Thời thế đổi thay

Thứ Ba, 14/09/2021, 10:18

Chuyến công du tới Đông Nam Á, thăm Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho thấy chính sách Đông Nam Á của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống J.Biden một lần nữa có sự thay đổi.

Học thuyết ngăn chặn

Vào tháng 2-1946, Bộ Tài chính Mỹ điện hỏi George Kennan, khi đó làm việc ở sứ quán Mỹ tại Moscow, rằng vì sao Liên Xô chống lại việc thành lập Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông này đã gửi về một bức điện dài hơn 5.000 chữ, trong đó nêu ra những biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô trên trường quốc tế. Bức điện này được đệ trình lên Tổng thống Mỹ khi đó là H.Truman và được ông này dùng làm cơ sở để hình thành Học thuyết Truman, theo đó Mỹ nên dùng mọi sức mạnh có thể có để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của Liên Xô.

Học thuyết này, còn được mang tên là Học thuyết ngăn chặn đã có ảnh hưởng cực lớn đến toàn bộ tiến trình Chiến tranh Lạnh và Kennan được coi là cha đẻ của Học thuyết ngăn chặn. Nó cũng đã được áp dụng cho khu vực Đông Nam Á thời Chiến tranh Lạnh, khi các nước trong khu vực này phải chọn bên.

Thời thế đổi thay -0
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Singapore.

Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh chấm dứt, ở khu vực Đông Nam Á xuất hiện tình thế mới, khi các quốc gia ở khu vực này không thể được phân loại một cách đơn giản theo mô hình của Học thuyết ngăn chặn, chia thành hai phía là “ủng hộ” hay “phản đối” nữa. Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự “trỗi dậy của Trung Quốc, chiến lược của Mỹ đối với khu vực này buộc phải thay đổi.

Xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược đã khiến chính quyền Tổng thống Trump phát động một cuộc thương chiến trên diện rộng với vũ khí chính là thuế quan, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực cạnh tranh khác như công nghệ, tiền tệ...

Đến khi đại dịch COVID-19 bùng nổ ở Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan rộng ra toàn vùng và cả thế giới, gây nên những thảm cảnh đau lòng, chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á có những thay đổi rõ rệt. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, nguồn lực y tế của các quốc gia Đông Nam Á chịu sức ép nghiêm trọng, Mỹ đã đẩy mạnh chiến dịch “ngoại giao vaccine”, trong đó đặt trọng tâm vào việc viện trợ nhiều chục triệu vaccine cho các nước trong khu vực.

Và, đến thời chính quyền của Tổng thống Biden cũng đã có những bước đi nhằm cải thiện mối quan hệ với các quốc gia trong vùng.

Một trong số đó là Philippines. 

Thăng trầm quan hệ Mỹ-Philippines

Mối quan hệ Mỹ-Philippines là một điển hình cho những thăng trầm dựa theo thời thế.

Năm 1951, ở thời điểm bắt đầu của Chiến tranh Lạnh, trên cơ sở của Học thuyết ngăn chặn, Mỹ và Philippines đã ký Hiệp ước phòng thủ chung (MDT), cho phép quân đội Mỹ đóng quân tại các căn cứ chiến lược của Philippines, trong đó nổi bật nhất là căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic. Hiệp ước này được duy trì suốt những năm tháng Chiến tranh Lạnh.

Đến đầu những năm 1990, Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Đông Dương “từ chiến trường biến thành thị trường”, xu hướng hợp tác thắng thế, các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bước sang giai đoạn phát triển mới. Mỹ và Philippines đàm phán lại, dẫn tới việc Mỹ rút quân khỏi các căn cứ ở Philippines.

Từ tháng 2-1995, Trung Quốc điều tàu tới xua đuổi các ngư dân Philippines tại vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền, tiến hành xây dựng các cấu trúc trên biển có trang bị cả các thiết bị quân sự. Tranh chấp giữa hai bên kéo dài từ 1995 đến 1999 và Philippines tỏ ra yếu thế.

Nhận thấy sự gia tăng mối đe dọa từ Trung Quốc cũng như yếu thế trong tranh chấp với Bắc Kinh, Philippines gợi ý với Mỹ về một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ có mặt “tạm thời” tại Philippines. Để lách luật về chuyện đưa quân đội Mỹ ra đồn trú ở nước ngoài cũng như cho quân đội nước ngoài trú đóng trên lãnh thổ Philippines, hai bên thống nhất ký Thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA), bắt đầu có hiệu lực từ năm 1999, theo đó về danh nghĩa, quân Mỹ hằng năm “ghé thăm” Philippines và tham gia tập trận chung với Manila.

VFA ra đời giải quyết được mối lo an ninh tạm thời của Philippines trước sự chèn ép của Trung Quốc nhưng lại vấp phải thử thách nặng nề do các vấn đề nội tại giữa hai bên. Sở dĩ như vậy là vì trong VFA có điều khoản, theo đó Mỹ duy trì quyền được xét xử riêng đối với các quân nhân Mỹ đóng tại Philippines, trừ các trường hợp phạm tội “có mức độ đặc biệt nghiêm trọng” (đối với Philippines).

Điều này nghĩa là Mỹ có quyền từ chối bắt giam các binh sĩ của họ phạm tội ở Philippines nếu chứng minh được rằng các binh sĩ này chỉ phạm tội nhẹ. Washington đã ít nhất 2 lần sử dụng điều khoản này trong VFA để bảo vệ quân nhân Mỹ phạm tội mà một trong số đó là vụ hiếp dâm gây chấn động tại căn cứ hải quân Subic.

Những điều đó khiến dư luận Philippines bất bình và có không ít sức ép trong dư luận Philippines đòi hủy bỏ VFA.

Đến khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền tại Philippines từ tháng 6-2016, quan hệ Mỹ-Philippines gặp phải thử thách nghiêm trọng. Chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi nhậm chức, ông Duterte đã có bước đi chấn động là gác lại chiến thắng pháp lý của Philippines tại Tòa trọng tài năm 2016, từ chối đưa ra bất kỳ quan điểm nào có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư và viện trợ của Trung Quốc, điều mà cho đến nay vẫn chỉ là... cam kết.

Tháng 2-2020, ông Duterte tiếp tục gây chấn động khi thông báo với phía Mỹ là sẽ hủy VFA với lý do một thượng nghị sĩ Philippines bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Nếu điều này được thực thi sẽ là một đòn giáng mạnh vào Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước. Tuy vậy, Philippines đã 2 lần đình chỉ tiến trình hủy bỏ thỏa thuận VFA.

Thời thế đổi thay -0
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông.

Nỗ lực “sửa chữa”

Ngay sau khi vào Nhà Trắng đầu năm 2021, Tổng thống Biden đã nỗ lực “sửa chữa” lại chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, trong đó có việc xây dựng lại các liên minh, tái can dự vào khu vực Đông Nam Á. Trọng điểm là quan hệ với Philippines.

Mục tiêu này được hỗ trợ bởi những lo lắng ngày càng tăng của giới chức Philippines, cả quốc phòng lẫn ngoại giao, trước những hành vi cưỡng ép ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tháng 9-2020, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Duterte đã làm tất cả bất ngờ khi tuyên bố rằng “phán quyết (của Tòa trọng tài năm 2016 theo đó Philippines thắng trong vụ kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc), giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế”.

Phán quyết này của Hội đồng trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định. Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tháng 5 vừa qua, ông Duterte tiếp tục khẳng định sẽ không lùi bước ở Biển Đông, “dù có phải chết dưới tay Trung Quốc”.

Những nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm làm ấm lại mối quan hệ với Manila đã thu được kết quả khả quan. Cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm Philippines. Trong chuyến thăm này, phía Philippines thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng Tổng thống Duterte đã quyết định thu hồi thư hủy bỏ đối với Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng.

Giờ đây, khi VFA không còn ở trạng thái bấp bênh, giới chức Mỹ và Philippines có thể lên kế hoạch dài hạn cho việc hợp tác an ninh, ứng phó với những tình huống bất ngờ. Việc khôi phục hoàn toàn VFA là một bước đột phá, tạo cơ hội khôi phục liên minh Mỹ-Philippines và giúp Mỹ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực này.

Những biến chuyển trong quan hệ với Philippines cho thấy cách tiếp cận của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á đã quay về với những gì đã diễn ra trước thời của chính quyền ông Trump, khi Washington muốn tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực. Đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện để Mỹ thực hiện chính sách ngoại giao vaccine, đồng thời đầu tư cho các quan hệ đối tác, hợp tác trong khu vực thông qua ngoại giao, tạo sức răn đe tổng hợp. Một mạng lưới các mối quan hệ sẽ được thiết lập dựa trên các mối quan hệ đối tác lâu dài trong khu vực trong một trật tự dựa trên luật lệ, gồm tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp... Trong bối cảnh tất cả các nước trong khu vực đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, tăng trưởng kinh tế sẽ là điều tối quan trọng, trong khi Mỹ hiện chưa có bất cứ sáng kiến nào để làm động lực, thậm chí còn để ngỏ khả năng quay lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bính Dương, vốn đã bị ông Trump hủy bỏ ngay khi vừa nhậm chức.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ hẳn đã nhận thức được rằng Trung Quốc vẫn là một quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực trong khi nguồn lực của Mỹ có giới hạn. Bản thân các nước thành viên ASEAN cũng có những lợi ích khác biệt. Bất kỳ sáng kiến an ninh nào trong khu vực cũng không thể do Mỹ gánh vác một mình. Thời thế đã đổi thay.

Yên Ba
.
.