Tìm nước trong sa mạc

Thứ Năm, 25/05/2023, 19:47

Trong khi chiến trường Ukraine vẫn đang mù mịt khói súng, Tổng thống Volodimir Zelensky vừa có chuyến công du chớp nhoáng tới hàng loạt nước châu Âu để tìm kiếm sự ủng hộ đối với Kiev trong cuộc chiến khốc liệt với Nga.

Những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các nước đã được thiết kế để Tổng thống Ukraine thu được các đảm bảo rằng các khoản viện trợ cho Kiev sẽ được tiếp tục, rằng Ukraine và các nước đồng minh châu Âu sẽ hợp tác trên mặt trận kinh tế, ngoại giao để quyết định cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt như thế nào và vào lúc nào.

Những cam kết

Tiếp tục nhận được các khoản viện trợ quân sự từ các đối tác châu Âu là mục tiêu hàng đầu chương trình nghị sự trong chuyến công du của Tổng thống Ukraine. Ông Zelensky cuối cùng cũng đạt được mục tiêu này khi các đối tác châu Âu dường như đã gạt bỏ mọi sự lưỡng lự để theo chân đồng minh Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, đảm bảo Kiev có đủ nguồn lực thực hiện cuộc phản công lớn, một chủ đề đã được phía Ukraine nhắc đi nhắc lại trong suốt nhiều tháng qua.

Tìm nước trong sa mạc -0
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Tổng thống Zelensky tại Điện Elysee ngày 14/5.

Nếu như trong chuyến ông Zelenssky thăm, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Italy và nhận được cam kết của Roma ủng hộ nguyện vọng của Ukraine gia nhập EU chủ yếu mang tính khích lệ tinh thần thì chuyến thăm các nước Đức, Pháp, Anh sau đó, ông đều nhận được những cam kết hỗ trợ cụ thể.

Chuyến thăm Đức là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Ukraine tới nước này kể từ thời điểm xung đột bùng phát. Ngày 13/5, ngay trước khi ông Zelensky tới Berlin, phía Đức đã thông báo khoản viện trợ bổ sung 2,7 tỷ euro cho Ukraine, bao gồm đạn dược và các bệ phóng dùng cho hệ thống chống tên lửa Iris-T, 30 xe tăng Leopard 1, hơn 100 xe chiến đấu bọc thép và hơn 200 máy bay không người lái (UAV) giám sát. Công ty sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đã quyết định tham gia liên doanh với Hãng Ukroboronprom của Ukraine để chế tạo và sửa chữa các xe tăng trên chiến trường Ukraine.

Ngày 14/5, ông Zelensky nhận được sự đảm bảo của Tổng thống Emmanuel Macron, rằng Pháp sẽ mở các khóa huấn luyện cho binh sĩ Ukraine, đồng thời Paris sẽ cung cấp cho Ukraine các xe bọc thép, xe tăng hạng nhẹ và hệ thống phòng không cần thiết để chống lại những đợt tấn công của quân Nga.

Ngày 15/5, khi Tổng thống Ukraine bay trực thăng tới dinh thự Checkers, nơi nghỉ dưỡng của Thủ tướng Anh ở ngoại ô London, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo cho ông Zelensky rằng London đồng ý cung cấp cho Ukraine hàng trăm thiết bị bay không người lái UAV tấn công tầm xa và quan trọng nhất, khẳng định các bệ phóng tên lửa Storm Shadow có tầm bắn trên 240 km đã sẵn sàng được chuyển giao cho Kiev để tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Ukraine.

“Trò chơi cấm vận”

Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra 15 tháng trước đây, cách tiếp cận của phương Tây đối với cuộc chiến này luôn theo 2 hướng: Giúp Ukraine có đủ năng lực để chống lại Nga và làm suy yếu Nga hết mức có thể.

Chính do cách tiếp cận này nên viện trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine chỉ là một mặt trong chính sách của các đối tác châu Âu; mặt kia của chính sách là “trò chơi cấm vận”. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chưa một quốc gia nào phải chịu số lệnh cấm vận nhiều như nước Nga. Trong số đó, EU luôn là thực thể đi đầu trong các hoạt động trừng phạt. Từ năm 2014, khi bán đảo Crimea sáp nhập vào nước Nga sau cuộc trưng cầu dân ý, EU đã tung ra tổng cộng 10 gói trừng phạt và hiện đang thảo luận để chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Moscow.

Tìm nước trong sa mạc -0
Ông Zelensky gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 14/5...
Tìm nước trong sa mạc -1
...và Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 15/5.

Cũng trong tháng 5 này, các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 họp tại Hiroshima, Nhật Bản cũng thảo luận về việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và hạn chế thêm nữa xuất khẩu của Moscow.

4 quốc gia mà ông Zelensky vừa thực hiện thăm chớp nhoáng là Italy, Đức, Pháp và Anh đều là thành viên của G7, thêm Mỹ, Nhật Bản và Canada sẽ phối hợp cùng nhau để thực hiện cấm vận Nga, một nỗ lực mà trong thời gian qua rõ ràng là không đạt được hiệu quả như phương Tây mong muốn.

EU, liên minh tham gia G7 với tư cách “quan sát viên”, luôn đi đầu trong “trò chơi cấm vận” này gặp phải nhiều khó khăn trong mục tiêu làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga thông qua những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mà liên minh này thực hiện trong thời gian qua. Oleg Itskhoki, giáo sư Đại học California, Los Angeles, cho biết việc không sớm áp đặt lệnh cấm xuất khẩu của Nga dẫn đến nước này đạt được thặng dư thương mại và tài chính cao kỷ lục. Điều này mang lại cho Nga “tấm đệm” tài chính mạnh mẽ, đủ sức chống chịu các biện pháp trừng phạt. Các biện pháp cấm vận của phương Tây chỉ hạn chế hàng nhập khẩu của Nga, trong khi quy trình xuất khẩu vẫn tiếp tục vận hành. Kết quả là ngành công nghiệp ô tô và điện của Nga gặp khó khăn nhưng việc xuất khẩu dầu và khí đốt thì không (hoặc chưa) bị hề hấn gì.

Bên cạnh đó, đòn trừng phạt của EU còn gặp trở ngại khi khối liên minh này không đạt được sự đồng thuận của toàn bộ thành viên. Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban nhấn mạnh lệnh cấm vận gây tổn hại cho EU nhiều hơn so với Nga. Gần đây, ông Viktor Orban nói đòn trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga khiến kinh tế Hungary thiệt hại 10 tỷ euro.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia trừng phạt Nga cũng trở thành một vấn đề lớn. Ankara phản đối hạn chế của phương Tây với Nga trong khi tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Tính đến quý III/2022, nhập khẩu của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên hơn 1 tỷ USD/tháng, gần gấp đôi con số cùng kỳ năm trước...

Nỗi lo thầm kín

Mặc dù những cam kết viện trợ bổ sung mà Tổng thống Zelensky nhận được trong chuyến công du chớp nhoáng tới 4 nước châu Âu không phải là một đảm bảo chắc chắn rằng các đợt phản công trong tương lai của Ukraine có thể thắng lợi nhưng ít nhất, nó cũng là chỉ dấu cho thấy dường như các đồng minh châu Âu của Kiev đã gạt bỏ hầu hết mọi sự lưỡng lự để can dự sâu hơn, trực tiếp hơn vào cuộc chiến ở Ukraine.

Sâu xa hơn, việc ông Zelensky tới thăm một loạt quốc gia chủ chốt ở châu Âu và giành được những cảm kết ủng hộ trong cuộc chiến với Nga dường như còn phản ánh một nỗi lo lắng thầm kín của Kiev trước viễn cảnh những biến động chính trị có thể diễn ra trên chính trường Mỹ trong năm 2024.

Từ khi bắt đầu cuộc xung đột đến nay, Mỹ vẫn luôn đứng hàng đầu trong số các quốc gia hỗ trợ cho Ukraine, sau đó mới đến các tổ chức trong EU như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Quỹ hòa bình châu Âu rồi Anh, Đức, Canada...

Tuy nhiên, năm 2024 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Một trong những đặc điểm của nền chính trị Mỹ là một khi có người mới vào Nhà Trắng, người đó có thể đảo ngược hoàn toàn chính sách của người tiền nhiệm. Thế giới từng chứng kiến tình trạng “gió đảo chiều” sau khi ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, đã đảo ngược hầu hết các chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu trong NATO.

Cho dù cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ mới bước vào giai đoạn đầu, việc ông Donald Trump, ứng viên hàng đầu đảng Cộng hòa, từ chối cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu ông đắc cử vào Nhà Trắng năm 2024, đã thổi bùng tâm lý lo âu khắp châu Âu. Nếu điều đó xảy ra, vị thế hàng đầu trong số các nước viện trợ cho Ukraine của Mỹ có thể sẽ bị lung lay.

Kiev cần phải chuẩn bị cho kịch bản xấu đó và các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, muốn chuẩn bị cho khả năng ông Donald Trump có thể đánh bại Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm sau.

Với Ukraine, thúc giục châu Âu thể hiện những cam kết hỗ trợ vững chắc là cách để xoa dịu những lo ngại rằng bất cứ thay đổi nào trong nền chính trị Mỹ có thể cản trở dòng viện trợ trong tương lai. Những cam kết của các đồng minh châu Âu đến với Kiev ở thời điểm này rõ ràng là cực kỳ quan trọng để Ukraine có thêm được các trang, thiết bị quân sự và hỗ trợ hậu cần thiết yếu để chuẩn bị cho một cuộc phản công mà Kiev đã nói tới trong nhiều tháng qua.

Không chỉ viện trợ vũ khí, khí tài, các đối tác châu Âu của Ukraine còn là “thao trường” giúp huấn luyện binh sĩ cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhiều lần cáo buộc Mỹ và NATO đang trực tiếp can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho quân đội Ukraine. Việc huấn luyện quân sự của NATO cho binh sĩ Ukraine được thực hiện trên lãnh thổ Anh, Đức, Italy và nhiều nước khác.

Và, bất chấp dòng vũ khí theo các cam kết của châu Âu tiếp tục đổ vào Ukraine, Nga cho rằng quyết định cung cấp khí tài cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”, chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.

Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Zelensky để tìm kiếm sự hỗ trợ cho Ukraine được ví như chuyến đi tìm nước trong sa mạc. Liệu lượng nước đó có đủ để giải cơn khát của Kiev hay nó chỉ khiến cho chiến địa Ukraine càng nóng thêm, câu trả lời có lẽ chỉ đến sau cuộc phản công mà Ukraine (hứa hẹn) sẽ tiến hành trong thời gian tới.

Yên Ba
.
.