Thế giới và nguy cơ bỏ lỡ các Mục tiêu Phát triển bền vững
Đã 8 năm kể từ ngày các quốc gia cùng thống nhất thông qua 17 Mục tiêu Phát triển bền vững hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng hơn, chúng ta đã thực sự đạt được những gì?
Mục tiêu phát triển bền vững – Sustainable Development Goals (SDG) là lời kêu gọi của Liên hợp quốc (LHQ) đến tất cả các quốc gia trên thế giới, nhằm giải quyết những thách thức lớn mà nhân loại phải đối mặt, hướng đến một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người vào năm 2030. Từ tháng 9/2013, các quốc gia đã tiến hành xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau năm 2015 và bắt đầu tiến trình xây dựng 17 mục tiêu phát triển bền vững. 17 SDG này được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu phấn đấu. Ngày 25/9/2015, SDG chính thức được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ với sự góp mặt của 193 thành viên.
Biến động từ đại dịch
Đại dịch COVID-19 là một biến số bất ngờ. Không chỉ làm xáo trộn cuộc sống của hơn một nửa số người trên hành tinh, nó còn kéo lùi đáng kể sự phát triển của xã hội, ít nhất là theo những chỉ số mà SDG đặt ra. COVID-19 đã đánh gục các hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Các nền kinh tế, các thị trường tài chính bị tổn hại nghiêm trọng. Những tiến bộ xã hội được chúng ta gây dựng trong nhiều năm bị chậm lại, thậm chí bị phá hủy.
Đại dịch COVID-19 gây nên một sự gián đoạn chưa từng có, gây tổn hại nghiêm trọng đến chương trình nghị sự SDG. Theo thời gian, những tác động này càng được tính toán rõ ràng hơn. Báo cáo mới nhất của LHQ chỉ rõ: Những tác động của đại dịch COVID-19 đã cản trở tiến bộ ổn định trong ba thập kỷ về giảm nghèo, khi số người sống trong cảnh nghèo khó cùng cực đã gia tăng lần đầu tiên trong một thế hệ. Một thống kê cho thấy, sau ba năm dịch bệnh hoành hành, có thêm từ 119-124 triệu người đã bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, trong đó khu vực Nam Á chiếm 60% con số này. Nếu tình trạng này tiếp diễn, đến năm 2030, 575 triệu người sẽ chưa thể thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực, đồng thời ước tính 84 triệu trẻ em sẽ không được đến trường. Đây là những nội dung chính mà SDG 1 (Xóa nghèo) và SDG 2 (Xóa đói) đề cập, và đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Một trong những tác động rõ rệt nhất của dịch COVID-19 là sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống đi xuống. Sự chuyển hướng của các dịch vụ y tế do đại dịch gây ra đã làm mất đi tiến bộ hàng thập kỷ hướng tới SDG 3 (Sức khỏe). Những nỗ lực cải thiện sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người hiện trở thành một thách thức lớn hơn bao giờ hết.
SDG 4 (Giáo dục chất lượng), trụ cột cơ bản của chương trình nghị sự phát triển bền vững, cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Vào năm 2020, những nỗ lực phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của đại dịch đã làm gián đoạn hành trình giáo dục của hơn 1,52 tỷ thanh thiếu niên và trẻ em trên toàn thế giới. Điều này đã xóa bỏ tiến bộ giáo dục trong gần hai thập kỷ trước đó. Hậu quả của sự thụt lùi này sẽ được cảm nhận qua nhiều thế hệ tiếp theo.
Suy thoái kinh tế cũng nghiêm trọng không kém. Thế giới đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ năm 2008. Trong năm 2020, tổng GDP của thế giới giảm 3,4%, cho thấy sản lượng kinh tế sụt giảm đáng kể. Làn sóng COVID-19 thứ hai khiến khoảng 7,5 triệu việc làm bị mất, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực khác nhau và đe dọa đến mục tiêu SDG 8 (Việc làm ổn định và Tăng trưởng kinh tế).
Một cuộc chiến tranh bùng nổ
Cuộc xung đột nổ ra ở biên giới phía Đông của châu Âu có thể coi là một sự kiện bất ngờ khác. Có những góc nhìn khác nhau về cuộc chiến này, nhưng chắc chắn, ảnh hưởng tiêu cực của nó với chương trình nghị sự SDG là không thể tranh cãi.
Xung đột vũ trang có những hậu quả ngoài bạo lực ngay lập tức. Tình trạng bỏ hoang đất trồng trên diện rộng ở một trong những khu vực nông nghiệp quan trọng nhất thế giới đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu. Cuộc xung đột cũng làm gián đoạn thị trường năng lượng, gây ra biến động về giá cả và nguồn cung. Một nghiên cứu cho thấy chi phí năng lượng của các hộ gia đình đã tăng gần gấp đôi do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Sự gián đoạn này đặc biệt được cảm nhận rõ ràng ở Nam Á, nơi thị trường năng lượng rơi vào khủng hoảng do nhu cầu lớn nhưng nguồn cung lại không ổn định. Sự sụp đổ của nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Nga đã buộc các nước, bao gồm cả châu Âu, phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, tạo nên những phản ứng dây chuyền.
Tác động của những cuộc xung đột vượt xa sự tàn phá do bom đạn gây ra. Cuộc đối đầu lan sang lĩnh vực kinh tế. Những lệnh cấm thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã gây ra khủng hoảng sâu rộng hơn ở những khu vực rất xa tiếng súng. Nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái tiếp tục đẩy những người có thu nhập bấp bênh lún sâu trong đói nghèo.
Ảnh hưởng lan tới hệ sinh thái, với các trường hợp phá rừng phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng đột biến ở những khu vực khác trên thế giới nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong tức thời. Đây là những yếu tố làm suy thoái chỉ số SDG 15 (Bảo tồn Tài nguyên và môi trường đất).
Cuộc xung đột giữa Ukraine-Nga đã gây ra thiệt hại và mất mát về nhân mạng cũng như cơ sở hạ tầng, dẫn đến mất sinh kế trên diện rộng, kéo theo tình trạng di dời trên một khu vực rộng lớn. Theo LHQ, khoảng 14 triệu người đã phải di dời do xung đột ở châu Âu. Vấn đề di cư này xuyên suốt toàn bộ Chương trình nghị sự 2030, ảnh hưởng đến tất cả 17 SDG. Các mục tiêu liên quan đến di cư bao gồm lao động, giáo dục, buôn người, kiều hối,... Chính LHQ, trong bản báo cáo mới nhất đã kêu gọi các nước cần "nhận biết và giải quyết các mối liên kết phức tạp giữa di cư và SDG".
Đòi hỏi những nỗ lực toàn cầu
Bản báo cáo sử dụng những dữ liệu mới nhất này của LHQ được đặt tên: "Báo cáo SDG 2023: Phiên bản Đặc biệt". Theo bản báo cáo, 50% trong số 140 mục tiêu có thể được đánh giá, đã cho thấy sự chệch hướng vừa phải hoặc nghiêm trọng. Hơn 30% trong số mục tiêu không ghi nhận sự tiến triển nào, thậm chí còn thụt lùi so với mức cơ sở của năm 2015. Báo cáo khẳng định: Việc ngừng thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để đạt được các SDG có thể gây ra bất ổn chính trị lớn hơn, ảnh hưởng đến kinh tế và dẫn đến thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường. Trong đó, chính những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang phải chịu tác động tồi tệ nhất của những thách thức toàn cầu chưa từng có này.
Tất nhiên, bản báo cáo cũng cho thấy những thành quả tích cực trong một số lĩnh vực. Cụ thể, tỷ lệ dân số toàn cầu được sử dụng điện đã tăng từ 87% vào năm 2015 lên 91% vào năm 2021, khi có thêm khoảng 800 triệu người đã tiếp cận với mạng lưới điện. Số người sử dụng Internet đã tăng 65% kể từ năm 2015 lên 5,3 tỷ người được kết nối vào năm 2022. Năng lượng sạch, mục tiêu của SDG7 cũng đã gia tăng đáng kể. Đây cũng là những lĩnh vực vẫn có tiềm năng được cải thiện trong thời gian tới. Nhưng rõ ràng những thông số tích cực này là quá ít ỏi trong màu sắc u ám chung của toàn bộ các mục tiêu SDG.
Trong phiên họp công bố bản báo cáo tại Đại Hội đồng LHQ hôm 10/7/2023, Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres thừa nhận: "Thế giới có nguy cơ bỏ lỡ SDG". Đây là lần đầu tiên người đứng đầu LHQ thừa nhận nguy cơ này, dù nó đã được cảnh báo từ lâu. Tám năm trước, khi chúng ta chính thức khép lại những Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG), nhiều tuyên bố tương tự cũng đã được đưa ra. Ở thời điểm đó, khi MDG đã không còn khả năng thực thi, trở nên lỗi thời, người ta mới quyết định xây dựng SDG. SDG ban đầu được ca ngợi với những mục tiêu và giải pháp sâu rộng hơn, nhưng thực tế cũng chỉ là giải pháp thay thế cho MDG không thành công.
Đến thời điểm này, hơn một nửa chặng đường SDG đã đi qua. Mốc thời gian 2030 chỉ còn 7 năm, bản báo cáo "đặc biệt" của LHQ được đưa ra như một lời cảnh tỉnh đối với tất cả chúng ta, khi những mục tiêu đã lại trượt dài vô vọng. Trong khi ông Antonio Guterres nhấn mạnh "con người đang ở thời điểm của sự thật và sự cân nhắc", cũng như kêu gọi "cùng nhau, các nước có thể biến thời điểm hiện tại thành thời điểm của hy vọng", thì điều quan trọng nhất có lẽ vẫn chỉ là: Liệu chúng ta thực sự có trách nhiệm với những kế hoạch mà mình đã đặt ra hay không.