Thỏa thuận hạt nhân Iran: Vẫn một vòng luẩn quẩn
"Phương Tây và Mỹ đang cùng gây sức ép nhưng chúng tôi sẽ có các cuộc đàm phán về chương trình nghị sự mà không bị tác động bởi sức ép. Chúng tôi tìm kiếm các cuộc đàm phán có định hướng, mục tiêu nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran" - ngày 4-9, Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi - tuyên bố.
Và thực tế, sau 6 vòng đàm phán, bất kể việc mọi phía đều bày tỏ mong muốn khôi phục thỏa thuận lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), vẫn còn đó bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và Iran.
Sức ép đích thực
Song, nhìn từ khía cạnh nội bộ, áp lực lớn nhất đang dồn xuống các nhà ngoại giao Iran dường như không phải là sự "độc đoán" của nước Mỹ và phương Tây, như cách họ mô tả.
Đó là thứ sức ép đã được giới quan sát quốc tế nhận diện từ nhiều năm qua, điều đã từng khiến cựu Tổng thống Iran - ông Hassan Rouhani - phải "lao tâm khổ tứ" rất nhiều trong nhiệm kỳ của mình và hiện được đương kim Tổng thống Iran Ebrahim Raisi xem là định hướng hành động: Tính không khoan nhượng, hay nói ngắn gọn là tính chất "bài phương Tây", trong ý thức xã hội Iran.
Ngay từ cuối tháng 8, điều này đã một lần nữa được công khai. Ngày 29-8, phát biểu tại phiên họp nội các đầu tiên, Tổng thống Raisi cho rằng cần tách bạch các vấn đề kinh tế của đất nước với các cuộc đàm phán hạt nhân và toàn bộ thành viên chính phủ, đặc biệt là Cơ quan Điều phối kinh tế thuộc chính phủ, cần xem xét vấn đề này. Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải chú ý đến 10 chỉ đạo then chốt mà Đại giáo chủ Ali Khamenei - thủ lĩnh tinh thần tối cao của Iran - từng đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế. Theo đó, Tổng thống Raisi cho rằng không nên để vấn đề hạt nhân làm lu mờ chính sách ngoại giao của đất nước, đồng thời kêu gọi giới quan chức giải quyết các vấn đề kinh tế độc lập với các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như kết quả các cuộc đàm phán hạt nhân gần đây.
Ta có thể hiểu thông điệp ấy một cách ngắn gọn: Iran sẽ không nhân nhượng với phương Tây và Mỹ trên bàn đàm phán. Họ không sẵn sàng đánh đổi các điều khoản của JCPOA lấy các lợi ích kinh tế bằng mọi giá.
Trước đó một ngày, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran - ông Ali Shamkhani cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa Iran một cách bất hợp pháp khi nói rằng "có thể xem xét các lựa chọn khác" nếu ngoại giao hạt nhân với Tehran thất bại, khi tiếp kiến Thủ tướng Israel Naftali Bennett - kình địch trong khu vực của Iran - tại Nhà Trắng. Ali Samkhani viết trên Twitter của mình: "Việc nhấn mạnh vào sử dụng các lựa chọn khác đối với (Iran) chẳng khác gì đe dọa nước khác một cách trái phép và trao cho Iran quyền đáp trả".
Cùng lúc, đích thân Đại giáo chủ Ali Khamenei lên tiếng: "Chính quyền đương nhiệm Mỹ không khác so với chính quyền tiền nhiệm bởi những gì mà chính quyền này yêu cầu từ Iran về vấn đề hạt nhân chỉ khác về ngôn từ, song tương tự yêu cầu mà cựu Tổng thống Trump đưa ra".
Ngày 1-9, Bộ trưởng Ngoại giao Iran - ông Hossein Amir Abdollahian khẳng định: Iran không chấp nhận chỉ đàm phán chung chung tại các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015. "Đàm phán phải phục vụ lợi ích của nhân dân Iran" và "các quan chức Mỹ cần tôn trọng nhân dân Iran" - ông nhấn mạnh.
Và ngày 4-9, đương kim Tổng thống Iran Ebrahim Raisi làm rõ: Iran sẵn sàng đàm phán với các cường quốc thế giới để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, trong đó hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, song không phải dưới "sức ép" của phương Tây.
Bối cảnh chung quanh JCPOA tháng 9-2021 này, dường như đang là sự lặp lại gần như nguyên vẹn bối cảnh từ năm 2018 - năm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa nước Mỹ rời khỏi thỏa thuận - và kéo dài đến tận khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có tổng thống mới.
Điểm đến vẫn xa vời
"Cánh cửa thời gian sẽ không mở vô hạn" - như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, thành viên nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức - những cường quốc ký JCPOA với Iran năm 2015), "nhắc nhở". Nhưng, cho đến hiện tại, vẫn chưa bên liên quan nào đưa ra được giải pháp tháo gỡ bế tắc khả thi đích thực.
Cách tiếp cận vấn đề của Iran, kể cả khi tổng thống đương nhiệm tuyên bố sẵn sàng khôi phục đàm phán, vẫn giữ nguyên "phòng tuyến" ở điểm cốt lõi: Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trước, bởi vậy Mỹ là phía vi phạm, do đó mọi hình thức trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Iran là vi phạm luật pháp quốc tế và Iran có quyền đáp trả tương xứng. Hơn thế, điều kiện tiên quyết để khôi phục JCPOA vẫn không thay đổi: Mỹ phải đơn phương dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt đó, nhằm thể hiện thiện chí.
Tuy nhiên, cho đến sau vòng đàm phán thứ 6, Mỹ - do không còn là thành viên JCPOA - lại không có cơ hội thảo luận trực tiếp với Iran. Tất cả thông điệp mà Mỹ muốn truyền tải đều phải qua các kênh trung gian, mà ở đây chủ yếu là 3 cường quốc đồng minh châu Âu. Những cường quốc ấy, ở vị thế của mình, lại không thể "lo chuyện bao đồng" quá nhiều, nhất là khi Iran vẫn nhận được sự hậu thuẫn quan trọng từ hai Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc còn lại: Nga và Trung Quốc.
Ngày 1-9, Pháp và Đức đã hối thúc Tehran nhanh chóng trở lại bàn đàm phán. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp, trong một cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh với người đồng cấp Iran - ông Hossein Amirabdollahian về tầm quan trọng và sự khẩn thiết của việc nối lại đàm phán ngay lập tức, vốn bị gián đoạn kể từ tháng 6 đến nay.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đức thông báo Berlin cũng hối thúc Tehran trở lại bàn đàm phán "một cách xây dựng và sớm nhất có thể" sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra báo cáo cho hay Iran đã tăng tốc làm giàu urani lên gần cấp độ vũ khí. Tháng trước, Pháp, Đức và Anh bày tỏ quan ngại về báo cáo của IAEA xác nhận rằng Iran đã lần đầu tiên sản xuất urani được làm giàu tới 20% độ tinh khiết phân hạch, đồng thời nâng công suất sản xuất urani được làm giàu lên 60%.
Xét cho cùng, với những động thái thực tế ấy, thực ra Iran mới là phía đang nắm quyền chủ động trong việc gia tăng áp lực về phía đối phương. Họ đang thực hiện đúng những gì Đại giáo chủ Ali Khamenei chỉ đạo ngày 28-8: Iran cần triển khai chính sách ngoại giao tích cực hơn, đặc biệt là ngoại giao kinh tế. Thời gian không chờ đợi nhưng Tehran đang tỏ ra "ung dung" và tiếp tục thử thách lòng kiên nhẫn của các cường quốc phương Tây. Họ, cũng như cả nhóm P5+1 đều hiểu: Để JCPOA hồi sinh một cách thực thụ, nhất thiết nước Mỹ phải quay trở lại với thỏa thuận. Vấn đề là, chuyện có chấp nhận sự quay trở lại ấy của Washington hay không lại đã, đang và vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của Tehran. 3 năm qua, Iran đã phải trải qua một quãng thời gian cực kỳ khó khăn trong vòng vây cấm vận, với rất nhiều thách thức ở cả kinh tế - xã hội lẫn những hệ lụy của đại dịch COVID-19. Song, cũng chính vì vậy, ở một góc độ khác, họ đã được rèn luyện thêm để cứng rắn gấp bội khi đối diện với nghịch cảnh.
Và có lẽ, khi đặt Iran vào một bối cảnh địa chính trị rộng lớn, phương Tây không nên quên rằng nước Cộng hòa Hồi giáo ấy chính là một trong những láng giềng hùng mạnh và giàu tiềm năng hành động nhất, bên cạnh "đống ngổn ngang" mang tên Afghanistan.