Trao cần câu nhưng muốn… xin cá!

Thứ Bảy, 13/11/2021, 08:09

4 địa phương, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đang được Quốc hội xem xét thí điểm chính sách đặc thù. Nhiều cơ chế được đưa ra, tuy nhiên cơ chế tăng thu tài chính vẫn là đích nhắm rõ rệt nhất. Xem ra, dù Quốc hội mong muốn “trao cần câu” tạo lợi thế lâu dài nhưng địa phương lại muốn “xin cá” ngay và luôn!

Tăng hầu bao - điểm chung nổi bật

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị đối với các địa phương này. Các cơ chế, chính sách thí điểm cho 4 địa phương trình Quốc hội đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Cụ thể, Hải Phòng với 6 cơ chế, chính sách; tỉnh Thừa Thiên - Huế 6 cơ chế, chính sách; tỉnh Nghệ An 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách này nếu được Quốc hội thông qua sẽ áp dụng từ ngày 1-1-2022, thời gian thực hiện thí điểm kéo dài 5 năm.

Trong các cơ chế này, Thừa Thiên - Huế và Nghệ An sẽ được vay với tổng mức dư nợ không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tỉ lệ này ở Hải Phòng và Thanh Hóa là không vượt quá 60%. Các tỉnh, thành này được tự quyết mức phí, lệ phí chưa được quy định trong luật, điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí; được tự quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha...

Trao cần câu nhưng muốn… xin cá! -0
Cơ chế đặc thù cho 4 địa phương được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ hai.

Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Chính phủ cũng đề xuất Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% theo tỉ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số. Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Với Nghệ An, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu). Đề xuất cho phép Nghệ An được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số...

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ chế, chính sách nói trên được Chính phủ trình Quốc hội lần này đã được các địa phương, cơ quan của Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, rà soát. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới. Nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa. Đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển chứ không phải chỉ những địa phương này mới được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù.

Đặc thù thì vui, chưa đặc thù thì chạnh lòng

Dù vậy, qua thảo luận tại tổ cũng như dư luận xã hội, việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cũng đặt ra nhiều quan ngại.

Thứ nhất, dù ghi 6 hay 8 cơ chế, chính sách nhưng xem ra, cơ chế tài chính với yếu tố tăng thu cho địa phương vẫn bao trùm. Với cơ chế tài chính đó, các địa phương được hưởng đặc thù sẽ được bổ sung nguồn thu lớn từ các khoản phí, lệ phí và các nguồn được thu thêm từ hoạt động xuất, nhập khẩu. Cùng với đó là nguồn tài chính từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa và đất rừng. Điều này dấy lên quan ngại vì sự phát triển đặc thù mà đất trồng lúa, đất rừng bị “teo tóp”, nguồn thu tiền bạc tăng lên nhưng hiệu quả đạt hay không lại là chuyện khác. Và khi không đạt hiệu quả sau thời gian thí điểm thì cơ hội để phục hồi lại diện tích đất trồng lúa, đất rừng là quá khó.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại, khi các địa phương chỉ “nhăm nhăm” tìm kiếm tăng nguồn thu từ phí, lệ phí, thuế, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tức chỉ muốn “được cá”, được nguồn lợi trước mắt mà không tính kỹ đến chiến lược phát triển lâu dài, không chú trọng đến “cần câu” vì sự phát triển ổn định thì việc thí điểm chỉ đem lại trái ngọt hiện hành mà gốc rễ nguồn lực vẫn không có nhiều chuyển biến. Cái lợi đến từ hầu bao chỉ có ý nghĩa lớn với hiện tại, trong khi hậu quả, tác hại từ việc mất diện tích đất trồng lúa, đất rừng sẽ để lại lâu dài. Tư duy “muốn xin cá” vẫn ngự trị!

Thứ hai, việc áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa các địa phương. 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế có đặc thù là giáp biển, trong đó Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế còn là tỉnh biên giới, có cửa khẩu đường bộ và diện tích rừng khá lớn. Riêng Thanh Hóa, Nghệ An còn là tỉnh lớn, dân số đông.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra sự bất bình đẳng với các địa phương còn lại. Khu vực Bắc Trung bộ có 6 tỉnh thì có tới 3 tỉnh được đặc thù, còn lại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị lại không được, trong khi 3 tỉnh này cũng có chung đặc điểm giáp biển, có cửa khẩu đường bộ, nhiều diện tích rừng. Như Thừa Thiên - Huế, dân số và diện tích không rộng, vậy vì sao tỉnh này được cơ chế đặc thù mà Quảng Bình, Quảng Trị liền đó, có đặc điểm tương đồng lại không được?

Ngay như Thanh Hóa, Nghệ An, nếu chỉ coi diện tích rộng, dân số đông mà được hưởng đặc thù thì cũng không bình đẳng với tỉnh có diện tích, dân số nhỏ hơn, chỉ vì các tỉnh đó đã chia tách. Chẳng hạn, vì chia tách khỏi Nghệ Tĩnh trước đây, nay Nghệ An rộng hơn được đặc thù, Hà Tĩnh không được chỉ vì tỉnh nhỏ hơn cũng là sự bất bình đẳng. Trong khi đó, lợi thế kinh tế rừng, biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cũng rất lớn và nếu tính tỷ lệ dân số trên diện tích, tiềm năng, nguồn lực phát triển thì các địa phương này không hề kém cạnh.

Cũng bởi lẽ đó mà qua thảo luận, đại biểu ở địa phương chưa vào danh sách đặc thù cũng cảm thấy... chạnh lòng. Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho rằng, nếu không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của những địa phương chưa hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù. Cử tri và nhân dân có thể đặt nhiều câu hỏi như tại sao địa phương kia có nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này không được? “Do vậy, Chính phủ, Quốc hội cần xác định quan điểm, tiêu chí để một địa phương được hưởng cơ chế đặc thù. Từ đó mới giải thích thỏa đáng cho cử tri và nhân dân, tránh cơ chế xin - cho, quyết định cảm tính. Mặt khác, từ quan điểm, tiêu chí đó để Quốc hội xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên lựa chọn thực hiện thí điểm” - đại biểu nêu.

Thứ ba, việc áp dụng cơ chế đặc thù, ưu đãi có nguy cơ dẫn tới cát cứ vùng. Thảo luận tại tổ, đại biểu lo ngại việc nhiều tỉnh xin cơ chế đặc thù sẽ dẫn đến sự cát cứ của địa phương, làm suy yếu sự điều hành của Trung ương.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) dẫn câu chuyện “loạn 12 sứ quân” xảy ra hơn 1.000 năm trước và cho rằng việc chia quyền, phân quyền cho các địa phương có thể làm suy yếu chính sách quản lý của Trung ương. “Giờ thêm 4 địa phương được cơ chế, chính sách đặc thù thì sau này cũng có thể thêm ra các địa phương khác. Đây cũng là vấn đề cần được xem xét” - ông nói. Thêm nữa, với việc không nhất quán căn cứ tính đặc thù là gì sẽ dẫn tới hàng loạt địa phương xin lên đặc thù. Chẳng hạn, các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... sẽ xin đặc thù vì là tỉnh biên giới, có lợi thế kinh tế rừng, cửa khẩu, lại là vùng nhiều dân tộc thiểu số. Trong khi các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long cũng hoàn toàn có lý do để xin đặc thù với điều kiện phát triển vùng châu thổ ở hai đồng bằng lớn nhất nước. Còn các tỉnh Tây Nguyên có lợi thế kinh tế cao nguyên, duyên hải miền Trung lợi thế kinh tế biển gắn với rừng... Tóm lại, xét ra vùng nào, tỉnh nào cũng có lợi thế để xin đặc thù. Mà cứ có đặc thù là được tăng thêm nguồn thu tài chính, lợi thế mà ai cũng mong muốn. 

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là cần có chính sách mạnh cho những địa phương có tiềm năng thành đầu tàu, động lực lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả nước. Với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách với các địa phương khác. Tuy nhiên, như đã phân tích, với địa hình địa lý ở nước ta, các tỉnh đều có lợi thế kinh tế vùng, miền, đều có căn cứ để xét đặc thù nên việc áp dụng địa phương nào, áp dụng ra sao là vấn đề không dễ tách bạch.

An Nhi
.
.