Thoát bẫy "Fake news"

Thứ Sáu, 10/03/2023, 14:38

Không phải bây giờ, thời của các phương tiện truyền thông mới, fake news (tin giả) mới có. Fake news xuất hiện và từng làm khuynh đảo thế giới ngay từ thuở báo chí cònsơ khai.

Nhưng ngày nay, trong kỷ nguyên số, việc tạo ra tin giả trở nên dễ dàng hơn. Bởi khi đã không còn quá khó khăn để tiếp cận với các công cụ xuất bản tin tức thì cũng là thời điểm tin giả có cơ hội lên ngôi và trở thành vấn nạn. Báo chí, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh về tốc độ thông tin trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, nếu chỉ mê mải với cuộc chạy đua "nhanh nhất, sớm nhất" mà bỏ quên yếu tố "chính xác nhất", rất có thể bị sa vào bẫy "tin giả". Bài viết này phân tích về những tác hại của fake news và các phương pháp ngăn chặn việc chính thức hóa fake news trên báo chí.

Bài 1: Lịch sử “lâu đời và tàn bạo” của tin giả

"Fake news" là một thuật ngữ tiếng Anh, được dùng với nghĩa là "tin tức giả mạo"/ "tin vịt". Các định nghĩa về tin giả của Từ điển Cambridge, của Liên minh châu Âu (EU) trong Disinformation and Fake news final report (Báo cáo về tin xuyên tạc và tin  giả năm 2019) đều cho rằng, đó là những thông tin "không có thật", "gây hiểu lầm", "gây tổn hại". Tại Việt Nam, trên cơ sở tham khảo các định nghĩa nêu trên và xuất phát từ  thực tiễn công tác quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông  đưa ra định nghĩa về tin giả trên không gian mạng như sau: "Tin giả  trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng  tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật  nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc,  thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên  mạng xã hội".

Như vậy, tin giả là tin sai sự thật hoặc có một phần sự thật nhưng đã bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất.

Bài 1: Lịch sử “lâu đời và tàn bạo” của tin giả  -0
Trong đại dịch COVID-19, chúng ta không chỉ đương đầu với dịch bệnh mà còn phải chiến đấu với một đại dịch thông tin.

Nguy hiểm lànhững thông tin giả mạo này lại được "ngụy trang dưới dạng nguồn tin đáng tin cậy" (theo trang https://www.gcflearnfree.org) và "những thông tin sai lệch ấy lại cuốn hút và được hàng triệu người tiếp nhận" (theo nhà sản xuất Michael Radutzky trong chương trình "60 Minutes Overtime của Đài CBS News).

Các tài liệu nghiên cứu về lịch sử của tin giả cho thấy, không phải bây giờ mà từ 500 năm trước, tin giả đã xuất hiện cùng với sự ra đời của kỹ thuật in ấn ở châu Âu. Thậm chí, nó còn lâu đời hơn cả báo chí chính thống khi mà các nguyên tắc của thông tin báo chí dường như mới được nói đến cách đây chừng hơn một thế kỷ.

Tác giả Jacob Soll  trong bài viết khái quát lịch sử ra đời và phát triển của tin tức giả mạo The Long and Brutal History of Fake New đã gọi ngay trong tựa đề rằng đó là một “lịch sử lâu đời và tàn bạo”. “Lâu đời” bởi nó xuất hiện từ trước khi báo chí ra đời và sẽ còn tồn tại dai đẳng;  “tàn bạo” bởi bằng cách này hay cách khác, ở mức độ này hay mức độ khác, nó đều làm tổn thương công chúng, thậm chí có nhiều trường hợp, nó là khởi thủy dẫn đến bạo tàn.

Công chúng sẽ còn nhắc nhiều đến sự kiện tin giả được coi là dẫn đường cho tội ác trong lịch sử tàn bạo của nó, đó là tại Trent, Ý vào ngày chủ nhật lễ Phục sinh năm 1475. Một đứa bé 2 tuổi rưỡi tên Simonino đã mất tích và một thầy thuyết giáo dòng Franciscan, Bernardino da Feltre, trong hàng loạt bài giảng của ông tuyên bố cộng đồng người Do Thái địa phương đã sát hại đứa trẻ, rút và uống máu của nó để mừng lễ Vượt qua. Toàn bộ cộng đồng Do Thái của thành phố đã bị bắt giữ và tra tấn. 15 người bị tuyên là có tội và bị đưa lên giàn thiêu. Cho dù nhận ra đó là một tin tức giả mạo và Giáo hoàng cố gắng can thiệp, ngăn chặn việc lan truyền nó nhưng bất lực. Đến tận ngày nay, cho dù các sử gia đã xác nhận rõ ràng rằng,  chuyện người Do Thái giết rồi uống máu trẻ em là hoàn toàn ngụy tạo và nhiều câu chuyện đã bị dựng đứng từ thế kỷ 12 nhưng tin tức giả này vẫn chưa được dẹp bỏ. Câu chuyện này là một trong nhiều minh chứng cho thấy hậu quả nặng nề và sự tồn tại dai dẳng của tin tức giả mạo.

Mới đây nhất, trong bối cảnh cả thế giới chao đảo vì dịch bệnh COVID-19, con người không chỉ phải chống chọi với dịch bệnh mà còn phải chống chọi với cả "đại dịch thông tin". “ Infodemic” (“đại dịch thông tin”) là một thuật ngữ được ghép bởi “epidemic” có nghĩa là “đại dịch” và “information” là “thông tin” theo nghĩa tiếng Anh. Thuật ngữ “Đại dịch thông tin” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2003 trong một bài báo được đăng trên tờ Washington Post khi tác giả, nhà khoa học chính trị người Mỹ David J.Rothkop, nói về dịch bệnh SARS. Bởi nhận ra sự tương đồng giữa cách thức một bệnh dịch lan ra trong cộng đồng dân chúng và cách một ý tưởng nào đó được lan truyền như con virus trên môi trường Internet nên ông đã gắn “thông tin” với “đại dịch” để hình thành nên thuật ngữ “đại dịch thông tin”. Với dịch SARS, ông cho rằng, “đại dịch thông tin” còn tác động tới cộng đồng thậm chí lớn hơn cả dịch bệnh đã gây ra nó. Năm 2020 này, giữa dịch COVID-19 thuật ngữ “đại dịch thông tin lại một lần nữa được WHO cảnh báo cho thấy sự nguy hại của những thông tin sai lệch có khi còn dai dẳng, ám ảnh, nguy hại hơn cả dịch bệnh. Tại Hội nghị thường niên về chính sách an ninh quốc tế Munich 2020, trong bài phát biểu của mình, Giám đốc tổ chức WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo: “Chúng ta đang không chỉ đương đầu với một dịch bệnh mà còn đang chiến đấu với một infodemic” (“đại dịch thông tin”). Theo WHO, đó là tình trạng quá dư thừa thông tin – trong đó có cả những thông tin đúng lẫn thông tin sai lệch khiến cho mọi người không còn biết đâu là những nguồn thông tin tin cậy cũng như những chỉ dẫn tin cậy khi họ cần đến.

Bài 1: Lịch sử “lâu đời và tàn bạo” của tin giả  -0
Câu chuyện "bác sĩ Khoa" đã bị VAFC dán nhãn tin giả.

Tại Việt Nam vào thời điểm dịch bệnh, có 2 loại tin tức giả xuất hiện nhiều nhất, bao gồm:

Thứ nhất, bịa đặt các thông tin về tiến triển của dịch bệnh như bịa ra số lượng người chết, người cách ly, vùng cách ly, giả danh chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh với mục đích gây hoang mang dư luận.

Loại tin giả thứ hai là bịa đặt về phương thức chữa trị, trong đó có những lời khuyên rợn người như “uống nước tiểu”, uống nước tẩy trắng, thậm chí nuốt ma túy đá để tiêu diệt COVID hoặc “Hà Nội sẽ phun thuốc khử trùng toàn bộ bầu trời”…

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, đầu tháng 3-2020, chỉ trong 2 ngày cuối tuần sau khi Hà Nội công bố ca bệnh COVID số 17, trên không gian mạng đã xuất hiện hơn 80.000 tin liên quan đến COVID-19 và bệnh nhân số 17. Trong đó có rất nhiều thông tin thật – giả lẫn lộn khiến không ít người dân hoang mang dẫn đến đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ khiến thị trường Hà Nội sau một đêm lâm vào cảnh khan hiếm giả tạo.

Trước đó, vào năm 2014, với dịch sởi tại Hà Nội, những thông tin giả mạo lan truyền trên không gian mạng đã gián tiếp khiến cho hậu quả dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn. BS Trần Văn Phúc từ Hà Nội đã kể lại những ký ức đau đớn của ông và nhiều đồng nghiệp “nhìn đứa trẻ chết dần dưới tay mình” mà “chỉ biết cúi gằm mặt để giấu đi sự bất lực”.

Thời điểm đó, khi mới chỉ rải rác vài ca biến chứng nặng liên quan đến sởi thì trên mạng xã hội những thông tin sai lệch đội lốt khoa học, trộn lẫn giữa khoa học và suy diễn vô căn cứ đã gieo hoang mang cho dân chúng, nhất là những bà mẹ có con nhỏ khiến cho người ta tin rằng, cứ đỏ mắt, ho, sốt là sởi. Và thế là “sự hoảng loạn bao trùm đủ gây nên sự hỗn loạn cực kì nguy hiểm, trong đó có những đứa trẻ chỉ mắc bệnh nhẹ, nhưng vì nỗi lo sợ của phụ huynh nên phải đưa con nhập viện, hệ quả là sự lây chéo và bội nhiễm mà cuối cùng đứa trẻ phải gánh chịu”, BS Trần Văn Phúc nhớ lại. Đã có những đứa trẻ chết oan uổng, không phải vì dịch bệnh mà vì “đại dịch thông tin” như thế.

Nhưng, tin giả sẽ không như nhiều người nghĩ, chỉ là những thông tin tiêu cực. Tin giả, đôi khi còn núp dưới hình thức thông tin tích cực. Những câu chuyện đẹp đẽ, nhân văn, làm nhiều người rơi nước mắt cũng có thể được bịa đặt hoàn toàn. Người đọc càng cảm động, càng lan tỏa thì độ phát tán tin giả càng cao. Câu chuyện "bác sĩ Khoa" là một ví dụ. Tối 7/8/2021, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang căng thẳng,  trên FB, tài khoản "Trần Khoa" (tự nhận là bác sĩ, đang công tác tại BV Chợ Rẫy) đăng tải nội dung bác sĩ này đang chăm sóc cha và mẹ cùng một sản phụ mắc COVID-19 nặng, mang song thai. "Bác sĩ Khoa" kể, cha mẹ anh là bác sĩ về hưu, tình nguyện tham gia chống dịch và bị nhiễm bệnh. Do bệnh tình trở nặng, người cha qua đời và người mẹ nguy kịch, dự liệu không qua khỏi, "bác sĩ Khoa" đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ và  thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. "Con không thể làm khác phải không ba? Con quyết định nhường đi chiếc máy sản phụ ấy cần. Con tin mẹ cũng thế", những con chữ đầy day dứt về sự lựa chọn sinh tử của "bác sĩ Trần Khoa" trên tài khoản FB "Trần Khoa" đã khiến rất nhiều người dùng FB rơi nước mắt. Câu chuyện đầy nhân văn của "bác sĩ Khoa" cũng bởi vậy đã được người dùng mạng xã hội chia sẻ với tốc độ chóng mặt và những cú nhấn nút like và share điên đảo ấy chỉ dừng lại khi cơ quan chức năng phát hiện, sự thật thì không có "bác sĩ Khoa" nào cả và câu chuyện "rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ song thai" là hoàn toàn bịa đặt.

Đánh giá về sự nguy hại của tin giả núp bóng tin tích cực, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích: "Một câu chuyện cảm động được nhiều tài khoản facebook lan truyền, coi bác sĩ Khoa như người truyền cảm hứng nhưng lại là câu chuyện giả dối, làm giảm đi ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được biết bao bác sĩ và các lực lượng phòng chống dịch âm thầm làm".

Đồng thời các chuyên gia của VAFC khuyến cáo cộng đồng mạng, nhất là các phóng viên không chia sẻ trên mạng xã hội nội dung chưa được kiểm chứng; hãy cùng nhau thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và quy tắc đạo đức người làm báo khi tham gia mạng xã hội.

(Còn nữa)

Đặng Huyền
.
.