Tại sao ta đọc văn chương kinh điển?
Chẳng cần nhiều lời, hẳn bạn thấy mẩu văn nào thì dễ đi vào lòng người hơn. Việc đọc văn học kinh điển quan trọng như vậy đấy, ai biết khéo léo sử dụng điều mà những người-đáng-tin-cậy đã nói thì sẽ tăng hiệu quả giao tiếp và truyền đạt lên gấp nhiều lần.
Để bắt đầu trả lời câu hỏi này, ta hãy thử đọc hai mẩu sau đây.
1. Chiến tranh là một điều kinh khủng. Nó đầy ắp đau thương và chết chóc bất ngờ ập đến, ta không lường trước.
2. Bạn còn nhớ không những đoạn cuối cùng trong Chuông nguyện hồn ai” của Ernest Hemingway? Khi con ngựa của nhân vật Robert Jordan bị trúng một mảnh đạn từ quân địch, nó ngã đè lên cái chân anh bẹp gí. Biết mình sẽ chỉ cản trở chặng đường rút lui của những người đồng hành, anh bảo họ hãy ra đi và để mặc mình. “Đi đi”, anh nói, “trong chiến tranh có nhiều chuyện thế này lắm”. Và một người bạn anh đáp lời: “Chiến tranh là một sự khốn nạn”. Rồi người đó đi và anh nằm chờ chết.
Chẳng cần nhiều lời, hẳn bạn thấy mẩu văn nào thì dễ đi vào lòng người hơn. Việc đọc văn học kinh điển quan trọng như vậy đấy, ai biết khéo léo sử dụng điều mà những người-đáng-tin-cậy đã nói thì sẽ tăng hiệu quả giao tiếp và truyền đạt lên gấp nhiều lần.
Đâu phải ngẫu nhiên mà một nhà hùng biện bậc nhất như Obama chọn lẩy “Kiều” khi tới Việt Nam, và trong bài diễn văn trước khi rời khỏi Nhà Trắng, ông lại nhắc đến nhân vật Atticus Finch trong “Giết con chim nhại” để kêu gọi mọi người quan sát thế giới từ điểm nhìn của người khác. Nếu bạn cần một lý do thực dụng để đọc văn học kinh điển, thì đây, bạn đã có, và không cần đọc tiếp phần sau của bài viết này.
Có một thời điểm, tôi ngờ ngợ cho rằng người ta không cần đọc văn học kinh điển. Đơn giản bởi đã có quá nhiều người đã đọc nó hộ ta. Bạn cần hiểu về “Anh em nhà Karamazov”? Thay vì dành một hai tuần lễ để vục đầu trong vựa chữ dài 800 trang giấy bất tận của Fyodor Dostoevsky, bạn có thể chỉ cần một buổi tối lên Sparknotes, một website chuyên phân tích các tác phẩm lớn, và đọc tóm tắt cụ thể từng chương, rồi đọc phân tích chủ đề, biểu tượng, nhân vật trong tiểu thuyết ấy.
Muốn trích dẫn, bạn chỉ cần lên Goodreads. Hay là, một cách bớt công nghiệp, bạn có thể đọc bản rút gọn hay truyện tranh chuyển thể từ tác phẩm, mất công chút, nhưng âu cũng dễ dàng hơn đọc nguyên bộ nhiều.
Trong “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của nhà văn Ý Italo Calvino, một cuốn sách đang tiến tới địa vị một tác phẩm kinh điển, ông đã phân loại những cuốn sách không phải theo dòng trinh thám, lãng mạn hay lịch sử, mà là những mục đại loại như “Sách bạn đã lên kế hoạch đọc đã nhiều năm nay”, “Sách bạn muốn là của mình để nếu cần là có trong tay”, “Sách bạn cũng có ý đọc nhưng có những sách khác bạn phải đọc trước đã”, “Sách mà nếu có nhiều hơn một cuộc đời thì nhất định bạn cũng sẽ đọc nhưng chẳng may đời bạn chả được bao nhiêu”… và rồi trong đó có một mục là “Sách mà ai cũng đọc nên cứ như là bạn cũng đọc rồi vậy”. Bạn thân mến, ngoài những cuốn sách được truyền thông bưng bô lên một cách nhiệt liệt thì rất có thể những tác phẩm văn chương kinh điển cũng sẽ được xếp trong này.
Đã bao giờ bạn thấy mình mắc kẹt trong cái tình cảnh khi ai đó hỏi bạn đã đọc một cuốn sách nhất-định-phải-đọc nào đó chưa, chẳng hạn như “Giết con chim nhại”, mà bạn lại trót chưa đọc? Bạn sẽ thật thà trả lời bạn chưa đọc chứ? Hay bạn sẽ ậm ừ rằng bạn cũng đọc rồi. Thực ra nếu như bạn nói bạn đọc rồi cũng chẳng có gì sai cả. Rất nhiều người không cần đọc cũng biết về nội dung của nó: đại loại là một vị luật sư da trắng bào chữa cho một nghi phạm da đen bị buộc tội hãm hiếp một phụ nữ da trắng.
Và cũng chẳng cần đọc, chỉ cần có chút kỹ năng cảm thụ văn chương từ thời đi học là bạn đã có thể nói rằng đó là cuốn sách về công lý, về lòng dũng cảm, về nạn phân biệt chủng tộc. Bởi tất cả những người khác đã nói như vậy rồi. Mà những chân lý này thì khỏi đọc sách bạn cũng biết. Vậy, nếu chỉ cần lấy thông tin, nếu chỉ cần biết nội dung, cốt truyện và dăm ba thông điệp, thì không, bạn không cần gì phải đọc văn chương kinh điển cho mệt đầu.
“Kinh điển là những cuốn sách đến với ta mang theo hào quang của những diễn giải từ trước đó, và kéo lê theo đằng sau là dấu vết mà chúng để lại trong văn hóa và các nền văn hóa (hay đơn giản là trong ngôn ngữ và tập quán) mà chúng đi qua”, đây là một trong 14 định nghĩa của Italo Calvino về một tác phẩm kinh điển. Ý của Calvino là, bạn không thể đọc một tác phẩm kinh điển mà không có một định kiến từ trước.
Một người đọc Franz Kafka khó mà thoát được việc hiểu tác phẩm theo khung chiếu Kafkaesque mà những nhà Kafka học đã đặt ra, dù cho bạn đồng tình hay phản đối nó. Nhưng cũng chỉ khi thực sự đọc một tác phẩm, thực sự nhập vào thế giới ấy, ta mới biết nó khác với những gì ta tưởng tượng tới thế nào.
Và đây, điều tôi muốn nói, người ta đọc một tác phẩm kinh điển không phải để gật gù với những gì mọi người đã nói về nó, mà để thấy nó chưa chắc đã giống như những gì mọi người đã nói về nó. Trong vương quốc vô tận của văn chương, mỗi độc giả là một lãnh chúa tự xây nên lâu đài ngữ nghĩa của mình, xây từ gạch, từ mây hay từ thạch anh là quyền của người đó. Mà chẳng phải, khả năng gạt bỏ những mặc định nghiễm nhiên chính là bước đầu tiên của tư duy độc lập?
Lần đầu tiên khi đọc “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway, tôi nhận ra nó khác biết bao nhiêu so với cái gọi là cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên, sức mạnh phi thường của con người hay khát vọng sáng tạo của một người nghệ sĩ mà tôi từng được dạy.
Tôi nhớ mãi tình tiết ông già Santiago nằm mơ về thời trai trẻ nơi Phi Châu và thấy những đàn sư tử bên bờ biển, một tình tiết mà người ta thường phân tích như là ẩn dụ của sức mạnh, của niềm kiêu hãnh, sự tráng kiện, hoang dã, lòng ham sống ngùn ngụt nơi một kẻ đã bị đả bại bởi đại dương nhưng không bị khuất phục.
Đó là một cách nhìn. Nhưng với cá nhân mình, tôi lại thấy ở đó một khung cảnh tráng lệ đã mất đi và không có thật, người ngư già dường như là một kẻ mộng mơ chinh chiến với hiện thực khốc liệt, và dù chẳng có gì trong tay, nhưng ông vẫn có những giấc mơ sáng rỡ, nằm ngoài cái mõm của bầy cá mập, và chừng nào chúng còn ở đó thì không sao hết.
Thật là một tai họa nếu như người ta cứ phổ quát hóa một tác phẩm kinh điển bằng một vài danh từ, một vài tính từ, một vài chủ nghĩa, thậm chí là một vài lời nhắn nhủ. Nếu chỉ nghe nói về nội dung của “Kinh Thánh” (tôi coi đây như một tác phẩm văn chương kinh điển), một người có thể sẽ chỉ băn khoăn về việc nó đáng tin hay không đáng tin, có lý hay không có lý, nhưng khi thực sự đọc toàn bộ Kinh Cựu Ước và Tân Ước, một người (như tôi) lại nhận ra rằng điều đó chẳng đáng kể khi mà nó là tập hợp những câu chuyện hay, và điều này còn quan trọng hơn nhiều so với việc chúng có thật hay không. Nhờ vậy, sự tiếp xúc trực tiếp với một văn bản đã bị các học giả mổ xẻ quá nhiều và đóng đinh cách hiểu sẽ xây dựng cho ta thói quen luôn cố gắng truy xuất nguồn gốc của thông tin thay vì chỉ tiếp nhận nó qua những kênh trung gian - bước thứ hai của tư duy độc lập.
Đến đây, bạn có thể nói, vậy thì có nhiều cách khác để luyện tập tư duy độc lập, đâu nhất thiết phải đọc văn học kinh điển. Vâng, bạn hoàn toàn chính xác. Nhưng nói như Nabokov thì văn chương bắt đầu vào cái ngày cậu bé chăn cừu bịa ra chuyện con sói nhưng con sói không có thật, nghĩa là vốn dĩ văn chương là một thế giới vô hình nơi mọi sự đều có thể, nơi logic thông thường tê liệt, nên nó dung nạp mọi điểm nhìn.
Và mặc dù nó không phải thể loại sáng tạo duy nhất rộng cửa cho sự bay bổng của tư duy, nhưng là thể loại sáng tạo duy nhất đứng giữa cái mơ hồ và cái chắc chắn. Người ta không thể thay thế văn chương bằng phim ảnh hay sân khấu, những người em cũng gần gũi với văn chương.
Chẳng hạn, nếu đọc “Hóa thân”, ta sẽ thấy Franz Kafka chỉ nói Gregor Samsa biến thành một con côn trùng khổng lồ mà không nói đó là con côn trùng gì. Nhưng một khi đã biến thành điện ảnh hay sân khấu, một nhà làm phim bắt buộc phải cho con côn trùng ấy hiện hình, và làm mất đi tính bí ẩn của nó. Vì thế, điện ảnh hay sân khấu có giới hạn là giác quan của con người, còn văn chương thì khác, văn chương vượt ra khỏi cái nhìn, nghe, sờ, nắm.
Nếu như tất cả những lí lẽ đó vẫn chưa thể thuyết phục bạn, thì tôi chỉ còn muốn kể câu chuyện này, rằng trong một bài tiểu luận của Orhan Pamuk nói về “Ngàn lẻ một đêm”, ông có viết ở đoạn kết: “Có hai điều người ta luôn nói về “Ngàn lẻ một đêm”. Điều thứ nhất là không ai có thể đọc hết cuốn sách này từ đầu đến cuối.
Điều thứ hai là ai đọc cuốn sách này từ đầu tới cuối chắc chắn sẽ chết. Dĩ nhiên một người đọc tỉnh táo nhìn thấy cách hai cảnh báo này kết hợp với nhau hẳn sẽ đọc một cách thận trọng. Nhưng không có lí do gì để sợ hãi. Bởi vì tất cả chúng ta đều phải chết một ngày nào đó, cho dù chúng đọc “Ngàn lẻ một đêm” hay không.”
Nên, hãy đọc “Ngàn lẻ một đêm”, ít nhất khi chết, ta cũng chết khi đã đọc nó.