Tận dụng, sửa chữa hay thay mới?

Thứ Sáu, 19/11/2021, 21:23

Đồ “second-hand” trở thành một ký ức dịu êm với rất nhiều người, có lẽ không chỉ để chúng ta hoài niệm về một thời thiếu thốn, mà thật sự thì đôi khi, “được” thiếu thốn cũng là sự cứu rỗi, trên một khía cạnh nào đó chăng?

Ký ức “second-hand”

Những ảnh hưởng quá nặng nề của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người trong chúng ta thay đổi mạnh mẽ. Người ta bắt đầu nói đến tiết kiệm, đến lập kế hoạch dự trữ cho tương lai, hoặc to tát hơn là nói đến “chủ nghĩa khắc kỷ”. Và từ thay đổi này, bật lên một câu hỏi lớn: “Lựa chọn nào giữa tận dụng, sửa chữa và thay mới hoàn toàn?”.

Vào giữa tháng 10, mạng xã hội ầm lên vì một chuyện: đường sắt Việt Nam đề xuất ý tưởng nhập về 37 toa tàu cũ của Nhật Bản.

4283796_s.jpg -0
Ðường sắt Việt Nam đề xuất ý tưởng nhập về 37 toa tàu cũ của Nhật Bản. Ảnh: S.t

Người cho rằng vận tải cần hệ số an toàn rất cao, nên không thể sử dụng đồ “second-hand” được. Người khác lập luận rằng đáng ra phía Nhật còn phải… trả tiền cho Việt Nam vì đã “dùng hộ” số toa tàu sắp phải đưa vào quy trình xử lý rác này, nếu không ai nhận chúng. Cuộc tranh luận này làm bật lên một chuyện: mọi người hiện khá “dị ứng” với chuyện dùng lại đồ cũ, dù nó mới chỉ ở giai đoạn ý tưởng.

Nhưng tiết kiệm kiểu xài một thứ đồ qua vài “nước dùng” từng là một thái độ sống để sinh tồn. Khi tôi còn bé, chuyện này thậm chí là hiển nhiên. Quần áo anh em trong nhà mặc lại của nhau. Rách thì dưới gầm giường lúc nào cũng sẵn một hộp kim chỉ, chế từ vỏ một hộp bánh quy. Sách vở thì bọc lại để dùng lâu hơn, anh học xong thì để cho em.

Chúng tôi dường như có kỹ năng tốt hơn với các đồ vật. Cái xe đạp dùng cả chục năm, phải dừng giữa đường sửa tuột xích là chuyện cơm bữa. Máy tính thì biết lắp từ thanh ram đến bo mạch chính, cài Win nhoay nhoáy. Cái đầu đĩa Tàu mua từ biên giới về, mỗi lần rít hình là lại tháo ra vệ sinh cho sạch thì thôi. Tôi đã dùng chỉ một cái điện thoại Nokia 110i trong suốt bốn năm học đại học, với tính năng giải trí duy nhất là trò chơi con rắn, mà hầu như chẳng hề bận tâm gì đến chuyện đổi một cái đời mới hơn.

Mọi chuyện nhanh chóng thay đổi. Cuối tháng 10, doanh số tiêu thụ của iPhone 13 đạt kỷ lục tại Việt Nam: một hãng bán lẻ lớn đã công bố rằng họ bán được gấp ba số điện thoại trong ngày đầu mở bán so với khi ra mắt iPhone 12. Thống kê vào tháng 5-2021 chỉ ra rằng, trong một tháng, người dùng ở Việt Nam đã chi ra 2.500 tỷ đồng để mua iPhone.

Ngày nay, thị trường đã “huấn luyện” ra thị hiếu kiểu khác. Ta dùng cái điện thoại, và nhiều thứ khác, với tâm thế của người “qua đường”: không cần biết chúng cấu tạo thế nào, đến từ đâu, và hỏng là thay. Hoặc tệ hơn, có mẫu mới là phải thay. Ở chiều ngược lại, theo Hội Thống kê rác thải toàn cầu (The Global E-Waste Statistics Partnership - GESP), trong năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử, và con số này được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới, vì xu thế vứt bỏ thay vì dùng lại đồ cũ. “Second-hand” chẳng có lợi cho ai cả, những nhà sản xuất luôn vắt óc nghĩ cách kích thích thị trường, và những người tiêu dùng luôn cần cái gì đó đúng mốt.

Trong thế giới kiểu này, tiêu thụ hàng hóa không hẳn vì mục đích sử dụng. Theo nghiên cứu của Đại học Indiana (Mỹ), trong não những người mắc chứng nghiện mua sắm (Compulsive Buying Disorder - CDB) giải phóng ra các chất endorphins và dopamine khi họ mua được món đồ ưa thích. Tôi mua không phải vì cần, mà vì nghiện.

Nhưng có một nghịch lý của nghiện tiêu dùng: việc ngốn ngấu hàng hóa hóa ra lại khiến ta xa cách với thế giới vật chất hơn bao giờ hết. Vì sự phức tạp tuyệt đối của nền sản xuất đương đại và số lượng khủng khiếp của hàng hóa tạo ra mỗi ngày, không ai mất công đi tìm hiểu xem bên trong chúng là gì, chúng đến từ đâu, có thể cải tạo và kéo dài thời gian tồn tại hay không.

Quay lại chuyện những toa tàu. Bộ Giao thông vận tải về cơ bản cũng không đồng ý với ý tưởng này. Đi vác về 37 toa tàu cũ của Nhật để sử dụng dường như không còn là một phương án hợp lý dưới lăng kính của số đông nữa: người Việt Nam từ lâu đã không còn phải dùng hàng Nhật bãi, hay đồ điện tử “second-hand”. Ai còn đi lùng những đồ kiểu ấy thực ra cũng không còn vì mục đích tiêu dùng. Dường như họ cần chỉ để nhớ lại mình đã từng là ai.

Nhưng những người muốn xài lại đồ cũ cũng có lý do riêng của họ. Đại diện đường sắt Việt Nam trình bày rằng nếu mua mới 37 toa tàu cùng loại cần trên 1.100 tỷ đồng, hiện ngành đường sắt khó khăn cũng không thể vay tiền đóng toa tàu mới, trong khi nhận đồ cũ thì tốn khoảng 140 tỷ để vận chuyển về và cải tạo khai thác; số toa tàu cũ này có thể khai thác trong khoảng 15 năm tới. Chuyện rất bế tắc: đóng mới tàu thì phung phí, nhưng dùng lại đồ cũ thì cũng không phải một thái độ hợp thời nữa.

Mùa hè năm 1850, Karl Marx đã phải cầm cố chiếc áo khoác của mình để trả một khoản vay. Và vì không có chiếc áo đó, Marx đã mất luôn quyền vào thư viện ở Anh do không có trang phục phù hợp. Ngay cả một chiếc áo khoác cũng không thể tránh khỏi cơ chế trao đổi kỳ lạ của thị trường: chúng ta ca ngợi những đôi giày, váy, áo khoác và túi xách như thể chúng sở hữu ma lực nào đó, với những câu chuyện và danh tính riêng, thậm chí đại diện cho những đặc quyền và lợi ích, do chính con người nghĩ ra.

Kể từ đó, đối với Marx, hàng hóa dường như thật kỳ lạ, với giá trị không còn đến từ sức lao động và đầu tư sản xuất, mà từ các quan hệ xã hội trừu tượng và có phần méo mó của xã hội tư bản. Việc tạo ra những hàng hóa giống nhau, lặp lại chúng từ năm này qua năm khác có thể dẫn đến sự kiệt quệ của người lao động, lẫn thừa mứa cho người tiêu thụ.

Đồ “second-hand” trở thành một ký ức dịu êm với rất nhiều người, có lẽ không chỉ để chúng ta hoài niệm về một thời thiếu thốn, mà thật sự thì đôi khi, “được” thiếu thốn cũng là sự cứu rỗi, trên một khía cạnh nào đó chăng?

Phạm An

Thiên thần và ác quỷ

Những món đồ cũ trong nhà bạn sẽ luôn được mô tả một cách xấu xí. Vì nhà sản xuất cần bán đồ mới. Và bản thân bạn cũng thích xài đồ mới.

Một trong những cuộc luận chiến lớn nhất của thế kỷ 21 diễn ra giữa 2 “thế lực”: một bên là nông sản thuận tự nhiên và nông sản canh tác sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu.

Nông sản canh tác thuận tự nhiên, hay là organic vốn là cách cha ông chúng ta canh tác từ ngàn xưa. Nhưng sau cả thế kỷ chuyển sang sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu để tối ưu năng suất, thì giờ organic lại trở thành một xu hướng mới, còn cách toàn bộ nền nông nghiệp vận hành được các nhà khoa học gọi là “canh tác bảo thủ”  - conventional farming.

ca-phe-huu-co-4.jpg -0
Canh tác hữu cơ, với việc không sử dụng thuốc và phân bón theo phong cách “bảo thủ” thân thiện với môi trường hơn. Ảnh: S.t

Cuộc chiến không khoan nhượng. Tôi đã gặp nhiều người trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản organic: vài người trong số họ trở thành những chiến binh chống lại việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Ở Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng gặp những “cuộc tấn công” này ở bất kỳ đâu, khi việc canh tác bảo thủ được mô tả như một con quái vật với những “chất hóa học” độc hại tàn phá môi trường và cơ thể bạn.

“Nông sản hữu cơ”, “nông sản organic” hay “thuận tự nhiên” trở thành một từ khóa bán hàng quyền năng trong thế kỷ 21. Bạn dễ dàng bắt gặp trên các mạng xã hội, trong các shop rau củ, hay các mẹ bán hàng online, hai hình thức canh tác được mô tả thành một bức tranh nhị nguyên: đen và trắng, tốt và xấu, thậm chí là lương thiện và bất lương.

Nhưng nông sản organic có thực sự bền vững và thân thiện với môi trường?

Cuộc luận chiến này khiến giới nghiên cứu khắp thế giới nhảy vào cuộc từ khoảng hơn một thập kỷ qua. Nhiều tính toán quy mô đã được thực hiện.

Câu trả lời là có. Canh tác hữu cơ, với việc không sử dụng thuốc và phân bón theo phong cách “bảo thủ” thân thiện với môi trường hơn. Nhưng đó chỉ là trên quy mô từng trang trại nhỏ. Còn  nếu tất cả nông dân trong một xã hội chuyển từ canh tác bảo thủ sang canh tác hữu cơ, thì bạn sẽ làm tăng tổng lượng phát thải.

Từ năm 2012, sau một khảo sát tỉ mỉ 34 loại cây trồng, tổng hợp 66 nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học tại Đại học MgGill (Canada) và Đại học Minnesota đi đến kết luận: canh tác hữu cơ cho sản lượng ít hơn 25% so với canh tác bảo thủ.

Năm 2016, một nghiên cứu khác tại Anh được công bố trên tạp chí Nature Communications  khẳng định tiếp: nếu chuyển đổi toàn bộ canh tác bảo thủ sang hữu cơ, bạn sẽ làm tăng lượng phát thải. Logic rất đơn giản là vì canh tác hữu cơ cho sản lượng ít hơn, nên nếu bạn vẫn muốn nuôi xã hội theo cách tiêu dùng hiện tại, bạn sẽ hoặc: 1. Cần lấy thêm đất để canh tác (có thể là đất rừng); 2. Với các nước giàu, họ sẽ nhập thêm nông sản từ các nước nông nghiệp khác. Cả hai phương án này đều tăng tác động đến môi trường.

Tóm lại, không có đen và trắng, thiên thần và ác quỷ, không có nhị nguyên tốt xấu trong 2 hình thức canh tác nông nghiệp. Loài người đã đi đến việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu một cách… tự nhiên. Họ cần năng suất cao để nuôi sống một xã hội có tuổi thọ ngày càng dài, và ăn ngày càng nhiều.

Nhị nguyên cái này tốt tức là cái kia xấu là một tâm lý dễ gặp. Não người, như một vị thủ thư nguyên tắc, cần “phân loại” sự vật hiện tượng và các ngăn để ghi nhớ. Và còn gì sung sướng hơn cho đời thủ thư khi tất cả các cuốn sách trên đời đều có 2 loại. Anh nhận sách, và chia nó về phía đen và phía trắng, phía tốt và phía xấu trước đã, rồi chia nhỏ tiếp sau.

Vượt qua nhị nguyên, và nhìn nhận rằng mọi thứ đều có nhiều mặt, có cả các khoảng màu xám, mới là chìa khóa tìm thấy các câu trả lời. Các nhà khoa học khẳng định rằng vấn đề nông nghiệp bền vững có rất nhiều việc cần làm. Đầu tiên cải thiện chất lượng canh tác bảo thủ (tạo ra những loại phân bón và chất hóa học ít tác động hơn). Sau đó một thị trường lai với nông sản hữu cơ và phần còn lại, ví dụ như hoa quả thì hữu cơ, còn ngũ cốc thì theo phong cách bảo thủ.

Hoặc một chìa khóa quan trọng hơn thảy, là chúng ta ăn ít đi, ăn vừa đủ. Loài người đang tiêu dùng thừa mứa. Rác thải thực phẩm là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 trên toàn cầu.

Vượt qua nhị nguyên là điều khó, nhưng nó sẽ phát huy hiệu quả không nhiều tình huống. Các nhà buôn trên thị trường, dù là thực phẩm, đồ gia dụng hay vật liệu xây dựng, sẽ luôn có xu hướng vẽ lên bức tranh rằng cái này xấu, và cái kia tốt. Nó có thể tạo ra một ảo ảnh rằng chìa khóa của vấn đề là thay thế cái xấu bằng cái tốt.

Ví dụ như những món đồ cũ trong nhà bạn, luôn sẽ có xu hướng được mô tả một cách xấu xí – vì nhà sản xuất cần bán đồ mới. Nhưng nếu bạn học được cách hài lòng, sửa chữa, nâng cấp chúng, bạn có thể đã cứu hành tinh này khỏi một đống rác thải. Nông nghiệp bảo thủ không phải là ví dụ duy nhất cho thứ mà hôm nay là chính diện, ngày mai đã thành phản diện. Vượt qua nhị nguyên là một triết lý giúp ta trong cả đời sống xã hội. Nếu như ta không hài lòng với một mối quan hệ, phải chăng việc cần làm là thay thế nó ngay, vì lúc này nó là trắng, là đen, là ác quỷ? Ta có thể cải thiện tình hình bằng chính việc ở lại hay không? Hay là một mô hình lai, bạn cứ làm việc với ông sếp bảo thủ này tiếp vì nhảy việc thì cực đoan quá, nhưng đừng tận tụy với ông ấy nữa mà tìm thêm việc gì vui mà làm?

Nhưng nếu bạn theo dõi mạng xã hội Việt Nam những ngày này, bạn sẽ nhận ra rằng đó là điều rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Chúng ta yêu thích việc vẽ một bức tranh bằng hai màu đen và trắng quá, thích tôn sùng thứ này thành thiên thần và đạp thứ kia xuống thành ác quỷ quá.

Nhận ra nhược điểm đó từ bên trong, có thể là chìa khóa cải thiện chất lượng sống của mỗi người.

Đức Hoàng

Thay được đồ dùng, có thay được con người?

Thịnh (xin phép đổi tên nhân vật) là một hình mẫu tiêu biểu của con người đô thị hiện đại. Anh làm công việc sáng tạo nên vì thế toàn gặp những nhân vật "sang chảnh”, “hào nhoáng”; đi dự những sự kiện đầy xa xỉ; ăn bận thời thượng, hàng hiệu đầy mình… Nói chung, bạn bè nhìn vào anh đầy ngưỡng mộ như thể anh ở một tầng lớp trên, rất khác với phong cách sống bình dị của đám đông.

images.jpg -0
Lựa chọn của phụ huynh học sinh nhìn chung dựa trên cơ sở thu nhập và dự trữ của chính họ nhưng cũng không ít phụ huynh dư dả vẫn mua máy cũ. Ảnh: S.t

Hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mọi người tụ tập lại và cùng ngỡ ngàng khi thấy Thịnh thay đổi hoàn toàn. Xuề xòa; dân dã không khác gì mọi người. Chiếc clutch (xắc tay) điệu đà của LV hoặc Hermes đã không còn kè kè bên anh nữa. Để đựng sạc điện thoại, thuốc lá và giấy tờ, Thịnh đeo cái túi nhỏ bằng vải bạt bên mình. Cũng không đợi mọi người hỏi han, Thịnh kể luôn “Vợ anh nó bán hết rồi. Cũng chả buồn hỏi ý kiến anh. Đến khi lục tủ kiếm đồ để dùng mới biết. Nhưng anh cũng chẳng trách nó. Đặng chẳng đừng thôi”. Nguyên nhân rất đơn giản. Thịnh thực tế mất việc từ đầu năm 2020, khi dịch mới chỉ bùng phát nhỏ lẻ. Không việc làm, không thu nhập, mà đời sống thì vẫn trôi đi theo cái nhịp tiêu thụ thường ngày. Vợ anh có buôn bán lặt vặt thêm cũng không đủ trang trải một gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con. Hóa ra, từng là người kiếm rất nhiều tiền nhưng Thịnh không phải mẫu người biết tiết kiệm, dành dụm. Tiền tháng nào kiếm ra tiêu sạch tháng ấy. Thích gì là mua nấy. Đến khi gặp biến cố, lao đao là chuyện thường.

Nhưng điều khiến bạn bè ngạc nhiên nhất là cách nhìn của Thịnh trên biến cố kia. Nó bình thản vô cùng. Thịnh cho rằng thực sự những món hàng hiệu mà vợ anh đã lén bán đi hóa ra cũng chỉ có giá trị sử dụng đối với nhu cầu bản thân anh không khác gì cái túi vải. Giá trị trưng diện “lấp lánh” (đúng từ anh dùng) chỉ để thể hiện với người ngoài và thỏa mãn nhu cầu ra oai của bản thân. Còn nếu có giá trị nào khác nữa mà đặc biệt chỉ những thứ hàng hiệu ấy mang lại chính là “Nó bán được các ông ạ, kể cả là cũ. Thành ra trong lúc loay hoay kiếm cửa sinh nhai mới, nhà tôi còn cầm cự được một thời gian”.

Dĩ nhiên, câu chuyện của Thịnh không chỉ là riêng mỗi cá nhân anh. Trước khi lén bán đồ của chồng, vợ Thịnh đã “tiễn” đồ của mình đầu tiên. Và phổ biến trong xã hội hiện nay là hai chữ “pass đồ” (sang tay đồ đã dùng rồi). Nó là một thị trường sôi động gấp mấy lần thị trường xe máy bãi thời cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Thậm chí, có cả những “thẩm mỹ viện đồ da” chuyên mông má tút tát các món hàng xa xỉ cao cấp để phục vụ việc bán lại được giá hơn.

Ngay cả trong một xã hội tiêu thụ chóng mặt như hôm nay, với việc đâu đâu người ta cũng nói đến sự giàu có, xa xỉ, sang chảnh thì thế giới đồ cũ vẫn tồn tại như một dòng chảy cuồn cuộn mà chúng ta ít lưu tâm. Không biết tỷ lệ những người dùng hàng hiệu ngoài kia có bao nhiêu phần trăm thực sự là mua hàng dùng rồi thay vì mua mới toanh hoàn toàn. Đó là một bí nhiệm. Thậm chí còn tồn tại rất nhiều nhóm sang tay đồ dùng theo kiểu hoán đổi (có các thêm tiền nếu có chênh lệch) để mỗi người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm qua một mẫu sản phẩm cao cấp nào đó trong một thời gian ngắn.

Câu chuyện của Thịnh và những mở rộng ra kể trên cho thấy thực tế nhu cầu dùng hàng “second-hand” luôn rất mạnh mẽ, với phương châm “cũ người mới ta” bền vững theo thời gian. Và đặc biệt, khi dịch bệnh tạo ra một vết thương lớn lên nền kinh tế, nhu cầu mua hàng dùng rồi ngày một mạnh mẽ hơn nữa. Theo như Lân, một tay chuyên bán điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính dùng rồi ở Đà Nẵng cho biết, riêng doanh số bán máy tính bảng cũ của Lân trong tháng 9 và 10 năm nay tăng gấp 4 lần các tháng thông thường do nhu cầu phụ huynh mua máy cho con học online tại nhà. Lựa chọn của phụ huynh học sinh nhìn chung dựa trên cơ sở thu nhập và dự trữ của chính họ nhưng cũng không ít phụ huynh dư dả vẫn mua máy cũ. Họ đã lựa chọn đúng bởi họ dùng nhu cầu sử dụng làm thước đo duy nhất ở đây chứ không phải là một nhu cầu phụ nào khác. Đặc biệt, với hàng công nghệ họ càng cẩn trọng hơn bởi độ mất giá của nó là khủng khiếp.

Song song với tận dụng hàng dùng rồi, tận dụng đồ cũ chính là sửa chữa đồ hư hỏng thay vì quyết liệt mua mới. Ở vào giai đoạn kinh tế phồn thịnh, việc chúng ta nhìn thấy những chiếc máy lạnh (điều hòa nhiệt đô), TV cũ… trên các xe ba gác thu mua đồ phế liệu là chuyện vô cùng bình thường. Nhưng ở vào giai đoạn người người khốn đốn vì dịch bệnh như hôm nay, sửa chữa một món đồ hư hỏng để tiếp tục sử dụng dường như đã trở thành một thói quen mới được hình thành. Các đánh giá được đưa ra kỹ lưỡng hơn để cân nhắc trước khi thải loại một món đồ. Chủ nghĩa tiêu dùng thái quá dường như đã biến mất và có thể coi đó chính là điểm “tích cực” mà biến cố dịch bệnh mang lại bởi thực tế xã hội Việt Nam đã trải qua khá nhiều năm hoang phí sau khi mở cửa và nền kinh tế có những bước nhảy vọt đáng nể. “Thế ông có định “pass” cả bà xã không đấy?”, một người bạn rất thân với Thịnh đã hỏi anh câu đùa tếu táo ấy. Thịnh cười, đáp lại nhẹ nhàng “có những thứ còn sửa được còn dùng, còn giá trị còn tận dụng được. Nhưng có những thứ không sửa được, không pass được mà vẫn phải giữ dùng không dám thay mới các ông ạ. Đấy là vợ”. Câu chuyện vui tếu táo ấy của họ khiến một dấu hỏi lớn bật ra. Với con người trong xã hội, có thể sửa chữa được hay không?

Có một cuốn phim hài của Pháp có tên “Mauvaises herbes” (Hạt giống tồi) do tài tử Kheiron thủ vai chính và làm đạo diễn nói về một thanh niên phải miễn cưỡng tham gia lớp giáo dục ngắn hạn các trẻ em hư và sau đó yêu luôn công việc này. Phim hài đơn thuần, không quá đặc sắc, nhưng nó thể hiện được một việc mà các nước phương Tây đang làm là có ngân sách cực lớn từ ngành giáo dục để tiến hành cách chương trình “chỉnh sửa nhân cách thanh thiếu niên hư hỏng”. Chợt nghĩ về Việt Nam. Chúng ta có quá nhiều khen thưởng cho những tấm gương sáng trong xã hội nhưng lại đang đầu tư quá ít cho việc bồi dưỡng nhân cách cho các học sinh có thiên hướng hơi bắt đầu tỏ ra lệch lạc. Chúng ta dễ dàng kỷ luật, đình chỉ học tập, thậm chí đuổi học một học sinh mà chúng ta coi là “không thể giáo dục được” nhưng lại chưa nghĩ đến việc làm sao để cải tạo và uốn nắn. Phải chăng, đó cũng là một dạng tư duy thay mới của chủ nghĩa tiêu dùng?

Vậy thì với những cán bộ biến chất, thoái hoá, tiêu cực tuy chưa tới mức độ hình sự nhưng vẫn được sử dụng ở một vị trí thấp hơn (một dạng hình thức kỷ luật) thì sao? Tại sao không áp dụng quy luật của chủ nghĩa tiêu dùng ở đây để quyết liệt thay mới? Mâu thuẫn…?

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.