Thổ Nhĩ Kỳ: Cầu nối hòa bình trong thế giới đa cực
Khi cuộc tiếp xúc giữa Nga và Ukraine được tiến hành trở lại sau hơn 2 năm, địa điểm được lựa chọn đầu tiên lại là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ giống như những lần trước đó. Điều này một lần nữa cho chúng ta thấy vai trò và vị thế đặc biệt trong thế giới ngày nay của quốc gia nằm ở điểm tiếp giáp của 3 châu lục này.
Vị trí địa chiến lược đặc biệt
Nằm ở ngã ba của châu Á, châu Âu và châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu vị trí địa lý hiếm có, biến nước này thành điểm giao thoa của các tuyến thương mại, năng lượng và văn hóa. Thành phố Istanbul, nơi từng là kinh đô của đế chế Byzantine và Ottoman giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử thế giới như là một thành phố quốc tế nay trở thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc đàm phán, như hội nghị Nga-Ukraine gần đây.

Theo giáo sư Elem Eyrice Tepeciklioðlu từ Đại học Khoa học xã hội Ankara thì: "Vị trí địa lý giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận trực tiếp với nhiều khu vực xung đột, từ Balkan đến Trung Đông và châu Phi". Điều này không chỉ thu hút các bên tham chiến mà còn tạo điều kiện cho Ankara đóng vai trò trung gian nhờ khả năng kết nối logistics và ngoại giao. Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ quyền kiểm soát eo biển Bosphorus và Dardanelles, cửa ngõ kết nối Biển Đen với Địa Trung Hải, nơi hơn 3 triệu tấn hàng hóa qua lại mỗi năm, được coi là yết hầu của Đông Âu, đặc biệt là Nga và Ukraine. Giữ vị trí cửa ngõ của châu Âu với châu Phi và Trung Đông, khu vực bất ổn nhất thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng với các vấn đề an ninh của châu lục.
Không chỉ là cầu nối vật lý, Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng vai trò cầu nối chính trị nhờ quan hệ đa phương hiếm có. Là thành viên NATO, có tham gia các hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng vẫn duy trì hợp tác kinh tế sâu rộng với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong NATO và giữ quan hệ gần gũi với hầu hết các nước châu Phi. Việc duy trì mối quan hệ cân bằng với cả phương Tây và các quốc gia phi phương Tây chứng tỏ khả năng "đi dây" khéo léo giữa các phe phái đối địch. Sự linh hoạt này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian trong những cuộc xung đột mà các tổ chức quốc tế truyền thống như EU hay Liên hợp quốc gặp khó khăn. Tiến sĩ Esra Cuhadar, chuyên gia chính trị và hành chính công tại Đại học Bilkent nhận định: "Tính trung lập và khả năng cung cấp giải pháp thiết thực là chìa khóa giúp Thổ Nhĩ Kỳ được tin tưởng".
Những thành tựu ấn tượng
Một trong những dấu mốc quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen năm 2022. Khi xung đột Nga-Ukraine đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, Ankara đã cùng Liên hợp quốc đàm phán thành công thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu 33 triệu tấn ngũ cốc qua Biển Đen, giúp giá lương thực thế giới giảm 20%. Thành công này không chỉ cứu đói hàng triệu người mà còn khẳng định uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò trung gian hòa giải quốc tế.
Tháng 8/2024, Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục ghi dấu ấn với vụ trao đổi tù nhân lớn liên quan 26 công dân từ 7 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nga và Đức. Cơ quan Tình báo Quốc gia (MIT) của Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức chiến dịch phức tạp này, sử dụng 7 máy bay để vận chuyển tù nhân về Ankara. Sự kiện này cho thấy năng lực hậu cần và mạng lưới quan hệ rộng khắp của Ankara, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Trong cuộc xung đột giữa Somalia và Ethiopia năm 2024, Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo hai nước quay lại đối thoại nhờ mối quan hệ lâu dài với cả hai. Tuyên bố Ankara ký ngày 12/12/2024, là kết quả sau những cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, đã khẳng định cam kết tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, nhờ đó ngăn chặn nguy cơ leo thang chiến tranh giữa hai quốc gia có quan hệ lịch sử gần gũi với nhau này.
Ở cấp độ khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò then chốt trong hòa giải xung đột Azerbaijan-Armenia vào năm 2023. Ankara đã hỗ trợ chính quyền Azerbaijan tái kiểm soát lại vùng Nagorno-Karabakh đồng thời thúc đẩy đối thoại hậu xung đột. Những nỗ lực này góp phần ổn định Nam Caucasus, khu vực vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nga. Sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Lực lượng Dân chủ Syria gần đây giúp tái thiết lập hòa bình ở quốc gia này chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 14 năm cũng là một đóng góp vô cùng quan trọng với hòa bình khu vực. Istanbul cũng đang là điểm đến cho các cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức) trong nỗ lực khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân mới thời gian gần đây.
Chiến lược dài hạn
Thành công của Thổ Nhĩ Kỳ không đến từ may mắn, mà là kết quả của chiến lược đầu tư dài hạn vào quan hệ đa phương. Từ năm 2010, Ankara khởi xướng “Tiến trình Istanbul” thúc đẩy hợp tác chống khủng bố cùng các đối tác khu vực, đồng thời triển khai các dự án cơ sở hạ tầng kết nối Á-Âu, như một phần của Sáng kiến Hành lang Trung tâm. Đến nay, các công trình của dự án này đã tiêu tốn của Ankara hơn 30 tỷ USD, giúp tăng kết nối Á-Âu, phát triển khu vực Trung Á và giảm phụ thuộc vào những đối tác bên ngoài.

Ở châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng hình ảnh thông qua viện trợ nhân đạo và giáo dục. Các tổ chức phi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện hàng trăm dự án tại Somalia, từ xây dựng bệnh viện đến cấp học bổng cho sinh viên. Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nhiều đại sứ quán tại châu Phi nhất trong số các nước châu Âu với sự hiện diện ở 44/56 quốc gia. Giáo sư Tepeciklioglu nhấn mạnh: "Chính sách châu Phi toàn diện, bao gồm thương mại, an ninh và đào tạo, giúp Thổ Nhĩ Kỳ được coi là đối tác đáng tin cậy". Bên cạnh đó, Ankara tích cực tham gia các tổ chức đa phương như Nhóm Bạn bè về Hòa giải tại Liên hợp quốc, nơi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên sáng lập. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao năng lực ngoại giao mà còn tạo ra khung pháp lý để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia giải quyết xung đột một cách chính thức.
Giới phân tích quốc tế công nhận Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành "bên trung gian lý tưởng" nhờ nhiều yếu tố. Tổng thống Erdogan từng được mô tả là "người bạn thân" của cả ông Putin và ông Trump, giúp Ankara dễ dàng tiếp cận các nhà lãnh đạo này. Trong khi đó, quân đội hùng mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ (lớn thứ hai NATO) khiến các đối tác không thể xem nhẹ, tạo đòn bẩy để thực thi các thỏa thuận, như khi họ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Libya hay truy quét IS tại Syria.
Về mặt chính sách, chính quyền Ankara hiểu rõ việc thúc đẩy những cuộc đàm phán không chỉ giúp nâng cao vị thế quốc tế với hình ảnh tốt đẹp mà còn đi kèm những lợi ích kinh tế. Tiến sĩ Aaron Stein, Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ, nhận định: "Ankara hiểu rằng hòa giải không chỉ là đạo đức mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Ví dụ, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen giúp Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị thế trung chuyển năng lượng sang châu Âu”.
Thách thức và triển vọng
Dù đạt nhiều thành tựu, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối mặt với thách thức trong việc cân bằng quan hệ với các cường quốc. Việc gia tăng hợp tác với Nga và Trung Quốc, như tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay ứng cử vào BRICS, có thể làm phương Tây nghi ngờ mong muốn gia nhập EU của nước này. Sự phụ thuộc vào thương mại với EU (chiếm 40% tổng kim ngạch) khiến Ankara vẫn cần duy trì quan hệ với khối này. Trong khi đó, dù là đối tác gần gũi với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời là thành viên của NATO. Trạng thái “đi dây” này khiến không ít thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ nghi ngờ sự “chân thành” của chính quyền Ankara.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lạc quan về tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Tiến sĩ Kaan Devecioglu, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Phi (ORSAM), "Cách tiếp cận trung lập, xây dựng và bao trùm của Thổ Nhĩ Kỳ là chìa khóa để họ duy trì vai trò hòa giải". Với kế hoạch mở rộng khung hòa giải và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành hình mẫu cho các cường quốc tầm trung trong kỷ nguyên đa cực đang hình thành.
Trong bối cảnh niềm tin giữa các cường quốc suy giảm, bài học từ Thổ Nhĩ Kỳ nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của đối thoại và sự kiên nhẫn trong ngoại giao. Như Tổng thống Recep Tayyip Erdoðan từng tuyên bố: "Hòa bình không phải là điểm đến, mà là hành trình cần sự tham gia của tất cả các bên" và Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia dẫn dắt hành trình đó.