Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp: Nhiều việc phải giải quyết cấp bách!

Thứ Hai, 28/07/2025, 09:05

Việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu đã tạo được sự đồng thuận rất lớn, người dân phấn khởi, bởi từ nay các loại thủ tục hành chính - đặc biệt là liên quan đến đất đai như việc cấp sổ đỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà cửa, chuyển nhượng đất đai... rồi hàng trăm thủ tục hành chính khác sẽ được đơn giản hóa nhiều hơn.

1. Việc thực hiện rút còn 2 cấp giúp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương thêm khoa học, gọn nhẹ, loại bỏ tầng nấc trung gian, làm cho chính quyền gần dân hơn và kiểm soát tốt tình hình trên địa bàn rộng hơn. Ví dụ trước đây, việc cấp sổ đỏ cho một lô đất phải từ cấp xã thẩm định, đề xuất lên huyện, rồi huyện cũng xem xét, kiểm tra và chuyển hết phòng nọ ban kia; cuối cùng, khi ra được quyết định phải mất nhiều thời gian, có khi là cả năm. Người dân cực kỳ mệt mỏi bởi các loại thủ tục "hành là... chính".

Đây cũng là dịp để sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, tinh gọn những vị trí chưa hoặc không phát huy được năng lực; đồng thời giải quyết cho những người đã lớn tuổi, gặp vấn đề sức khỏe hoặc có hoàn cảnh, nguyện vọng xin nghỉ. Tình trạng cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp về" cũng được kỳ vọng sẽ giảm nhiều và đặc biệt là loại ra khỏi hàng ngũ những cán bộ "hữu danh vô thực"; thậm chí là lợi dụng chức vụ quyền hạn "hành" dân để "vòi vĩnh". Từ đó, giúp bộ máy gọn nhẹ hơn, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn lực trẻ, bổ sung đội ngũ cán bộ chất lượng, được đào tạo bài bản, trình độ cao.

Một vấn đề quan trọng nữa là việc sáp nhập cũng tạo không gian kinh tế đủ lớn để kết nối các vùng, phát huy thế mạnh của từng vùng miền, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Việc sáp nhập tạo ra những không gian kinh tế vượt trội, có thể so sánh với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, TP Hồ Chí Minh sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hình thành vùng trung tâm công nghiệp, du lịch, cùng với khu thương mại tự do sắp tới, tạo ra vùng kinh tế mạnh và đầy tiềm lực.

Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp: Nhiều việc phải giải quyết cấp bách! -0
Việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đòi hỏi công chức xã, phường phải nâng cao trình độ chuyên môn mới đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, do chúng ta "vừa chạy vừa xếp hàng", cho nên chuyện hàng ngũ "lộn xộn" hay "có người chạy chậm, có người chạy nhanh" là chuyện dễ hiểu. Để khắc phục được tình trạng này, cần có thời gian và những biện pháp cực kỳ quyết liệt.

Hiện nay, có 2 bất cập cần phải giải quyết cấp bách.

Thứ nhất là việc lo nơi ở, nơi làm việc cho cán bộ từ trụ sở tỉnh cũ sang tỉnh mới. Ví dụ, khi tỉnh B nhập về tỉnh A, thì cán bộ tỉnh B đang được làm việc trong những trụ sở khang trang, tiện nghi đầy đủ, điều kiện làm việc cực kỳ tốt; nay sang tỉnh A thì rõ ràng trụ sở, văn phòng chưa xây dựng kịp, phải làm việc trong những không gian chật hẹp, thiếu tiện nghi. 

Không những phải di chuyển xa hơn, sang nơi làm việc mới, nhiều người phải ở nhà công vụ, thậm chí thuê nhà trọ, chưa kể đến chuyện phải xa gia đình, di chuyển tốn kém... Những khó khăn này đều có thể khắc phục được trong thời gian không dài. Dù sao, đây cũng là một dịp thử thách sự hi sinh của cán bộ. Bởi lẽ, những khó khăn có tính nhất thời này mà còn không đủ dũng cảm để vượt qua thì còn nói gì đến những việc lớn hơn.

Thứ hai, đó là ở cấp xã. Theo phân cấp, cán bộ cấp xã phải xử lý 90% công việc do cấp huyện để lại. So với quy định trước đó, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã tăng gấp đôi, với 10 nhóm nhiệm vụ cơ bản (phường là 11 nhóm). Đặc biệt, UBND cấp xã sẽ tiếp nhận 1.060 nhiệm vụ từ cấp huyện, cùng với khoảng 12 nhiệm vụ được phân cấp từ Trung ương và thêm các nhiệm vụ do UBND cấp tỉnh giao.

Vừa qua, tôi đến một xã của tỉnh mới cách Hà Nội 100 km, nghe đồng chí chủ tịch nói chuyện thì quả thật là "dựng tóc gáy". Định biên cán bộ của xã chỉ có 32 người, gồm 3 phòng (Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm Dịch vụ hành chính công). Mỗi phòng chỉ có 5-7 người, vậy mà họ phải giải quyết công việc trước đây là do hàng chục người của cấp huyện phụ trách.

Một anh cán bộ trước kia ở Phòng Nông nghiệp huyện chỉ chuyên lo việc trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, nay được điều về xã phải làm thêm cả lĩnh vực môi trường, đất đai, thủy sản. Khổ cái, những lĩnh vực mới này, cán bộ đó hoàn toàn không có chuyên môn! Thế là xảy ra tình trạng, người nọ nhìn người kia, không ai dám quyết đoán bởi sợ sai, vì họ cũng không biết để làm. Đây là vấn đề rắc rối nhất ở cấp xã, khi một cán bộ phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau trong khi họ thiếu kiến thức chuyên môn.

Thêm một việc nữa đang  khiến doanh nghiệp... gặp khó, đó là nhiều dự án phải chuyển đổi chủ đầu tư. Trước đây, chủ đầu tư là cấp huyện, cấp tỉnh, nay chuyển về cấp xã; mà cán bộ xã thì không có chuyên môn về dự án, cho nên họ "chẳng biết đường nào" để xử lý.

Ví dụ, quyết toán làm một con đường, muốn làm xong hồ sơ phải có giám định, nghiệm thu; cán bộ xã hiện nay khó có thể tìm được người am hiểu để giám định con đường. Thế là lại phải chờ, mà không biết chờ đến bao giờ.

Ở một số địa phương, trụ sở xã chưa bảo đảm diện tích, nhiều nơi chưa có nhà công vụ cho cán bộ ở xa. Hệ thống phần mềm vận hành thử nghiệm, đặc biệt đối với phần mềm thử nghiệm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tế, cần tiếp tục hoàn thiện.

Các xã, phường mới chưa được trang bị đầy đủ thiết bị ký số hoặc chưa được cấp chứng thư số tương ứng với chức danh mới, gây khó khăn trong việc thực hiện ký số hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Một số địa phương chưa được cấp số tài khoản ngân hàng, chưa thực hiện việc đồng bộ thông tin lên Cổng thanh toán tập trung để phục vụ thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính. Phần mềm quản lý hộ tịch điện tử dùng chung còn thiếu ổn định. Trong ngày đầu vận hành, hệ thống VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia có biểu hiện quá tải, truy cập chậm, gây khó khăn cho người dân và cán bộ xử lý hồ sơ...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng nói, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã mới rất nặng và sẽ còn tiếp tục nhận thêm thẩm quyền do tỉnh phân cấp.

Khi nhận việc, cấp xã phải nâng chất lượng cán bộ. Kết luận 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị lần đầu đặt ra bộ tiêu chuẩn xuyên suốt từ trình độ tin học, ngoại ngữ đến năng lực hoạch định chính sách cho cán bộ xã sau sắp xếp. Do đó, yêu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở là vấn đề quan trọng cần phải thực hiện ngay.

Với UBND cấp xã, nhiệm vụ, quyền hạn cũng được thiết kế lại theo hướng rõ hơn về pháp lý, cụ thể hơn về chức năng, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn mới. UBND cấp xã có 2 chức năng chính được xác định rõ ràng: Cơ quan chấp hành của HĐND cấp xã và là cơ quan hành chính nhà nước thực hiện thi hành pháp luật tại địa phương.

2. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không thể vận hành trên nền bộ máy cũ, con người cũ, thói quen cũ. Đặc biệt, cấp xã giờ đây không còn là "cánh tay nối dài" của cấp huyện mà trở thành trung tâm hành động, là nơi tiếp nhận, xử lý giải quyết các vấn đề trực tiếp của người dân. Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền để thực hiện đúng phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Việc trao quyền này không chỉ giúp giảm tầng nấc trung gian mà còn tạo điều kiện để chính quyền cấp xã phát huy tối đa năng lực, sự sáng tạo của mình trong việc giải quyết các vấn đề tại địa phương. Đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn với cấp xã về tăng cường năng lực đội ngũ, ứng dụng công nghệ, tăng cường khả năng tương tác, hỗ trợ người dân, phát huy tính chủ động sáng tạo, thống nhất.

Tăng quyền, tăng trách nhiệm, do đó phải xây dựng cơ chế tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ phù hợp với mô hình mới, đặt hiệu quả phục vụ người dân là tiêu chí số một và phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ trì trệ, bảo thủ, né tránh trách nhiệm.

Trong bài viết "Sức mạnh của đoàn kết", Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: "Việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính tác động, ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức... điều đó đòi hỏi sự công minh, đồng thuận và quyết tâm chính trị rất cao và đặc biệt là sự hy sinh lợi ích cá nhân. Nếu thiếu đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, quá trình thực hiện sẽ rất dễ phát sinh vướng mắc, bất cập". Do đó, Tổng Bí thư khẳng định: "Đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị chính là chìa khóa thành công của cải cách này".

Gần đây, Đảng, Chính phủ đã nhìn thấy hết những bất cập mới nảy sinh khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp - đặc biệt là ở chính quyền cấp xã - và đang có những giải pháp quyết liệt để cấp xã phục vụ nhân dân tốt hơn, không để xảy ra ách tắc. Vì thế, chúng ta hoàn toàn tin tưởng là với quyết tâm của Đảng, Chính phủ và với sự đồng thuận của nhân dân thì không có lý do gì mà không thành công trong thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Nguyễn Như Phong
.
.