Sức tàn phá của “một trạm xăng”

Thứ Sáu, 11/03/2022, 07:45

Dịch bệnh chưa qua, chiến tranh đã ập tới. Nền kinh tế thế giới lại đứng trước những thách thức chóng mặt. Ngay sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, các nước phương Tây đã có nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.Và, vòng xoáy trả đũa giữa hai bên đã được khởi động.

Lưỡng bại câu thương

Một trong những biện pháp trừng phạt đầu tiên mà phương Tây áp đặt là cấm các hãng hàng không Nga khai thác không phận của mình.Đáp trả ngay lập tức, Nga cũng thông báo “đóng cửa bầu trời” với 36 quốc gia phương Tây.Lập tức, một tình trạng hỗn loạn trên các tầng mây cựu lục địa xuất hiện. Nhiều chuyến bay đến và đi khỏi nước Nga phải hủy bỏ. Những đường bay qua Nga và Ukraine phải thay đổi. Các hãng hàng không buộc phải tìm đường bay mới dài và rắc rối hơn. Dĩ nhiên, thiệt hại là vô cùng lớn với cả hành khách cũng như hãng bay.

Sức tàn phá của “một trạm xăng” -0
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine gây xáo trộn lớn ở châu Âu.

Ngày 1-3-2022, 3 hãng tàu vận tải lớn nhất thế giới đồng loạt đưa ra thông báo sẽ không nhận đơn hàng vận chuyển đến và đi khỏi các cảng biển của Nga. Hệ thống vận tải biển toàn cầu vốn đang ngưng trệ sau 2 năm đại dịch COVID-19 lại một lần nữa "dính đòn", bởi các cảng lớn của Nga ở biển Baltic, biển Đen và Viễn Đông đều nằm trên những tuyến vận tải nối liền đại lục Á - Âu.

Không chỉ ngành vận tải, một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với các ngân hàng của Nga khiến các công ty Nga gặp khó trong tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. Những lệnh cấm này cũng đồng thời gây khó khăn cho tất cả đối tác nào có quan hệ làm ăn với Nga.

Điều đó cũng có nghĩa là... toàn bộ thế giới. Rõ ràng, khi áp đặt trừng phạt kinh tế lên một ai đó, cũng đồng nghĩa là tự trừng phạt mình bằng cách cắt quan hệ làm ăn với họ. Liên minh châu Âu (EU) sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi Nga là đối tác kinh tế lớn thứ tư của khối. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga như dầu thô, khí đốt, lúa mì, sắt, nhôm, nikel,... là “đầu vào” cho các ngành công nghiệp của châu Âu. Cắt đứt quan hệ làm ăn với Nga sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu.

Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công, Mỹ và EU đã nhanh chóng đưa các gói trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đồng thời cảnh báo chưa dừng lại.Dù ở thời điểm bài viết này lên trang, các nước phương Tây vẫn chưa đánh vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Moscow nhưng thị trường dầu thế giới vốn rất nhạy cảm với những biến cố chính trị.Vì vậy, sóng gió đã kịp nổi lên.Bởi, chỉ cần phương Tây đánh vào hệ thống tài chính hay các hãng vận tải Nga thì đã làm việc xuất khẩu dầu của Nga gặp khó khăn hơn. Với một quốc gia chiếm 14% sản lượng dầu thế giới, mỗi khó khăn nhỏ nhất đều sẽ ảnh hưởng đến thị trường chung. Chiến tranh leo thang còn kích thích tâm lý tích trữ dầu, dễ xảy ra đầu cơ càng khiến tình hình phức tạp. Điều này đặc biệt tác động tới EU vì khối này chỉ tự chủ được 13% nhu cầu nhiên liệu, còn lại phải nhập khẩu. Giá nhiên liệu tăng cao đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Về lâu dài, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ khiến hàng triệu người rời bỏ đất nước. Họ sẽ kéo sang các nước EU ở phía Tây tạo sức ép cho an sinh xã hội. Đây là vấn đề trực tiếp mà chỉ EU phải chịu bởi Mỹ và Anh, những nước thúc đẩy mạnh nhất việc trừng phạt Nga không có biên giới với Ukraine.Khi "cơn lên đồng" trừng phạt này qua đi, EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề.

Nga chỉ là “một trạm xăng”?

Các chuyên gia kinh tế của phương Tây từng nhận định rằng: Nga không có tác động quá lớn đến nền kinh tế toàn cầu và chỉ đóng vai trò như “một trạm xăng”. Thế nhưng, họ dường như bỏ qua việc: Xăng dầu chính là mặt hàng cơ bản nhất, quyết định khả năng vận hành của mọi nền kinh tế trên thế giới.

Chỉ vài giờ sau khi cuộc tấn công của quân đội Nga vào lãnh thổ Ukraine bắt đầu, những phản ứng đầu tiên đã nổ ra trên thị trường dầu mỏ thế giới. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng gần 10% ngay đầu phiên giao dịch ngày 24-2. Đến giữa ngày hôm đó, khi những thông tin về cuộc tấn công của Nga đã loan đi khắp thế giới, giá dầu chính thức vượt mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Mức giá đó đã đạt vượt ngưỡng tâm lý, đủ khiến cho thị trường phải chao đảo.Đến ngày 2-3, giá dầu đã có lúc vươn lên mức 116 USD/thùng, mức giá tương đương với đỉnh năm 2014.Dĩ nhiên, nếu cuộc chiến còn kéo dài, giá dầu sẽ còn lên nữa.

Nga, với năng lực sản xuất 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, không dễ để thay thế. Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) nay đã hoạt động trong khuôn khổ mới là OPEC+ với vai trò lớn của Nga sẽ không để các nước phương Tây dẫn dắt như trước. Việc UAE - thành viên quan trọng của OPEC, một đồng minh của Mỹ - bỏ phiếu trắng một dự thảo nghị quyết đòi hỏi Nga rút quân, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc hôm 25-2 vừa rồi, cho thấy những sự giao cắt chồng chéo và phức tạp về mặt lợi ích. Phương Tây dù có gây sức ép lên các nước OPEC cũng khó được thỏa mãn, khi bản thân các nước này cũng đang hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao.

Sức tàn phá của “một trạm xăng” -0
Dầu và khí đốt của Nga có tác động lớn đối với thị trường thế giới.

Vì là nguyên nhiên liệu cơ bản của mọi nền kinh tế, giá dầu tăng sẽ làm giá hàng hóa tăng theo. Khi đó, lạm phát là không thể tránh khỏi. Lạm phát tăng cao sẽ gây khó khăn cho tiêu dùng, làm chậm lại đà phục hồi kinh tế vốn đã mong manh hiện tại. Nên nhớ, từ cuối năm 2021 tới nay, cả Mỹ và EU đang đứng trước ngưỡng lạm phát kỷ lục do giá dầu vốn đã cao trong nhiều tháng trời. Đây là tin xấu với những nền kinh tế này, buộc các chính phủ phải tăng cường can thiệp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã được nhận định sẽ sớm phải ra thông báo tăng lãi suất tiết kiệm để kìm giữ lạm phát trong nước. Các chính phủ ở châu Âu sẽ còn bất lực nhìn lạm phát tăng cao, khi giá nhiên liệu vẫn tăng phi mã như vậy. Nỗi ám ảnh của các nhà kinh tế phương Tây đã trở lại, ngay khi họ vừa thu được những tín hiệu tích cực đầu tiên sau 2 năm đương đầu với dịch bệnh.

Trong Thông điệp Liên bang Mỹ được Tổng thống Joe Biden đọc trước lưỡng viện hôm 2-3 vừa qua, ông chủ yếu nhấn vào những giải pháp kinh tế chứ không phải ngoại giao. Theo đó, nước Mỹ sẽ ngay lập tức mở kho chứa dầu dự trữ khối lượng 30 triệu thùng để ổn định giá dầu trong nước, kích thích sản xuất và tiêu dùng nội địa để giảm phụ thuộc vào cung ứng từ bên ngoài, đồng thời đưa ra loạt gói hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế nhằm kìm giữ lạm phát. Phối hợp cùng Mỹ, các nước đồng minh đã mở kho dự trữ dầu với tổng khối lượng 60 triệu thùng.Nhưng, con số này chỉ là muối bỏ bể so với lượng xuất khẩu gần 400 triệu thùng của Nga trong năm 2020.

Không chỉ dầu, khí đốt của Nga cũng đang là mặt hàng thiết yếu với châu Âu, khi chiếm 40% lượng tiêu thụ của thị trường này. Mới đây, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra 3 kịch bản với nền kinh tế thế giới trong thời gian tới, trong đó nhận định: cuộc xung đột tại Ukraine sẽ tác động đến tăng trưởng, lạm phát và chính sách tiền tệ của thế giới.

Kịch bản lạc quan, cuộc xung đột nhanh chóng kết thúc sẽ kịp ngăn chặn một vòng xoáy tăng giá nữa trên thị trường hàng hóa giữ cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ và châu Âu đi đúng hướng.

Kịch bản thứ hai, nếu xung đột kéo dài, phương Tây phản ứng cứng rắn hơn và có sự gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga. Điều này sẽ gây ra cú sốc năng lượng tạo áp lực lên thị trường toàn cầu. Ở kịch bản này, giá dầu sẽ vượt 120 USD/thùng, lạm phát của khu vực đồng euro sẽ ở mức 4% còn Mỹ sẽ là 6% trong năm nay. Nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào trạng thái bất ổn nghiêm trọng.

Kịch bản xấu nhất là xung đột leo thang hơn nữa. Đáp lại các lệnh trừng phạt, Nga sẽ đóng van khí đốt tới châu Âu.Khi đó, kinh tế châu Âu chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái, trong khi Mỹ phải thắt chặt các điều kiện tài chính, mất đà tăng trưởng. Đây là kịch bản tồi tệ đối với nền kinh tế thế giới nói chung bởi dù sao châu Âu và Mỹ vẫn là hai trụ cột chính của nền kinh tế nhân loại.

Cả 3 kịch bản này đều liên quan tới diễn biến của cuộc xung đột tại Ukraine. Rõ ràng, sức ảnh hưởng của “một trạm xăng” đối với nền kinh tế toàn cầu không nhỏ như người ta nghĩ.

Tử Uyên
.
.