Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò trung gian hòa giải Nga – Ukraine

Chủ Nhật, 11/09/2022, 11:02

Bằng cách tiếp cận khôn khéo, theo đuổi đối thoại, duy trì thế cân bằng với cả hai bên xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một trung gian hòa giải có thể giúp Nga và Ukraine tiến gần hơn tới bàn đàm phán.

"Nhà hòa giải" tích cực

Ngay từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine mới nổ ra, dù có mối quan hệ quân sự với chính quyền Kiev nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ kênh đối thoại với Nga. Đây là quyết định hoàn toàn ngược lại với thái độ của các quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay một số quốc gia châu Âu khác. Bằng cách đứng ngoài những chỉ trích hay các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga, Thổ Nhĩ Kỳ giữ được vai trò trung lập. Là quốc gia láng giềng trong khu vực Biển Đen, có mối quan hệ gần gũi với cả Nga và Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ còn nắm giữ eo biển Bosporus, tuyến yết hầu, con đường thông thương quan trọng của cả khu vực. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tiếng nói của Thổ Nhĩ Kỳ luôn có "sức nặng" nhất định. Tận dụng lợi thế đó, Thổ Nhĩ Kỳ chủ động nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bằng đối thoại.

Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò trung gian hòa giải Nga – Ukraine -0
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà trung gian quan trọng để đối thoại với Nga và Ukraine ở thời điểm hiện tại.

Từ khi xung đột nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức thành công nhiều cuộc gặp giữa các nhà đàm phán hai nước. Trong đó có cuộc gặp cấp cao giữa hai Ngoại trưởng Nga và Ukraine vào ngày 10-3-2022 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Để sắp xếp được cuộc đàm phán đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã có hàng chục cuộc gặp riêng biệt với các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraine và các quốc gia khác.

Trong khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu đã tham dự khoảng 40 cuộc họp để thúc đẩy một kênh đối thoại trực tiếp như vậy. Ở thời điểm cuộc xung đột mới nổ ra được 2 tuần, bầu không khí vẫn còn nóng hổi thù địch, cả thế giới còn đang quay cuồng trong những vòng xoáy chỉ trích thì có thể thấy những nỗ lực tìm kiếm đàm phán của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ rất đáng ghi nhận. Cuộc gặp này được cho là đã góp tiếng nói vào quyết định rút quân của Nga khỏi Kiev cũng như các khu vực Đông Bắc Ukraine là Chernihiv và Sumy.

Khi cuộc xung đột trở nên dai dẳng, kéo dài, nhiều kênh đối thoại khác được mở ra nhưng chưa đem đến hiệu quả, thì mới đây, một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine đi qua Biển Đen (được sự chấp thuận của Nga, dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ) đã đem đến những tia hy vọng đầu tiên về việc có thể tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột bằng phương pháp đối thoại.

Trong bài phát biểu gần đây tại thủ đô Ankara: Tổng thống Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để có thể đưa cuộc xung đột Nga[1]Ukraine hướng tới kết thúc trong hòa bình. Trong đó, mục tiêu tiếp theo của Ankara là tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine, ông Volodymyr Zelensky.

Để xúc tiến tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này, hồi đầu tháng 8, ông Erdogan đã tới Sochi (Nga) gặp Tổng thống Putin. Sau đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thực hiện chuyến thăm tới Kiev (Ukraine), lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, để gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo nước này. Qua hai cuộc gặp ấy, ông Erdogan thể hiện mình đang tiếp cận cuộc xung đột với một chính sách cân bằng và luôn sẵn sang đứng ra làm trung gian giữa các bên xung đột.

Những lợi ích

Sự "nhiệt tình" của những nhà lãnh đạo ở Ankara với việc tham gia giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đem đến những kết quả nhất định, không phải chỉ cho các bên xung đột mà còn cho chính họ.

Trong thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ nghiễm nhiên trở thành bạn hàng đầu tiên của Ukraine. Ở thời điểm giá lương thực thế giới đang tăng cao kéo theo lạm phát thách thức chính quyền Ankara, việc khơi thông lại nguồn hàng sẽ giúp ông Erdogan giải quyết được nhiều vấn đề trong nước ngay lúc này. Thêm vào đó, việc duy trì quan hệ với cả hai đối tác quan trọng là Nga và Ukraine sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm thiểu được những thiệt hại kinh tế ngay trong bối cảnh xung đột. Nga luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp tới 45% lượng khí đốt tự nhiên và 60% lúa mì nhập khẩu hằng năm. Còn Ukraine thì hiện thu hút 4,5 tỷ USD của các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ. Các công ty của

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu có quan hệ làm ăn với cả Nga và Ukraine. Về lâu dài, công cuộc tái thiết những vùng đất đang bị tàn phá nặng nề chắc chắn sẽ cần nhiều nguồn lực. Cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Ukraine – ông Denys Shmyhal đã ước tính rằng việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị tàn phá của đất nước sẽ tiêu tốn 750 tỷ USD. Trong vai trò một đối tác đáng tin cậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận những dự án tương lai. Chẳng nói đâu xa, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Erdogan với Tổng thống Nga Putin giữa tháng 8 vừa qua, hai nước đã nhất trí tăng thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2030 và hợp tác trong các dự án năng lượng mới.

Không chỉ lợi ích về mặt kinh tế, việc tham gia có hiệu quả trong việc giải quyết xung đột Nga – Ukraine còn giúp nâng cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác quan trọng trong khu vực. Điều này khiến các nước phương Tây phải nhìn nhận lại vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã theo đuổi việc xin gia nhập EU nhưng thất bại. Nếu giúp giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ cải thiện được rất nhiều vấn đề trong quan hệ với các nước châu Âu thời gian tới. Việc giữ được những mối liên hệ với Nga cũng đồng thời đảm bảo cho Thổ Nhĩ Kỳ một vị trí quan trọng ở khu vực Trung Đông gần đó. Đây là một bước tiến quan trọng của quốc gia nằm giữa hai đại lục Á – Âu này, trong việc vươn mình trở thành một cường quốc trong khu vực và trên thế giới.

Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò trung gian hòa giải Nga – Ukraine -0
Những chuyến tàu chở ngũ cốc rời khỏi Ukraine trở thành niềm hy vọng cho quá trình đàm phán.

Con đường chông gai

Theo đánh giá của những nhà theo dõi chính trị thế giới, chính sách ngoại giao của Ankara đang được thực hiện trên 3 phương diện: Hỗ trợ Ukraine, tránh xung đột công khai với Nga và tăng cường vị thế trong khu vực. Để làm điều đó, Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời đã cung cấp viện trợ quân sự, đặc biệt là máy bay không người lái vũ trang cho Ukraine, nhưng chỉ định vị mình như một bên trung gian trong khuôn khổ hoạt động của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga mà tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Với thỏa thuận về hành lang xuất khẩu ngũ cốc mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vai trò trung gian hòa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đây là tiền đề giúp Ankara tiếp tục đóng vai trò nhất định với những thỏa thuận hòa bình có thể đạt được trong tương lai.

Nhưng, với những bước tiến nhỏ đã đạt được, việc hướng đến một cuộc họp nhằm giải quyết xung đột thông qua các con đường ngoại giao vẫn còn một chặng đường dài. Từ những cuộc gặp hồi giữa tháng 8, khi mà ông Erdogan gửi lời mời đến nhà lãnh đạo hai nước tới Ankara để gặp mặt đàm phán, ông cũng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức nào. Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn chỉ vài giờ sau khi ông Erdogan gửi lời mời tới nhà lãnh đạo nước Nga, đại diện thường trực của Nga tại Văn phòng Liên Hợp quốc ở Geneva, ông Gennady Gatilov còn nói rằng “không có bất kỳ nền tảng thực tế nào cho một cuộc gặp như vậy”. Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai bên xung đột đang xấu đi trong thời gian gần đây, như những vụ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, vụ pháo kích vào trại tù binh gần Yelenovka, những vụ nổ ở Crimea.

Gần nhất, vụ đánh bom bằng ô tô ở ngoại ô thủ đô Moscow đã khiến Darya Dugina, con gái của nhà triết học Nga Alexander Dugin, thiệt mạng vào ngày 20-8 (một ngày sau khi ông Erdogan tới Kiev) thậm chí là một hình thức leo thang mới của cuộc xung đột.

Trong khi đó, các nước phương Tây cũng không hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền Ankara. Họ cáo buộc chính quyền Tổng thống Erdogan "trục lợi chiến tranh" khi không những không tham gia trừng phạt Nga mà còn tăng cường hợp tác kinh tế với Nga. Thực tế, thương mại giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng trong những tháng qua và việc hệ thống ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng hệ thống thanh toán của Nga đã làm dấy lên suy đoán rằng Ankara đã nhìn thấy lợi ích khi giúp đỡ Moscow đối phó áp lực trừng phạt của phương Tây, trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bị lạm phát tàn phá.

Các quốc gia phương Tây cáo buộc Ankara đóng vai trò như một bên trung gian giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Để đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ "không cung cấp giải pháp lách cấm vận cho Nga", Peter Stano, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC), cho biết "sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình này". Francesco Giumelli, nhà nghiên cứu tại Đại học Groningen, Hà Lan, thì gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua là "bắt cá hai tay", khi Ankara vừa ký thỏa thuận với ông Putin, vừa duy trì quan hệ gần gũi với Mỹ và tư cách thành viên NATO.

Chính quyền Washington cũng đã có những cảnh báo cứng rắn với Ankara. Mới đây, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham gia quan hệ đối tác kinh tế chính thức với Nga, Washington sẽ xem xét khuyến nghị một hình phạt thứ cấp dành cho quốc gia này.

Chính vì những sức ép như vậy nên Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải rất thận trọng với những hành động của mình. Bởi, việc "đi giữa lằn ranh" và làm hài lòng tất cả các bên vốn không bao giờ là dễ dàng.

Tử Uyên
.
.