Thêm một - Bớt một

Thứ Hai, 09/01/2023, 13:40

LTS: Tết là dịp người ta thích ngồi lại nhàn đàm với nhau. Và chuyên đề ANTG lần này là một nhàn đàm với câu hỏi “Nếu được ước, sẽ ước thêm hoặc (và) bớt gì để xã hội Việt Nam hôm nay tốt đẹp hơn?”.

Người thêm chút này, như niềm tin chẳng hạn, người bớt chút kia, như một công thức chưa hợp lý nào đó là ví dụ… Mong sao, sẽ có nhiều những thêm - bớt tích cực mà chúng ta mong ước sẽ thành hình trong năm Mão tới đây…

“Tín dụng” của năm là niềm tin

Chương trình VTV đặc biệt mới đây có phát một phóng sự rất hay mà tôi tin rằng nếu bạn xem xong, bạn có thể rơi vào trạng thái cảm xúc rất lẫn lộn.

201911071055sa20_12_52_toi-pham-cong-nghe-cao_ogjd.jpg -0
Các vụ lừa đảo liên quan đến những tài sản đầu cơ như chứng khoán, tiền mã hóa, bất động sản thì nhiều không kể xiết. Ảnh: S.t.

Phóng sự đã vạch trần những thủ đoạn khó tin mà những kẻ lừa đảo xuyên quốc gia sử dụng để dụ dỗ nhiều nạn nhân vào đường dây lừa đảo qua mạng và buôn người của chúng. Trong hai năm khó khăn vì dịch COVID-19 vừa qua, các đường dây này đã mở rộng chân rết ra nhiều quốc gia, và Việt Nam là một trong số đó.

Rất nhiều người đã bị bán nhiều lần, phải làm việc trong điều kiện khủng khiếp, bị ép quay lại lừa chính đồng bào của mình, bị chửi mắng, đánh đập dã man, và thậm chí đã tử vong. Gia cảnh của các nạn nhân đều đáng thương. Tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án với hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của toàn bộ năm 2020 và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Các vụ lừa đảo liên quan đến những tài sản đầu cơ như chứng khoán, tiền mã hóa, bất động sản thì nhiều không kể xiết.

Bao nhiêu tiền đã bị mất do lừa đảo liên quan đến đại dịch? Tại Mỹ, một quốc gia minh bạch và có nền tảng an ninh mạng hàng đầu, văn phòng Tổng thanh tra của Bộ Lao động Hoa Kỳ đã công bố một con số đáng kinh ngạc: 163 tỷ USD.

Các đường dây lừa đảo toàn cầu đã sử dụng nhiều kỹ thuật để rút cạn tiền từ các chương trình cứu trợ liên bang và lừa gạt các nạn nhân nhẹ dạ qua email, tin nhắn lừa đảo, bài đăng giả mạo trên mạng xã hội, cuộc gọi tự động, mạo danh.

Trước câu hỏi của chuyên đề ANTG lần này là “Theo quan điểm cá nhân, nếu thêm/bớt điều gì sẽ có thể khiến xã hội tốt hơn?”, ý tưởng lóe lên đầu tiên trong đầu tôi là NIỀM TIN. Trong thế giới quá phẳng như hiện tại, khi các khoảng cách dễ dàng bị san lấp bởi Internet, việc dễ dàng cả tin có thể giết bạn. Và đó là một vòng luẩn quẩn: khi chúng ta tin người và chịu hậu quả, thì khả năng cao là niềm tin ở những chỗ khác lại bị xói mòn không đáng.

Một thí nghiệm nổi tiếng có tên “trò chơi tin tưởng” cho thấy chúng ta đang thiếu tin tưởng nhau đến mức nào. Người tham gia đầu tiên sẽ được nhận một số tiền nhỏ, khoảng 10 USD, và được yêu cầu chuyển cho một người ẩn danh bất kỳ khác, và họ sẽ nhận lại một số tiền “tùy tâm” từ người kia.

Những người tiến hành thí nghiệm đã nhân ba số tiền này và nói với người thứ hai rằng họ sẽ chọn một số tiền để trả lại cho người thứ nhất. Tức là nếu người thứ nhất cho càng nhiều, thì số tiền họ nhận lại sẽ càng nhiều.

Trong thực tế, người bắt đầu chuỗi trả tiền thường chỉ chuyển một nửa số tiền họ đã nhận được. Một biến thể của thí nghiệm này thậm chí đã cho phép người tham gia biết được sắc tộc của nhau, và với một số nhóm sắc tộc nhất định, người bắt đầu đã giảm số tiền họ gửi đi, có lẽ vì tin rằng phía bên kia sẽ không gửi lại tiền. Định kiến tỏ ra rất mạnh mẽ trong những trường hợp như vậy.

Dữ liệu về niềm tin ở Hoa Kỳ, quốc gia giàu có nhất thế giới hiện tại, cho thấy rằng niềm tin của con người dành cho nhau đang ở mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. Những người tham gia khảo sát đa số nói rằng họ không thể tin tưởng được người lạ. Nghịch lý là không phải con người hiện tại tha hóa hơn con người quá khứ: tỉ lệ tội phạm đã giảm mạnh trong nửa thế kỷ qua.

Quay trở lại với phóng sự đầu bài viết, sau khi đã xúc động quá mức và hoàn toàn mất niềm tin vào con người, tôi xem đến đoạn các tình nguyện viên đi chuộc người từ bên biên giới về. Đấy là một nghề có thu nhập nhiều con số: một tay phiên dịch đi chuộc người có thể nhận 200-500 USD mỗi lần như vậy. Nhưng vẫn có những người đã làm việc này miễn phí, với động cơ trong sáng, rằng có thể giúp ai đó gặp nạn trở về nhà.

Khoảnh khắc này làm tôi nhớ lại những thời điểm khủng khiếp nhất trong đại dịch, vẫn có những người quên mình vì người khác, và chúng ta đã chọn cách tin tưởng nhiều hơn, thay vì nghi ngờ. Hàng ngàn tỷ đồng đã được quyên góp, và đi đến những nơi xa xôi nhất, bất chấp rằng đâu đó vẫn có những kẻ trục lợi, xà xẻo, và khiến việc giúp người thành mang tiếng.

Rốt cuộc thì cuộc sống của chúng ta, về cơ bản, vẫn dựa trên niềm tin. Tiền tệ vận hành chỉ bằng những tờ giấy và số tài khoản trên điện thoại, vì chúng ta đã tin vào ngân hàng và chính phủ phát hành ra nó. Đưa trẻ con đến trường và chấp nhận gửi gắm cho các thầy cô; đến bệnh viện và tin vào các y bác sĩ; ăn uống ở một hàng quán chưa từng thử; hay mang xe hỏng vào garage… tất cả đều đòi hỏi bạn phải trao “tín dụng” tin tưởng của mình trước.

Nhà khoa học xã hội người Nhật Toshio Yamanishi gọi hiện tượng này là bất cân xứng thông tin của việc tin tưởng. Nếu không thử tin, bạn không bao giờ biết phía trước sẽ là gì. Nó giải thích được trạng thái tâm lý của của chúng ta trong nhiều thứ: bạn cảm thấy mất niềm tin rồi có niềm tin, gần như cùng một lúc.

Và trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều muốn được đặt niềm tin vào nhau nhiều hơn, bất chấp rằng đôi khi, tin tưởng chính là đau đớn.

Phạm An

Vứt đi thứ gì cho thế giới tốt hơn?

Trên mạng xã hội Quora – trang hỏi-đáp lớn nhất thế giới – thỉnh thoảng có một người đưa ra một câu hỏi: “Nếu phải vứt bớt một thứ để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bạn sẽ chọn thứ gì?”.

Nhiều người trả lời câu đó bằng các khái niệm trừu tượng. Họ muốn vứt bỏ chiến tranh; vứt bỏ cái nghèo; vứt bỏ sự thù hận tôn giáo…

2121-10.jpg -0
Nếu phải vứt bớt đi một thứ, tôi sẽ chọn một thứ cụ thể thôi: những nhà vệ sinh bẩn trong các trường học. Ảnh: S.t..

Đó đều là những mơ ước tốt đẹp. Nhưng chúng quen thuộc. Một sự viển vông quen thuộc. Câu trả lời nhận được nhiều bình chọn nhất, thuộc về một người liệt kê ra ba thứ cụ thể, có thật. Anh ta muốn vứt bỏ: 1. Giun Guinea, một loài ký sinh trùng gây bệnh cho người dân ở các nước nghèo; 2. Bệnh mù do giun chỉ Onchocera (bệnh mù sông); 3. Bệnh sốt rét.

Ba loại ký sinh trùng – ba loại bệnh ấy đều không là những thứ đe dọa sự an nguy của nhân loại như các chủng virus corona hay HIV. Chúng ngược lại, là những thứ hoàn toàn có thể “vứt đi” được bằng khoa học ngày nay.

Bệnh gây ra bởi giun guinea và giun chỉ onchocera được WHO gọi là Bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTD). Đó là một nhóm bệnh truyền nhiễm thường mắc phải với người dân các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Chúng thường là các bệnh có chi phí điều trị rẻ, thậm chí tiền thuốc chỉ tính bằng đơn vị cent cho mỗi ca, nhưng vẫn gây ra hàng trăm nghìn cái chết mỗi năm, và có nguy cơ ảnh hưởng đến hơn một tỷ người.

Khác với các nhóm bệnh lớn như lao hay HIV, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên không nhận được sự quan tâm hay ngân sách thích đáng để loại trừ. Chúng là bệnh của nước nghèo và người nghèo. Và vì thế, bị lãng quên.

Nếu phải vứt bớt đi một thứ để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bạn sẽ chọn thứ gì? Thật dễ dàng để lựa chọn các khái niệm cao siêu như chiến tranh hay mâu thuẫn sắc tộc. Nhưng ta có bao giờ nghĩ rằng, có những thứ nhỏ bé, ta hoàn-toàn-có-thể loại trừ khỏi thế giới này, như nhóm bệnh NTD, nhưng đã không làm?

Ta cứ hay nghĩ rằng đã mơ ước thì mơ ước cho thật cao sang. Và ta ít mơ về những điều bình dị trong tầm tay.

Cách đây vài năm tôi cùng các đồng sự xây dựng một dự án xây mới nhà vệ sinh cho học sinh các vùng biên giới. Nhà báo Hồng Phúc của Báo VnExpress đi khảo sát ở An Giang, rồi mang về câu chuyện của một cậu bé chỉ biết đến nhà vệ sinh hay hoạt động vệ sinh cá nhân khi đi học. Ở đó có những ngôi trường mà nghi thức khai giảng đầu năm là việc các thầy cô mang học sinh vào tắm gội: trong những chái nhà dọc biên giới, các em chưa bao giờ được dạy về vệ sinh cá nhân hay biết “công trình phụ” là cái gì. Chỉ tiếc rằng, ngay cả thứ xa xỉ phẩm trong đời lũ nhỏ, là cái nhà vệ sinh ở trường, cũng mốc meo, bẩn thỉu, thiếu nước.

Đó là một vùng có tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi hoặc bệnh liên quan đến ký sinh trùng cao.

Tôi vẽ chân dung đứa trẻ gầy gò của nhà báo Hồng Phúc lên một cái slide. Tôi thậm chí còn chẳng định viết bài kêu gọi độc giả. Tôi nghĩ, chuyện này quá dễ hiểu. Ai mà chẳng ghét nhà vệ sinh bẩn. Mình đem slide đi chiếu cho một vài doanh nghiệp xin tài trợ là chẳng thiếu tiền xây nhà vệ sinh. Chỉ sợ doanh nghiệp không cần tiếng thơm chứ ở đây có tiếng “thơm” theo nghĩa đen.

Các cuộc bảo vệ sau đó với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI có một thứ không khí gượng gạo mà đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sượng. Các ông sếp Tây và Việt ai cũng gật gù, nói rằng đây là việc có ý nghĩa. Họ cũng có sẵn ngân sách cho hoạt động cộng đồng. Nhưng sau đó tất cả đều kết thúc bằng những cái bắt tay gượng gạo và không còn liên hệ lại.

Có lần, cậu trợ lý người Việt của một ông sếp Nhật cao giọng dạy tôi giữa buổi thuyết trình: “Các anh chị nói chuyện với người nước ngoài thì phải cho người ta thấy hiệu quả rõ ràng”. Tôi ngay lúc ấy không hiểu câu ấy, nên cũng sững lại không biết phản ứng thế nào.

Tôi tưởng giảm tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em là hiệu quả rồi, còn muốn sao nữa nhỉ? Giống loài cao siêu mang tên “người nước ngoài” này mong muốn điều gì mà cậu kia biết mình lại không biết? Tôi nghĩ mãi không ra, rồi cảm thấy mình thật ti tiện trước “người nước ngoài”.

Sau này, khi tôi rời đi, bằng quyết tâm và sự quyên góp từ cộng đồng, các đồng sự của tôi ở Quỹ Hy vọng cũng khởi động được chương trình Nhà vệ sinh học đường và xây được nhiều nhà vệ sinh cho các vùng khó khăn. Tôi hết lòng khâm phục bạn mình. Nhưng tôi mãi vẫn chưa vượt qua được cái chuỗi thuyết trình của mình với các doanh nghiệp lớn năm xưa. Và khoảnh khắc cậu trợ lý uy quyền của ông sếp “người nước ngoài” dạy tôi về “hiệu quả rõ ràng” thì trở thành một ám ảnh.

Mãi gần đây tôi mới man mác hiểu. Có lẽ, chỉ có lẽ thôi, người ta đang nói về tính hiệu quả với thương hiệu. Xây nhà vệ sinh thì thương hiệu của tôi được quảng bá thế nào? Bài thuyết trình của tôi thiếu đoạn ấy. Tôi đang hiểu tính hiệu quả là ít trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm. Người ta mong chờ hiệu quả là sức mạnh quảng bá cho thương hiệu.

Ở khía cạnh đó thì nhà vệ sinh học đường không có lợi thế. Vì vấn đề nó cũ quá. Nghe chẳng có tính phát hiện gì cả. Câu chuyện cũng khó quảng bá: khó xây dựng hình ảnh (họ tài trợ cho ai đó thùng mì còn chụp ảnh nụ cười bà con được, xây xong nhà vệ sinh thì chụp cái gì?); không hướng tới tập khách hàng mục tiêu; và quan trọng nhất, trông ông đại diện quỹ kia chẳng có vẻ gì là nghĩ tới lợi ích của tôi cả. Ông ta cứ nói về trẻ em nghèo.

Tóm lại, chuyện này không “à la mode”.

Có lẽ là nhiều bệnh nhiệt đới bị lãng quên cũng đã bị vùi lấp đi theo cái cách của nhà vệ sinh học đường nơi xã nghèo. Có lẽ nhiều thứ chúng ta tưởng là có thể “vứt đi” khỏi thế giới này một cách dễ dàng, chẳng tốn bao nhiêu tiền, như nhà vệ sinh bẩn cho trẻ em, thật ra lại không dễ. Chúng bị vùi lấp trong những cuộc đối thoại về lợi ích, chúng lạc lõng khỏi những phép tính của nền kinh tế. Nên chúng cứ tồn tại ở đó mãi.

Còn bao nhiêu vấn đề tưởng-là-giải-quyết-phút-mốt nhưng lại bị lãng quên như thế đang tồn tại trong xã hội chúng ta, tôi không biết. Đó có thể là những nhóm bệnh đến từ môi trường sống, gắn chặt với người nghèo. Đó có thể là tình trạng sử dụng lao động trẻ em (mà bạn vừa nhìn thấy lù lù trong quán phở ngoài kia). Đó có thể là những hủ tục tước đoạt hạnh phúc con người.

Nếu phải vứt bớt đi một thứ để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bạn sẽ chọn thứ gì? Nếu bây giờ phải trả lời câu ấy, tôi cũng sẽ không chọn chiến tranh hay đói nghèo. Tôi sẽ chọn một thứ cụ thể thôi, mà tôi vẫn tin xã hội chúng ta giải quyết được: những nhà vệ sinh bẩn trong các trường học.

Năm 2023 này, nếu phải vứt bớt đi một thứ để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bạn sẽ chọn thứ gì?

Đức Hoàng

Một phương thức cũ

Thêm một cái gì đó để xã hội này tốt thêm lên? Bớt đi một cái gì đó để đời sống người Việt được cải thiện hơn? Đó là hai câu hỏi mà mỗi người sẽ có một đáp án khác và do đó, chúng ta sẽ có vô vàn đáp án. Tất nhiên, không phải tất cả các đáp án đều chuẩn, đều được xây dựng từ một quá trình quan sát, tổng hợp, phân tích và nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng dám chắc, số lượng đáp án phù hợp, theo diện khả thi, sẽ không hề nhỏ chút nào.

Thêm một - Bớt một -0
Tôi muốn bỏ đi cái phương thức tính lương cũ kỹ hiện nay, cái phương thức mà bao nhiêu lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu thì công chức vẫn không thể đủ trang trải cho cả một gia đình bằng lương của mình. Ảnh: S.t..

Bản thân tôi, một người viết, một nhỏ nhoi vô cùng trong xã hội này, cũng có những mong muốn thêm này - bớt kia của riêng mình. Và lựa chọn chỉ 1 thôi trong vô vàn ấy, quả thực là một quá trình chắt lọc rất khó khăn.

Sau lễ Giáng sinh chỉ vài hôm, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một cậu trai sinh năm 1995 từ phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh chơi. Quen nhau qua mạng xã hội đã lâu nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Cậu nài nỉ tôi xếp cái lịch cafe vì muốn “nghe anh khuyên nhủ mấy điều”. Nể tấm chân thành, tôi cũng đến hẹn, và được nghe một câu chuyện mà bản thân tôi cũng phải sững người.

Cậu học đại học rồi lấy luôn bằng thạc sỹ ở Anh, về Việt Nam làm việc ngay trước khi dịch COVID-19 bùng lên. Cậu kể rằng “sang 1/1/2023 em chính thức chuyển sang Hải quan anh ạ. Trước em làm ở Sở Nội vụ. Chán quá nên em chuyển”. Tôi hỏi cậu về lý do tại sao lại chán nản. Cậu trả lời rất đơn giản “thu nhập kém quá. Bố mẹ có thể mua cho mình cái xe ôtô nhưng không kiếm đủ tiền đổ xăng cho xe thì có chán không anh?”. Cậu kể, làm việc ở Sở Nội vụ rất bận rộn, toàn việc không tên và việc phát sinh, đúng nghĩa là hậu tuyến cho ủy ban. Nhưng lương theo bậc ngạch thì tính ra có vài triệu mỗi tháng. “Ở cơ quan em, đàn ông đi làm hoặc là vợ nuôi, hoặc là bố mẹ nuôi anh ạ. Chứ có ai nuôi được bản thân mình đâu”.

Tôi không biết khuyên gì hơn cho cậu ngoài một câu nói khá sáo rỗng là “ở ngành hải quan, lương cũng chẳng hơn đâu em ạ. Nhưng nếu kiếm ra tiền ở ngành hải quan thì em sẽ đứng trước rủi ro lao lý rất lớn. Cái giá đắt lắm đấy”.

Tàn cuộc nói chuyện tưởng như xã giao kia hóa ra lại đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Nó chính là câu trả lời cho câu hỏi ở trên đầu chuyên đề này. Muốn bớt đi điều gì ư? Tôi muốn bỏ đi cái phương thức tính lương cũ kỹ hiện nay, cái phương thức mà bao nhiêu lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu thì công chức vẫn không thể đủ trang trải cho cả một gia đình bằng lương của mình. Ví dụ như công chức loại A0 chẳng hạn, bậc lương cao nhất là bậc 10 cũng chỉ mang lại cho họ một khoản lương tháng khoảng 7 triệu 2. Với mức lương ấy, họ chắc chắn không thể nghĩ tới chuyện mua nhà, có vợ/chồng, sinh con. Thậm chí, khi gặp rủi cần đến dịch vụ y tế mà bảo hiểm y tế không thể chi trả toàn phần, chắc chắn họ không có cơ hội vào bệnh viện.

Nhưng muốn thay đổi cái phương thức tính lương cũ kỹ ấy thì không đơn giản. Không chỉ là thay đổi lương cơ bản, thay đổi lương tối thiểu, thay đổi hệ số tính lương v.v và v.v. Ngân sách nhà nước không phải là một cái kho không đáy để đáp ứng bất kỳ mức điều chỉnh tăng nào. Muốn thay đổi phương thức tính lương này, cách duy nhất phải xác định lại thế nào là công chức và cần bao nhiêu công chức thì đủ cho từng đơn vị nhỏ nhất ở mỗi cơ quan công quyền. Chỉ có cách đó, và kèm theo nó là những “thanh lý môn hộ” mạnh tay ở tất cả các công sở, tinh giản biên chế tới mức nghiệt ngã nhất, lúc đó mới mong có thể tạo ra một bộ máy công chức gọn nhẹ nhưng siêu hiệu quả và những ai nằm trong bộ máy này xứng đáng nhận lương cao gấp 5, gấp 10 lần so với hiện trạng hôm nay.

Nhưng xã hội Việt Nam không chỉ có công chức. Còn rất nhiều cán bộ, lao động trong các đơn vị nhà nước khác đang phải nhận mức lương theo phương thức tính lương bậc ngạch mặc dù họ không phải công chức. Nhiều người trong số họ năng lực rất mạnh, thậm chí là nhân vật trụ cột trong hoạt động của đơn vị, của tổ chức. Lẽ ra, họ cần được nhận một mức lương thỏa thuận, đúng như cái cách mà các doanh nghiệp đàm phán với người lao động của họ. Nhưng cũng là vấn đề cũ kỹ như đã nói ở trên, muốn có thể thực hiện cơ chế lương thỏa thuận này, bộ máy cũng cần được tinh giản để từ đó dồn ngân sách lương cho những người làm việc thực sự. Ai có thể làm được điều đó? Ai đủ sức mạnh để tạo ra thay đổi này? Nó là một thách thức mà nhiều thập niên qua chúng ta chưa vượt qua được bởi rất nhiều cán bộ, công chức, nhân viên vô tích sự lại đang là “chỗ anh A, chị B, bác C gửi gắm”.

Nói chung, đoàn tàu không thể thay đổi tốc độ, thay đổi lộ trình khi đầu kéo không có thay đổi. Và chừng nào các cấp lãnh đạo còn chưa bớt đi cái việc lạm dụng vị thế của mình để đưa người vào hệ thống, chừng đó câu chuyện phương thức tính lương còn là một bãi sa lầy.

Và sự phi lý của hệ thống lương bậc ngạch này đã được nói đến rất nhiều rồi. Thêm một lần nhắc lại cũng chỉ là thêm một lần bàn. Chúng ta không ai dám chắc nó là một lần thêm một thay đổi tích cực cả. Cơ bản, những luận bàn kiểu này có được lắng nghe bởi những người đảm nhận trọng trách và có thực quyền hay không? Hay là họ lại bỏ ngoài tai, coi nó chỉ như tiếng vo ve như hàng vạn những đóng góp, xây dựng khác từ trong quần chúng?

Thêm một cái gì đó để xã hội này tốt thêm lên? Bớt đi một cái gì đó để đời sống người Việt được cải thiện hơn?

Suy cho cùng, cái tôi mong mỏi nhất bây giờ lại khác. Nó không còn chỉ là phương thức tính lương chưa hợp lý và đi sát với đời sống. Tôi chỉ mong mỗi năm, thêm một ý kiến đóng góp tích cực, logic, có chiều sâu từ quần chúng được lãnh đạo khẩn trương thực thi, áp dụng. Một, nghe có vẻ tối thiểu và không khiến chúng ta tin tưởng mấy về tính hiệu quả nhưng mỗi năm thêm một sẽ là tích lũy quan trọng, tích lũy để tập quán lắng nghe của cấp lãnh đạo được hình thành. Dù sao, chúng ta nói quá nhiều về “dân biết, dân bàn” rồi nhưng tập quán nghe thì dường như vẫn chưa đủ mạnh một cách tương xứng.

Hà Quang Minh

.
.