Tân thủ tướng Đức với thách thức “kinh tế xanh”
Ngày 1-1-2022, nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) của nước Đức chính thức bắt đầu. Và, trong bài phát biểu chào mừng năm mới, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định: Ông cùng nước Đức sẽ phát huy vai trò Chủ tịch luân phiên ấy, để đưa G7 trở thành nhóm tiên phong hướng đến các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường, vì một thế giới công bằng.
Đó không chỉ là xu hướng tất yếu. Đó còn là một mũi tên hướng đến nhiều đích. Và, cũng là một thách thức vô cùng gian nan.
“Kinh tế xanh” là gì?
“Kinh tế xanh” (Green Economy) có nhiều cách định nghĩa khác nhau trên thế giới, tùy theo vị trí và quan điểm của tổ chức đưa ra định nghĩa cho khái niệm ấy.
Với Liên minh châu Âu (EU) - nơi nước Đức của tân Thủ tướng Olaf Scholz nắm quyền lãnh đạo cùng nước Pháp - “Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”. Trong khi đó, Nhóm Liên minh kinh tế xanh xem Green Economy là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người, trong giới hạn sinh thái của Trái đất”. Bên cạnh đó, từ góc độ kinh doanh, nhiều tổ chức cho rằng: “Kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nghiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội”.
Cuối cùng, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) diễn giải: “Kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”.
Khái niệm này được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
Hay nói ngắn gọn, như báo cáo của Ủy ban Các vấn đề kinh tế - xã hội của Liên Hiệp Quốc (UNDESA, năm 2012) tổng hợp các định nghĩa của nhiều quốc gia và các tố chức: Điểm chung mà mọi nền kinh tế xanh cần hướng tới là việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội. Như vậy, một nền kinh tế xanh là một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường.
Lựa chọn của nước Đức
Với mục tiêu đóng cửa toàn bộ 84 nhà máy nhiệt điện than trên lãnh thổ vào năm 2038 (mục tiêu được đưa ra năm 2019) và mới nhất là vừa đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân (ngày 31-12-2021), chấp nhận giảm 50% sản lượng điện hạt nhân, nước Đức đã và đang thể hiện sự quan tâm nghiêm túc đến vấn đề môi trường, cũng như đến chuyện phát triển kinh tế xanh một cách nhất quán và mạnh mẽ.
Đặc biệt, với Olaf Scholz trên cương vị tân thủ tướng, mục tiêu đó sẽ còn trở nên nghiêm túc gấp bội. Nhà lãnh đạo mới của nước Đức, như nhận xét của phần đông giới quan sát quốc tế, còn cứng rắn và quyết đoán gấp bội so với người tiền nhiệm Angela Merkel. Điểm yếu duy nhất của ông có lẽ chỉ là thiếu khả năng hùng biện để thuyết phục đám đông. Nhưng, trong thời điểm chuyển giao quyền lực sang một kỷ nguyên mới, có lẽ tính kiên định vẫn sẽ đóng vai trò then chốt.
Bởi vậy, lộ trình cắt giảm khí thải mà nước Đức theo đuổi (ngừng hoạt động toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2022, gia tăng năng lượng tái tạo, loại bỏ tất cả các nhà máy điện than thậm chí sớm hơn 8 năm so với mốc 2038) chắc chắn sẽ không giảm tốc độ. Không chỉ vậy, như trong bài diễn văn chào mừng năm mới, ông còn muốn thúc đẩy toàn bộ G7 (và đương nhiên, toàn bộ EU), vận động theo hướng phát triển “kinh tế xanh”.
Đó thực sự là một lựa chọn dũng cảm của nước Đức. Chúng ta biết rằng quy mô nền kinh tế càng lớn, áp lực duy trì tăng trưởng càng nặng nề. Ngay cả khi chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã trở thành một mệnh lệnh sinh tử đối với loài người từ đầu thập niên trước thì những nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn luôn ngần ngại (hoặc phớt lờ) các chỉ tiêu cắt giảm khí thải, đơn cử như hành động rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đơn giản, với rất nhiều “dân kinh doanh”, “những ống khói nhà máy là biểu hiện cụ thể của tăng trưởng kinh tế”.
Vậy nên, cũng như mọi vấn đề chung liên quan đến hòa bình và ổn định toàn cầu, xu hướng “kinh tế xanh” cũng đòi hỏi một điều kiện bắt buộc: Sự đồng thuận và khả năng hợp tác quốc tế. Về khía cạnh này, với kinh nghiệm dày dạn đã từng tích lũy (đặc biệt là trên cương vị Phó Thủ tướng của bà Angela Merkel), Olaf Scholz hiểu rõ: “Hợp tác quốc tế là hết sức quan trọng. Trong một thế giới sắp là nơi sinh sống của 10 tỷ người, tiếng nói của chúng ta sẽ chỉ được lắng nghe nếu chúng ta tạo ra sự hài hòa với những quốc gia khác”.
Thúc đẩy kinh tế xanh, như ông Olaf Scholz giải thích, sẽ không chỉ thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu hướng tới một nền kinh tế thân thiện với môi trường, mà còn để tránh các xung đột thương mại liên quan đến các chính sách thuế quan khác nhau như thuế biên giới carbon của EU.
Lực phản chấn
Tuy vậy, từ các dự án đến việc cụ thể hóa những ý tưởng đó trong thực tế vẫn luôn là cả một chặng đường gập ghềnh, với rất nhiều khác biệt.
Ngay ngày 1-1-2022, Olaf Scholz đã bắt đầu cảm nhận được các trở lực, trong việc “dán nhãn xanh” cho các loại năng lượng cho tương lai. Thông qua Ủy ban châu Âu (European Commission/EC), một số quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách cho phép, vì họ cho rằng đây là một công nghệ carbon thấp, quan trọng và cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, trên tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của EU.
Đáng chú ý, trong số các quốc gia đó có cả Pháp - cùng là thành viên G7 và cùng nắm trọng trách lãnh đạo châu Âu. Điều này làm hằn lên khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa Paris với Berlin, bởi từ phía chính phủ của tân Thủ tướng Olaf Scholz, “việc EC dự định đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách phân loại của EU cho các hoạt động kinh tế bền vững là hoàn toàn sai lầm. Năng lượng hạt nhân có thể dẫn đến những thảm họa tàn phá môi trường và để lại một lượng lớn chất thải phóng xạ nguy hại ở mức độ cao. Do đó, nó không thể bền vững" (Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke).
Steffi Lemke và Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức - đều là những thành viên đảng Xanh. Không nghi ngờ gì nữa, họ sẽ luôn hành động với tiêu chí bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. Vấn đề là, còn rất nhiều phương trình cần được cân bằng, cũng như rất nhiều bài toán chưa có lời giải, với nước Đức nói riêng hay với cộng đồng quốc tế nói chung.
Đơn cử, giới phân tích quốc tế hoài nghi: Làm thế nào để nước Đức có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng rất lớn cho nền kinh tế, khi các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than của họ bị đóng cửa?
Nước Đức cần phải lắp đặt hàng nghìn tuabin gió mới và tấm pin mặt trời, đồng thời mở rộng mạng lưới điện, ngay cả trong bối cảnh các cơ sở công nghiệp và người dân đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng với giá nhiên liệu tăng cao. Do đó, chính phủ mới sẽ phải hạ thấp kỳ vọng, đồng thời tìm cách đạt được các mục tiêu xanh mà không gây tổn hại cho nền kinh tế vốn thiên về xuất khẩu. Có điều, nhiệm vụ ấy dường như là bất khả thi, nhất là ở thời điểm nền kinh tế toàn cầu đã, đang và sẽ còn phải chịu rất nhiều tổn thương do các tác động của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, những căng thẳng địa chính trị tồn tại hoặc có nguy cơ nảy sinh sẽ chỉ càng khiến tình trạng thiếu hụt năng lượng và nhiên liệu thêm trầm trọng, để ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến kết cấu xã hội, như những gì đang xảy ra với hệ thống đường ống cung cấp khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 - vấn đề khiến chính liên minh cầm quyền hiện tại ở Đức dấy lên các cuộc tranh luận.
Kinh tế xanh, vì tất cả những lý do đó, dường như vẫn là một điểm đến tương đối xa vời, mà chỉ 12 tháng trên cương vị Chủ tịch luân phiên G7 là quỹ thòi gian quá ít. Song, dù sao, ông Olaf Scholz vẫn xác định: "Chúng ta đang bắt đầu một hành trình mới. Chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn của thập kỷ này và xa hơn nữa!".
Dù sao, ông cũng từng được mang một biệt danh sắt đá trên chính trường, khi luôn quyết tâm bảo vệ các cải cách mang tính đột phá: "Scholzomat" (Người máy Scholz).