Ta và phim tiểu sử âm nhạc có thể tha thứ cho nhau?
Trong một bài viết về 10 bộ phim mình yêu thích nhất mọi thời đại, nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert đã nói một ý rằng, điện ảnh có một điểm yếu là khó có tính triết học, và vì thế, khó diễn tả được những gì thật sự sâu sắc. Tôi nhớ về câu nói ấy trong luồng tranh cãi về bộ phim “Em và Trịnh” khi nhiều khán giả cho rằng tác phẩm đã giản lược hóa Trịnh quá nhiều và thiếu đi chiều sâu.
Tất nhiên, quá dễ để chứng minh “Em và Trịnh” thiếu chiều sâu. Trong lá thư đầu tiên gửi Dao Ánh từ Blao, Trịnh Công Sơn viết rằng ông cảm thấy mình “Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì đó mang mang không rõ ràng”. Một mô tả như vậy cũng vô tình phù hợp cho hai bộ phim về ông, những bộ phim không tới mức khiến người ta thất vọng, nhưng cũng không đưa người ta tới đỉnh cao cảm xúc.
“Em và Trịnh” đã cố gắng mô tả “nỗi tuyệt vọng như một đóa hoa” của Trịnh Công Sơn bằng những thước phim đẹp: hiên nhà nơi Trịnh và những người bạn trong Tuyệt Tình Cốc đàn hát cho chị em Diễm, Ánh nghe “Tuổi đá buồn” thị trấn Blao buồn lạ lùng và góc bàn nơi Trịnh viết mấy trăm lá thư tình cho Ánh, những con phố Đà Lạt nơi Khánh Ly và Trịnh cùng rảo bước và hát... Mặc dù vậy, nỗi buồn đèm đẹp của phim dường như mới chỉ dừng lại là nỗi buồn của một tâm hồn mơ mộng, chưa phải nỗi buồn rất mực hư vô của người nhạc sĩ tự nguyện làm tên tuyệt vọng.
Kể cả nếu bỏ qua giọng Huế hơi gồng của hai diễn viên đóng Trịnh thời trẻ (Alvin Lu) và Trịnh trung niên (NSƯT Trần Lực), thì Trịnh Công Sơn được khắc họa trong phim, trớ trêu thay, đúng là mang tới cảm giác “một sự-xa-lạ, một inconnu, một étranger” như Trịnh từng dự cảm về cách mà Ánh sẽ nghĩ về ông khi gặp lại mình.
Không có ở đây một nhạc sĩ nhạy cảm tới mức nghe tiếng kèn đồng từ đồn lính xa cũng thấy buồn, không có ở đây một nhạc sĩ am hiểu về thi ca âm nhạc, làu làu thơ Apollinaire bằng tiếng Pháp hay nghe một bản cổ điển của Schubert, không có ở đây một con người say mê suy tư về hiện sinh, về Phật Giáo, về triết học của Sartre, của Camus, của Nietzche. Nhân vật vì vậy lãng mạn đó nhưng chỉ là lãng mạn của một chàng sinh viên mới vào đời và sau này là sự lãng mạn của một nhà thơ lãng đãng, không phải sự lãng mạn của một người bị quyến rũ bởi thế giới bỏ hoang của cô đơn.
Ngay cả âm nhạc của bộ phim, ngoại trừ việc “khai quật” ra Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly như một thế hệ hát Trịnh của tương lai, với tiếng hát khiến ta nhớ về lời nhạc sĩ từng định nghĩa về tiếng hát: “Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình”, thì phần còn lại cũng có thể bị phê bình là thiếu chiều sâu. Giọng hát của các diễn viên không thật Trịnh, không đủ buồn dâng mênh mang, không đủ cái quyến luyến với tha nhân, giọng hát của họ dễ thương, dễ trôi vào đầu nhưng cũng dễ trôi ra.
Bạn có thể chê trách tiếp cũng được. Khán giả, nhất là khán giả tinh hoa, có thể mặc sức phê bình “Em và Trịnh” cả chục trang giấy, nhưng chê là việc quá dễ, vấn đề là, khi ta nói đến những sự lỏng lẻo và hời hợt đó, ta có xét đến nó trong những hạn chế vốn có của một bộ phim tiểu sử âm nhạc thông thường?
Một tuần sau khi xem “Em và Trịnh”, tôi mở lại “Immortal Beloved”, một bộ phim tiểu sử về Beethoven do nam diễn viên nổi tiếng Gary Oldman thủ vai chính. Tôi chọn Immortal Beloved bởi bộ phim này, cũng như “Em và Trịnh”, kể về Beethoven qua những chuyện tình. Bộ phim lấy cảm hứng từ lá thư bí ẩn của Beethoven gửi cho một người phụ nữ được ông gọi là tình yêu bất tử. Người ấy là ai? – câu hỏi này đã gây tranh luận hàng trăm năm qua. Đạo diễn Bernard Rose cũng muốn tìm câu trả lời.
Nếu ví đời Beethoven là một bản nhạc thì có lẽ bộ phim là phiên bản trong đó bản nhạc liên tục được đánh ở trạng thái forte (rất mạnh). Mọi thứ ở đó dường như đều được cường điệu: sự điên rồ, tính khí thất thường, thói nạt nộ, trò hành hạ tâm lý người khác của Beethoven. Có cả một đoạn ông ném vung một chiếc ghế từ tầng lầu một khách sạn trong cơn giận dữ, có cả cảnh ông vừa chơi Moonlight Sonata xong đã nổi đóa với người phụ nữ ông yêu vì cho rằng mình bị lợi dụng. Nhưng sửng sốt hơn cả, là chi tiết trung tâm câu chuyện, khi đạo diễn thực sự tin rằng, tình yêu bất tử của ông là nàng Johanna, vợ của người anh trai, và kỳ thực đứa cháu mà ông bảo trợ là con ruột của ông.
Đạo diễn của bộ phim Bernard Rose thậm chí còn không cho rằng tác phẩm của ông là tiểu sử hư cấu, mà ông tuyên bố đã nhận dạng thành công người tình bí ẩn của Beethoven. Bất chấp sự phản đối của những tiểu sử gia đã thuộc lòng các cột mốc đời Beethoven, khán giả vẫn tương đối thích thú và chấm cho phim đạt số điểm 7,4 – số điểm khá trên Imdb, còn Roger Ebert rộng rãi chấm tận 3½ trên thang điểm 4. Khi nghĩ về những lời buộc tội kịch bản “Em và Trịnh” thêu dệt sự thật, tôi tự hỏi nếu một kiểu làm phim như “Immortal Beloved” được đưa về Việt Nam, người ta sẽ nói gì?
Nếu thường xuyên lùng tìm những bộ phim tiểu sử âm nhạc nước ngoài, bạn sẽ thấy các nhạc sĩ trong mắt các nhà làm phim không chỉ khác lạ, mà còn kỳ quặc. Trong “Impromptu”, Chopin gầy nhẳng ốm đau yểu mệnh được thể hiện bởi chàng diễn viên đẹp như tượng tạc Hugh Grant. Trong “Lisztomania”, cuộc đời Liszt được siêu thực hóa đến choáng váng, có cả một cảnh Liszt rơi vào một ảo giác tình dục màu mè tới mức dương vật cương cứng tới 3 mét, và sau đó Liszt bị lôi lên máy chém. Ở đó, ta chẳng thể tìm được Chopin với nỗi u sầu thấm đẫm các bản nhạc của mình, ta cũng chẳng nhìn Liszt như một người khổng lồ của âm nhạc thế giới, ta chỉ thấy họ rất quái đản, rất điên khùng.
Trong trường hợp bạn cho rằng đây đều là những nhà soạn nhạc cổ điển sống cách xa chúng ta hàng trăm năm nên việc bịa đặt là đương nhiên, vậy thì ta hãy quay lại với những bộ phim tiểu sử về những tên tuổi vĩ đại thế kỷ 20 và vấn đề còn trầm kha hơn của chúng. Những bộ phim này không khiến đầu ta quay như chong chóng giống các bộ phim về nhà soạn nhạc cổ điển, nhưng chúng lại đi vào công thức lối mòn.
“Vì sao phim tiểu sử âm nhạc thường phẳng lì?”. “Tại sao có quá nhiều phim tiểu sử âm nhạc dở tệ?”, đó chỉ là một vài trong vô số những tựa đề bình luận của các nhà báo nước ngoài trước làn sóng bùng nổ phim tiểu sử âm nhạc khoảng 5-6 năm nay. Một thiên tài âm nhạc cô đơn chiến đấu với những con quỷ bên trong mình những mong làm lại cuộc đời, chỉ một nội dung như thế là bạn có thể tạo ra cả tá kịch bản cho cuộc đời các huyền thoại, từ “Bird” (về nghệ sĩ saxophone Charlie Parker), đến “Born to be blue” (về ca sĩ và nghệ sĩ trumpet Chet Baker), đến “Miles Ahead” (về nghệ sĩ saxophone Miles Davis), “Stardust” (về nhạc sĩ David Bowie) đến cả những tác phẩm được đánh giá cao hơn như “Rocketman” (về danh ca Elton John), “Bohemian Rhapsody” (về danh ca Freddie Mercury và ban nhạc Queen), “Aretha” (về danh ca Aretha Franklin)... Thêm lối diễn xuất “copy-paste” (cắt-dán) từ phiên bản gốc theo kiểu Gương mặt thân quen, vậy là một bom tấn điện ảnh âm nhạc ra đời.
Ngay cả những bộ phim có vẻ không bị công thức hóa như “Nowhere boy” về John Lennon nhờ chọn thời điểm kể chuyện trước khi nhân vật nổi tiếng, bộ phim cũng đầy những chi tiết lệch lạc. Họa sĩ Trịnh Cung giận vì nhân vật Định Công trong “Em và Trịnh”? Ông chớ nên buồn, chí ít Định Công chỉ xuất hiện có vài phút. Trong “Nowhere boy”, nhân vật Paul McCartney – người bạn tri kỷ của John và là người đồng sáng lập The Beatles, còn bị John cho ăn một quả đấm vào giữa mặt. Tay bass huyền thoại sau này khẳng định rằng, “John không bao giờ đánh tôi”. Và nếu như Khánh Ly nói bà chẳng xem phim vì đã có Trịnh thật của mình rồi, thì Paul McCartney sáng tác bài hát có lời: “Họ không thể lấy những ký ức khỏi tôi, tôi đã sống qua những ngày tháng ấy”. Vậy mà, sau tất cả những giận dỗi của người trong cuộc, “Nowhere boy” vẫn được đón nhận, bất kể nó sai “sử” tới đâu. Tất nhiên, như Trịnh trong “Em và Trịnh”, chàng John trẻ tuổi trong bộ phim cũng chẳng có vẻ gì là hứng thú với triết học hay những câu hỏi khó, chẳng có vẻ gì là người sẽ sáng tác ra những bản nhạc bất hủ mai sau.
Vậy thì, điện ảnh bó tay ư? Chẳng nhẽ điện ảnh đành chấp nhận với những chân dung nhạc sĩ được mặt này thì mất mặt kia, thậm chí, chẳng được mặt nào, những chân dung hời hợt, công thức, bắt chước và vô vị? Cũng không hẳn. Đạo diễn Todd Haynes dường như có câu trả lời. Năm 2006, Haynes làm một bộ phim về Bob Dylan mà cũng không hẳn là về Bob Dylan. Trong phim, có tới 6 diễn viên cùng thủ vai Dylan, trong đó có cả một diễn viên nữ và một diễn viên da màu, mỗi người là một câu chuyện hoàn toàn không liên quan về Dylan, khi là một thi sĩ lập dị, khi là một người mộ đạo, khi là một thiếu niên lãng du, khi là một người phản chiến, khi là một kẻ sống lang thang ngoài vòng pháp luật. Ai là Dylan? Ai cũng là Dylan, Dylan là tất cả. Song, một “concept” như vậy lại cũng chỉ đúng với Dylan, người có lẽ là siêu sao đại chúng bí ẩn nhất trên thế gian này. Và một lần nữa, mọi sự đột phá khỏi công thức đều có thể phải trả giá bằng sự thịnh nộ của khán giả đại chúng không dễ làm quen với những điều liều lĩnh.
Câu trả lời cho điện ảnh thật ra có thể nằm ở ngay “Bohemian Rhapsody”, một bộ phim rất chỉn chu và cũng rất tồi, một bộ phim rất tồi nhưng lại cũng đầy cảm xúc về huyền thoại Freddie Mercury. Điều gì đã không chỉ cứu cho bộ phim ấy, mà còn khiến nó trở thành một hiện tượng phòng vé, một điển mẫu cho điện ảnh tiểu sử âm nhạc? Không gì khác, chính là âm nhạc. Chính 20 phút cuối cùng tái hiện lại màn trình diễn tráng lệ tột cùng ở “Live Aid” của Freddie Mercury đã khiến bộ phim nhấc bổng cảm xúc của ta lên, khiến đôi chân ta cũng như muốn bay theo điệu nhạc, khiến ta quên sạch những lầm lỗi trước đó của nó. Đó là điều mà tất cả những bộ phim tiểu sử tầm trung đã không làm được, trong đó rất tiếc có cả “Em và Trịnh”.
Cũng trong bài viết về 10 phim điện ảnh mà ông yêu nhất mọi thời, Roger Ebert nói thêm rằng điểm mạnh của điện ảnh là nó đi được vào cảm xúc một cách bao trùm và trực diện. Cho nên đôi khi, người ta chỉ cần một khoảnh khắc như vậy, một khoảnh khắc thăng hoa tuyệt đối và đỉnh điểm, để ta và phim ảnh tha thứ cho nhau.