Thả cọp về rừng rồi… bắt cả đàn
Tài trí của lực lượng CAND Việt Nam trong Kế hoạch phản gián CM12 qua "trò chơi nghiệp vụ" chính thức mở màn từ ngày 9/9/1981 và khép lại đúng 3 năm sau. Suốt thời gian này, rất nhiều tình huống mà lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thời điểm đó, mà đích thân đồng chí Bộ trưởng phải cân não để có chỉ đạo cụ thể, sát sao, phù hợp thế trận.
Chính sự thận trọng, chắc chắn đó đã góp phần vào thắng lợi cuối cùng của kế hoạch, bắt giữ cả thủ lĩnh và 189 tên biệt kích, hàng trăm tấn vũ khí, tiền giả cùng nhiều tang vật của "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" - một tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh giữ vai trò đồng chủ tịch, được chính quyền cực hữu một số quốc gia dung túng, hà hơi tiếp sức...
Gái nhảy Sài Gòn xuống miền Tây đón thượng cấp
Sau suốt cả đêm di chuyển chủ yếu theo đường sông rạch, qua nhiều trạm, chốt, khoảng 8h sáng 5/6/1982, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh (biệt danh C4 và C5) được đưa về tới xã Vĩnh Mỹ A, nay thuộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, ghé nhà vợ chồng ông Năm Hòa, một người "bà con" của Hai Râu. Túy nhỏ hơn Hạnh 6 tuổi nhưng cả hai từng thân nhau khi cùng học ở Trường không quân Avord (Pháp). Bữa cơm trưa đó có món canh chua lươn, mắm kho, Hạnh rất… khoái nhưng Túy lại vẻ không hạp khẩu dù là dân gốc Đồng Tháp.
Thật ra, khi đó Túy sốt ruột, chỉ mong sớm được gặp lại… Anh Đào. Đây là một gái nhảy trong bar Maxim's trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Người cáp Anh Đào cho Túy là Lệ Duyên, cũng là một gái nhảy và từng là người tình của… Túy. Duyên tìm người mới cho Túy sau khi cô ta gặp người tình trẻ hơn. Và Duyên cũng mai mối Cẩm Thương cho Hạnh.
Di chuyển chặng đường xa gần 300 cây số từ TP Hồ Chí Minh xuống, trưa hôm đó, Anh Đào tới Bạc Liêu. Gặp lại người tình sau đúng 7 năm xa cách, Túy chạy ra ôm Anh Đào khi cô ta còn chưa kịp bỏ giỏ xách có mấy trái sầu riêng xuống. Anh Đào nũng nịu, nghênh mặt, chu mỏ cho Túy hôn như mưa, như chốn riêng của hai người. Được Hai Râu dự báo trước nhưng khi chứng kiến cảnh tình tứ giữa Túy và Đào, vợ chồng Năm Hòa nóng ran cả mặt.
Tới bữa cơm chiều hôm đó, nhớ lại lần đi cùng trên một chuyến xe với Anh Đào, Hai Râu tìm cách hỏi thăm dò. Khi cô ta nói "không nhớ", ông thở phào, mừng thầm, cũng có thể do giờ mình khác đi rất nhiều, nhất là râu tóc xồm xoàm, người đen đúa và gầy hơn. "Nhưng nếu tối đến, cô ta nhớ ra mình, thủ thỉ với Túy thì sao?", giật mình với giả thiết này, Hai Râu liền nháy mắt cho một người tìm cớ hợp lý rời khỏi nhà Năm Hòa, báo ngay cấp trên nghĩ cách cho Đào về lại thành phố.
Vừa bước ra ngoài, Hai Râu lại nghe một tình huống ngoài dự kiến. Do nghi ngờ Túy, Hạnh là "đám vượt biên móc nối với cán bộ Công an biến chất" nên chủ nhà đã báo cho… xã đội. Hai Râu kể, sau này mới biết, do lúc xây dựng cơ sở, ta không nói rõ mục đích trong khi vợ chồng chủ nhà lại thuộc người cảnh giác quá mức. Thật may, Chỉ huy tiền phương đóng cách đó không xa nên ngay khi nghe báo cáo, đồng chí Hai Tân (sau này là Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh), quyết định cho… chuyển Túy, Hạnh đến điểm khác; đồng thời chỉ đạo Trưởng Công an huyện kịp cử người đến, chặn anh em xã đội xuống địa bàn...
Đang lúc không thích thái độ của vợ chồng chủ nhà nên khi nghe nói sẽ chuyển đến điểm nhà khác, cả Túy, Hạnh đều phấn khởi. Từ tác động của Hai Râu, Hạnh kề miệng vào tai nói nhỏ nên Túy thấy cũng hợp lý. Nhưng khi Đào nũng nịu "mới gặp, chưa kịp làm gì đã kêu em về", Túy lại đổi ý... Anh Đào mừng ra mặt bởi không phải chỉ vì sẽ có thêm nhiều tiền đô Túy cho mà vì sẽ có thêm thời gian để bày tỏ ước nguyện sau này ra nước ngoài sinh sống.
Về phần Hạnh, đọc thư người tình Cẩm Thương giải thích lý do không thu xếp để về Bạc Liêu chơi được, lại thấy cảnh Túy - Đào quấn quýt mặn nồng, mặt Hạnh buồn so.
Còn địa điểm sắp dời tới là căn nhà quay mặt ra kênh Xáng Bạc Liêu - Cà Mau của vợ chồng ông Sáu Tiệm, Hạnh chẳng lạ lẫm gì bởi trung tuần tháng trước đó, khi về "quốc nội", ông ta cũng được bố trí ở đây gần cả tuần. Nhớ lại những ngày đó, Hạnh rất ấn tượng với các món dân dã như thịt kho tàu, canh chua cá lóc, rau lụa chấm mắm… do chính tay bà Sáu Tiệm nấu. "Hạnh từng xuýt xoa: Ngon quá. Bên Tây làm gì có món độc đáo thế này mà ăn. Trước hôm tiễn Hạnh xuống vỏ lãi để ra biển, trở về "mật cứ" ở nước ngoài, bà Sáu Tiệm còn chu đáo nấu cháo gà, luộc hột vịt. Biết Hạnh hảo ngọt, bà Sáu còn nấu chè đậu đen; thức cả đêm canh nồi bánh tét để kịp làm quà cho "chú Năm" và anh em. Hạnh từng rất cảm động", Hai Râu kể.
Chiều tối đó, Túy, Hạnh, Anh Đào và Hai Râu được chở bằng xe máy tới nhà ông bà Sáu Tiệm. Trên đường đi, Anh Đào bị té, quần áo bê bết bùn sình. Không mang theo quần áo nên tắm rửa xong, cô ta đành phải tạm khoác bộ pijama của Túy. Khi được báo việc hày, Chỉ huy tiền phương cho người khẩn trương đi mua vải, chuyển đến để bà Sáu Tiệm may cho Túy - Đào mỗi người một bộ. Túy cảm thấy hài lòng vì sự chu đáo của Hai Râu, kể cả việc bố trí cho Túy - Hạnh lần lượt tiếp xúc với em trai Túy là Lê Quốc Quân; đặc biệt là các "kháng chiến quân" đã xâm nhập trước đó.
Càng tiếp xúc, Túy - Hạnh càng thêm niềm tin với "mật cứ", các "Kinh Kha" trong nước, đứng đầu là Hai Râu. Tối đó, sau khi nghe Hai Râu báo thêm về những việc có liên quan ở "quốc nội", Túy đi ngủ sớm với Anh Đào... Đến chiều ngày thứ ba, sau khi ứng xử ổn thỏa, xóa tan mọi nghi ngờ của Túy (khi nghe Anh Đào bỗng kể chuyện cô ta nghe Quân khu 7 bắt một toán biệt kích xâm nhập có vũ khí từ ngoài về), lấy cớ cô này biết nhiều chuyện quá sẽ hỏng việc lớn, Hai Râu nói riêng với Hạnh nên báo với Túy cho Đào quay về Sài Gòn. Thế nhưng một lần nữa, Túy "say mồi", cho người tình ở lại thêm 1 đêm. Đến sáng hôm sau khi chia tay với Đào, Túy hẹn "lần sau mình sẽ vui thoả thích ở Sài Gòn".
Ngày 10/6/1982, bà Sáu Tiệm nấu cháo bồi dưỡng khách "VIP". Và trong ngày cuối cùng này, Hai Râu lần lượt báo cáo với Túy - Hạnh về kế hoạch hành động, phát triển lực lượng và mở rộng địa bàn xây dựng "mật cứ". Lộ vẻ hài lòng, Túy nói, thời gian tới, Hai Râu phải sang "mật cứ" để giúp các "kháng chiến quân" thêm niềm tin trước khi xuống tàu về nước.
Chiều đó, hai "đồng chủ tịch" được bố trí xuống vỏ lãi chở ra biển. Hai Râu cùng và anh em cố tình đi chậm, băng đường lắt léo, và ngủ một đêm trong chòi lá ở Rạch Ruộng (như lần trước Hạnh vào) để cho Túy thấy mọi việc không dễ dàng. Đến tối 11/6/1982, Túy, Hạnh được tiếp tục di chuyển về hướng vàm Mỹ Bình (nay thuộc Phú Tân, Cà Mau) và được đưa ra tàu đậu ngoài xa để bắt đầu hải trình quay về Vịnh Thái Lan. Cả hai chẳng thể nghĩ ra rằng, từ bờ biển là Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm cùng nhiều cán bộ chủ chốt và các đồng chí Giám đốc Công an địa phương từ Bà Rịa - Vũng Tàu vào Cà Mau chứng kiến việc này.
Thực tế, để có gần một tuần thực hiện phương án "đón" Túy - Hạnh khá hoàn hảo như thế, lãnh đạo Bộ Nội vụ bấy giờ đã rất sâu sát từng chi tiết một. Cụ thể, cả 2 giờ đồng hồ tối 12/5/1982, Bộ trưởng Phạm Hùng và Thứ trưởng Trần Đông cùng nghe đồng chí Lê Tiền (sau này là Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh) trực tiếp ra Hà Nội báo cáo về phương án "đón" Túy - Hạnh vào. Sau khi cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về kế hoạch "đón" nhưng sang xế chiều hôm sau, Bộ trưởng căn dặn thêm: "Tình hình mở ra như vậy là rất phức tạp nên kế hoạch phải chặt chẽ, từng khâu, từng việc".
Bộ trưởng Phạm Hùng nhận định, trong chuyến này, Túy gặp một số "kháng chiến quân" nhưng thực chất là để gặp lại "đào kép" cũ. Trong đêm đón Tuý - Hạnh, Bộ trưởng gần như không ngủ. Ông thức để chờ điện của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và Chỉ huy tiền phương Nguyễn Phước Tân. Ngay sau khi nhận được điện báo cáo lúc 2h30' sáng 6/6/1982, Bộ trưởng đã có một số chỉ đạo sát sao, nhất là phương án xử lý số "hàng đặc biệt" mà Túy - Hạnh vừa mang vào.
CM12 - kế hoạch mang tầm nghệ thuật trong mặt trận bảo vệ An ninh Tổ quốc
Theo Thiếu tướng Nguyễn Khắc Đức, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I (Bộ Công an), trước đó, trong lúc phương án "đón" Túy, Hạnh cùng hơn chục tên biệt kích… được bàn tính kỹ, có một diễn biến khác lạ xảy ra. Đó là ngày 11/5/1982, trinh sát kỹ thuật của Kế hoạch CM12 phát hiện một tàu biển khá bí ẩn mang ký hiệu B3 rời cảng Rayon di chuyển đến Surat Thani (đều thuộc Thái Lan). Đây không phải là tàu tăng cường cho kế hoạch xâm nhập mà Túy - Hạnh cùng vào, bởi trong một bức điện đề cập đến hải trình của B3 mà ta "bắt" được sau đó, bên cạnh "Norway" - một hòn đảo nằm giữa Cát Bà và Bạch Long Vĩ, còn có những ký hiệu lạ như: "D5", "HN".
Cho đến sáng 21/5, từ các bức điện trao đổi giữa Túy - Hạnh, ta có đủ dữ liệu xác định: "D5" chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khi đó đã bị Trung Quốc chiếm giữ; còn "HN" chính là đảo Hải Nam. Xâu chuỗi với nhiều thông tin quan trọng khác, ta nhận định Túy - Hạnh tổ chức chuyến đi nhận vũ khí, hàng hóa viện trợ...
Ngày 23/5/1982, vừa vào đến TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Phạm Hùng và Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm đã có cuộc làm việc với Trung tướng Phùng Thế Tài, Tư lệnh Phòng không Không quân. "Nếu dùng máy bay ném bom có thể nhầm vào tàu khác, rất nguy hiểm. Hơn nữa, nếu B3 mất tích, ta sẽ khó khăn hơn…". Cân nhắc với ý đề xuất ban đầu, Bộ trưởng quyết định để cho B3 đi và về.
Hai ngày sau, Ban chỉ đạo Kế hoạch CM12 tiếp tục nhận được tin "C4 sẽ chờ B3 tại KK". "KK" là từ viết tắt của Koh Kra, quần đảo gồm 3 đảo nhỏ nằm ở Vịnh Thái Lan. Những năm 1977 - 1981, khi đi qua Vịnh Thái Lan để đến Thái Lan, Malaysia và Indonesia, nhiều tàu vượt biên của người Việt Nam bị cướp biển bắt đưa vào đây để hãm hiếp phụ nữ, giết người, cướp tài sản. Năm 1982, Tuý - Hạnh đã thuê đảo lớn nhất của quần đảo Koh Kra để làm nơi cất giấu vũ khí, vận chuyển về bờ biển Cà Mau. Xuất phát từ đây, hải trình của các chuyến xâm nhập được rút ngắn chỉ bằng một nửa quãng đường so với điểm trước đó.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Hùng, toàn bộ âm mưu của Túy - Hạnh liên quan đến hoạt động của tàu B3 được khẩn trương làm rõ. Các cuộc làm việc, tiếp xúc hai đồng chủ tịch Túy - Hạnh trước khi tàu B3 xuất hiện trên biển Đông cũng được lần giở. Đó là sau chuyến vào kiểm tra "mật cứ" trở về vào tối 19/4/1982, Hạnh đã báo cáo về sự lớn mạnh của lực lượng ở nhiều địa phương trong "quốc nội". Nghe xong, Túy tỏ ra rất lạc quan. Túy đã thưởng Hạnh bằng một cuộc nhậu rượu ngon, gái đẹp. Sau đó, Túy cùng Hạnh đã bay sang một nước khác và được đón tiếp, chiêu đãi, sắp xếp các cuộc gặp chẳng khác… thượng khách. Kết thúc các cuộc làm việc, Túy thống nhất Hạnh sẽ là người trực tiếp theo tàu để nhận "hàng". Kế hoạch cho chuyến đi này được chuẩn bị khá kỹ lưỡng.
Cùng rời cảng Rayon vào tối 9/5/1982, tuy nhiên đến đảo Samui thì tàu B1 quay vào cảng Surat Thani, còn B2 và B3 theo chỉ huy trực tiếp của Hạnh theo lịch trình được vạch sẵn tiếp tục chạy xuống 100 hải lý nam mũi Cà Mau rồi bọc lên phía bắc theo đường hàng hải quốc tế từ Singapore lên Hồng Kông. Ngày 18/5/1982, 2 tàu đến quần đảo Hoàng Sa và được một tàu màu xám nhận diện bằng phát tín hiệu, dẫn đường không di chuyển vào căn cứ quân sự. Đến trưa 20/5/1982, các tàu đến điểm cuối của hải trình là một căn cứ nhỏ cũng của hải quân. Hạnh cùng các thủy thủ đoàn ở lại đây 2 đêm.
"Hàng" được chuyển xuống tàu gồm 637 thùng bên ngoài có hình đầu lâu đen gạch chéo và 6 bao được bọc kín. Chỉ duy nhất Hạnh biết bên trong là vũ khí và 100 triệu đồng tiền giả Việt Nam đồng. Ngày 22/5/1982, hai tàu nhổ neo. Về đến Hoàng Sa, 2 tàu được tiếp nhiên liệu rồi tiếp tục hải trình xuôi về hướng nam. Sáng 1/6/1982, Hạnh về tới điểm hẹn, được Túy ngồi tàu B1 ra đón.
Ngày 3/6/1982, Túy sang tàu B2 cùng Hạnh bắt đầu hải trình xâm nhập về thăm "mật cứ" ở "quốc nội...
Đó cũng là hành trình nhỏ phiêu lưu của những kẻ phản động lưu vong mà kết cục không thể tránh khỏi là bị cơ quan An ninh Việt Nam khống chế, câu nhử và xóa sổ toàn bộ tổ chức phản động, khủng bố theo Kế hoạch CM12 kinh điển của CAND Việt Nam.
Kể thêm tình tiết cùng K64 (tức Phạm Công Danh, khi đó đã được ta cảm hóa) cúi xuống rửa chân rồi ghé vai cõng dìu Túy vượt qua bãi bồi khu vực vàm Lung Tràm để quay lại tàu, trở về "mật cứ" ở nước ngoài, Anh hùng LLVTND, Đại tá Trần Phương Thế (Tám Thậm), nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau - người từng được Túy - Hạnh rất tin tưởng và quen gọi là Hai Râu, cho biết: Qua chuyến xâm nhập vào đầu tháng 6/1981 của Túy - Hạnh, Ban chỉ đạo Kế hoạch CM12 đã nắm thêm được những âm mưu, tính toán mới của địch. Và chính từ những báo cáo chuyển về từ Ban chỉ huy tiền phương, Bộ trưởng Phạm Hùng đã kịp thời có những quyết định mới, rất khác so với trước.
Đáng chú ý nhất chính là quyết định không "ăn non", không kết thúc Kế hoạch CM12 ngay dù hai đầu sỏ Túy - Hạnh đã vào. Đây là quyết định rất đúng đắn bởi đến thời điểm đó, còn khá nhiều lực lượng của Túy - Hạnh và vũ khí ở nước ngoài chưa chuyển hết vào trong nước. Trong khi đó, nhiều đầu mối của chúng trong nội địa ta cũng chưa bóc gỡ hết... "Có thể bắt cọp nhưng không bắt mà để cho cọp về rừng rồi tính chuyện… kéo bắt cả đàn", Chỉ huy tiền phương Nguyễn Phước Tân khi báo cáo với cấp trên cũng đã nêu rõ chiến thuật đúng đắn này.