“Tối hậu thư”, 50 ngày và một cuộc gặp tất yếu
Không cuộc chiến nào có thể kéo dài mãi mãi. Chúng đều sẽ bắt buộc phải khép lại, hoặc tạm khép lại tại một bàn đàm phán nào đó, khi những bên tham gia hoặc là đã đạt được mục tiêu, hoặc là không còn đủ tiềm lực để chịu đựng những tổn thất.
Bất cứ nhà quan sát quốc tế nào cũng hiểu điều đó, vì vậy, triển vọng gặp mặt đề đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Donald Trump càng được chú ý trong những ngày qua. Bởi, cuộc gặp ấy, nếu xảy ra, sẽ trực tiếp định đoạt cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm qua.
1. Theo trình tự thời gian, ngày 18/7, tờ The Times đưa ra khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II sắp tới tại Bắc Kinh. Có thể tin tưởng rằng, người đứng đầu nước Nga sẽ có mặt, bởi hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Moscow để tham dự Ngày Chiến thắng phát-xít Đức của nước Nga.
Trong khi đó, tháng 6/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump tới thăm Trung Quốc, trong một cuộc điện đàm "rất tốt đẹp" tập trung vào các vấn đề thương mại. Tuy nhiên, chưa có xác nhận chính thức nào về ngày cụ thể từ phía Washington hoặc Bắc Kinh.

Một ngày sau, 19/7, hãng truyền thông RT của Liên bang Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov: "Chúng tôi không biết gì về khả năng diễn ra một cuộc gặp như vậy". Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo nước này đã đề xuất một vòng đàm phán hòa bình mới với Nga, dự kiến diễn ra vào tuần kế tiếp.
Song, đến ngày 20/7, chính ông Dmitry Peskov lại bất ngờ "hé một cánh cửa", khi khẳng định một cuộc hội đàm trực tiếp Trump - Putin là điều cần thiết và sẽ diễn ra trong tương lai. "Cuộc gặp có thể diễn ra và sẽ diễn ra vào một ngày nào đó. Đây là điều rất cần thiết", Đài Sputnik dẫn chia sẻ của ông Peskov, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Kênh Rossiya 1. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng bình luận về cuộc điện đàm gần đây nhất giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ (diễn ra ngày 3/7) là "một cuộc trao đổi thẳng thắn, mang tính thực tiễn giữa hai người kiên định với quan điểm riêng nhưng vẫn sẵn sàng lắng nghe nhau".
Bên cạnh đó, ông Peskov cũng nhận xét: Mặc dù có phong cách phát ngôn cứng rắn và thẳng thắn, ông Trump vẫn khẳng định quyết tâm làm mọi thứ có thể nhằm thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên: "Việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là một quá trình phức tạp, kéo dài và rất có thể Washington đang ngày càng hiểu rõ hơn về điều này", ông Peskov bổ sung.
Vậy thì, điều gì đã và đang thật sự diễn ra? Tất cả những động thái ngoại giao này có những mối liên hệ nào với nhau, nhất là khi đặt chúng vào cùng một chuỗi, nối tiếp câu chuyện vừa diễn ra trong hiện thực ngay trước đó: Trong cuộc họp báo với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một cơ chế mới để hỗ trợ Kyiv và tuyên bố rõ ràng: Nếu một thỏa thuận hòa bình với Ukraine không đạt được trong vòng 50 ngày (trước ngày 2/9 tới), Mỹ sẽ áp đặt thuế quan thứ cấp 100% đối với Nga, nhắm vào các quốc gia mua tài nguyên thiên nhiên của nước này.
2. Không thể phủ nhận: Một lệnh trừng phạt thứ cấp 100% nhắm vào các đối tác thương mại của nước Nga sẽ có thể gây ra "đau đớn" hơn nhiều so với tất cả những lệnh trừng phạt trực tiếp từng được áp đặt lên nền kinh tế Nga. Bởi, trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Nga - Mỹ đã tụt xuống mức rất gần... 0% (chỉ còn 3,5 tỷ USD năm 2024, chiếm chưa đến 0,5% tổng kim ngạch thương mại của Nga). Nghĩa là, nói một cách ngắn gọn, Moscow chẳng có lý do gì để sợ hãi những lệnh trừng phạt trực tiếp như thế nữa. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt thứ cấp áp lên các bên thứ ba từ Washington hoàn toàn có thể khiến những đối tác đó phải "chùn tay" mua tài nguyên khoáng sản, nông sản hay bất cứ thứ hàng hóa nào của Nga.
Tuy nhiên, vấn đề chính lại không phải là lệnh trừng phạt thứ cấp 100% ấy, mà là thời hạn 50 ngày. Trong 50 ngày đó, rất nhiều điều có thể xảy ra, và cũng chẳng thể loại trừ khả năng là sau khi đẩy cao cường độ chiến tranh trên toàn tuyến như hiện tại, Moscow sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của mình vào ngày 1/9, để ung dung chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Hãy nghe lời than vãn của Thị trưởng Kyiv Vitaly Klischko với hãng tin Đức DW: "Tôi không hiểu vì sao họ (người Nga) lại được trao thêm 50 ngày như thế. Trong 50 ngày đó, họ có thể tăng cường sức mạnh... Tôi tin rằng, cần phải áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, vì chỉ điều này mới có tác dụng răn đe".

Có thể thấy là chính phía Ukraine cũng không vui vẻ gì khi thời hạn của điều được xem là "tối hậu thư" mà Nhà Trắng dành cho Điện Kremlin lại có thời hạn trì hoãn lên tới 50 ngày. Hơn thế, với giới quan sát quốc tế, một nghịch lý đang hiện hữu: Nếu như những đồng minh truyền thống của nước Mỹ (như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu/EU) cũng như những "địch thủ cạnh tranh" (như Trung Quốc) luôn bị đương kim Tổng thống Mỹ đẩy vào thế phải nhanh chóng nhận những quyết định cứng rắn trước, rồi sau đó "toát mồ hôi" thương thảo thì ngược lại, với Moscow, ông Trump cho một thời hạn có thể nói là vô cùng ưu ái, "dễ co dễ duỗi".
Các chuyên gia phân tích kinh tế dường như cũng đánh giá câu chuyện theo hướng ấy. Minh chứng là chuyện trên thị trường chứng khoán Nga, lượng vốn hóa đã tăng 2,5% ngay sau phát biểu của Tổng thống Mỹ. Điều này cho thấy, giới đầu tư Nga đã đón nhận những tuyên bố của ông Trump một cách nhẹ nhõm, vì chúng khác với những thông tin rò rỉ trước đó cho rằng các biện pháp của Mỹ sẽ khắc nghiệt hơn nhiều.
Ở thượng tầng chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev gọi "tối hậu thư" của Tổng thống Trump là "mang tính biểu tượng" và khẳng định Nga "không quan tâm". Từ một khía cạnh khác, cho dù vẫn phải hoàn thành công việc chính của mình (là phản đối "tối hậu thư" kia), Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng chỉ ra: Đương kim Tổng thống Mỹ đang chịu áp lực "không đứng đắn" từ EU và NATO, những bên được cho là muốn kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.
3. Nhưng, điều cốt lõi cuối cùng là Nga và Ukraine - những chủ thể chính của cuộc xung đột quân sự khốc liệt nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II - có muốn kéo dài chiến tranh mãi mãi hay không? Chắc chắn là không, từ cả hai phía. Ukraine đã liên tục phải chiến đấu trong thế yếu, đã bị tàn phá nặng nề và thật sự cần một chặng nghỉ, một cơ hội để ít nhất là tìm cách khôi phục lại "nguyên khí".
Nhưng, ở chiều ngược lại, không thể nói rằng nước Nga không mỏi mệt. Việc vẫn sử dụng khái niệm "chiến dịch quân sự đặc biệt" chứ không phải khái niệm "chiến tranh toàn diện", đồng thời tiến hành những hoạt động quân sự một cách chậm rãi chứ không ồ ạt cho thấy Tổng thống Nga và những bộ não quanh ông vẫn vô cùng cẩn trọng, để tránh tạo nên những xáo trộn không cần thiết. Trên thực tế, với quy mô dân số chỉ khoảng xấp xỉ 150 triệu người (nghĩa là hoàn toàn không tương xứng với diện tích lãnh thổ rộng nhất thế giới), nước Nga cũng không hề "dư dả" về nguồn lực con người, để đặt ra những tham vọng quá tầm.
Không ai ngạc nhiên, khi ngày 20/7, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: Tổng thống Putin đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc xung đột càng sớm càng tốt thông qua biện pháp hòa bình. Song, khi cho rằng quá trình này không hề dễ dàng và sẽ kéo dài, đòi hỏi nỗ lực, ông Peskov lưu ý điều quan trọng đối với Nga là đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ông nêu rõ những mục tiêu này rõ ràng và không thay đổi. Nói cách khác, sau khi Nhà Trắng đặt "tối hậu thư" lên bàn thì Điện Kremlin nhắc lại những "lằn ranh đỏ" mà nước Nga từng vạch ra, bao gồm cả việc NATO không được áp sát không gian an ninh hậu Xô viết.
Và, với lời gợi ý rằng, các thành viên NATO ở châu Âu có thể chuyển giao vũ khí của mình cho Kyiv, rồi mua vũ khí của Mỹ để bù đắp cho kho dự trữ chiến lược thì dường như lại vẫn hiện hữu một mối đồng cảm nhất định, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với đồng cấp Nga. Cho dù, chưa ai dám chắc, tháng 9 tới, liệu họ có gặp gỡ trực tiếp để đối thoại về việc chính thức khép lại cuộc xung đột này hay không...