Thổ Nhĩ Kỳ - Thanh kiếm, lá chắn và cánh bồ câu
Chiến sự Nga - Ukraine vẫn diễn ra vô cùng ác liệt. Nhưng, ít nhất, các cuộc đàm phán cũng không vì thế mà dừng lại. Để duy trì được tiến trình ấy, vai trò của những quốc gia đảm nhận vị trí trung gian là cực kỳ quan trọng.
Trong trường hợp cụ thể này, có lẽ thế giới cũng cần phải ghi nhận những đóng góp của đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayipp Erdogan. Cho dù, dĩ nhiên rồi, động lực quan trọng nhất đối với Ankara, không gì khác, là lợi ích cốt lõi của chính Thổ Nhĩ Kỳ.
“Điểm hẹn” Istanbul
“Chúng tôi sẽ rất hài lòng, nếu các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra tại Belarus.Song, phía Ukraine không muốn như vậy. Vì một số lý do, địa điểm này không thích hợp và thuận tiện đối với họ” - ngày 2-4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hé lộ. Ông cũng cho biết rằng “ngay từ đầu, phái đoàn Ukraine đã không muốn tới Belarus, cho đến tận những phút cuối” và phái đoàn Nga đã phải chờ đợi gần một ngày mà không rõ những đồng nghiệp bên phía Ukraine có tới dự hay không.
Chỉ một chi tiết này thôi, có lẽ cũng đã đủ để khắc họa tầm quan trọng của bất cứ địa điểm tổ chức đàm phán nào, đặc biệt là cho những mối quan hệ đang ở mức tận cùng căng thẳng. Nếu muốn những cuộc thương thảo diễn ra một cách tích cực, đó sẽ phải là một địa điểm không tạo cảm giác thiên lệch, bất an hay thù địch đối với bất cứ phía nào. Ngay cả điều này cũng chính là một cách biểu đạt kín đáo vị thế bình đẳng của những phái đoàn đàm phán.
Bởi vậy, diễn ra song song trong hiện tại, địa điểm mà cả Iran cũng như nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) cùng chấp nhận để tiến hành các cuộc thảo luận nhằm hồi sinh Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA, tức là thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015) là tại Vienna, thủ đô Áo. Bởi vậy, trong quá khứ gần, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un chỉ hội kiến trực tiếp tại Bàn Môn Điếm sau khi đã có những cuộc gặp gỡ ở các địa điểm phù hợp là Singapore (năm 2018) và Việt Nam (năm 2019).
Bởi vậy, trong cuộc điện đàm ngày 1-4 (theo hãng tin Nga Sputnik), Tổng thống Nga Vladimir Putin cảm ơn người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, vì đã tổ chức cuộc gặp giữa các phái đoàn của Liên bang Nga và Ukraina tại Istanbul.
Nhân tố Erdogan
Khác biệt hoàn toàn so với các nhân vật “cầu nối” được dư luận thế giới nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây (ví dụ như tỷ phú Roman Abrahamovich), đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayipp Erdogan sở hữu một vị thế khó “nhận diện” hơn nhưng có lẽ lại quan trọng hơn gấp bội.
Nói một cách ngắn gọn, ông Erdogan là nguyên thủ đang nắm quyền lãnh đạo tại một trong những quốc gia thành viên có tiềm lực quân sự hùng mạnh bậc nhất của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đó cũng chính là cường quốc chia sẻ khả năng khống chế Biển Đen với cả Nga lẫn Ukraine nhờ vị trí địa lý tự nhiên (nắm giữ eo biển huyết mạch Bosporus thông từ Biển Đen ra Địa Trung Hải).
Cường quốc khu vực nằm vắt qua hai đại lục Á - Âu này có mối quan hệ tổt đẹp với cả Nga lẫn Ukraine. Song, hơn thế, cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng có những mối liên hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, để “dễ mở lời” hơn trong các vấn đề khúc mắc.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi sự đảo chiều trong mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ cũng như giữa cá nhân hai nhà lãnh đạo đã diễn ra kể từ đầu năm 2017 (thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chính thức bình thường hóa quan hệ sau một chặng cực kỳ căng thẳng). Nó có nguyên nhân là thái độ “lạnh nhạt” của phương Tây dành cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ông Erdogan, vì đã mạnh tay trấn áp tàn dư của cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7-2016. Vào thời điểm đó, ông Erdogan cũng bị truyền thông phương Tây mô tả là một “nhà độc tài”. Thái độ cứng rắn của ông (đơn cử như đòi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen - người mà Tổng thống Erdogan tố cáo như một trong những chủ mưu chính của cuộc đảo chính) hiển nhiên là một sự thách thức đối với nước Mỹ.
Trong bối cảnh ấy, một cách tự nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ “không có lợi lộc gì” để tiếp tục “gai ngạnh” với nước Nga và tự đảm nhận một vai trò “tiền đồn” nào đó. Bản thân ông Erdogan cũng vậy.Ông củng cố vị thế chính trị của mình bằng việc xích lại gần (nhưng không ngả hẳn về) ông Putin, qua đó xác lập một đường lối ngoại giao độc lập không phụ thuộc vào cả Liên minh châu Âu (EU), Nga lẫn NATO. Ông có thể đối thoại với bất cứ nhà lãnh đạo nào và cũng có thể từ chối bất cứ lời “gợi ý” nào, nhờ cả sự “uyển chuyển” lẫn “cứng đầu” của mình. Ông cho quân đội của mình “liên thủ” với quân đội Nga ở chiến trường Trung Đông, thậm chí sẵn sàng phớt lờ sự “khó chịu” của Mỹ cũng như phương Tây để đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga nhưng lại không từ bỏ tư cách thành viên NATO.
Do đó, dù biết rõ khuynh hướng hành động của ông Erdogan, ngày 17-3-2022, Bộ Ngoại giao Ukraine vẫn đề nghị Ankara “đảm nhiệm vai trò là một trong các bên đảm bảo thỏa thuận an ninh có thể được ký giữa Ukraine và Nga”.
Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ
Thực tế, ngay từ đầu, ông Erdogan đã tuyên bố: Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga. Như vậy, việc “tự ứng cử” đang diễn ra hoàn toàn không phải là một kế hoạch ứng biến nhất thời, mà là điều Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã dự đoán và suy xét kỹ lưỡng.
Thổ Nhĩ Kỳ có bị ảnh hưởng gì bởi cuộc giao tranh giữa hai người láng giềng này không?Tất nhiên là có. Mới ngày 31-3, Công ty nhập khẩu năng lượng BOTAS của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải nâng 50% giá khí tự nhiên dùng cho các cơ sở công nghiệp, và tăng 35% đối với các hộ gia đình - quyết định làm dấy lên lo ngại về khả năng lạm phát của nước này tiếp tục tăng phi mã.
Thổ Nhĩ Kỳ phải nhập khẩu hầu hết nhu cầu năng lượng, khiến nước này dễ bị tổn thương trước các biến động về giá. Số liệu của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chi phí năng lượng đã tăng từ tháng 9-2021 và tăng 212% trong 2 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, lên 16,8 tỷ USD. Do đó, cuộc xung đột quân sự chỉ càng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn, đối với họ.
Song, điều gì phải đến thì vẫn cứ đến và nhà lãnh đạo ở Ankara đang cố gắng biến hiện trạng đầy thách thức thành những cơ hội phát triển.Cả NATO lẫn Moskva đều đang đánh giá cao các nỗ lực ngoại giao mà ông Erdogan thực hiện. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát tín hiệu sẵn sàng bán máy bay tiêm kích hiện đại F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ (nhằm gia cố sườn phía Đông của NATO). EU, vốn vẫn đang “treo” vô thời hạn nguyện vọng gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, đã bắt đầu phải dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế.Trong khi đó, chắc chắn những mối quan hệ hợp tác kinh tế với nước Nga vẫn được duy trì và bảo đảm. Bởi, khi được hỏi vì sao Thổ Nhĩ Kỳ từ chối áp đặt cấm vận Nga, ông Erdogan đã trả lời cương quyết: “Cho đến nay, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, trong khuôn khổ các quy định của Liên Hợp quốc”.
Không chỉ mình Thổ Nhĩ Kỳ muốn hướng đến và đảm nhiệm vị trí trung gian hòa giải này, bởi nếu hòa đàm thành công, nó thực sự sẽ trở thành bệ phóng cho bất cứ quốc gia nào muốn khuếch trương ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đơn cử, ngày 3-4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng đã nhắc tới Ấn Độ như một ứng viên đầy triển vọng.
Tuy vậy, đến lúc này, thông qua việc thả đi những cánh bồ câu, Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và Tổng thống Erdogan nói riêng cũng đã nắm chắc thêm cả những “thanh kiếm” lẫn những “lá chắn”, nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình.