Thế bế tắc của “phương trình Trung Đông”

Thứ Tư, 25/10/2023, 08:50

Trong khi thế giới còn đang bận tâm với cuộc xung đột Nga - Ukraine, thì một cuộc chiến nữa ở Trung Đông lại bùng phát khiến dư luận bàng hoàng. Đây không phải là một cuộc xung đột thông thường, ngay cả theo những “tiêu chuẩn” của Trung Đông...

Bất ngờ và những toan tính

Israel vừa phải hứng chịu một trong những cú sốc lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua khi bất ngờ bị tấn công trong những ngày cuối cùng của đợt lễ Sukkot quan trọng của người Do Thái. Cuộc tấn công bất ngờ của Phong trào Hồi giáo Hamas có thể sẽ làm thay đổi nhà nước Do Thái, cũng như bối cảnh an ninh khu vực và cả những tính toán của các nhân tố chủ chốt trên trường quốc tế đối với Trung Đông.

Phong trào Hồi giáo Hamas, vốn kiểm soát Dải Gaza từ 15 năm qua, đã thách thức mọi dự đoán khi mở một chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có chống lại Nhà nước Do Thái - một quyết định mang nhiều mục tiêu chiến lược và cũng đầy rủi ro. Cuộc giao tranh mới nhất này phản ánh những xung đột căn bản giữa Palestine và Israel nói riêng và người Hồi giáo với Do Thái nói chung, vốn đã tồn tại từ rất lâu song chưa có lời giải phù hợp. Tuy những mâu thuẫn và xung đột luôn âm ỉ, song những gì diễn ra suốt nhiều ngày qua vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân sâu xa liên quan đến nhiều yếu tố, vậy đâu là những nguyên nhân trực tiếp?

Thế bế tắc của “phương trình Trung Đông” -0
Tay súng Hamas bên giàn hỏa tiễn.

Trước hết, theo giới chuyên gia, giải cứu hàng nghìn tù nhân Palestine bị Israel giam giữ có lẽ là mục tiêu hàng đầu của Hamas. Hàng trăm con tin Israel bị bắt đi trong cuộc tấn công sẽ là “quân bài mặc cả” có giá trị cho phép Hamas đàm phán với Israel trong thế thượng phong. Joost Hiltermann, Giám đốc khu vực Trung Đông của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cơ quan có nhiệm vụ giải quyết xung đột, cho biết hành động của Hamas một phần có thể xuất phát từ lo ngại “bị gạt ra ngoài lề hơn nữa trong cuộc đấu tranh cho chính nghĩa của người Palestine" nếu Saudi Arabia công nhận Israel. Mục đích của Hamas khi quyết định tấn công chắc chắn là muốn có mặt trên “bàn cờ ngoại giao” rộng lớn hơn. Ngoài ra, chính nỗ lực tiếp tục theo đuổi các khu định cư ở Bờ Tây của Israel cũng là động cơ thúc đẩy Hamas phát động cuộc tấn công.

Chính phủ của ông Netanyahu, chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel, vẫn tiếp tục theo đuổi các khu định cư, mặc dù thủ tướng nước này đã rút lại quyết định sáp nhập Bờ Tây vào năm 2020 khi ông tìm cách xích lại gần Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - quốc gia dẫn đầu trong Hiệp định Abraham.

Tiếp theo, có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ Mohammed Deif, thủ lĩnh nhánh quân sự của Hamas có thể tiến hành một chiến dịch tầm cỡ như vậy, một phần nhờ vào địa thế - có đường biên giới chung với Ai Cập, vừa dễ đi lại, vừa dễ tiếp nhận vũ khí, trang thiết bị, nhưng mặt khác cũng là nhờ có nguồn hậu thuẫn hậu cần, tài chính và chính trị từ một số bên.

Đương nhiên, bị động trong cuộc tấn công này của Hamas, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan tình báo Israel. Giới phân tích cho rằng, các đơn vị tình báo Israel khó thoái thác trách nhiệm trong vụ quân đội Israel trở tay không kịp trước cuộc tấn công bất ngờ của Hamas nhằm vào lãnh thổ nước này. Thậm chí, có ý kiến còn nhấn mạnh rằng đây có lẽ là sai lầm lớn nhất của lực lượng tình báo Israel kể từ khi bùng nổ cuộc Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, mà nguyên nhân có thể bao gồm việc nới lỏng cảnh giác vào ngày nghỉ và đấu đá nội bộ dẫn đến sự phân tâm.

Thế bế tắc của “phương trình Trung Đông” -0
Gaza chìm trong khói lửa.

Hệ lụy chồng chất

Cuộc tấn công diễn ra giữa lúc các Chính phủ Mỹ và Israel được cho là đang khá hài lòng về những gì đạt được ở Trung Đông cho đến lúc này. Khoảng một tuần trước khi xung đột nổ ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tự tin nói rằng "khu vực Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn so với 2 thập kỷ trước", đồng thời bày tỏ lạc quan về triển vọng của thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Israel.

Bản thân ông Netanyahu trước đó cũng tự tin cho biết Israel đang đứng trước một phần thưởng lớn hơn - sự công nhận của Saudi Arabia, nước đang bảo vệ hai địa điểm linh thiêng nhất của Đạo Hồi. Thế nhưng, cuộc tấn công đã thay đổi tất cả. Cuộc tấn công của Hamas vào Israel lần này bất ngờ đến mức quy mô và phạm vi cũng như tác động của nó là chưa từng có tiền lệ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đất nước đang bước vào một “cuộc chiến lâu dài và khó khăn”. Tuy nhiên, đây không còn là một cuộc xung đột cục bộ nữa. Vấn đề Israel-Palestine bắt nguồn từ những rạn nứt lớn hơn trong khu vực. Quy mô chưa từng có của cuộc tấn công của Hamas không chỉ làm rung chuyển Israel mà những hậu quả của nó có thể sẽ làm rung chuyển Trung Đông.

Hamas được Iran hậu thuẫn và nhóm chiến binh Hezbollah của Lebanon (cũng được Iran hậu thuẫn) đã tham chiến, tuyên bố họ đứng sau các cuộc tấn công vào Núi Dov, vùng đất mà Israel, Lebanon và Syria đều tuyên bố chủ quyền. Israel từng tuyên bố không muốn leo thang xung đột ở mặt trận phía Bắc của mình và nếu nhóm Hezbollah của Lebanon kiềm chế thì Israel sẽ giữ nguyên tình hình dọc biên giới. Tuy nhiên, lập trường này đã thay đổi sau các cuộc đụng độ chết người với Hezbollah, khiến Israel ngày 15/10 đã tuyên bố biên giới phía Bắc với Lebanon là một khu quân sự khép kín, cảnh báo dân thường không được đến gần biên giới Lebanon trong phạm vi khoảng 4km (2,5 dặm). Động thái của Israel đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực chuẩn bị cho khả năng Hezbollah có thể mở mặt trận thứ hai và hỗ trợ các chiến binh Hamas ở Dải Gaza.

Các đòn ăn miếng trả miếng vẫn tiếp tục diễn ra giữa Israel và Hezbollah dọc biên giới Israel-Lebanon. Israel đã tấn công các sân bay ở Aleppo và Damascus của Syria trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn chặn Iran thông qua Syria để can dự vào cuộc xung đột. Tehran hiện chưa chính thức đe dọa tham chiến nhưng cho biết Israel sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu không ngừng tấn công vào Gaza. Về phía Hamas, lời kêu gọi rộng rãi hơn của Mohammed Deif về “cuộc kháng chiến của người Hồi giáo ở Lebanon, Iraq, Syria và Yemen” cũng đặc biệt nhằm vào các quốc gia có các phong trào được Iran hỗ trợ, đặc biệt là tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Kể từ khi thành lập vào năm 1987, Hamas đã thiết lập mối quan hệ khăng khít với một số tổ chức và quốc gia trong khu vực Trung Đông. Từ những hỗ trợ về mặt tài chính, quân sự, thậm chí cả về mặt tư tưởng, tổ chức Hồi giáo của Palestine này có thể nương tựa vào một số đồng minh sau cuộc tấn công đẫm máu vào Israel hôm 7/10 vừa qua.

Thế bế tắc của “phương trình Trung Đông” -0
Biểu tình đòi chấm dứt bạo lực tại Gaza.

Iran, Algeria và Tunisia đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ Hamas trong những ngày gần đây. Các nước như Qatar hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng đều dành cho Hamas sự ủng hộ dưới nhiều hình thức khác nhau như kinh tế, quân sự, thậm chí là ý thức hệ. Ở cấp độ toàn cầu, có thể thấy rằng với các cuộc tấn công táo bạo, Hamas không chỉ tìm cách khẳng định họ là bên đối thoại chính trong vấn đề Israel-Palestine, mà còn cố gắng làm chệch hướng chiến lược mới nổi của Mỹ đối với khu vực. Thỏa thuận bình thường hóa Israel-Saudi Arabia, nếu được ký kết, sẽ đẩy Iran và Hamas ra ngoài lề và do đó nó đã bị ngăn cản bằng một cuộc tấn công khủng bố lớn vào Israel. Xa hơn, nếu Israel, với sự hậu thuẫn của Mỹ, quyết định đối đầu trực tiếp với Iran vì nghi ngờ nước này có liên quan đến cuộc tấn công của Hamas, Tehran có thể đáp trả bằng cách làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu thô qua eo biển Hormuz, khiến giá dầu thô tăng vọt trên thị trường thế giới.

Nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo

Với con số thương vong lớn của cả Israel lẫn người Palestine, và được dự báo sẽ còn gia tăng trong những ngày tới, những gì đang diễn ra tại đây đe dọa kéo theo vòng xoáy xung đột khó có hồi kết và một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Ngày 17/10, Liên hợp quốc cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Dải Gaza khi người dân Palestine ở vùng lãnh thổ này không còn nơi trú ẩn, trong khi các nguồn cung thiết yếu bao gồm điện và nước đã cạn kiệt. Tại một cuộc họp về tình hình Dải Gaza, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo, bà Joyce Msuya nhấn mạnh: “Thực tế là dân thường ở đây không có nơi nào để đi, không có nơi nào để tránh bom, tên lửa và không có nơi nào để tìm được nước, thực phẩm hoặc để thoát khỏi thảm họa nhân đạo”.

Từ Cairo, Ai Cập, bà Abeer Etefa - quan chức phụ trách truyền thông khu vực của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết hiện dự trữ lương thực ở Dải Gaza chỉ đủ cho 2 tuần, trong khi các cửa hàng bán lương thực chỉ còn đủ nguồn cung trong gần 5 ngày. Việc bổ sung hàng hóa cho những cửa hàng này hết sức khó khăn.

Cùng ngày, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo không đến được Dải Gaza do xung đột vẫn tiếp diễn.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên án việc Israel ra lệnh sơ tán 22 bệnh viện ở phía Bắc Gaza, nơi đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân nội trú. Tổ chức này cho biết việc sơ tán “có thể tương đương với bản án tử hình” đối với nhiều bệnh nhân như trẻ sơ sinh trong lồng ấp và những người được chăm sóc đặc biệt. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cảnh báo tình hình nhân đạo ở Gaza đang “nhanh chóng trở nên không thể giải quyết”.

Nhà Trắng ngày 11/10 cho biết, Mỹ đang chủ động phối hợp với Israel và Ai Cập, Qatar để mở hành lang an toàn dân sự từ Dải Gaza trong bối cảnh xung đột tiếp diễn khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở cả hai bên.

Ngày 16/10, các nguồn tin an ninh cho biết Mỹ, Israel và Ai Cập đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn ở phía Nam Gaza, bắt đầu từ 6h giờ GMT, cùng với việc mở lại cửa khẩu Rafah từ 14h cùng ngày.

Ngay trước chuyến công du ngày 18/10 của Tổng thống Biden đến Israel, một vụ tấn công vào bệnh viện ở thành phố Gaza đã làm hàng trăm người chết. Hai bên Israel và Palestine hiện đang đổ trách nhiệm cho nhau.

Thế bế tắc của “phương trình Trung Đông” -0
Quân đội Israel pháo kích Dải Gaza.

Cuộc chiến của tin giả

Bên cạnh các chiến dịch đẫm máu còn xuất hiện một cuộc chiến thông tin trên không gian mạng, khiến những phân tích và nhận định trở nên càng khó khăn.

Kể từ khi các chiến binh Hamas tràn vào Israel rạng sáng 7/10, hàng loạt video và hình ảnh về cuộc xung đột đã tràn ngập trên mạng xã hội, khiến người xem khó phân biệt được sự thật và hư cấu. Điển hình là các thông tin cho rằng vũ khí của Ukraine mà Nga thu được trên chiến trường đã được Hamas sử dụng để tấn công Israel. Tâm điểm của mối lo ngại ngày càng tăng về tin giả liên quan đến xung đột Israel-Hamas là tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu của mạng xã hội X và tự xưng là “người theo chủ nghĩa chuyên chế về tự do ngôn luận”, người đã phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về việc phổ biến các thuyết âm mưu và chủ nghĩa bài Do Thái trên nền tảng này. Tuy nhiên, Elon Musk không thừa nhận.

Chuyên gia Hani El Masri, một nhà phân tích chính trị ở thành phố Ramallah, nhận xét: "Tình trạng leo thang xung đột hiện nay cũng sẽ củng cố những tiếng nói cho rằng nếu không có giải pháp cho người Palestine thì sẽ không có giải pháp cho hòa bình Trung Đông".

Lời giải nào cho “phương trình Trung Đông”?

Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, tình trạng leo thang xung đột hiện nay có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Không khó để nhận thấy rằng cả hai bên - Hamas và chính phủ dân tộc cực đoan của Israel - đều phản đối bất kỳ lựa chọn hòa bình nào. Thực vậy, mặc dù Mỹ và Saudi Arabia từ lâu đã hiểu rằng bất kỳ tiến bộ nào trong quá trình bình thường hóa đều phụ thuộc vào tiến trình hướng tới giải pháp 2 nhà nước, song có 2 trở ngại ngáng đường, đó là Chính phủ Israel cực hữu mà nhiều người cho rằng không thể thỏa hiệp và Phong trào Hamas ở Gaza - lực lượng đang đứng bên ngoài cuộc đàm phán.

Lối hùng biện không khoan nhượng của ông Netanyahu dù đã thu hút được những người ủng hộ ở trong và ngoài nước nhưng nó chưa bao giờ phù hợp với thực tế. Lời cam kết sử dụng các gói kinh tế sẽ xoa dịu người Palestine cũng chỉ mang lại kết quả là một sự gắn bó mạnh mẽ hơn bao giờ hết của họ với mảnh đất của mình, hơn bất kỳ lời mời gọi nào về kinh tế dành cho họ.

Các chuyên gia hầu hết đều đưa ra nhận định chung rằng một trong những yêu cầu tối thiểu để xoa dịu người Palestine là việc Israel ngừng mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, nhưng cơ cấu hiện tại trong Chính phủ Israel sẽ khiến yêu cầu này trở nên khó chấp nhận. Các bộ trưởng trong chính phủ của ông Netanyahu đã công khai nói rằng họ muốn theo đuổi việc sáp nhập hoàn toàn Bờ Tây.

Đáng tiếc là khả năng hồi sinh của cánh tả Israel và khả năng khôi phục tiến trình hòa bình với Palestine là rất thấp. Hiện nay, đảng Lao động đã tụt dốc từ đỉnh cao quyền lực xuống thành một trong những phe phái nhỏ nhất trong Quốc hội Israel.

Lựa chọn tốt nhất đối với Israel và toàn bộ khu vực hiện nay là đưa chính quyền Palestine nắm quyền quản lý Dải Gaza, nhưng không mấy ai lạc quan về khả năng này và không chắc liệu đây có phải là lựa chọn dễ thực hiện nhất hay không trong tương lai gần. Trước mắt, Israel chỉ xác định sẽ đánh bại, lật đổ Hamas khỏi chính quyền Gaza, xóa bỏ năng lực quân sự của tổ chức này. Câu hỏi đặt ra là Israel cần phải giáng một đòn mạnh đến thế nào để Hamas đủ suy yếu, sẽ bị các lực lượng khác thế chân và không còn đủ lực để tái diễn các vụ phóng rocket? Sự thất bại của tình báo Israel vừa qua cho thấy tính toán việc này là rất khó và số phận của các con tin sẽ vẫn là một hạn chế nghiêm trọng đối với hành động của Israel ở Gaza. Lời nói của Moshe Ya'alon, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel, giống như một lời cảnh tỉnh: “Chúng ta không thể hy vọng loại bỏ hệ tư tưởng của Hamas chỉ bằng một chiến dịch quân sự”.

Tiếp theo, không thể không nhắc đến vai trò của Mỹ - “viên sen đầm quốc tế”. 3 thập kỷ đàm phán liên tục do nước này làm trung gian đã không thể đạt được thỏa thuận hòa bình và không giúp thành lập một nhà nước Palestine độc lập, vốn từ lâu được coi là chìa khóa để chấm dứt bạo lực. Và, mặc dù các quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ không để vòng xung đột mới này làm chệch hướng các cuộc thảo luận bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ bao gồm một số nhượng bộ của Israel đối với người Palestine, nhưng những nhượng bộ đó là gì thì sẽ vẫn là chủ đề của các cuộc đàm phán. Mỹ có truyền thống ủng hộ mạnh mẽ Israel và các lợi ích an ninh của nước này. Các ý kiến đều cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nên tiếp tục thực hiện tốt cam kết sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ Israel. Việc Mỹ điều một nhóm tàu sân bay tác chiến tới khu vực Địa Trung Hải để sẵn sàng hỗ trợ Israel là một tín hiệu quan trọng chứng minh điều đó. Câu hỏi đặt ra là nhóm tàu này có thể hoặc sẽ làm gì hơn ngoài việc đến hiện trường? Trong khi đó, một số ý kiến bày tỏ lo ngại về sự hỗ trợ “vô điều kiện” của Mỹ khi phản ứng quân sự của Israel vượt quá quyền tự vệ, đồng thời cảnh báo việc giải quyết không tốt vấn đề Palestine sẽ gây tổn hại cho các nước láng giềng, qua đó gây hậu quả trên khắp Trung Đông.

Thế bế tắc của “phương trình Trung Đông” -0
Các tay súng Hamas tại một khu dân cư.

Về phía Trung Quốc, với tầm quan trọng và ảnh hưởng toàn cầu hiện nay, họ khó có thể đứng ngoài cuộc xung đột này. Sau khi hỗ trợ Iran và Saudi Arabia tái thiết lập quan hệ, Trung Quốc hiện đang được kỳ vọng trở thành một bên trung gian cho xung đột Israel-Hamas. Kể từ khi xung đột nổ ra, lập trường và thái độ của Trung Quốc đã có những thay đổi tinh tế, từ cố gắng giữ thái độ trung lập đến công khai ủng hộ Palestine.

Những lợi ích kinh tế đáng kể ở Trung Đông, bao gồm các hợp đồng năng lượng, các dự án cơ sở hạ tầng..., đặc biệt là dự án Vành đai và Con đương, chính là động lực thôi thúc Bắc Kinh sẵn sàng đứng ra hòa giải cuộc xung đột này. Các cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Vương Nghị và đặc phái viên về vấn đề Trung Đông Trác Tuyển với các bên Palestine, Israel, Ai Cập, Saudi Arabia, UAE... đã chứng minh nỗ lực của Bắc Kinh, nhưng vẫn còn phải chờ xem hiệu quả của nó.

Tất nhiên, mọi giải pháp được đề xuất ở trên đều chỉ mang tính tạm thời và như lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, “tạo ra một nhà nước Palestine sống cạnh Israel... là con đường đáng tin cậy nhất để giải quyết xung đột. An ninh không thể được đảm bảo chỉ bằng những cuộc chiến chống khủng bố”.

Quả thực, trong các cuộc tranh luận hiện nay về việc ai bị coi là kẻ khủng bố, chẳng mấy ai để ý đến việc người Arab Palestine đã sống trong tình trạng bị lãng quên trong nhiều thập kỷ. Họ là ai và vùng đất nào là của họ? Họ là cư dân của “Lãnh thổ bị chiếm đóng”, “Bờ Tây”, “Judea và Samaria” hay... gì khác? Nhà nước Palestine được 139 quốc gia công nhận và là quan sát viên phi thành viên của Liên hợp quốc kể từ năm 2012. Israel, quốc gia kiểm soát lãnh thổ thực tế, chỉ coi người Palestine là những người định cư tạm trú, là một trở ngại cho việc thành lập một nhà nước “bình thường” của người Do Thái - người bản địa thực sự duy nhất.

Israel, đặc biệt là chính phủ cực hữu của mình, và cả thế giới, cần nhận ra một thực tế rằng “phương trình Trung Đông” có lẽ sẽ không bao giờ giải được nếu Palestine không phải là một biểu thức trong đó.

Ngọc Bích
.
.