Hai năm Mỹ rút khỏi Afghanistan

Thế giới đang trở nên kém an toàn hơn?

Thứ Sáu, 25/08/2023, 20:37

Tháng 8/2021, Mỹ rút binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan trong hỗn loạn. Thời điểm đó, tràn ngập truyền thông quốc tế là hình ảnh nhân sự phương Tây xếp hàng chờ rời Kabul, trong khi đám đông, gồm phần lớn là người Afghanistan từng có hợp tác với Mỹ và đồng minh, cố gắng chen chân lên những chiếc máy bay đang đỗ trên đường băng, thậm chí cố gắng bám vào vận tải cơ quân sự Mỹ đang chạy đà với hi vọng có thể rời khỏi đất nước trước ngày Taliban nắm quyền.

Đỉnh điểm của sự lộn xộn là vụ đánh bom liều chết do khủng bố IS thực hiện ngày 26/8/2021 ở sân bay Kabul, khiến 13 binh sĩ Mỹ và 162 người khác, bao gồm phần lớn là dân thường, mất mạng.

Đến nay, đã 2 năm trôi qua, nhưng trong lòng nước Mỹ vẫn còn nguyên cuộc tranh cãi ai phải chịu trách nhiệm cho chiến dịch rút lui. Từ phía chính quyền Tổng thống Joe Biden, các quan chức đương nhiệm coi đó là kế hoạch không tồi vì đã sơ tán khỏi Afghanistan 124.000 người phương Tây và Afghanistan trong nửa tháng. Nhà Trắng đánh giá việc rút lực lượng khỏi quốc gia Nam Á còn cho phép sử dụng nguồn lực tình báo và quân sự vào nhiệm vụ khác, theo Axios. Ở chiều ngược lại, những người đối lập coi cuộc thoái lui lộn xộn là cái kết không thể tệ hơn của một chiến lược can thiệp sai lầm kéo dài suýt soát 2 thập kỷ.

Bất chấp cách Mỹ giải thích cho sự rút đi vội vã khỏi Afghanistan, việc chính quyền Kabul sụp đổ nhanh chóng và những “di sản” gây tranh cãi về an ninh sau cuộc chiến của Washington một lần nữa cho thấy phương Tây cần cân nhắc kỹ lưỡng về chính sách can thiệp quân sự ở nước ngoài.

Thế giới đang trở nên kém an toàn hơn? -0
Người Afghanistan chờ đợi với hy vọng có một “tấm vé” lên máy bay rời Kabul trước khi Taliban nắm quyền tháng 8/2021. Ảnh: GettyImages.

“Trò chơi đổ lỗi”

Tháng 4/2023, trong báo cáo giải mật tóm tắt về chiến dịch chấm dứt hiện diện ở Afghanistan được Chính phủ Mỹ công bố, Nhà Trắng khẳng định bộ máy dưới quyền Tổng thống Biden đã làm tất cả những gì có thể, đồng thời đổ lỗi chính quyền tiền nhiệm Donald Trump tạo bối cảnh bất lợi cho quá trình rút quân. Thỏa thuận hòa bình mà ông Trump đạt được với Taliban ở Doha đầu năm 2020, trong đó có nội dung về cam kết rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, bị Nhà Trắng mô tả là đã đẩy chính quyền kế nhiệm vào tình thế không còn đường lui. “Chính quyền ông Trump ấn định ngày rút quân nhưng không vạch ra kế hoạch nào cho việc đó”, bản tóm tắt nêu.

Nhà Trắng cũng đánh giá, việc Taliban có thể “nhanh chóng và dễ dàng” kiểm soát Afghanistan cho thấy, “không có kịch bản khác, ngoại trừ kịch bản việc gia tăng sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ, có thể làm thay đổi những gì đã xảy ra”. “(Thế nhưng) Tổng thống Biden không chấp nhận đẩy thêm một thế hệ người Mỹ nữa vào cuộc chiến mà đáng lẽ đã phải chấm dứt từ lâu”, bản tóm tắt viết.

Cách lập luận của chính quyền Mỹ đương nhiệm do đảng Dân chủ kiểm soát khiến phe Cộng hòa nổi giận. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 4/2023 chỉ trích Nhà Trắng đang chơi “trò chơi đổ lỗi” khi công bố báo cáo cho rằng chính quyền ông chịu trách nhiệm về cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael McCaul, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ thì tuyên bố, chính quyền Tổng thống Joe Biden phải “chịu trách nhiệm về thất bại trong lập kế hoạch và thực hiện việc rút quân”.

Trước áp lực từ phe Cộng hòa, đầu tháng 7/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành thêm báo cáo đánh giá quyết định của cả chính quyền ông Trump lẫn chính quyền ông Biden về việc kết thúc sứ mệnh ở Afghanistan đều “có tác động nghiêm trọng đối với chính phủ và an ninh Afghanistan lúc bấy giờ”.

Văn kiện này cho rằng, trong khi chính quyền tiền nhiệm “thiếu tương đối” trách nhiệm trong việc lập kế hoạch cho việc rút quân, thì chính quyền đương nhiệm rơi vào tình thế “quá vội vã” nên bị động trước các diễn biến bất ngờ. “Việc lên kế hoạch ứng phó bị ảnh hưởng bởi những quan ngại liên quan tới một số dấu hiệu, nhất là dấu hiệu Mỹ đã mất niềm tin vào chính phủ Afghanistan thời bấy giờ”, báo cáo có đoạn kết luận.

Trên thực tế, Mỹ đổ nhiều tỷ USD xây dựng chính quyền Kabul nhưng thừa nhận không thể trông đợi vào các quan chức địa phương vì tình trạng tham nhũng và thiếu năng lực. Từ khi ông Biden quyết tâm chấm dứt hiện diện tại Afghanistan, cánh truyền thông đã loan báo về việc nhiều viên chức dưới quyền Tổng thống Afghansitan Ashraf Ghani “đổi chác” với Taliban để đầu hàng, giao nộp vũ khí đổi lấy tiền.

Nhiều quan chức Afghanistan coi sự rút lui của Mỹ là chỉ dấu Taliban chắc chắn trở lại. Họ muốn đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như vai trò trong chính quyền mới. Với quân đội Afghanistan, Mỹ không tiếc tiền trang bị cho quân đội Afghanistan máy bay, trực thăng, thiết bị bay không người lái, xe bọc thép, kính quan sát trong đêm, nhưng quân nhân Afghanistan vừa không có kĩ năng, vừa không đủ kỉ luật để dùng chúng chống lại đối thủ được trang bị kém hơn.

“Di sản” an ninh gây tranh cãi

Theo thống kê của Viện Watson, Afghanistan là nơi ghi nhận cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất Mỹ từng tham gia. Kể từ 2001, Washington đổ vào cuộc xung đột khoảng 2.300 tỷ USD. Trong đó, tổng chi tiêu quân sự là 825 tỷ USD, bao gồm 130 tỷ USD phục vụ các dự án tái thiết. Theo CNN, Mỹ sau này chi 18 tỷ USD viện trợ thiết bị quân sự cho quân đội và lực lượng an ninh của Afghansitan.

Tổng thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), cơ quan giám sát độc lập của Mỹ, cho biết thêm, Mỹ bỏ lại số khí tài trị giá khoảng 7,2 tỷ USD khi rút quân. Số vũ khí đó bao gồm máy bay, tên lửa, xe quân sự các loại, vũ khí nhỏ, đạn dược. Phần lớn chúng hiện do Taliban nắm giữ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại nguy cơ vũ khí Mỹ rơi vào tay những kẻ cực đoan, gây ra mối đe dọa an ninh đáng kể không chỉ cho Afghanistan, khu vực Trung Đông mà còn nhiều nơi khác trên thế giới.

Ngoài ra, bất chấp lập luận của Mỹ rằng họ đã “đạt mục tiêu” ở Afghanistan, gồm làm suy yếu mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và ngăn chặn được các cuộc tấn công tương tự thảm kịch ngày 11/9, tình hình an ninh tổng thể chưa được cải thiện trên toàn Afghanistan, biến quốc gia này thành “Las Vegas” cho những kẻ cực đoan, New York Times dẫn lời cựu sĩ quan an ninh Afghanistan nói.

Số lượng các nhóm cực đoan hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan cũng tăng theo thời gian, lên đến 20 tổ chức khác nhau vào năm 2017. Từ tháng 8/2021, nhánh IS Afghanistan, được biết đến với tên gọi IS-K, đã thực hiện hàng chục vụ đánh bom liều chết nhắm vào các tín đồ Hồi giáo Shiite, hiện chiếm khoảng 10-20% trong tổng số 40 triệu dân quốc gia Nam Á. Ngoài ra, có tình trạng các chiến binh từ Afghanistan xâm nhập nước láng giềng Pakistan và tham gia tổ chức Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP) chiến đấu chống chính quyền ở Islamabad. Taliban nắm quyền đã là một thực tế không thể đảo ngược. Giới chuyên gia lo ngại, nếu không có sự hợp tác của Afghanistan - từng là nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố khét tiếng, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sẽ gặp trắc trở.

Một góc độ nào đó, sự ra đi của Mỹ và sụp đổ của chính quyền Kabul được nhìn nhận là đã chứng minh sự lỗi thời của chủ nghĩa can thiệp quân sự quốc tế, ít nhất là ở Afghanistan. Ngoại trừ một chính phủ quân quản, Afghanistan một thế kỉ qua trải qua hầu hết các hệ thống chính phủ, từ quân chủ, cộng hòa, chính trị thần quyền..., có hoặc không có sự can dự từ bên ngoài, nhưng chưa chính quyền nào đủ mạnh để bảo vệ người dân khỏi đói nghèo và chiến tranh.

Stephen Pomper, Giám đốc chính sách tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy các chính sách nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết xung đột, còn so sánh tình huống Afghanistan với Libya, nơi Mỹ và đồng minh châu Âu lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi với lý do “bảo vệ dân thường” nhưng cuối cùng lại đẩy quốc gia này vào một thập kỷ hỗn loạn và bạo lực.

Theo NewAfricanMagazine, việc Mỹ từ bỏ Afghanistan cũng bị các nhóm vũ trang chống chính quyền ở một số quốc gia Trung Đông - châu Phi xem là chỉ dấu về việc phương Tây “không phải là không thể bị đánh bại”; còn các quốc gia đồng minh, các chính quyền thân Mỹ lo ngại về các cam kết lâu dài của Washington.

Chỉ trong 2 năm qua, khu vực Sahel, nơi phương Tây dẫn đầu các chiến dịch chống khủng bố, đã ghi nhận một loạt cuộc đảo chính ở Mali, Burkina Faso và mới đây nhất là Niger. Trong tuyên bố hôm 15/8 vừa qua, bà Nikki Haley, cựu Thống đốc bang Nam Carolina, cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ và là ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ 2024, đánh giá thế giới trở nên “kém an toàn hơn” kể từ thời điểm Mỹ rút khỏi Afghanistan. “Kẻ thù của chúng ta đang ngày một táo tợn hơn, còn các đồng minh của chúng ta đang đặt câu hỏi về các cam kết của Mỹ”, bà lập luận.

Các nhà quan sát cảnh báo, Mỹ buông bỏ Afghanistan lần thứ hai, nhưng không có nghĩa là xung đột tại quốc gia này chấm dứt lâu dài. Bên cạnh cuộc chiến với các nhóm khủng bố, Taliban đối mặt sự kháng cự của lực lượng Mặt trận kháng chiến quốc gia (NRF), với thành phần là các binh sĩ và chính trị gia dưới thời chính quyền cũ của Afghanistan, hiện lập căn cứ tại thung lũng Panjshir, phía Bắc Kabul. Ngoài ra, căng thẳng giữa chính quyền Taliban và quốc gia láng giềng Iran – một cường quốc quân sự hàng đầu ở khu vực – đang có dấu hiệu leo thang xung quanh tranh cãi về nguồn nước ngọt quan trọng. Hai bên thời gian qua ghi nhận một số vụ đụng độ qua lại, khiến hàng chục binh sĩ thương vong.

Thái Hà
.
.