Thế giới năm 2025: Chấp chới trên những lằn ranh đỏ

Thứ Bảy, 11/01/2025, 13:48

Có lẽ, hiện tại vẫn là thời điểm quá sớm và sẽ là quá vội vã để đưa ra những dự báo về hình thái diễn biến của quỹ đạo thời sự quốc tế 12 tháng trước mắt. Tuy nhiên, từ một số điểm nóng - các "di sản thừa kế" từ năm 2024, dù sao, những đường nét cơ bản cũng có thể được nhận diện, trong những vòng xoáy gay gắt đã kịp tiếp nối, khi năm 2025 mới chỉ bắt đầu được vài ngày.

Địa chính trị - bản đồ vẫn rực lửa

Chỉ khoảng hơn một tháng nữa, ngày 22/2/2025, cuộc xung đột quân sự (mà lúc đầu mang tên Chiến dịch quân sự đặc biệt) Nga - Ukraine sẽ chính thức tròn 3 năm bùng nổ. Càng về sau này, thực tế những vận động tổng thể và đa chiều càng chứng minh rõ hơn, rằng tầm vóc của nó ngay từ đầu đã vượt khỏi phạm vi chiến tranh quân sự đơn thuần.

Trong trường hợp này, đúng như lời nhà lý luận quân sự cổ điển lỗi lạc Carl Von Clausewitz (Phổ): "Chiến tranh chỉ là sự nối dài của các quan hệ chính trị, bằng những phương thức khác", cuộc chiến ở miền Đông Ukraine chỉ là tầng thấp nhất của một cuộc đọ sức toàn diện, nhằm thay đổi và xác lập một trật tự thế giới mới, thay thế trật tự thế giới đơn cực do Mỹ và phương Tây nắm quyền lãnh đạo, đã hiện hữu kể từ thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Thế giới năm 2025: Chấp chới trên những lằn ranh đỏ -0
Thương chiến Mỹ - Trung, nỗi ám ảnh trở lại đối với cả guồng máy kinh tế toàn cầu.

Bản chất đó được chứng minh thông qua sự chuyển biến từ một chiến dịch quân sự thành một cuộc chiến tiêu hao, từ đó tác động đến toàn bộ cấu trúc kinh tế - xã hội của cả nước Nga lẫn Ukraine (cùng hệ thống các quốc gia hậu thuẫn và chi viện cho Kiev), đồng thời thử thách sức bền chống chịu của tất cả các bên tham gia (dù là trực tiếp hay gián tiếp). Trên tất cả, bá quyền của phương Tây (trên cả 3 phương diện chính trị - kinh tế - quân sự) bị thách thức mãnh liệt bởi một hệ thống đối trọng mới đang dần được định hình rõ rệt, với các thành tố chính là Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng, Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ quốc tế (OPEC) mở rộng (OPEC+), cũng như toàn thể khối các nước đang phát triển ở Nam bán cầu, bao gồm cả châu Á, châu Phi lẫn Mỹ latinh.

Với tính chất đối kháng này, ít nhất, cho dù Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ làm mọi cách để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine sớm nhất có thể, bằng bất cứ biện pháp cần thiết nào, cơ hội để điều đó trở thành hiện thực cũng là không hề dễ dàng. Đầu tiên, nó đòi hỏi thiện chí từ cả hai bên tham chiến, song lập trường của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như người đồng cấp Ukraine - Vladimir Zelensky - vẫn còn ở quá cách xa nhau.

Thứ hai, trong chính nội bộ thượng tầng chính trị Washington, các luồng quan điểm đối nghịch cũng tạo nên hai bộ mặt cho nước Mỹ (kể từ khi ông Donald Trump thắng cử, cho đến ngày ông chính thức nhậm chức 20/1/2025). Tận dụng quỹ thời gian ít ỏi còn lại, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã làm tất cả để gấp rút giải ngân những khoản viện trợ quân sự khổng lồ cuối cùng cho Ukraine (mà gần nhất là 2 gói mang tổng trị giá gần 6 tỷ USD vào ngày 31/12), qua đó bảo đảm rằng Kiev vẫn còn được "hà hơi thổi ngạt" nhằm kéo dài cuộc chiến thêm một thời gian bất định nữa, cho dù đang gặp phải vô số bất lợi trên chiến trường. Do đó, khả năng cuộc xung đột có thể sớm kết thúc, khi một bên không còn đủ sức chịu đựng sự khốc liệt của cuộc chiến, cũng không còn nhiều cơ hội hiện hữu.

Vấn đề mà giới quan sát quốc tế toàn cầu thực sự lo lắng là chuyện: Trong bối cảnh chiến tranh, nhiều cơ hội sẽ còn kéo dài, đồng thời liên tục có những diễn biến leo thang mới mang tính khiêu khích (như chuyện đồng minh phương Tây "bật đèn xanh" cho quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu hậu phương lãnh thổ Nga, hay đáng lo ngại hơn là các hoạt động ám sát những nhân vật cấp cao của quân đội Nga), liệu nguy cơ chiến tranh lan rộng đi kèm hệ quả đáng sợ là việc sử dụng vũ khí hạt nhân có xảy ra hay không?

Rất may mắn, đến hiện tại, Điện Kremlin vẫn giữ mọi việc trong tầm kiểm soát, mà nguyên nhân chính bên cạnh bản lĩnh của Tổng thống Putin còn là việc quân đội Nga vẫn đang đạt được những thành tựu trên thực địa, cũng như nước Nga chưa bị đẩy đến đường cùng.   

Từ một góc nhìn rộng hơn, hình thế căng thẳng ở miền Đông Ukraine cũng có những mô hình đồng dạng, ở Tây Thái Bình Dương, ở vùng Sahen châu Phi, hay quanh cả khu vực Trung Đông vẫn đang ngùn ngụt lửa. Sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các trung tâm quyền lực, đan cài với các mâu thuẫn khó có thể khoan nhượng về lợi ích, đã tạo nên hàng loạt nguy cơ xung đột quân sự sẵn sàng bị quốc tế hóa. Đơn cử, một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran với Israel vẫn đang là một nỗi ám ảnh hiện hữu, cho dù cả Tehran lẫn Tel Aviv đều đã kịp dừng lại trước những lằn ranh, ở năm 2024.

Địa kinh tế - mặt trận không tiếng súng

Xung đột quân sự, song hành cùng biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tạo nên các thảm họa nhân đạo khắp nơi, cũng như áp lực ngàn cân đè nặng lên guồng máy kinh tế toàn cầu. Bên cạnh hiểm họa tự diệt vong bởi vũ khí hạt nhân, hay bởi sức tàn phá ngày một kinh khủng mà những cơn thịnh nộ của thiên nhiên mang tới, nhân loại còn đang dần phải tập cho mình thích ứng với các khái niệm mà mới đây vẫn còn khá xa lạ với nhiều người: Mất an ninh lương thực toàn cầu, sự suy thoái tài nguyên nước sạch, hay sự suy giảm chất lượng tài nguyên đất.

Cùng với tình trạng phân hóa giàu nghèo đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, các vấn đề nhân bản xuất phát từ lương tri lại càng trở nên khó khăn gấp bội. Thí dụ, năm 2025 này, UNICEF đặt mục tiêu kêu gọi hỗ trợ khoảng 10 tỷ USD, nhằm cứu vớt khoảng 109 triệu trẻ em, nhưng trong năm 2024 vừa khép lại, tổng số tiền huy động được chỉ đạt 8,7 tỷ USD. Trong khi đó, theo các tổ chức khoa học, trong năm 2024, tổng thiệt hại từ các thảm họa biến đổi khí hậu chính trên toàn cầu đã vượt mức 230 tỷ USD. Song, tại Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) vừa khép lại hồi tháng 11, sự đồng thuận về các cam kết tài chính quan trọng vẫn chưa thể đạt được.

Thế giới năm 2025: Chấp chới trên những lằn ranh đỏ -0
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã sắp tròn 3 năm diễn ra.

Một cách ngắn gọn, bất cứ vấn đề toàn cầu nào cũng đang đòi hỏi những nguồn tài chính khổng lồ. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới 2025 lại không mấy sáng sủa. Tiếp nối năm 2024, các nhà phân tích hàng đầu dự báo: Kinh tế thế giới 2025 vẫn sẽ bị chi phối sâu sắc bởi các cuộc xung đột, cũng như cạnh tranh chiến lược toàn cầu.

Sẽ là một nước Mỹ khác, được điều phối theo cách hoàn toàn khác, đặc biệt về mặt kinh tế, sau ngày 20/1/2025. Với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết! (America First)", người khi ấy sẽ được gọi là "ngài tân Tổng thống Mỹ" Donald Trump, từ lâu, đã không chỉ công khai ý định mở lại cuộc "thương chiến Mỹ - Trung" từng làm điêu đứng rất nhiều quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn tuyên bố sẽ áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với các nước láng giềng Bắc Mỹ là Mexico và Canada. Đồng thời, gần như chắc chắn, ông sẽ đòi hỏi "những người bạn cũ" châu Âu - vốn đang phải trải qua thời điểm cực kỳ khó khăn - tăng mức đóng góp vào hệ thống phòng thủ chung, trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chưa đủ, ông còn "khuấy thêm cho nước đục (để bắt cá)", khi tỏ ý muốn "mua lại" kênh đào Panama, đồng thời "nhòm ngó" cả đảo Greenland rộng lớn (thuộc quyền sở hữu của Đan Mạch).

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định: "Tôi bảo lưu quan điểm rằng các biện pháp hạn chế thương mại, chính sách bảo hộ... không có lợi cho tăng trưởng". Và, công ty tư vấn Capital Economics bi quan: "Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại với phạm vi toàn thế giới (chứ không chỉ còn là "thương chiến Mỹ-Trung"). Nếu xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, nó thậm chí có thể làm giảm 2-3% GDP toàn cầu". Mức suy giảm ấy đồng nghĩa với sự xóa sạch mọi thành tựu tăng trưởng kinh tế mà thế giới đã đạt được, kể từ sau đại dịch COVID-19.

Bối cảnh lại càng u ám, khi cả Đức và Pháp - những cường quốc dẫn dắt châu Âu - cũng đang oằn mình chống lại tình trạng lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao, gánh nặng viện trợ cho Ukraine và cả sự trỗi dậy của các tư tưởng dân tộc cánh hữu. Theo dự báo từ giới chuyên môn, tình trạng bế tắc ở thượng tầng kiến trúc Đức và Pháp, xuất phát từ các nguyên nhân hạ tầng cơ sở, thậm chí còn có thể kéo dài đến tận giữa năm 2025.

Trong tình hình các mối quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ thương mại và những hàng rào thuế quan bị "vũ khí hóa" nhằm bảo vệ vị thế độc tôn của nước Mỹ trong trật tự thế giới cũ này, vận tốc tăng trưởng bình quân hơn 6% mà những nền kinh tế phương Nam hiện duy trì thực sự có thể xem là điểm sáng, là động lực chủ chốt mới cho cả guồng máy. Song, đà thăng tiến này vẫn có nguy cơ đánh mất gia tốc, khi trí tuệ nhân tạo đang thay thế lao động truyền thống với tốc độ chóng mặt.

Và, trên hết, trong mối quan hệ biện chứng giữa sức mạnh kinh tế với quyền lực chính trị, việc nước Mỹ vẫn là nền kinh tế hàng đầu thế giới - theo số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc vẫn là nền kinh tế số 2, trong khi 3 thành viên khác của BRICS là Ấn Độ (vị trí thứ 5), Brazil (vị trí thứ 10) và Nga (vị trí thứ 11) cũng đang tăng tốc, lại càng chỉ tô đậm thêm rằng những cuộc cạnh tranh ở mọi phương diện sẽ đều mỗi lúc một trở nên gay gắt.

Năm 2025 chắc chắn sẽ không phải là một năm dễ dàng.

Đông Phong
.
.