiệu quả (...).

Về phần mình, tôi cũng lưu ý rằng Liên bang Nga ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều chúng ta cần lúc này là xác định các phương thức hiệu quả nhất để đạt được hòa bình. Chúng tôi đã nhất trí với Tổng thống Mỹ rằng Liên bang Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng tham gia với phía Ukraine, trong việc soạn thảo một bản ghi nhớ về một thỏa thuận hòa bình trong tương lai. Bản ghi nhớ này sẽ bao gồm việc vạch ra một loạt điều khoản, chẳng hạn như các nguyên tắc để giải quyết, khung thời gian cho một thỏa thuận hòa bình có thể đạt được và các vấn đề khác, bao gồm cả khả năng đình chiến tạm thời nếu các thỏa thuận cần thiết được ký kết. Các cuộc tiếp xúc giữa những người từng tham gia cuộc gặp và đàm phán ở Istanbul đã được nối lại, điều này cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng một cách tổng thể...". 

2. Hãy chú ý đến Istanbul, bởi đó là một gạch nối được tô đậm bởi chủ nhân Điện Kremlin, trong suốt diễn tiến của cuộc xung đột khốc liệt nhất trên phạm vi cựu lục địa, kể từ sau Thế chiến 2 này. Nhưng, trước hết, những lời tuyên bố của nhà lãnh đạo nước Nga là hết sức mạch lạc, về mặt ngữ nghĩa: Được thôi, chúng ta sẽ đàm phán. Nhưng, trước khi thực sự diễn ra các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình, cần phải đồng thuận được với nhau về một bản ghi nhớ, mà trong đó quy định các nguyên tắc đàm phán. 

"...Đáng chú ý, lập trường của Liên bang Nga là rất rõ ràng. Việc loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này là điều quan trọng nhất đối với chúng tôi...". Không nhà phân tích quốc tế nào có thể hiểu nhầm ý ông Putin. Các nguyên tắc ấy sẽ vẫn phải tuân thủ lập trường kiên định của Moscow, kể từ khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" bùng nổ vào tháng 2/2022. 

Do đó, cũng không có gì bất ngờ khi tờ The Kyiv Independent, tối 19/5, đăng tải quan điểm của Tổng thống Ukraine Zelensky: "Đây là tổ quốc của chúng tôi, chúng tôi sẽ không rút quân khỏi lãnh thổ của mình... điều đó có nghĩa là họ (Nga) không muốn hòa bình, nếu họ đòi hỏi những điều mà họ biết chắc rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận (phi quân sự hóa, không gia nhập NATO, thừa nhận chủ quyền của Nga trên cả 4 tỉnh Kherson, Donbass, Lugansk và Zaporizhia, cũng như bán đảo Krym)... Rõ ràng, Nga vẫn chỉ đang cố câu giờ một lần nữa, để chuẩn bị cho việc tiếp tục chiến tranh". 

Và, bây giờ, việc đề cập đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mang ý nghĩa gì? 

Đó không chỉ là nơi những cuộc thảo luận sơ bộ vừa khép lại, với Mỹ trong vai trò cầu nối. Đó còn là nơi mà vào năm 2022, những cuộc đàm phán đã diễn ra, để rồi đổ vỡ, trong bối cảnh quân đội Nga đã áp sát Kiev và Kharkiv, nhưng lại triệt thoái. Sau này, như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hé lộ: Thỏa thuận gần như đã đạt được và quân Nga bắt đầu triệt thoái, như một cách bày tỏ thiện chí. Song, với những tác động từ cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, cuối cùng, ông Zelensky đã quyết định từ bỏ bàn đàm phán, với niềm tin rằng sự hậu thuẫn của phương Tây có thể giúp Ukraine đứng vững, thậm chí chiến thắng trong cuộc xung đột.

Lựa chọn khó khăn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Suốt hơn 3 năm qua, trải 4 đời thủ tướng (Boris Johnson, Liz Truss, Rishi Sunak và bây giờ là Keir Starmer), nước Anh vẫn là cường quốc hàng đầu ủng hộ và cổ vũ Ukraine (và ở một khía cạnh khác là chống Nga) mạnh mẽ nhất. Đến đầu năm 2025, khi nước Mỹ đã có tổng thống mới, với cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt so với người tiền nhiệm Joe Biden, lập trường ấy của London lại càng trở nên quyết liệt. Thậm chí, Anh đã ký với Ukraine một thỏa thuận hợp tác 100 năm mang tính đột phá, và trong các điều khoản của nó, bao hàm cả những vấn đề về khai thác khoáng sản. Điều đáng nói là khi thỏa thuận này hiện hữu, Tổng thống Mỹ cũng đang chìa ra trước Tổng thống Ukraine một thỏa thuận khoáng sản khác. Cho dù, ông Keir Starmer từng im lặng khi bị ông Donald Trump hỏi trực diện: "Nếu không có nước Mỹ, một mình nước Anh có thể (hỗ trợ Ukraine) chiến thắng nước Nga không?". 

Vậy nên, khi ông Trump viết: "Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ bắt đầu ngay lập tức. Tôi đã thông báo như vậy với Tổng thống Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Italy, Thủ tướng Đức và Tổng thống Phần Lan, ngay sau cuộc gọi với Tổng thống Putin. Vatican, thông qua đại diện là Giáo hoàng, cũng đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến việc tổ chức các cuộc đàm phán. Hãy để tiến trình này bắt đầu!", bất cứ ai theo dõi kỹ câu chuyện này cũng nhận thấy: Trong danh sách này, không có tên Thủ tướng Anh Keir Starmer. Bản thân điều đó cũng đã là một thông điệp đầy ý tứ.

3. Sau cùng, cho dù phản ứng dữ dội, Tổng thống Ukraine cũng vẫn ra lệnh thành lập một "nhóm đàm phán quốc gia mở rộng và thường trực" để đối thoại với Nga: "Chúng tôi cũng sẵn sàng cho một cuộc gặp cấp lãnh đạo để giải quyết những vấn đề then chốt. Ukraine không sợ các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga". Tuy nhiên, ông Zelensky cũng không quên tìm kiếm sức mạnh từ số đông, như cách quen thuộc, bằng việc tuyên bố: "Chúng tôi đang cân nhắc một cuộc họp của tất cả các nhóm. Chúng tôi muốn tổ chức ở cấp cao và có sự tham gia của Mỹ, Ukraine, Nga, một số đại diện EU và Vương quốc Anh. Cuộc họp này có thể diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ. Chúng tôi đang cân nhắc 3 địa điểm này".

Dù vậy, đặt những tuyên bố về triển vọng đàm phán hòa bình này của cả hai phía cạnh động thái Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/5 tiếp tục áp đặt gói trừng phạt thứ 17 đối với Liên bang Nga, hay thông tin về việc EU cũng đang nghiên cứu gói trừng phạt thứ... 18 (mà ông Zelensky tiết lộ) và cả việc trong cuộc thảo luận kéo dài hơn 120 phút, Tổng thống Mỹ Donald Trump không đề cập gì tới những lời kêu gọi nước Mỹ tham gia trừng phạt Moscow, một bức tranh toàn cảnh có lẽ đã trở nên rõ ràng hơn. 

Trả lời báo giới tại Phòng Bầu Dục ngày 19/5, Tổng thống Mỹ giải thích rằng ông sẽ không áp dụng thêm lệnh trừng phạt đối với Nga "vì vẫn có khả năng" đạt được tiến triển hướng tới lệnh ngừng bắn. "Bởi vì tôi nghĩ rằng vẫn có cơ hội để hoàn thành một điều gì đó, và nếu bạn làm vậy, bạn cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều", ông nói và không quên bổ sung: "Nhưng, rất có thể sẽ có lúc điều đó xảy ra". Song, cũng cảnh báo: "Nếu không có tiến triển, tôi sẽ rút lui. Đây không phải là cuộc chiến của tôi!".

Hơn cả tương lai của Ukraine, đây mới thực sự là vấn đề khiến châu Âu "như ngồi trên lửa". Không chỉ một lần, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thống nhất với nhau rằng mọi giải pháp ngăn chặn và chống lại Moscow sẽ là vô nghĩa nếu thiếu sự tham gia của nước Mỹ. Nước Mỹ, với tiềm lực toàn diện số 1 thế giới, là điểm tựa cho tất cả những nỗ lực đó. Nhưng, bây giờ, "một nước Mỹ khác" dưới sự lãnh đạo của một tổng thống hoàn toàn khác, kéo theo quá nhiều thay đổi cũng như thách thức. Sự nồng ấm trở lại theo tốc độ chóng mặt giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin, hiển nhiên, mang đến cho EU một cảm giác chênh vênh khó tả. Một cách ngắn gọn, hiện tại, điều châu Âu phải quan tâm là vị thế địa chính trị và khả năng cân bằng chiến lược của chính họ.

Có lẽ, vì vậy, trong một động thái chưa từng có, ngày 18/5, trước thềm cuộc điện đàm, 15 quốc EU đã cùng nhau kêu gọi một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận ngoại giao của khối đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Theo hãng thông tấn Sofia (Bulgaria), sáng kiến này, dẫn đầu bởi Áo, được thể hiện trong một bức thư dự kiến gửi tới Đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU - bà Kaja Kallas - nhấn mạnh sự cần thiết của việc EU mở rộng nỗ lực hòa bình bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia thuộc khối BRICS (trong đó có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Rõ ràng, động thái này không nhận được sự ủng hộ từ Bruxelles, Paris, Berlin và cả London...

Đông Phong
.
.