Trách nhiệm nhà báo trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch từ một bức ảnh trên mạng xã hội
Tháng 8/2021, trên Facebook xuất hiện bức ảnh một Thượng úy Công an đang ngồi chia rau, củ, quả và kiểm đếm, dò tìm trên nhóm mạng Zalo địa chỉ để chuyển đến cho người dân nhờ “đi chợ” giúp. Hình ảnh sau đó được chia sẻ tràn ngập trên mạng xã hội Facebook, với những status và lượt thích (like) và bình luận (comment) đa chiều.
PGS.TS Hà Huy Phượng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền gửi đến Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng bài viết kể về quá trình ông “truy tìm” nhân vật của mình để sáng tạo một tác phẩm báo chí góp phần đấu tranh, phản bác thành công các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Bức ảnh Thượng úy Công an “đi chợ” giúp dân trên mạng xã hội và cảm tác ký họa xúc cảm
Bức ảnh đầu tiên được đăng bởi Facebooker Lê Văn Tuấn. Bên cạnh những lời khen ngợi, động viên, cỗ vũ tinh thần theo Sáu điều dạy của Bác Hồ đối với lực lượng CAND Việt Nam, có không ít kẻ lợi dụng cơ hội, diễn đàn mạng để nói xấu chế độ, bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ CAND...
Khi nhìn thấy bức ảnh ấn tượng nói trên, tôi đã cảm hứng, cầm cọ ký họa lại bức ảnh và đăng bức ký họa trên trang cá nhân với thông điệp chia sẻ, cổ vũ cho việc làm tốt đẹp của lực lượng CAND. Sau khi bức ký họa được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều lượt bạn bè chia sẻ và bình luận tích cực.
Trung tướng, TS. Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Chiến lược và Lịch sử CAND (Bộ Công an) lúc đó đã rất thích bức ký họa. Ông cho cán bộ in bức ký họa, đính treo trên bảng tin của cơ quan. Trung tướng Đỗ Lê Chi bảo với tôi rằng: “Tớ cho treo bức ký họa của cậu ở bảng tin để hằng ngày cán bộ, chiến sĩ nhìn thấy những hành động bình dị, tận tụy của đồng đội mà học tập, luyện rèn theo Sáu điều dạy của Bác Hồ đối với lực lượng CAND. Ngay sau đó, Trung tướng Đỗ Lê Chi chuyển bức ký họa sang Ban Thời sự VTV cho nhà báo Đức Hoàng, mong muốn hình ảnh này được VTV đưa vào điểm tin tức những hình ảnh ấn tượng trong đại dịch COVID-19. Trong chương trình Thời sự 12 giờ trưa hôm sau, VTV đã phát những hình ảnh đẹp trong phòng, chống đại dịch COVID-19, trong đó có bức ký họa này.
Thấy bức ký họa độc đáo, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hồng Thái - thời điểm ấy là Tổng Biên tập Tạp chí CAND (Bộ Công an) đã chỉ đạo đăng bức ký họa trên bìa 1 của Tạp chí số xuất bản tháng 10/2021.
Đi tìm nhân vật trong ảnh, tranh để “bút chiến”
Thấy cộng đồng mạng xã hội quan tâm, tôi đã quyết định “đi tìm” nhân vật trong bức ảnh và trong ký họa của mình nhằm viết một bài có thông tin thật đầy đủ về nhân vật.
Tôi nhờ Trung tướng Đỗ Lê Chi và một số anh em trong ngành Công an ở Bộ và các địa phương “truy tìm” giúp người thượng úy trong bức ảnh. Sau nhiều ngày nhờ bạn bè tìm kiếm, một nhà báo nữ là học trò báo chí, từng làm việc ở TP Đà Nẵng nhắn tin cho tôi “hình như Thượng úy trong ảnh là cán bộ của một Công an phường ở Đà Nẵng”. Tôi lại nhờ anh em báo chí ở Đà Nẵng kết nối thông tin với Công an địa phương để kiểm chứng thông tin... Và, cuối cùng, đã chính thức tìm được nhân vật trong bức ảnh và ký họa.
Đó là Thượng úy Nguyễn Thanh Lam, cán bộ Công an phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ngay chiều tối ngày 24/8/2021, tôi gọi điện cho Lam và đề nghị kết nối Zalo để tiện nhắn trao đổi với mong muốn viết về nhân vật trong ảnh để định hướng dư luận xã hội tích cực. Lam nhận lời nhưng vẫn có phần e ngại, bảo: “Cháu chỉ làm công việc bình thường, không có gì đáng để viết đăng báo”...
Tôi tra tìm chủ nhân Facebook Lê Văn Tuấn. Anh là người đăng bức ảnh. Trong Facebook của anh còn đăng cả những hình ảnh được chụp lại từ nhóm Zalo của khu đô thị Halla Jade Residence. Ấn tượng nhất là dòng tin nhắn của Thượng úy Nguyễn Thanh Lam cho cư dân khu đô thị: “Xin chào các chú, các cô, các anh chị khu dân cư. Tôi là Nguyễn Thanh Lam, cảnh sát khu vự trực tiếp quản lý khu dân cư chúng ta. Đặc điểm khu vực mình hiện nay chưa có ban điều hành tổ dân phố nên mọi vấn đề về an ninh trật tự, an sinh xã hội cũng như tất cả các sự việc trong khu dân cư, bà con hãy liên hệ trực tiếp cho tôi hoặc qua số điện thoại... Xin cảm ơn!”.
Thượng úy Nguyễn Thanh Lam kể, tháng 11/2020, anh được chỉ huy Công an phường giao nhiệm vụ làm cảnh sát khu vực phụ trách khu đô thị Halla Jade Residence. Về bức ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội, Lam bảo, do bận công việc giúp người dân trong khu vực cách ly, anh không biết là hình ảnh và những việc làm của mình lại được cộng đồng mạng xã hội quan tâm như vậy...
Ngay chập tối hôm đó, tôi ở cơ quan, viết một mạch về người chiến sĩ có hình ảnh dung dị, dễ thương này. Tôi vừa viết, vừa nhờ Lam cung cấp thông tin qua điện thoại và Zalo. Khi tôi viết xong cũng là lúc Lam đang chuyển nốt phần rau, củ, quả cuối cùng của chuyến “đi chợ” trong ngày giúp dân. Tôi nói với Lam, nhờ người dân chụp giúp một vài tấm hình minh họa mới nhất cho bài viết. Lam lại nhờ chính tác giả chụp bức ảnh “đi chợ” giúp dân đang nổi tiếng trên mạng xã hội chụp những khoảng khắc mới nhất, gửi Zalo cho tôi để minh họa cho bài viết...
Tác giả khoảnh khắc ảnh ấn tượng chính là chị Nguyễn Thị Tuyết Mai - một công dân của khu đô thị Halla Jade Residence. Chị Mai là một người làm nội trợ sống trong khu đô thị này. Thấy khu đô thị chưa có tổ dân phố, chỉ một mình chiến sĩ cảnh sát khu vực Nguyễn Thanh Lam vất vả giúp dân nên chị tình nguyện hỗ trợ, cùng giúp bà con mua lương thực, thuốc men... Trong một lần cùng “đi chợ” giúp cư dân, thấy cảnh Thượng úy Lam cần mẫn ngồi chia rau, củ, quả cho bà con, chị đã lấy điện thoại chụp vội được khoảng khắc ấn tượng này. Chị Mai gửi hình ảnh lên nhóm Zalo của cư dân. Bức ảnh sau đó được anh Lê Văn Tuấn - một người dân sống trong khu đô thị đăng lên Facebook. Khi ấy, cả chị Mai và Thượng úy Nguyễn Thanh Lam cũng không biết bức ảnh này trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.
Ngay đêm 24/8/2021, bài viết của tôi với tựa đề “Đi tìm người chiến sĩ Công an trong bức ảnh ấn tượng “đi chợ” giúp dân” được Ban Biên tập Báo CAND duyệt đăng trên báo điện tử. Bài viết được Ban Biên tập bình chọn là tác phẩm chất lượng tốt nhất trong tuần của Báo CAND.
Nghĩ về trách nhiệm của nhà báo trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngay sau khi Báo CAND điện tử đăng bài báo trên, tôi đã chia sẻ lên trang cá nhân, đồng thời, vào các trang mạng đang có sự tranh cãi khác nhau về bức ảnh để lan tỏa cho công chúng biết được người thật, việc thật của bức ảnh mà cộng đồng mạng đang tranh luận.
Ngay sau đó, tôi thấy rất nhiều comment bình luận tích cực, phê phán lại các bình luận bêu riếu hình ảnh người chiến sĩ CAND. Bài viết có ý nghĩa về tính thời sự, tính chân thực, khách quan và tính nhân văn; đồng thời có giá trị định hướng dư luận xã hội, nhất là giúp cho công chúng hiểu rõ vấn đề, không bị mạng xã hội dẫn dắt, tin cậy vào thông tin chính thống của báo chí...
Tháng 6/2023, tôi vào Đà Nẵng công tác và hẹn gặp Nguyễn Thanh Lam. Tháng 6/2023, Thượng úy Nguyễn Thanh Lam được thăng cấp hàm đại úy. Gặp tôi, Lam cười vui “khoe”, sau cái đận được “nhiều cùng” với cư dân khu đô thị Halla Jade Residence chống “giặc” COVID-19 và... tại bức ảnh, tranh và bài báo nên giờ được cấp trên điều động sang Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng.
Đại úy Nguyễn Thanh Lam sinh năm 1988 tại TP Đà Nẵng. Anh từng đi thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng CAND, sau đó thi đỗ Đại học Cảnh sát nhân dân tại TP Hồ Chi Minh và về nhận công tác tại Công an phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Nhắc lại chuyện cũ, Lam bảo rằng, trong lúc người dân khó khăn, lo lắng, với tư cách của một người đảng viên, một chiến sĩ Công an thì sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chung sức cùng nhân dân phòng, chống dịch...
Trở lại câu chuyện của một người cầm bút, với gần 35 năm làm báo và đào tạo báo chí, tôi vẫn tâm niệm một điều, đã là người làm báo thì phải hành nghề một cách tử tế. Chưa bao giờ thế giới bùng nổ truyền thông như bây giờ. Mạng xã hội phát triển, với đủ thứ thông tin tốt - xấu, hay - dở, làm lấn lướt thông tin chính thống của báo chí. Đại đa số công chúng xã hội đang dành nhiều thời gian để tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, mà ít dần thói quen đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, kể cả đọc báo mạng điện tử. Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, có nhiều ưu thế. Thông tin báo chí có tính thời sự, cập nhật, chân thật, khách quan, mang tính giáo dục và nhân văn cao. Nhưng, nếu báo chí bị mạng xã hội dẫn dắt, không làm chủ được nguồn tin, mạng xã hội sẽ lên ngôi, và khi đó thể chế chính trị sẽ mất đi một công cụ lãnh đạo, quản lý.
Qua câu chuyện từ một bức ảnh gây tranh cãi trên mạng xã hội, nhất là những kẻ cơ hội, lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do thông tin để chống phá chế độ, những lúc này, các nhà báo cách mạng Việt Nam phải thấy rõ chức trách của mình để thông tin kịp thời đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác chắc chắn, quyết liệt, thắng lợi các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.