Thế giới trong cơn đói trực chờ

Thứ Bảy, 28/05/2022, 10:50

"Có đủ lương thực trên thế giới hiện nay, nếu chúng ta cùng hành động. Nhưng, nếu không giải quyết vấn đề này ngay hôm nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu trong những tháng tới" - Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong phiên họp ngày 18-5 thuộc Hội nghị về an ninh lương thực do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì (diễn ra tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York, Mỹ.

Một cách ngắn gọn, vào thời điểm hiện tại, nhân loại lại một lần nữa đối diện với nỗi ám ảnh tưởng chừng như đã có thể bị lãng quên: Nạn đói.

Những con số u ám

Theo số liệu thống kê từ Liên Hợp quốc, chỉ trong 2 năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi, từ 135 triệu người hồi trước đại dịch lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay. Hơn 500.000 người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016.

Thế  giới trong cơn đói trực chờ -0
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres: "Cần phải giải quyết vấn đề ngay hôm nay".

2 ngày trước đó, 16-5, giá lúa mì tại thị trường châu Âu đã tăng cao kỷ lục lên mức lên mức 435 euro (453 USD)/tấn, sau khi Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng này do một đợt nắng nóng nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sản lượng. Theo Chính phủ Ấn Độ, lệnh cấm được đưa ra nhằm quản lý an ninh lương thực tổng thể của đất nước và hỗ trợ các nước láng giềng cũng như những nước dễ bị tổn thương.

Dù vậy, động thái này đã vấp phải những sự chỉ trích gay gắt, ngay cả từ các bộ trưởng nông nghiệp của Nhóm Các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7). Trong một phát biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir nhấn mạnh: "Nếu mọi người bắt đầu áp đặt các hạn chế xuất khẩu hoặc đóng cửa thị trường thì điều đó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng (lương thực)".

Do đó, ngay ngày 17-5, Chính phủ Ấn Độ đã phải thông báo bổ sung về việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ nêu rõ sẽ cho phép xuất khẩu các lô lúa mì đã được giao cho hải quan kiểm tra và được đăng ký vào các hệ thống của hải quan Ấn Độ trước hoặc vào ngày 13-5.

Tuy nhiên, trên thực tế, Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất áp lệnh cấm xuất khẩu lúa mì nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình - đất nước có dân số lớn thứ hai thế giới. Trước họ, không kể đến Nga và Ukraine - hai quốc gia chiếm 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, cũng đã có Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia cấm xuất khẩu lúa mì. Bên cạnh họ, và bên cạnh lúa mỳ, nhiều quốc gia đã cấm xuất khẩu các loại lương thực, thực phẩm khác, do lạm phát toàn cầu tăng cao.

Tình trạng này khiến các chuyên gia không còn cách nào khác là đưa ra những dự báo đầy bi quan. Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE, Mỹ) nhận định hồi tháng trước: "Khi giá lương thực vốn đã cao do gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến dịch COVID-19 và sản lượng giảm do hạn hán vào năm ngoái, cuộc chiến ở Ukraine lại diễn ra vào thời điểm tồi tệ đối với thị trường lương thực toàn cầu". Do đó, "khi chiến tranh tiếp tục, có khả năng ngày càng tăng rằng tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là ngũ cốc và dầu thực vật, sẽ trở nên trầm trọng, khiến nhiều quốc gia chuyển sang hạn chế xuất khẩu".

Trong bối cảnh ấy, các nhà kinh tế học lo ngại rằng các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải đối mặt với một loạt bất ổn bắt nguồn từ tình trạng giá lương thực tăng cao. Công ty tư vấn Verisk Maplecroft cho biết: 75% các nước có thể phải đối mặt bất ổn xã hội vào quý IV-2022 là các quốc gia có thu nhập trung bình.

Cùng lúc đó, tâm lý "tự lo cho mình trước" cũng đã và đang trở nên rõ nét, như một lẽ tất yếu. Đơn cử, đất nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc đã không chỉ mua trữ dầu giá rẻ từ Nga, mà còn nhập khẩu ngũ cốc nhiều chưa từng có trong 4 tháng qua (khoảng 50,6 triệu tấn). Đó chính là nước thu mua nhiều ngũ cốc và đậu tương nhất thế giới và dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc cũng đang đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Không chỉ là chiến tranh

Trở lại với Hội nghị về an ninh lương thực toàn cầu của Liên Hợp Quốc, theo Tổng Thư ký Antonio Guterres, không có giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực mà không khôi phục mối liên kết giữa thế giới với hoạt động sản xuất lương thực của Ukraine. Người đứng đầu Liên Hợp quốc kêu gọi Nga tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc an toàn tại các cảng của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng thực phẩm và phân bón của Nga cũng phải được tiếp cận đầy đủ và không hạn chế với các thị trường thế giới...

Bởi lẽ, trước khi xảy ra xung đột, Ukraine được ví như "vựa bánh mì của thế giới" (chiếm 12% nguồn lúa mỳ thế giới, 15% ngô và 50% dầu hướng dương toàn cầu) với việc xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản/tháng qua các cảng của nước này. Do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga (từ ngày 24-2), hoạt động của các cảng biển ở Ukraine đều bị đình trệ hoạt động. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp phân bón và khí đốt quan trọng hàng đầu thế giới. Xung đột và các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga do các nước phương Tây áp đặt đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác của cả hai nước, đẩy giá lương thực, nhiên liệu lên cao, nhất là ở các nước đang phát triển.

Liên Hợp quốc ước tính: Khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine từ vụ thu hoạch trước. Nếu được thông quan, số lương thực này có thể giảm bớt áp lực lên thị trường lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu quy hết nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang chực chờ ập xuống này về một mối: Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Thực tế, đó chỉ là một tác nhân thúc đẩy nhanh thêm cả tiến trình, một trong những giọt nước cuối làm đầy thêm chiếc li đau khổ đang đặt trước mặt nhân loại.

Thế  giới trong cơn đói trực chờ -0
Bóng dáng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã bắt đầu hiện hữu.

Trước cuộc xung đột ấy, tình trạng giá lương thực đã tăng ở mức rất cao, khi đại dịch COVID-19 toàn cầu cùng các hệ lụy về kinh tế làm tê liệt các guồng máy sản xuất cũng như cung ứng lương thực, thực phẩm.

Trước đó nữa, và hiện vẫn đang diễn ra cực kỳ gay gắt, việc nền nhiệt Trái đất tăng không ngừng, liên tục thiết lập các đỉnh (nhiệt độ trung bình) mới, kéo theo thiên tai và các hiện tượng cực đoan như nước biển dâng, xâm nhập mặn, diễn biến thời tiết trái mùa... cũng đã và sẽ còn ảnh hưởng trầm trọng đến nông nghiệp toàn cầu.

Đơn cử, theo nhận xét trong báo cáo năm 2021 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC): "Nhiệt độ cao hơn dẫn đến gia tăng bốc hơi, làm khô đất, tăng căng thẳng cho cây trồng và ảnh hưởng đến nông nghiệp, ngay cả ở những vùng không có sự thay đổi lớn về lượng mưa". Nếu con người không giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khoảng 1/3 diện tích đất toàn cầu sẽ bị hạn hán vào cuối thế kỷ này. Và, một số thay đổi như mực nước biển dâng hiện đã không thể đảo ngược.

Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Archives of Agronomy and Soil Science cho thấy sự gia tăng tần suất và mức độ khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng có thể làm giảm sản lượng lúa tới 40% vào cuối thế kỷ này. "Hầu hết lúa [trên thế giới] đang được trồng ở những vùng có nhiệt độ hiện tại đã gần với ngưỡng tối đa để có thể sản xuất gạo", nghiên cứu nêu rõ. "Do đó, bất kỳ mức gia tăng nhiệt độ trung bình nào hoặc gia tăng tần suất xuất hiện nhiệt độ cao trong các giai đoạn tăng trưởng nhạy cảm của cây lúa, sẽ là thảm họa".

Còn theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell, tốc độ tăng năng suất nông nghiệp toàn cầu đã chậm lại khoảng 21% trong 60 năm qua do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng rõ rệt hơn ở các khu vực nhiệt đới.

Bởi vậy, sau Hội nghị "Giải quyết vấn đề an ninh lương thực: Những thách thức và lời kêu gọi hành động" quy tụ các thể chế tài chính quốc tế và các nhà lãnh đạo toàn cầu do Bộ Tài chính Mỹ tổ chức vào ngày 19-4 vừa qua, IMF, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB), WB và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã nhất trí hợp tác cùng nhau để xây dựng một kế hoạch hành động chung nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực.

Theo kế hoạch đó, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ theo đuổi các hành động nhằm đẩy mạnh, tăng cường và mở rộng quy mô chương trình theo 6 mục tiêu ưu tiên: hỗ trợ những người dễ bị tổn thương; thúc đẩy thương mại mở; giảm thiểu tình trạng thiếu phân bón; hỗ trợ sản xuất lương thực; đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu cho tương lai; và phối hợp để những nỗ lực này phát huy hiệu quả tối đa.

Đó là cả một lộ trình đầy tham vọng. Vấn đề là, hiện tại, do bản chất thị trường lương thực luôn hầu như không có các nguồn cung dư thừa, cuộc khủng hoảng Ukraine còn kéo dài ngày nào, sẽ còn có thêm hàng triệu người khốn đốn vì "miếng ăn" ngày ấy. Và, đừng quên, nếu bất lực trong việc kìm hãm đà tăng nền nhiệt Trái đất, sẽ đến lúc loài người không còn sở hữu nổi bất cứ giải pháp nào khả thi.

Đông Phong
.
.