Thi tặc
Thời 4.0, văn minh cho ta biết xử phạt với nguồn gây tiếng ồn. Văn minh hơn nữa, chúng ta đã xử phạt cả âm nhạc từ loa kẹo kéo và sắp tới sẽ là thơ vô lối. Tất nhiên là loại thơ quá quắt? Có câu lục bát thế này:
“Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Tặng gì thì tặng nhưng đừng tặng thơ”.
Câu đấy cho thấy người ta sợ tặng thơ tới mức nào. Kể cả những cuộc tụ hội của những nhà thơ chuyên nghiệp thì việc xuất bản thơ bằng miệng đôi khi cũng bị quá tải. Trong những bữa tiệc thì cũng là nơi rèn luyện khả năng chịu đựng. Các thi sĩ không mấy khi đọc một câu, một bài, một chùm, mà thường đọc nhiều chùm theo kiểu Non - stop, đọc hết cả lượt anh em. Rồi thì gạt tay nhau ra mà đọc. Mỗi một bài lại kể, diễn giải những câu chuyện bên lề. Sau khi đọc xong, thỏa mãn rồi thì thi gia bỏ đi không cần nghe thơ của ai khác.
Có một bữa gặp gỡ nhiều thi sĩ quốc dân về tỉnh nọ. Một thi sĩ của địa phương có phong cách vĩ nhân, đến từng bàn vừa đọc vừa chứng minh mình là số 1 Việt Nam. Thi hữu chỉ một nhà thơ cây cao bóng cả, rồi bảo gay quá nhỉ… anh mà số một Việt Nam thì cụ cây cao bóng cả này số mấy? Thi sĩ của tỉnh cười tuế tóa, tôi chỉ số 1 Việt Nam thôi, còn cụ ấy là tầm thế giới nhá. Các thi nhân cười ngả nghiêng.
Những vĩ nhân thơ này có thể đọc ra rả toàn những câu mĩ miều, ý tứ nhạt như nước La Vie, kiểu như “Lục bát là phải hao gầy/ Xa ngái tý nữa, phải đầy hanh hao”.
Trong số các thi gia này có người viết cực khỏe, nhưng toàn chữ cũ. Chữ không tính bằng trang mà bằng mét. Bản thảo chồng chất như núi, phải lấy thước mà đo. Một thi sĩ đã viết “Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm nay họ không nói được một câu gì mới/ Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại”.
Ngày xưa, các bậc túc nho, quan lại tinh hoa làm thơ ngâm vịnh như một thú chơi như đánh golf chứ chẳng có đồng nhuận bút nào. Họ đối ẩm xướng họa với kẻ tri âm, tri kỷ. Thơ để thư giãn và cũng trải lòng với thế thái. Họ cũng chẳng nhờ thơ làm nên tiếng tăm. Ấy vậy mà thời nay, nhiều người tìm cách in thơ để nổi tiếng. Một số người nhờ vả, thuê nhạc sĩ phổ thơ bằng được. Một số nhạc sĩ cầm bài thơ ê a hát lên rồi ký âm, thu âm là có tiền. Cứ thế, trường phái “thơ đi đến đâu nhạc bâu đến đấy” ra đời. Nhạc ma lanh kiểu này còn lên hẳn truyền hình chứ chả vừa.
Thơ còn sinh ra vô số câu lạc bộ thơ cây nhà lá vườn từ thủ đô đến tỉnh lẻ. Họ cũng bỏ tiền ra tự in, tự phát hành trực tiếp. Đi đâu cũng mang theo vài chục cuốn để tặng như một trận oanh tạc. Ái ngại cho cả người tặng và người nhận. Người tặng thì mong con chữ được nâng niu như châu ngọc, còn kẻ nhận thì gãi đầu vì đọc không hay mà cân giấy vụn thì không nỡ. Làm thơ không nội dung chắc cũng là một loại tặc. Mà “thi tặc” thì ngày một đông dần.
Một số nhà thơ cảnh báo rằng các CLB thơ đang giết chết thơ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không đồng ý. Ông viết, “Tôi đã nói không chỉ một lần trên báo chí là không câu lạc bộ thơ nào có thể giết chết thơ, chỉ có các nhà thơ tự giết chết thơ của mình mà thôi”.
Cuối năm, tại gala chung kết Du lịch & tài năng kỷ lục châu Á – Doanh nghiệp thương hiệu vàng Đất Việt – Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh, một nữ nhân họ Tống được vinh danh với hàng loạt danh hiệu: Đại sứ quyền năng tâm tài đức Việt Nam 2022; Đại sứ trọn đời, Chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao Liên minh các nhà thơ thế giới; Phó chủ tịch liên minh những người bảo vệ các nhà thơ thế giới; chủ nhiệm nhiều câu lạc bộ thơ trên thế giới và Việt Nam.
Người yêu thơ ngã ngửa, không thể hình dung ra thi đàn lại có một “minh chủ” quyền năng đến vậy. Tìm hiểu thì nữ sĩ này bắt đầu ra thơ từ 2016. Tới 2022 đã ra mắt 1.100 bài. Việc viết thơ không nghỉ này là trung bình 2 ngày 1 bài. Có lẽ danh hiệu người viết khỏe nhất hành tinh sẽ là điều không tranh cãi. Cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh và sẽ phải có chấn chỉnh việc loạn danh hiệu này.
Thời xưa, người ta hay quảng cáo bằng những câu văn vần hài hước, như: “Chị nào chồng bỏ chồng chê/ Bôi dầu Con hổ chồng mê tới già”. Ít ra thì có ích vì bán được hàng. Lời thơ hài hước nên gọi là đùa “thi hài”. “Thi hài” này xuất hiện nhiều với MC đám cưới khiến hai họ cười vỡ bụng. Ít ra thì còn có tác dụng giải trí. “Thi hài” chưa chắc đã là thi tặc
Còn loại thơ ý thì thiếu, chữ thì thừa, vừa vô dụng lại gây ô nhiễm? Lại nhớ một chủ quán thịt chó đã phán một câu thế này:
“Thà rằng thịt chó lá mơ/ Còn hơn làm những câu thơ giả cầy”.
Xuân đang đến bên thềm, xin gửi quý bạn đọc một lời một lời chúc không phải là thơ nhưng có vần: Chúc quý độc giả năm mới: Đau đầu vì nhà giàu. Mệt mỏi vì giỏi. Buồn phiền vì nhiều tiền. Và mất ngủ vì không có đối thủ!