Tiếng vọng từ nam bán cầu
Như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh SDG, diễn ra bên lề khóa họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78, nguy cơ đích thực mà thế giới đang đối mặt là "bỏ các mục tiêu SDG lại phía sau" chứ không chỉ để lại ai ở phía sau. Do đó, cần có những kế hoạch toàn cầu nhằm "giải cứu" những mục tiêu này.
Và, cũng chính vì vậy, những nhu cầu và nguyện vọng của khối các nước đang phát triển, tiêu biểu là những thông điệp mà Nhóm G77 mang tới phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần này, lại càng trở nên đáng chú ý.
1. Ngay trước thềm phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Ðại Hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc khép lại tại thủ đô La Habana của Cuba, với Tuyên bố chung Havana về "Các thách thức phát triển hiện nay: Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Theo đó, các thành viên G77 và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy môi trường cởi mở, công bằng trong phát triển khoa học, công nghệ, ưu tiên chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, chú trọng hợp tác kỹ thuật số, thu hẹp khoảng cách số; đồng thời tăng cường hợp tác Bắc - Nam về tài chính cho phát triển; thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, các mô hình ba bên và các cơ chế hợp tác mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhóm đại diện cho 80% dân số thế giới và hơn 70% số thành viên Liên hợp quốc cũng kêu gọi thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới, tăng cường tiếng nói của các nước phương Nam, thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị kinh tế và tài chính toàn cầu bao trùm, hiệu quả và toàn diện hơn.
Đáp lại, cũng tại hội nghị này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định vai trò, tầm quan trọng của G77 và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi một thế giới "có tính đại diện hơn và đáp ứng nhu cầu của những nền kinh tế đang phát triển", nhấn mạnh rằng các quốc gia này "bị mắc kẹt trong một mớ khủng hoảng toàn cầu". Vì vậy, ông đề nghị các nước phát triển nhanh chóng thực hiện cam kết tăng cường chính sách tài chính ưu đãi, cung cấp tài chính khí hậu để hỗ trợ các nước đang phát triển vượt qua những thách thức phát triển hiện nay. Ông cũng tin tưởng: Tiếng nói của G77 và Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao tiếng nói của Nam bán cầu và định hình lại hệ thống quốc tế dựa trên sự bình đẳng.
Nói cách khác, Hội nghị thượng đỉnh G77 - Trung Quốc là sự khẳng định nhu cầu, nguyện vọng và ý chí của khối các quốc gia đang phát triển, về những thay đổi trong cơ cấu vận hành của thế giới. Chủ tịch Cuba (quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên đương nhiệm của Nhóm G77) Miguel Diaz-Canel Bermudez, ngay sau đó, mang theo những thông điệp ấy tới Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
2. Như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh SDG, đến nay, mới chỉ có 15% các mục tiêu SDG đang được thực hiện đúng lộ trình, trong khi còn nhiều mục tiêu khác thậm chí đã bị đảo ngược.
Ông nhắc nhở với cử tọa rằng, cách đây 8 năm, các thành viên Liên hợp quốc đã thông qua các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới luẩn quẩn trong vòng quay nghèo đói, thất học, dịch bệnh, xung đột, tâm lý mất niềm tin vào cuộc sống và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Bởi vậy, các mục tiêu SDG không chỉ đơn thuần là một bản danh sách, mà còn chứa đựng nhiều hy vọng, hoài bão, quyền lợi và kỳ vọng của nhiều người dân trên thế giới. Vấn đề là, để bảo đảm thực hiện những cam kết ấy, thế giới cần cùng nhau hành động ngay từ bây giờ.
Đáp lại lời kêu gọi ấy, tại hội nghị, ngày 19/9, các nhà lãnh đạo thế giới đã tái khẳng định cam kết thực hiện SDG, thông qua một tuyên bố chung nhấn mạnh nội dung triển khai hiệu quả chương trình nghị sự 2030 và các SDG, đồng thời tôn trọng mọi nguyên tắc đi kèm.
Tuyên bố chung chỉ rõ: Hiện nay, thế giới đang đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, những tiến bộ về phát triển bền vững đạt được trong nhiều năm bị xóa bỏ, hàng triệu người lại rơi vào cảnh nghèo đói, tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cao hơn và những tác động của biến đổi khí hậu cũng trầm trọng hơn. Điều này đã dẫn tới tình trạng bất bình đẳng gia tăng và diễn biến theo chiều hướng xấu đi trong bối cảnh đoàn kết quốc tế suy yếu, thiếu lòng tin để cùng vượt qua khủng hoảng.
Do đó, các nhà lãnh đạo cam kết hành động "mạnh mẽ, tham vọng, tiến bộ, công bằng và sáng tạo" trong sự đoàn kết quốc tế và hợp tác hiệu quả ở mọi cấp độ; đồng thời cam kết thúc đẩy quá trình chuyển đổi một cách có hệ thống sang một thế giới toàn diện, công bằng, hòa bình, ổn định và bền vững hơn vì con người và Trái đất, vì các thế hệ ngày nay và tương lai.
Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh SDG cũng nhấn mạnh: Phát triển bền vững cần song hành với hòa bình và ổn định; cam kết thúc đẩy các mối quan hệ đối tác toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương vì phát triển bền vững; tìm kiếm các giải pháp hòa bình và công bằng cho các tranh chấp; và tôn trọng luật pháp quốc tế, mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Một cách ngắn gọn, đó là sự thúc đẩy hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, với tinh thần tăng cường hơn nữa đoàn kết quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu - như quan điểm xuyên suốt của Việt Nam, được Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh G77 - Trung Quốc. Cũng tại đây, vấn đề giải quyết hài hòa giữa sở hữu trí tuệ với phạm trù đạo đức trong trách nhiệm chia sẻ, chuyển giao công nghệ vị nhân sinh, cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, đói nghèo, biến đổi khí hậu, giảm phát thải... được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề cập
3. Những gợi ý ấy hoàn toàn "ăn khớp" với đánh giá chung của khối các nước đang phát triển, rằng: Sự phát triển của một trật tự thế giới có tính đến lợi ích của các quốc gia Nam bán cầu phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng kiến thức, khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ. Tiến bộ khoa học và công nghệ là chìa khóa để đạt được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, những cơ hội tiếp cận khoa học và công nghệ phần lớn đã bị một số quốc gia độc quyền chiếm lĩnh, dẫn đến việc các quốc gia Nam bán cầu bị gạt ra ngoài lề và gánh chịu những hậu quả bất lợi, đơn cử như việc chiếm lĩnh công nghệ, bằng sáng chế và các trung tâm nghiên cứu đã góp phần đẩy nhanh quá trình chảy máu chất xám từ nhiều quốc gia Nam bán cầu sang các nước phát triển.
Đó thực sự là một vấn đề tồn tại cần được giải quyết. Vậy nên, ngày 19/9, trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez kêu gọi: Tái thiết hệ thống tài chính quốc tế, tăng cường hỗ trợ hoạt động phát triển bền vững và các sáng kiến vì khí hậu.
Ông nhận xét "bức tranh toàn cầu vẫn ảm đạm", khi có tới 800 triệu người trong tình trạng thiếu ăn, 760 triệu người (khoảng 66% trong số đó là phụ nữ) không biết đọc hoặc viết, và cho rằng, các nước công nghiệp phát triển đã không tuân thủ cam kết toàn cầu do chính họ đề ra, bao gồm việc huy động 100 tỷ USD hằng năm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thích ứng cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Từ thực trạng này, Chủ tịch Cuba nhấn mạnh: Nhóm G77 không chỉ có những thử thách về phát triển, mà còn có trách nhiệm điều chỉnh các cấu trúc vốn gạt bỏ con người khỏi tiến bộ xã hội hay biến nhiều dân tộc ở Nam bán cầu thành thí nghiệm cho các dạng thống trị kiểu mới. Ông khẳng định: Việc thiết lập một thỏa thuận toàn cầu mới là điều bắt buộc. Đó là cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ vì một thế giới công bằng và bình đẳng hơn.
Luận điểm này nhận được tiếng đồng vọng từ phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry, trong khuôn khổ cuộc họp cấp cao của Nhóm bạn bè về Sáng kiến phát triển toàn cầu (GDI) được tổ chức cùng ngày, khi nhận định: Chủ nghĩa đa phương và hợp tác phát triển là chìa khóa để ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng như hướng tới đạt được các mục tiêu SDG.
Tiến trình thực hiện các mục tiêu SDG ấy đang đánh mất tốc độ trong thực tế. Và, với những diễn tiến trong dòng chảy quốc tế, như chuyện Liên minh châu Phi (AU) gia nhập Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), hay cách khối BRICS kết nạp mở rộng thêm thành viên, đã đến thời điểm tiếng nói của khối các nước đang phát triển cũng như các quốc gia Nam bán cầu mang sức nặng thực thụ.