Taliban với hành trình bước ra khỏi bóng tối
Sau hai thập kỷ bị xếp vào danh sách tổ chức khủng bố và chịu lệnh trừng phạt quốc tế, Taliban đang thực hiện một cuộc chuyển mình ngoạn mục. Từ những bước đi thận trọng tại các diễn đàn đa phương đến việc thiết lập quan hệ kinh tế - ngoại giao với các cường quốc, chính quyền Taliban đang dần phá vỡ thế bao vây cô lập.
Di sản của sự cô lập
Sau khi lên nắm quyền ở Afghanistan vào năm 1996, chính quyền Taliban áp đặt một chế độ Hồi giáo hà khắc dựa trên luật Sharia. Phụ nữ bị cấm đi học, đi làm và buộc phải che kín người. Cách hoạt động giải trí như âm nhạc, điện ảnh bị cấm hoàn toàn. Các di sản lịch sử, văn hóa, tôn giáo không phải của đạo Hồi bị hủy hoại. Những hình phạt dã man như ném đá đến chết, chặt tay như thời trung cổ được áp dụng công khai. Về mặt kinh tế, Taliban khuyến khích trồng cây thuốc phiện để có ngoại tệ mua vũ khí. Những chính sách này đã khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và chỉ trích mạnh mẽ.

Tuy nhiên, lý do chính khiến Taliban bị cô lập nghiêm trọng khi đó là do họ dung dưỡng tổ chức khủng bố al-Qaeda, đứng đầu là Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Sau sự kiện này, Mỹ và liên quân phương Tây đã phát động cuộc chiến tranh tại Afghanistan nhằm tiêu diệt khủng bố và lật đổ Taliban vào tháng 12/2001. Sau đó Taliban rút lui vào các vùng hẻo lánh ở Afghanistan và tiếp tục chống lại chính quyền mới ở Kabul do Mỹ hậu thuẫn. Họ bị coi như một lực lượng khủng bố, không được công nhận và liên tiếp bị tấn công. Nhưng sau hơn hai thập kỷ bền bỉ chiến đấu, Taliban đã quay trở lại nắm quyền khi Mỹ và các đồng minh rút quân khỏi Afghanistan.
Sau khi Taliban nắm quyền trở lại vào tháng 8/2021, phần lớn các nước vẫn không công nhận chính quyền của họ và ngừng hầu hết các chương trình viện trợ. Viện trợ nước ngoài vốn chiếm tới 75% ngân sách thời chính phủ cũ bị cắt gây ra sự đổ vỡ của hệ thống quản lý đất nước. Các tài khoản ở nước ngoài của chính quyền cũ bị đóng băng, hoạt động giao dịch bị đình đốn khiến đồng tiền mất giá nghiêm trọng, lạm phát phi mã, hệ thống ngân hàng tê liệt. Sự cô lập này đã đẩy chính quyền Taliban và hàng triệu người dân Afghanistan vào cảnh khốn khó.
Phiên bản Taliban 2.0
Rút kinh nghiệm từ thất bại trước đây, để thoát khỏi lời nguyền cô lập, cứu lấy mình, chính quyền Taliban lần này đã có chiến lược thay đổi mạnh mẽ nhằm tạo ra một hình ảnh mới tốt đẹp hơn trong mắt cộng đồng quốc tế, gọi là phiên bản Taliban 2.0. Về an ninh, sau khi nắm quyền, Taliban dỡ bỏ nhiều chốt kiểm soát, giảm nạn "mãi lộ" hoành hành dưới thời chính quyền cũ. Taliban cũng áp dụng chính sách ân xá với cựu quan chức chính phủ cũ, mời kỹ thuật viên quay lại làm việc dù thực tế không nhiều người dám trở lại do sợ bị trả thù.
Về ngoại giao, Taliban đã có những bước đi đáng chú ý. Họ chấp nhận tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, cho phép các công ty Trung Quốc khai thác mỏ trên đất nước của mình. Đổi lại, Bắc Kinh cấp quyền miễn thuế cho hàng hóa Afghanistan để xuất khẩu. Đây cũng là cách Taliban “cơ cấu” lại nền kinh tế, khác hẳn với giai đoạn trước đây phụ thuộc vào cây thuốc phiện. Theo một báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) diện tích trồng thuốc phiện đã giảm 95% từ 232.000 ha năm 2022 xuống còn 10.800 ha năm 2024 và còn đang trên đà giảm tiếp.
Với Iran, Pakistan và các nước Trung Á, Taliban đã chủ động tham gia đàm phán về an ninh biên giới và nguồn nước, giảm bớt lo ngại về di cư và khủng bố xuyên biên giới. Taliban và Mỹ cũng đã thông qua Qatar nối lại một kênh đối thoại không chính thức. Mỹ và Taliban thậm chí đã bàn đến cả việc lập một quỹ tín thác hỗ trợ tái thiết Afghanistan từ nguồn tài sản đang bị đóng băng của họ. Taliban cũng thường xuyên xuất hiện tại diễn đàn đa phương. Tháng 11/2024, phái đoàn Taliban do ông Matiul Haq Khalis dẫn đầu tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu COP29 tại Azerbaijan với tư cách quan sát viên, đây là sự kiện quốc tế đầu tiên họ được mời sau khi tái nắm quyền.
Với Nga, sau vụ tấn công khủng bố tại Moscow tháng 3/2024 do Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) thực hiện, Taliban đã hỗ trợ Nga truy quét lực lượng này. Động thái này mở đường cho Điện Kremlin dỡ bỏ Taliban khỏi danh sách khủng bố vào tháng 11/2024 và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. Hôm 3/7/2025, Bộ Ngoại giao Nga đã tiếp nhận Đại sứ Taliban được bổ nhiệm tại Nga, một hành động có ý nghĩa biểu tượng như chính thức công nhận chính quyền Taliban và trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ toàn diện với chính quyền này. Nhiều nước như Trung Quốc, UAE, Uzbekistan và Pakistan cũng đã đặt đại sứ tại Kabul, dù chưa chính thức công nhận.

Lợi ích và toan tính
Phân tích về những thay đổi trong các tiếp cận với chính quyền Taliban, các nhà phân tích chính trị đã nhận ra sự dịch chuyển này không chỉ đến từ nỗ lực của Taliban, mà còn do các yếu tố địa chính trị then chốt của khu vực và thế giới. Afghanistan nằm ở vị trí chiến lược quan trọng tại Trung Á, đóng vai trò như một ngã tư kết nối Nam Á, Trung Á và Trung Đông. Nước này giáp với các quốc gia có tầm quan trọng địa chính trị như Iran, Pakistan, Trung Quốc và các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, đồng thời nằm gần các tuyến đường năng lượng và thương mại quan trọng.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc và các quốc gia khu vực, việc duy trì một kênh liên lạc và hợp tác tối thiểu với Taliban trở nên cần thiết. Các quốc gia lo ngại nếu để Afghanistan rơi vào hỗn loạn kéo dài, nước này có thể trở thành nơi ẩn náu của các tổ chức cực đoan như đã từng xảy ra. Thực tế khó thay đổi tại Afghanistan hiện nay là vị trí lãnh đạo của Taliban khá vững chắc khiến cộng đồng quốc tế, dù còn dè dặt, dần phải chấp nhận sự tồn tại của chính quyền này như một thực thể chính trị cần đối thoại.
Lịch sử đã cho thấy sự thất bại của chính sách áp lực tối đa trước đây. Lệnh trừng phạt và đóng băng không khiến Taliban nhượng bộ về nhân quyền. Ngược lại, nó làm tê liệt hệ thống y tế và giáo dục gây ra những hệ quả lâu dài. Ông Markus Potzel, đại diện Liên hợp quốc tại khu vực từng cảnh báo: "Cô lập Taliban chỉ dẫn đến phân mảnh, nghèo đói và xung đột nội bộ biến đất nước này thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố”.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo trong những năm qua do các áp đặt trừng phạt cũng khiến quốc tế không thể phớt lờ. Với 75% dân số sống dưới mức nghèo khổ và 4,4 tỷ USD viện trợ nhân đạo thiếu hụt, cộng đồng quốc tế buộc phải tìm cách vận hành các kênh hỗ trợ khác ngoài những kênh chính thức. Việc hợp tác với chính quyền Taliban trở thành sự lựa chọn hợp lý nhất lúc này để xử lý những vấn đề nhân đạo.
Thêm vào đó, qua quá trình đàm phán và phối hợp, việc tái thiết Afghanistan được tiến hành. Đầu tư của Trung Quốc vào khai thác khoáng sản trong những năm qua đã giúp chính quyền Taliban duy trì khả năng vận hành cũng như dần từ bỏ hoạt động bất hợp pháp. Sự ổn định chính quyền này sẽ dẫn đến ổn định an ninh khu vực. Nga, Trung Quốc, các nước Trung Á và kể cả Mỹ đang được hưởng lợi từ nỗ lực truy quét ISIS-K của Taliban thời gian qua. Rõ ràng, đó là những kết quả đáng để các bên xem xét lại mối quan hệ với Taliban như một chính quyền hợp pháp tại Kabul.
Hành trình từ "lực lượng nổi dậy" thành "đối tác quản trị" của Taliban phản ánh một chân lý trong quan hệ quốc tế: Lợi ích an ninh và kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu. Sự tham gia của Taliban tại COP29 hay Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg không xóa đi những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nhưng nó cho thấy một xu thế không thể đảo ngược, các cường quốc đang “làm lành” với Taliban để giải quyết những vấn đề cấp bách.
Dù tuyên bố "khác biệt lớn so với 20 năm trước", Taliban 2.0 vẫn duy trì các chính sách gây tranh cãi như gạt bỏ quyền của phụ nữ trong giáo dục và việc làm, đàn áp phe đối lập và giữ mối liên hệ với Al-Qaeda. Chính vì vậy, sau nhiều năm, sự công nhận Taliban vẫn đang diễn ra theo hai hướng trái ngược. Thông qua hợp tác kinh tế - kỹ thuật, cho phép họ tiếp cận nguồn lực để giải quyết vấn đề nhưng đồng thời vẫn duy trì áp lực về các vấn đề nhân quyền. Vì vậy, để hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Afghanistan, sẽ vẫn phải hy vọng vào khả năng cân bằng giữa áp lực quốc tế và cải cách nội bộ của chính các nhà lãnh đạo Taliban.