Tiếp xúc cử tri với phong cách gần gũi, ân tình

Thứ Sáu, 25/11/2022, 07:23

Tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội đã được ấn định trong Luật Tổ chức Quốc hội. Với cử tri các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình (đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội), niềm tin và sự trông đợi sau mỗi kỳ họp Quốc hội còn mang ý nghĩa lớn hơn, cao hơn khi cử tri, nhân dân được trực tiếp dự, lắng nghe chia sẻ của đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với đó là những ý kiến, kiến nghị mà cử tri đề đạt, gửi tới Tổng Bí thư.

Trong rất nhiều vấn đề đặt ra sau mỗi kỳ họp, những chia sẻ của người “cầm trịch” công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là điểm nhấn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân. Với lối nói chuyện thân mật, ân tình, bằng ngữ điệu và tác phong bình dị, cởi mở, những câu chuyện, thông điệp mà Tổng Bí thư chia sẻ tại các buổi tiếp xúc cử tri thực sự lôi cuốn, khơi truyền cảm hứng. Nhiều khi, thời gian đã hết, trời đã xế trưa, cử tri vẫn bịn rịn nán lại, vẫn muốn nghe thêm những câu chuyện thẩm thấu, thức tỉnh lòng người.

Tôi từng dự những buổi tiếp xúc cử tri như vậy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tôi hiểu, niềm tin khắc sâu trong mỗi cử tri không chỉ bởi những việc lớn lao, việc quốc gia, đất nước mà Tổng Bí thư với vai trò chèo lái; không chỉ bởi dũng khí và uy tầm của người “cầm trịch” công cuộc “nhóm củi, đốt lò” vốn vô cùng gian lao, thách thức mà còn bởi phong cách bình dị, gần gũi với những chia sẻ ân tình của người đứng đầu Đảng ta với bà con, với cử tri, đồng bào.

Chẳng phải bằng những bài viết được trau chuốt với ngôn từ khoa học mang nặng tính biểu mẫu mà chính những câu chuyện gần gũi, đời thường với lối diễn đạt thân tình, cởi mở đã khiến cuộc tiếp xúc cử tri tổ chức ngay tại địa bàn phường luôn mang bầu không khí đầm ấm, cử tri đến để lắng nghe, để cảm nhận, để đề đạt với Tổng Bí thư. Chính sự cởi mở, ân tình đó mà cử tri cảm nhận gần gũi hơn, được chia sẻ hơn, từ đó tin tưởng và phát biểu, đề đạt ý kiến, kiến nghị một cách sát thực nhất. Sự cởi mở ấy khơi dậy niềm tin, khơi dậy cảm xúc và tình cảm, xóa đi những rào cản ngăn cách hay ái ngại giữa người dân và lãnh đạo - rào cản có thể khiến họ không muốn hay không dám đề đạt vốn thường gặp giữa cử tri, người dân với những vị cán bộ, lãnh đạo có lối sống quan cách, xa dân.

Tiếp xúc cử tri với phong cách gần gũi, ân tình -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Ảnh: TTXVN.

Chúng ta học Bác Hồ từ tư tưởng đến đạo đức, phong cách, học ở sách vở và học ở cuộc sống, ở đời thường. Những buổi tiếp xúc cử tri, những buổi gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện, tìm hiểu, sẻ chia với người dân trong cuộc sống thường nhật như thế này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là hiện thực sinh động về sống và học, làm theo Bác.

Đây cũng là kinh nghiệm cần rút ra, cần phải nhớ trong phong cách tiếp xúc với người dân của cán bộ lãnh đạo hiện nay. Đến với dân thì phải gần dân, phải ân tình, cởi mở. Tiếp xúc cử tri là lúc cử tri muốn được chia sẻ, muốn được lắng nghe, muốn được trao đổi đúng với tâm lý, suy nghĩ đời thường, vì vậy hãy tránh những bài phát biểu chuẩn bị sẵn vốn chỉ dành cho các buổi mít-tinh, kỷ niệm, hãy hạn chế việc xuống dân mà chỉ cầm văn bản, cầm nghị quyết, cầm kết luận đọc. Hãy nói, hãy chia sẻ với người dân bằng tình cảm, nghĩ suy, hãy nói về những vấn đề cuộc sống đặt ra, truyền đạt chủ trương, đường lối theo cách hiểu và văn phong dễ nhớ, dễ cảm nhận...

Bởi sự gần gũi, ân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà cử tri tin tưởng, cởi mở trong việc đề đạt, nêu quan điểm, ý kiến của đời sống từ ở địa phương đến những vấn đề lớn. Cử tri Nguyễn Anh Dũng cho rằng, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

“Vụ án xảy ra tại Công ty An Đông và bị can Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm là vụ án rất khó, nhưng càng khó, càng phải làm để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đảm bảo thị trường trái phiếu, chứng khoán, tài chính ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định” – ông Dũng nêu quan điểm.

Cùng vấn đề trên, cử tri Nguyễn Văn Chương bày tỏ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước thực hiện mạnh mẽ, với quyết tâm cao, không có vùng cấm và đã đạt thành quả rất tích cực. Tuy nhiên, ông Chương cho biết, những hạn chế trong công tác này đang gây bức xúc dư luận. Trong đó, tội phạm tham nhũng, lợi ích nhóm, tội phạm kinh tế không giảm, có chiều hướng tăng, phạm vi ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Do vậy, cử tri đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo hướng từ sớm, từ xa.

“Phải ngăn chặn vấn đề này từ trong trứng, tránh để thành ung nhọt rồi mới phát hiện, xử lý” - ông Nguyễn Văn Chương nói và đề nghị phải sáng suốt, công tâm trong khâu sử dụng cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, đảng. Cử tri Trần Tuấn Khanh đề nghị cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ông cho rằng, những vụ án xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vừa qua đặt ra bài học lớn trong công tác quản lý, phòng ngừa, phải có cơ chế ngăn chặn sớm, tránh để xảy ra hậu quả mới xử lý. Đặc biệt, không để tình trạng các ngân hàng hoạt động vi phạm quy định tài chính, pháp luật, bắt tay với doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản...

Chăm chú lắng nghe, ghi chép từng ý kiến cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, những ý kiến cử tri nêu là xác đáng, liên quan nhiều vấn đề, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa, khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Tổng Bí thư cho rằng, nếu không quyết tâm chống cho được tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, suy thoái cán bộ thì đến lúc nào đó sẽ khó lường hậu quả. “Vừa rồi bắt một loạt vụ tưởng như không làm được. Hôm qua mới họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí cũng đã đưa bao nhiêu vụ rồi và sắp tới sẽ làm vụ nào thì đều đã được kể tên rồi. Không bí mật gì, khối anh sợ” - Tổng Bí thư lưu ý.

Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư đề cập đến vấn đề mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức có sai phạm thì tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền tham ô, tham nhũng, sẽ được xem xét.

“Không phải xử nặng mới là tốt, cách chức hết cả mới là tốt. Vừa rồi mấy đồng chí Trung ương xin thôi, tức là phạm sai lầm rồi tự giác xin thôi công tác. Đây là cái mới, rất nhân văn” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho biết, nếu người nào còn ngoan cố thì sẽ bị xử lý nghiêm. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh nội bộ, trong chính chúng ta, trong mỗi con người nên phải làm kiên trì, bền bỉ, nhân văn, nhân đạo. Đồng thời, khuyến khích ai đã trót nhúng chàm rồi mà chủ động “rửa tay” thì sẽ được xử lý nhẹ hơn. Với một số vụ có người trốn đi nước ngoài thì phải thực hiện các biện pháp để bắt về nước rồi xử lý, trường hợp đã thực hiện các biện pháp mà không có kết quả thì xử vắng mặt. “Luật pháp của chúng ta cho phép xử vắng mặt, trốn cũng không được, trốn đi vẫn có quyền xử vắng mặt, tuyên bố công khai” - Tổng Bí thư chỉ rõ.

Với công cuộc “nhóm củi, đốt lò”, đã xuất hiện luồng ý kiến cho rằng, xử lý mạnh tay thì hết cán bộ, lấy ai làm việc, đồng thời cảnh báo “nhóm lò mạnh” sẽ gây bất ổn xã hội (!?). Từ đó, những ý kiến này đề nghị nên dừng lại công cuộc “nhóm củi, đốt lò”, dành thời gian để phát triển kinh tế, xã hội; cổ súy quan điểm không xử hình sự mà chỉ cần xử lý hành chính, nhẹ hơn thì nhắc nhở, răn đe là đủ...

Chúng tôi thấy rằng, những quan điểm nói trên là sai lệch, các thế lực xấu cũng đã lợi dụng điều này để thổi phồng nhằm hướng lái dư luận hiểu sai vấn đề. Mục đích, ý nghĩa của phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực đã được xác định rõ trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, trong đó Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII chỉ rõ, nếu không ngăn chặn hiệu quả sẽ làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực tiễn cho thấy, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Điều căn bản là “xử một số người để cứu muôn người”, từ việc xử nghiêm có ý nghĩa cảnh tỉnh, răn đe sâu sắc.

“Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đăng Trường
.
.