Thượng đỉnh G20: Khi những ông lớn ngồi lại với nhau

Thứ Ba, 16/11/2021, 11:03

Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) năm 2021 đã diễn ra trong hai ngày cuối tháng 10 vừa qua tại Roma (Italy). Giữa một thế giới ngổn ngang những vấn đề, G20 đã đóng góp được gì để khẳng định giá trị của mình ?

Từ một mục tiêu đầy tham vọng

Ý tưởng thành lập G20 được manh nha từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Các cường quốc có nền kinh tế phát triển (G7) vào năm 1999 tại Đức. Ở thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á nổ ra gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, bao gồm cả các nước G7. Nhận thấy giá trị liên kết của những nền kinh tế mới đối với hệ thống tài chính của mình, chính những nhà lãnh đạo G7 đã đề nghị thiết lập một cơ chế rộng lớn hơn là G20 nhằm gia tăng sức ảnh hưởng.

Khởi đầu, G20 chỉ tập trung vào vấn đề tài chính với sự nhóm họp của các nguyên thủ và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 quốc gia cùng với Liên minh châu Âu (EU). Những cuộc gặp được tổ chức hằng năm và luân phiên tại các quốc gia thường hướng tới việc tìm giải pháp cho những vấn đề nóng hổi toàn cầu, dần mở rộng từ kinh tế, tài chính sang những vấn đề an ninh, xã hội khác.

Thượng đỉnh G20: Khi những ông lớn ngồi lại với nhau -0
Bất chấp đại dịch, thượng đỉnh G20 đã quy tụ được hầu hết những nhà lãnh đạo quan trọng nhất của thế giới tham dự trực tiếp.

Chiếm hơn 90% tổng quy mô kinh tế thế giới, gồm các quốc gia đến từ mọi châu lục, G20 chính là tổ chức nắm giữ nguồn lực lớn nhất ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Chính vì thế, những ý tưởng từ G20 luôn rất đáng lưu tâm. Để xử lý cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với những lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi xuống đáy vực một lần nữa, G20 đã đưa ra đề xuất về một thỏa thuận mở rộng hợp tác tiền tệ trên quy mô toàn cầu, tăng vốn cũng như tầm ảnh hưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đưa ra những luật lệ mới cho các định chế tài chính. Đó là đề xuất lớn nhất từng được đưa ra để cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong một thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ như hiện nay, G20, với sức mạnh của mình, đã được kỳ vọng sẽ trở thành một diễn đàn đủ sức giải quyết những vấn đề lớn nhất, thậm chí là đóng vai trò dẫn dắt thế giới dựa trên một cơ chế hợp tác đa phương.

Trong một hệ thống lỏng lẻo

Bất chấp những kỳ vọng lớn lao, thực tế trong thời gian dài G20 lại đem đến nhiều nỗi thất vọng. Được G7 lập ra, G20 chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của chính những cường quốc này. G20 về cơ bản là một tập hợp những nền kinh tế có quy mô lớn nhất nhưng không đồng đều. Sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển giữa Mỹ, Anh, Đức,... với những nước như Ấn Độ, Brazil hay Indonesia khiến cho những chính sách được đề ra sẽ rất khó nhận được sự đồng thuận.

Nội bộ G20 tồn tại không ít bất đồng. Trong đó có cả sự hình thành những liên minh riêng như nhóm G7 hay Nhóm những nền kinh tế mới nổi (BRICS). Những mối quan hệ song phương lớn đôi khi vượt lên trên mối quan tâm chung của cả nhóm làm hạ thấp tinh thần hợp tác trong G20. Như trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ thường xuyên sử dụng các quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc tạo nên căng thẳng trong quan hệ đa phương. Thêm vào đó là sự hình thành và phát triển của những tổ chức khu vực với những cam kết mạnh mẽ như APEC, ASEM, ASEAN+, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á khiến những chương trình nghị sự của G20 dễ trở nên mờ nhạt.

Trong chính cấu trúc hoạt động của mình, G20 cũng để lại nhiều lỗ hổng. Các cam kết được đưa ra tại G20 không mang tính ràng buộc nên những thỏa thuận hoành tráng chủ yếu chỉ là những bản kế hoạch. Nó hiếm khi được thực thi một cách mạnh mẽ và hiệu quả, vì thiếu một cơ chế giám sát hay thúc ép nào đủ mạnh. G20 tập trung vào lĩnh vực kinh tế nhưng hầu hết các vấn đề lại được trải rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó cần phối hợp một cách toàn diện để đưa ra những chính sách tổng thể chứ không thể chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Việc các chính phủ thích hành động đơn phương cùng với sự lảng tránh những bất đồng cũng là vấn đề muôn thuở của những tổ chức như G20.

Trong quá khứ, những chủ đề nóng bỏng nhất từng được đưa ra bàn thảo thường chỉ đem lại thất vọng. Không giúp đỡ giải quyết được khủng hoảng nợ công châu Âu 2012, thất bại trong việc hòa giải những tranh chấp thương mại giữa các nước, cũng như việc Mỹ từng đứng lên chặn cam kết chung của cả nhóm về tăng cường vai trò của WHO giữa đại dịch hồi năm ngoái là những thất bại điển hình của tổ chức này. Chính vì vậy, sau hơn 20 năm hoạt động, G20 vẫn dường như "có cũng được, không có cũng không sao".

Thượng đỉnh G20: Khi những ông lớn ngồi lại với nhau -0
Cam kết hỗ trợ vaccine cho chương trình tiêm chủng toàn cầu là thành công lớn nhất của Hội nghị G20 năm nay.

Những nỗ lực mới

Nhưng, đại dịch COVID-19 kéo dài đang đem đến cho thế giới một cái nhìn mới. Bởi, không chỉ kinh tế mà an ninh chính trị toàn cầu còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do sự kết nối quá sâu rộng giữa các quốc gia hiện nay. Mỹ hay EU sẽ không thể an toàn để phát triển trở lại nếu Ấn Độ hay Indonesia vẫn vùng vẫy trong đại dịch. Sự phối hợp song phương là cần thiết nhưng rõ ràng là không đủ để đối phó với những vấn đề toàn cầu.

Các quốc gia đã thấy rõ vai trò của việc liên kết, phối hợp với nhau để cùng giải quyết vấn đề. Sự quay trở lại của nước Mỹ trong hợp tác đa phương là một dấu mốc quan trọng trong năm 2021 này. G20 lần đầu tiên nhận được sự đồng thuận rất lớn bởi nó đưa ra cơ hội đối thoại ở cấp cao nhất có thể giữa các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới hiện nay. Các “ông lớn” đã quyết định ngồi lại với nhau.

Những vấn đề trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Roma năm nay cũng cho thấy mối quan tâm rộng lớn hơn của tổ chức này với những vấn đề toàn cầu khi nó không chỉ nhắm đến kinh tế nữa. Các nhà lãnh đạo G20 đã tập trung đánh giá những tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa của các chiến dịch tiêm chủng. G20 lần đầu tiên đưa ra cam kết rõ ràng về khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng hơn giữa các quốc gia và khu vực, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ vaccine cho 40% dân số thế giới vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022. Đây có lẽ là mục tiêu cụ thể nhất từng được G20 công bố.

Ở trọng tâm thứ hai của hội nghị, vấn đề chống biến đổi khí hậu với những mục tiêu đầy tham vọng mà các thành viên G20 đã cam kết thực hiện sẽ hướng tới cắt giảm khí thải và tăng cường viện trợ tài chính cho các quốc gia chịu nhiều tác động nhất. Một bước tiến lớn để tiến tới tuyên bố chung tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Anh sau đó vài ngày nhằm một mục đích "cứu Trái đất". G20 đã “nhanh chân đi trước” để thể hiện vai trò dẫn dắt của mình.

Cùng với đó, hội nghị năm nay ghi nhận bước tiến “lịch sử” khi các nước thể hiện sự ủng hộ thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Một bước tiến lớn trong việc tạo khuôn khổ mới trong liên kết kinh tế. Đó là những cam kết cụ thể đem đến nhiều hy vọng.

Cuộc họp thượng đỉnh G20 lần này còn góp phần giải tỏa tình trạng căng thẳng trong một số mối quan hệ như giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU, giữa Pháp với Mỹ và Anh, hay việc đưa vấn đề Afghanistan vào chương trình nghị sự chung của cả nhóm. Lần đầu tiên, thượng đỉnh G20 được đánh giá thành công trong việc củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với những vấn đề đã và đang đặt ra thách thực sự đối với toàn nhân loại.

Dĩ nhiên, sẽ vẫn còn những "hy vọng dang dở" như lời Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói sau khi kết thúc 2 ngày bàn thảo tại Roma. Nhưng, rõ ràng, G20 đã từng bước thể hiện uy tín của mình trong mắt cộng đồng quốc tế, một cơ hội thực sự tốt để họ sở hữu vị thế xứng đáng.

Tử Uyên
.
.