Thái Bình Dương trước vùng xoáy mới

Thứ Ba, 27/02/2024, 14:10

“Chúng ta sẽ có hạm đội hải quân lớn nhất, kể từ khi Đệ nhị Thế chiến khép lại”. Lời tuyên bố hôm 20/2 của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, hiển nhiên, là sự phác họa viễn cảnh mà trong đó, Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang, trong sự thay đổi của những cấu trúc địa chính trị toàn cầu.

Một thập kỷ quay cuồng trước mắt

Đó sẽ là kế hoạch kéo dài tới 10 năm mà Chính phủ Australia đương nhiệm đặt ra, với mục tiêu tăng gấp đôi hạm đội tàu chiến lớn, đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7 tỷ USD. Theo dự án này, Australia sẽ có lực lượng hải quân từ 11 tàu chiến mặt nước lớn hiện nay lên 26 chiếc.

Cụ thể, kế hoạch mới sẽ cho phép Australia tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,4% tổng sản phẩm quốc nội, nghĩa là thậm chí còn cao hơn mục tiêu 2% do các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra.

Thái Bình Dương trước vùng xoáy mới -0
Tăng gấp đôi quy mô và nâng cấp hạm đội hải quân, Australia sẵn sàng trở thành một cường quốc đại dương đích thực.

Australia sẽ đóng 6 tàu khu trục lớp Hunter, 11 tàu khu trục đa năng và 6 tàu chiến mặt nước hiện đại. Một số hạm đội sẽ được trang bị tên lửa Tomahawk có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Từ tháng 8/2023, Canberra đã thông báo rằng họ sẽ mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ, trị giá 1,3 tỷ USD. Theo một tuyên bố khác từ Bộ Quốc phòng Australia, chính phủ nước này đã phân bổ ngân sách hơn 1,7 tỷ USD để mua sắm các hệ thống vũ khí mạnh nhất và có công nghệ tiên tiến nhất.

Tham vọng vươn mình trở thành một cường quốc đại dương đúng nghĩa, với thực lực hải quân hùng hậu, không hề bị che giấu. “Australia sẽ trở thành một trong 3 quốc gia sở hữu khả năng tấn công tầm xa, khi mua hơn 200 tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ để trang bị cho các tàu khu trục lớp Hobart của hải quân”, Bộ Quốc phòng Australia khẳng định.

Australia cũng sẽ mua hơn 60 tên lửa dẫn đường chống bức xạ tầm xa để trang bị cho máy bay chiến đấu Growler, Super Hornet và F-35A, với tổng trị giá 431 triệu USD. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Australia cũng sẽ phân bổ hơn 50 triệu USD để trang bị cho xe bọc thép Boxer tên lửa dẫn đường chống tăng. Theo tuyên bố, việc chuyển giao tên lửa dẫn đường Spike đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra ngay đầu năm 2024 này.

Chi tiết hơn, theo trang Naval News,  Australia có 11 tàu khu trục tên lửa dẫn đường đa năng, có thể thực hiện các nhiệm vụ phòng không, tấn công mặt đất và hộ tống. 8 tàu trong số này sẽ được đóng và hạ thủy ngay ở bờ biển phía Tây Australia (giáp ranh với Tây Nam Thái Bình Dương). 3 chiếc còn lại sẽ được đóng ở nước ngoài (Tây Ban Nha, Đức, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản) để có thể giao hàng vào thời điểm cuối thập niên này. Theo Bộ trưởng Marles, các thiết kế từ 4 quốc gia này đã được đưa vào danh sách rút gọn theo yêu cầu, việc lựa chọn cuối cùng sẽ được thực hiện vào năm tới.

Những thông tin trên được đưa ra, khi các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương tăng cường hoạt động vũ trang, cũng như trong bối cảnh các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ở một số khu vực khác trên thế giới. Có thể hiểu, đó là một đòi hỏi bức thiết từ thực tế và chuyện công khai các mục tiêu nâng cấp hải quân này cũng chính là lời răn đe “ý tứ”, dành cho các cường quốc quân sự quanh Thái Bình Dương bị Canberra xem là những hiểm họa đối địch.

Tuy nhiên, cũng đã có những rào cản và cạm bẫy hé lộ.

Những thách thức vô hình

Chính Naval News đặt câu hỏi: “Làm thế nào để (Chính phủ Australia) trả tiền cho dự án này?”. Và, đây là câu trả lời mà họ đưa ra: Buộc phải có những sự bù trừ từ các dự án khác, nhằm cung cấp kinh phí cho tiến trình nâng cấp hạm đội hải quân Australia. Canberra đã buộc phải cắt giảm số lượng tàu khu trục lớp Hunter đang được đóng ở Nam Australia từ 9 xuống còn 6, sau khi đánh giá cho thấy chi phí để đóng tất cả các tàu khu trục theo kế hoạch đã tăng lên 65 tỷ AUD (tương đương 42 tỷ USD), từ mức 45 tỷ AUD ban đầu. Chương trình bổ sung các tuần dương hạm lớp Arafura trị giá 3,96 tỷ AUD cũng đang “co lại”, từ 12 tàu xuống chỉ còn 6 tàu.

Mặc dù việc cắt giảm cả hai chương trình chắc chắn sẽ mang lại một số khoản kinh phí quan trọng nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có được phân phối trong khung thời gian hữu ích, để số tiền được tái đầu tư vào ưu tiên trước mắt - là xây dựng hạm đội hiện đại “Cấp 2” vừa được công bố - hay không. Trong trường hợp của chương trình lớp Hunter, chỉ có 3 chiếc cuối cùng bị hủy bỏ. Điều này có nghĩa là các khoản tiết kiệm lớn, trừ các hạng mục cần có thời gian dài, sẽ không được thực hiện cho đến tận thập kỷ tới.

Thái Bình Dương trước vùng xoáy mới -0
Tài chính và nhân lực, cùng sự cân bằng về nhiều mặt sẽ là những bài toán không dễ giải với những quốc gia ở Thái Bình Dương.

Không chỉ vậy, “con người” cũng là một vấn đề nan giải đối với lộ trình hiện đại hóa vượt bậc hải quân Australia. Những thách thức về lực lượng, cả trong ngành công nghiệp quốc phòng lẫn các nhiệm vụ của hải quân Hoàng gia Australia, có khả năng làm hỏng kế hoạch của chính phủ đối với hạm đội mới, trước khi nó được triển khai. Ở bờ biển Tây Australia, nơi sẽ đóng 8 tàu chiến nhỏ “Cấp 2” mới, các công ty đóng tàu quân sự đã phải vật lộn để thu hút và giữ chân nhân tài trước sự cạnh tranh gay gắt từ ngành khai thác mỏ của bang, dẫn đến hàng loạt sự chậm trễ trên nhiều lịch trình, theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Australia.

Trước đây, chương trình đóng chiến hạm lớp Hunter cũng phải vật lộn với các vấn đề về lực lượng lao động ở Nam Australia và sẽ còn sớm phải cạnh tranh với bất kỳ công ty nào được chọn đóng tàu ngầm SSN-AUKUS.

Trên phương diện quân sự thuần túy, hải quân Hoàng gia Australia yếu và liên tục thiếu các mục tiêu tuyển dụng, dẫn đến số lượng nhân sự tại ngũ giảm hằng năm. Tệ hơn, theo giải trình của Phó Đô đốc hải quân Mark Hammond trước Thượng viện, phần lớn nhân viên kỹ thuật có tay nghề cao đang rời đi, tạo ra những thách thức về lực lượng lao động. Mặc dù các tàu chiến “Cấp 2” mới có thể sẽ yêu cầu ít thủy thủ đoàn hơn lớp Anzac cũ, nhưng sẽ có nhiều tàu hơn. Do đó, các kỹ năng kỹ thuật quan trọng chắc chắn vẫn là nhu cầu cao đối với toàn hạm đội đang được mở rộng quy mô, gây áp lực to lớn lên lực lượng lao động hải quân, cùng lúc với những chương trình đa phương được triển khai trong khuôn khổ liên minh AUKUS (Mỹ - Anh - Australia).

Một cách ngắn gọn, như tờ France-24 nhận xét: Các dự án quốc phòng lớn của đất nước này từ lâu đã bị bao vây bởi chi phí vượt mức cùng sự thay đổi chính sách của chính phủ, đặc biệt là những thay đổi về chính sách và các kế hoạch dự án có ý nghĩa tạo việc làm ở địa phương hơn là phục vụ nâng cao năng lực quốc phòng.

Và, Michael Shoebridge, một cựu quan chức an ninh cấp cao và hiện là nhà phân tích độc lập, nhắc nhở: Chính phủ Australia phải khắc phục những sai lầm trong quá khứ, bởi “không còn thời gian để phung phí”, khi cạnh tranh trong khu vực Thái Bình Dương ngày càng nóng lên. Nếu không tiết chế các chương trình trang bị khí tài quân sự, đó sẽ là "con đường quen thuộc dẫn đến sự chậm trễ, rắc rối trong xây dựng, tăng chi phí. Cuối cùng, những con tàu đi vào hoạt động quá muộn với hệ thống bị lỗi thời so với những bước thay đổi chóng mặt về công nghệ". Nghĩa là, nói một cách khác, việc tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri bằng những lời hứa về việc liên tục đóng các tàu chiến hiện đại sẽ không thể được xem là ưu tiên hàng đầu.

Mâu thuẫn giữa tham vọng với nguồn lực tài chính thực tế này, một lần nữa, được Naval News cô đọng: Mặc dù phản hồi của chính phủ nghe có vẻ tốt trên giấy tờ, nhưng thực hiện lại là vấn đề khác. Nối nhau, Chính phủ Australia qua các thời kỳ đã phải vật lộn để quản lý các dự án đóng tàu với những cải cách và thay đổi được hứa hẹn, nhưng hiếm khi được thực hiện. Hiện tại, do những trục trặc và sự chậm trễ này, hải quân Hoàng gia Australia đang vận hành đội tàu lâu đời nhất mà họ từng có trong lịch sử, vào thời điểm mà nhu cầu về dịch vụ tiếp tục gia tăng và môi trường chiến lược tiếp tục xấu đi.

Tất nhiên, kể từ khi bắt tay cùng Mỹ và Anh để AUKUS ra đời (mà đổi lại là sự rạn nứt quan hệ với Pháp, do hủy bỏ một hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD vào năm 2021), Australia đã phát đi những tín hiệu rõ ràng rằng họ sẵn sàng trả giá để nâng cao thực lực quân sự, nhằm vươn tầm thành một quyền lực đúng nghĩa trên Thái Bình Dương, đứng giữa tam giác Mỹ - Nga - Trung. Song, các vấn đề kinh tế-xã hội sẽ ngày càng tạo ra nhiều cạm bẫy và áp lực hơn, cho bất cứ ý tưởng quân sự nào, như hiện thực các điểm nóng xung đột toàn cầu đang là những minh chứng hoàn hảo.

Thiên Thư
.
.