Thông điệp từ diễn đàn quốc tế Astana

Thứ Hai, 26/06/2023, 19:54

Giữa tháng 6 vừa qua, tại thủ đô Astana của Cộng hòa Kazakhstan, một diễn đàn quốc tế rộng lớn đã lần đầu tiên được tổ chức. Đó là nơi người ta hy vọng các quốc gia tầm trung toàn cầu có thể thảo luận về quan điểm, lập trường của họ vì hòa bình, tiến bộ và đoàn kết cho nhân loại.

Đường tới Astana

Được nhắc tới lần đầu tiên vào ngày 7/2/2023 trên tờ báo lớn nhất nước có tên là Astana Times, Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym Tokayev thông báo kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc tế lớn với tên gọi Diễn đàn Quốc tế Astana (AIF). Về cơ bản, AIF là sự mở rộng của Diễn đàn Kinh tế Astana đã được tổ chức thường niên từ năm 2008. Tuy nhiên, phạm vi thảo luận của AIF mở rộng bao trùm cả chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế, phát triển bền vững, năng lượng, biến đổi khí hậu, kinh tế và tài chính, với mục tiêu tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu.

Thông điệp từ diễn đàn quốc tế Astana -0
Nhiều lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế đã đến AIF năm nay.

Trong bài báo này, nhà lãnh đạo Kazakhstan bày tỏ suy nghĩ của ông về tình hình thế giới cũng như mong muốn được cùng những nguyên thủ quốc gia, các nhà ngoại giao "cùng nhau tìm ra một con đường mới phía trước... trong một thế giới ngày càng phân cực". Theo ông Tokayev: "Hòa bình và ổn định toàn cầu hiện đang bị đe dọa bởi căng thẳng giữa các cường quốc lớn trên thế giới", do đó cần có sự "đoàn kết giữa các quốc gia tầm trung toàn cầu".

Suy nghĩ của nhà lãnh đạo Kazakhstan trùng khớp với nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Trước những năm 1990, Phong trào Không liên kết đã giúp một loạt quốc gia tồn tại ở thế trung lập giữa Mỹ và Liên Xô, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện tại, một thế giới trở nên đa cực nhưng bất ổn hơn với những cạnh tranh gay gắt đang đẩy các nước nhỏ vào vòng xoáy đối đầu mới giữa các trung tâm quyền lực. Từ Đông Nam Á, Trung và Đông Âu hay khu vực châu Phi hoặc Mỹ latin, câu hỏi chung đặt ra là làm thế nào giữ được vị thế độc lập, an toàn để phát triển mà không bị nghiền nát trong vòng xoáy ấy?

Tại Đối thoại Shangri-La (Diễn đàn An ninh và Quốc phòng hàng đầu châu Á) vào năm 2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phải lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Mỹ không gây áp lực buộc các quốc gia nhỏ phải đứng về phía nào, ở thời điểm cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đang diễn ra vô cùng căng thẳng. Khi mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất còn chưa kịp lắng dịu thì đại dịch COVID-19 ập đến, rồi xung đột Ukraine kéo theo những căng thẳng địa chính trị hiện nay khiến các mối liên kết vận tải, hậu cần trên toàn cầu bị tổn hại nghiêm trọng. Chi phí năng lượng và giá lương thực tăng cao. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thúc đẩy lạm phát, tình trạng mất an ninh lương thực cùng những tác động tiêu cực khác đến nền kinh tế toàn cầu. Liên hợp quốc dự báo: 181 triệu người ở 50 quốc gia sẽ rơi vào khủng hoảng lương thực trong thời gian tới. Đó là những con số đáng báo động, trong bối cảnh xu hướng đối đầu giữa các cường quốc vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm.

Ông Tokayev cho rằng: Khi "các cường quốc thế giới tỏ ra không muốn hoặc không thể duy trì sự ổn định chiến lược quốc tế" thì "Kazakhstan và các quốc gia tầm trung toàn cầu sẽ không khoanh tay đứng nhìn", đồng thời "cần một nền tảng trung lập không bị quấy rối, bắt nạt từ bên ngoài, hứa hẹn suông và đạo đức vô ích". Đó chính là lý do các quốc gia này cần phải tập hợp lại trong một diễn đàn mới đủ lớn để khuếch trương tiếng nói của mình.

Thông điệp từ diễn đàn quốc tế Astana -0
AIF là cơ hội tuyệt vời để các chuyên gia lên tiếng.

Không phải ngẫu nhiên mà Kazakhstan trở thành điểm đến lý tưởng cho một diễn đàn như vậy. Theo cách nói của ông Tokayev, "lịch sử và địa lý độc đáo" của Kazakhstan là không thể phủ nhận. Nằm cạnh những người khổng lồ Nga, Trung Quốc, chính giữa đại lục Á - Âu, nơi cũng chịu ảnh hưởng to lớn bởi Mỹ, EU, Ấn Độ và thế giới Arab với rất nhiều tranh cãi, Kazakhstan đã khéo léo vận dụng đường lối ngoại giao mềm mỏng của mình để xây dựng thương hiệu trên trường quốc tế như một điểm đến giải quyết căng thẳng.

Đất nước Trung Á này là nơi khởi xướng các diễn đàn quốc tế quan trọng, như Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, Đại hội Các nhà lãnh đạo của các tôn giáo thế giới... Vai trò của họ trong các cuộc đàm phán về xung đột Syria, chương trình hạt nhân của Iran là những cống hiến lớn cho hòa bình và ổn định. Diễn đàn kinh tế Astana được duy trì thành công trong nhiều năm là diễn đàn hiếm hoi được dẫn dắt bởi một quốc gia tầm trung. AIF là bước đi tiếp theo, minh chứng cho cam kết tìm kiếm một trật tự quốc tế ít phân cực và hợp tác nhiều hơn của những nhà lãnh đạo đất nước này.

Nhu cầu được lắng nghe

Với hơn 4.000 đại biểu từ hơn 100 quốc gia trên thế giới tới Astana trong ngày 8 và 9/6/2023, AIF đã ghi dấu ấn như một trong những diễn đàn lớn nhất trong năm nay. Chương trình nghị sự của diễn đàn rất toàn diện, bao gồm các chủ đề từ an ninh lương thực, quản lý nước và dòng vốn cho đến vai trò của Liên hợp quốc, hội nhập kinh tế và nhu cầu của các quốc gia tầm trung trong việc học hỏi những kỹ năng quản trị hàng đầu.

Được đo bằng phạm vi đưa tin của các phương tiện truyền thông quốc tế, AIF đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào thời điểm khủng hoảng đang lan rộng trên thế giới. Các tổng thống, thủ tướng, học giả và doanh nhân tham dự diễn đàn đã đưa ra những ý kiến mạnh mẽ. Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đã bày tỏ lo ngại về sự nguy hiểm của việc nước ngoài can thiệp vào các quốc gia hoặc nước láng giềng của họ. Cựu Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome thẳng thắn: "Sự can thiệp từ bên ngoài sẽ gây ra nhiều vấn đề. Chúng tôi không muốn tình hình ở Yemen và Libya lặp lại trong khu vực của chúng tôi".

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thì thẳng thắn chia sẻ: "Châu Âu phải thoát khỏi suy nghĩ rằng các vấn đề của châu Âu là vấn đề của thế giới, nhưng các vấn đề khác của thế giới lại không phải là vấn đề của châu Âu". Các đại biểu đều bày tỏ mong muốn các cường quốc ngừng yêu cầu các quốc gia tầm trung đứng về phía nào, trong những câu chuyện của họ.

Tiến sĩ Glenn Agung Hole, chuyên gia tư vấn chính sách của Chính phủ Na Uy nhấn mạnh yếu tố "cân bằng cải cách trong nước và nghĩa vụ quốc tế" trong quá trình phát triển. Còn theo ý kiến của chuyên gia tư vấn phát triển Javier M Piedra - người từng là cựu phó trợ lý quản lý khu vực Nam và Trung Á tại Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) - toàn thể hội nghị đã thống nhất rằng "hòa bình phải được khẳng định với sự tham gia ngoại giao thông minh và tôn trọng các nguyên tắc của Liên hợp quốc, chứ không phải dựa trên tinh thần nhất thời được thúc đẩy bởi ý thức hệ, thái độ thực dân hoặc ưu thế quyền lực trong cuộc đấu tranh giành các nguồn tài nguyên hạn chế".

Lần đầu tiên được tổ chức nhưng đã tập hợp hầu hết các quốc gia tầm trung tới từ châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ latin tại Astana, AIF cho thấy một quyết tâm không chấp nhận ngồi yên nhìn thế giới chìm trong hỗn loạn và xung đột, vì những cuộc đọ sức và đối đầu giữa các cường quốc. Một góc nhìn thú vị khi AIF năm nay diễn ra không lâu sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Với tư cách là Chủ tịch AIF, Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã bày tỏ ông hy vọng AIF sẽ "thúc đẩy cuộc trò chuyện và hợp tác có ý nghĩa" đồng thời, những cuộc trò chuyện này "cần phải có tinh thần cởi mở, lòng khoan dung và sự thỏa hiệp". Với việc được khẳng định sẽ diễn ra đều đặn hằng năm, AIF sẽ là nơi để tiếng nói của các quốc gia tầm trung cất lên và hy vọng các cường quốc sẽ nghe thấy.

Tử Uyên
.
.