Thách thức an ninh phi truyền thống: Những cơn sóng dữ bủa vây
Có lẽ chưa bao giờ những ý niệm về các “thách thức an ninh phi truyền thống” lại trở nên rõ ràng và dễ hình dung đến như vậy, đối với các cư dân của Địa cầu. Chiến tranh hay xung đột dĩ nhiên vẫn là những bóng ma ám ảnh ghê rợn nhất, song, thoát thai từ chúng và song hành với chúng, năm 2022 còn chứng kiến nhiều mệnh đề sinh tử khác - những mối nguy sẽ còn hằn sâu và đòi hỏi cách tiếp cận nghiêm túc hơn nữa trong năm 2023.
1. Những ngày cuối cùng của năm 2022, tê liệt trong băng giá và bão tuyết, nước Mỹ - cường quốc số 1 thế giới - phải hủy tới hơn 3.100 chuyến bay. Trong thông báo ngày 23/12, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết hơn 200 triệu người, tương đương 60% dân số Mỹ, nằm trong khu vực cảnh báo thời tiết nguy hiểm do bão lớn. Đây là phạm vi cảnh báo lớn chưa từng có ở Mỹ. Cũng trong buổi sáng ấy, hơn 350.000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh rơi vào tình trạng mất điện.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, có những khu vực nhiệt độ xuống tới âm 26,3 độ C. Còn trước đó, suốt cả năm 2022, hàng loạt hiện tượng khí hậu dị thường xảy đến trên khắp thế giới, từ lũ lụt ở Pakistan, mùa hè nóng nhất châu Âu trong 500 năm qua, các trận bão lớn tại Philippines, Cuba, Mỹ (và cả Việt Nam).
Biến đổi khí hậu - môi trường toàn cầu đã không chỉ còn là một mối lo mơ hồ, từ lâu lắm rồi. Song, đến năm 2022 này, khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thống thiết nhắc đi nhắc lại: “Giờ đây, gần một nửa nhân loại đang sống trong vùng nguy hiểm. Giờ đây, nhiều hệ sinh thái đang trong tình trạng không thể quay lại như trước. Giờ đây, vấn đề ô nhiễm carbon không được kiểm soát đang đẩy cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới rơi vào tình trạng bị phá hủy...”, để liên tục nhắc nhở: “Điều cần làm bây giờ là thực hiện mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Khoa học chỉ ra rằng để đạt được điều đó, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng, theo các cam kết hiện tại, lượng phát thải toàn cầu sẽ tăng gần 14% trong thập kỷ hiện tại. Đó là một thảm họa!”..., thì có nghĩa là thảm họa ấy đã hiện hữu thực sự rõ rệt.
Vấn đề là, loài người vẫn chưa có cách nào khả thi nhằm “hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”. Thậm chí, đối với không ít đại biểu của giới khoa học, mục tiêu ấy đã trở thành bất khả thi, bởi những nền kinh tế hàng đầu chẳng những không thể đoạn tuyệt, mà còn đang bắt buộc phải quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch. Và, nói như những nhà phân tích lạnh lùng, việc thành lập Quỹ Tổn thất và Thiệt hại (Loss & Damage Fund) được coi là thành tựu lớn nhất tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27), cũng có nghĩa là thế giới bế tắc trong các giải pháp cụ thể ở các vấn đề mấu chốt.
Những tranh cãi xung quanh vấn đề này, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng chảy sự kiện quốc tế năm 2023 và cả những năm sau.
2. Thế nhưng, ngay từ cuối năm 2022 này, một mối hiểm họa còn chưa kịp phai mờ đã trở lại, hay ít nhất là “hăm dọa” về việc nó có thể trở lại, theo cách tương đối âm thầm. Vì vậy, có lẽ, nó sẽ còn đáng sợ hơn.
Ngày 25/12, theo Thời báo Hoàn cầu, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo sẽ không tiếp tục công bố số liệu người mắc COVID-19 hằng ngày. Các thông tin liên quan đến COVID-19 sẽ được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) công bố để tham khảo và nghiên cứu.
Đây là động thái tiếp theo trong việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục hạ cấp độ quản lý dịch bệnh. Trước đó, NHC cũng ngừng việc công bố số liệu người mắc COVID-19 không triệu chứng từ 14/12. Đây là những bước đi quan trọng để Trung Quốc tiến tới việc mở cửa hoàn toàn - một tín hiệu tích cực đối với guồng máy kinh tế thế giới. Bởi, 3 năm qua, với chiến lược “Zero COVID” mà Trung Quốc áp dụng, nền kinh tế toàn cầu đã không chỉ mất đi một “đại công xưởng”, mà còn phải chịu đựng những hệ quả khác trong tiến trình hồi phục, ví dụ như sự suy giảm sức mua của thị trường 1,41 tỷ dân, hay những biến động về giá và sản lượng dầu (do nhu cầu không còn quá lớn).
Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng sẽ là rất lớn, đặc biệt là trong mắt các nhà phân tích bi quan. Ví dụ, theo Bloomberg, dù hiện tại chưa có đầy đủ dữ liệu đáng tin cậy về mức độ lây lan của COVID-19 hay số người mắc bệnh tử vong tại Trung Quốc, nhưng một điều chắc chắn là dịch bệnh này đã có mặt tại tất cả các tỉnh thành của nước này, trước khi hoạt động xét nghiệm hàng loạt và thường xuyên chấm dứt. Việc Bắc Kinh gỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế phòng dịch đồng nghĩa giờ đây virus này có thể lưu hành tự do.
Cũng theo Bloomberg, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 12, khi đợt bùng dịch COVID-19 quy mô lớn lan rộng trên cả nước, qua đó mở ra những triển vọng kinh tế không mấy tươi sáng cho năm 2023. Các hoạt động kinh tế và xã hội, vốn vẫn đang sụt giảm mạnh khi nhiều người dân có xu hướng ở nhà để tránh bị nhiễm virus (hoặc để phục hồi vì đã bị nhiễm virus), chưa có nhiều tín hiệu sẽ được cải thiện rõ rệt trong ngắn hạn. Từ trước khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, chi tiêu tiêu dùng đã ngày càng giảm sâu và sản lượng công nghiệp đã tăng trưởng ở mức thấp nhất.
Trong khi đó, từ Mỹ, Viện Chỉ số và Đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo: Số ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng ngày 1/4, khi đó số ca tử vong sẽ lên tới 322.000. Giám đốc IHME Christopher Murray cho rằng khoảng 1/3 dân số Trung Quốc sẽ bị nhiễm bệnh vào thời điểm đó. Các chuyên gia khác và những nguồn khác, thậm chí còn bi quan hơn, khi cảnh báo: Khoảng 60% dân số Trung Quốc cuối cùng sẽ bị nhiễm COVID-19 và đỉnh dịch dự kiến xảy ra vào tháng 1/2023, ảnh hưởng nặng nề nhất đến những nhóm dân số dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người già và những người mắc bệnh nền.
Những nhận định này ít nhiều làm hoen ố các viễn cảnh màu hồng, cho dù Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định: Về cơ bản, tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở nước này là có thể dự đoán và kiểm soát được (ngày 23/12).
Cùng lúc, ở Hàn Quốc, ngày 24/12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) thông báo: Số ca mắc mới ở Hàn Quốc giảm nhẹ, song với 70 ca, số ca tử vong vì COVID-19 đã đạt mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua.
Còn ở Nhật Bản, giới chuyên gia y tế lo ngại: Số ca nhiễm mới tại Nhật Bản có thể sẽ tăng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của số ca tử vong do COVID-19, vốn đã vượt ngưỡng 300 ca/ngày, gần tương đương với giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng thứ 7.
Dường như, ánh nắng ấm áp và bầu không khí giàu hơi ẩm của mùa xuân đang gợi lại những ký ức kinh hoàng còn nóng hổi, về trận dịch bệnh đáng sợ nhất lịch sử nhân loại.
3. Và, không chỉ có biến đổi khí hậu hay đại dịch, những thách thức an ninh phi truyền thống khác cũng đang gây ra rất nhiều sự phân mảnh trong kết cấu xã hội loài người.
Chúng ta đã và đang khép lại một năm mà tình trạng lạm phát “càn quét” khắp các quốc gia. Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn dự báo chỉ số lạm phát toàn cầu sẽ đạt 8,8% cho năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1996. Song, đáng sợ hơn, đơn cử như ở Mỹ, dù lạm phát tổng thể đã giảm trong tháng 11 - tháng giảm thứ 5 liên tiếp - nhưng giá lương thực vẫn tiếp tục tăng. So với 12 tháng trước đó, giá cà phê đã tăng 15%, bánh mì tăng 16%, rau đông lạnh tăng 18%, trái cây đóng hộp tăng 21% và trứng tăng 49%.
Để giải quyết vấn đề lạm phát, Cục Dự trữ liên bang (FED) đã tăng lãi suất cơ bản 7 lần trong năm 2022. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng hành động tương tự. Nhưng, như hãng AP nhận xét, đó vẫn là “một cuộc chiến không hồi kết”.
Ông Jason Furman, nhà kinh tế học Harvard, từng là cố vấn hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: "Lạm phát rất có thể đã đạt đỉnh và sẽ thấp hơn vào năm 2023 so với năm 2022. Vấn đề là “thấp hơn” có thể có nghĩa là 3% hoặc 4%, vẫn là quá cao đối với FED. Và, mức thấp hơn đang xảy ra một phần là do nền kinh tế đang suy yếu".
Cùng lúc, những vấn đề như khủng hoảng an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng, sự trở lại của những dòng người di cư và nhập cư bất hợp pháp, sự gia tăng của các hình thức tội phạm mạng, hay cả sự manh nha trỗi dậy (từ khốn cùng và bất bình đẳng) của chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng đang khiến cục diện thế giới 2023 thêm phần mờ mịt. Sáng 26/12 (theo giờ địa phương), một vụ nổ lại gầm lên ở lối vào Sở Cảnh sát thành phố Faizabad, thủ phủ tỉnh Badakhshan, Đông Bắc Afghanistan là một ví dụ.